Nên đăng ký nguyện vọng xét tuyển trực tuyến hay bằng giấy?
Năm nay, quy định mới là thí sinh được chọn một trong 2 phương thức đăng ký nguyện vọng: bằng giấy hoặc trực tuyến.
Học sinh tham gia chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức – NGỌC DƯƠNG
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nói: “Đăng ký xét tuyển vào ĐH có thể thực hiện bằng giấy hoặc trực tuyến nhưng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT bắt buộc phải bằng giấy. Việc điều chỉnh nguyện vọng năm nay cũng thực hiện hoàn toàn trực tuyến, không được chọn lựa bằng giấy hoặc trực tuyến như năm trước”.
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: “Các bạn có thể lựa chọn ngành học gần với ngành mình thích mà vẫn phù hợp với bản thân”.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, khuyên: “Để đăng ký trực tuyến cần có những nền tảng trực tuyến tốt, khi đó việc xét tuyển hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên những thí sinh chưa tự tin hoặc ở những khu vực điều kiện thực hiện đăng ký trực tuyến khó khăn thì nên đăng ký trực tiếp. Việc đăng ký trực tiếp tại trường THPT với sự hỗ trợ của các thầy cô sẽ hướng dẫn kỹ lưỡng”.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: “Các bạn nên lượng sức mình và chọn những ngành học phù hợp hoặc những ngành học gần với đam mê, sở thích của mình”.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho biết: “Việc đăng ký trực tuyến nếu không rõ, thí sinh có thể tham vấn thêm ý kiến của thầy cô giáo trường phổ thông”.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến: “Thí sinh có thể sử dụng công nghệ bằng các bài trắc nghiệm trên các phần mềm để tìm hiểu mình có năng lực gì, phù hợp với lĩnh vực nghề nào”.
Video đang HOT
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khuyến khích đăng ký hồ sơ bằng giấy để thầy cô xem lại và tư vấn cho thí sinh như thế đã chính xác chưa, cách sắp xếp nguyện vọng có hợp lý hay không…
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Nova: “Lý tưởng nhất nếu các em có nguyện vọng yêu thích, phù hợp với năng lực cá nhân và hoàn cảnh”.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý: “Tôi cũng khuyến khích các em nên sử dụng hình thức đăng ký bằng giấy để cho an toàn hơn là đăng ký trực tuyến”.
Làm gì sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT?
Hôm nay (27.8), các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (đợt 1) đã biết kết quả. Thí sinh cần làm gì để có thể xét tuyển vào trường, ngành học yêu thích là vấn đề đang được quan tâm hiện nay.
Các chuyên gia tham dự buổi tư vấn chiều 26.8 tại Báo Thanh Niên - ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Chiều 26.8, tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức, các chuyên gia đến từ các trường ĐH đã có những lưu ý cần thiết cho thí sinh (TS) ngay khi biết kết quả thi. Chương trình trực tuyến ở các địa chỉ: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Đừng so sánh kết quả của mình với người khác
Đề cập đến các vấn đề TS cần lưu ý, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho rằng điều quan trọng đối với TS ở thời điểm hiện tại là lưu ý các mốc thời gian trong quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo thạc sĩ Nguyên, các mốc thời gian cụ thể mà TS cần lưu ý là sau 27.8, Bộ GD-ĐT công bố kết quả, từ 27.8 - 5.9, TS làm phúc khảo nếu chưa hài lòng với điểm thi, chậm nhất ngày 4.9 các trường phổ thông gửi giấy tốt nghiệp tạm thời. Trước 8.9, các trường công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Từ ngày 9 - 18.9 điều chỉnh nguyện vọng và trước 17 giờ ngày 27.9, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển đợt 1.
"Sau khi biết điểm, TS nhớ kiểm tra điểm trúng tuyển các năm trước đó. Lưu ý về thời gian điều chỉnh nguyện vọng. Sau khi điều chỉnh nguyện vọng xong, nên kiểm tra lại có chính xác hay không, mã ngành, mã trường, tên ngành, tên trường... Nếu không, các bạn sẽ không có cơ hội điều chỉnh được nữa", thạc sĩ Nguyên nhắn gửi.
Thạc sĩ Nguyên cũng khuyên TS nên tìm hiểu học phí các trường; tham chiếu, hỏi ý kiến từ nhiều nguồn, nhất là sinh viên đang học tại các trường mình muốn theo để an tâm và bình tĩnh chọn phương án xét tuyển.
Còn thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, lưu ý: "Hôm nay các bạn đã có kết quả, sau đó có giấy chứng nhận tạm thời. Dù có chuyện gì xảy ra cũng cần tự hào với kết quả này. Kết quả có không như dự kiến, TS cũng đừng nên mang ra so sánh với các bạn khác. Hơn nữa, hiện nay có rất nhiều cách để lựa chọn vào học các trường ĐH nên đừng quá lo lắng và áp lực vào kết quả".
Đồng quan điểm, tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt - Đức, khuyên TS không nên quá lo lắng dù kết quả có thế nào, vì hiện nay TS có rất nhiều cơ hội với các cách xét tuyển khác nhau vào các trường.
Theo tiến sĩ Huy, có 2 loại giấy quan trọng mà TS cần lưu ý là giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT. Giấy chứng nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT có mã vạch, chỉ có 1 bản. Trường sẽ nhập mã này vào hệ thống nếu TS lựa chọn trường đó nhập học. Vì vậy, TS phải giữ giấy chứng nhận này thật kỹ và cũng không được photo gửi cho nhiều trường khác nhau.
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy cho rằng Trường ĐH Việt Đức đã hoàn thành xong 2 phương thức là thi đánh giá năng lực và xét tuyển học bạ. TS ngay khi nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, cần đến trường làm thủ tục nhập học. Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, TS thuộc diện tuyển thẳng cần làm thủ tục trước ngày 5.9.
Lưu ý khi thay đổi nguyện vọng
Tại chương trình, có nhiều TS quan tâm các trường còn tiếp tục nhận hồ sơ xét học bạ không, có những điều chỉnh gì về phương thức xét tuyển...?
Về vấn đề này, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho biết trường có thay đổi thời gian, cách thức nộp hồ sơ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chẳng hạn, trường có thêm phương thức xét tuyển là xét điểm học bạ THPT lấy điểm 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 năm lớp 12). Hiện nay trường đang xét học bạ đợt 3 và TS cần tranh thủ vì chỉ tiêu không còn nhiều.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư lưu ý: "Nếu thay đổi nguyện vọng, TS chỉ chọn một trong 2 cách hoặc bằng giấy hoặc trực tuyến. Khi biết điểm rồi, nếu kết quả như dự đoán thì giữ nguyên nguyện vọng. Đừng lăn tăn nhìn sang các bạn khác, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý".
Ở góc độ khác, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên khuyên: "Phương thức xét tuyển ảnh hưởng tới học bổng. TS có thể căn cứ điểm thi, số chỉ tiêu từng phương thức xét tuyển hoặc mức học bổng để điều chỉnh nguyện vọng của mình cho đúng".
Ở thời điểm này, nhiều TS băn khoăn đã nộp hồ sơ xét học bạ và nhiều khả năng trúng tuyển. Vậy có thể nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét tuyển khác không?
Thạc sĩ Cao Quảng Tư cho biết các trường không giới hạn phương thức xét tuyển cho TS nhưng TS chỉ được chọn một phương thức để nhập học.
Năm nay, nhiều TS cũng quan tâm đến các chương trình liên kết quốc tế, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không thực hiện được kế hoạch du học. Thạc sĩ Cao Quảng Tư cho rằng ở VN có rất nhiều lựa chọn để đáp ứng nguyện vọng của các TS này.
Những thay đổi trong phương án tuyển sinh các trường
Vào 14 giờ 30 hôm nay (27.8), Báo Thanh Niên tiếp tục thực hiện chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình với chủ đề "Những thay đổi trong phương án tuyển sinh các trường". Chương trình được phát sóng trên các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.
Hôm nay, thí sinh đã biết kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kết quả này vừa sử dụng xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa được sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Chương trình tư vấn hôm nay với chủ đề "Những thay đổi trong phương án tuyển sinh các trường" sẽ cung cấp tới thí sinh những thông tin mới nhất về tuyển sinh các trường, đặc biệt là dự báo về điểm nhận hồ sơ xét tuyển.
Chuyên gia tư vấn tham dự chương trình gồm: thạc sĩ Trần Hải Nam, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Văn Hiến; thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; thạc sĩ Trần Phán Lịnh, Tổ trưởng Tổ công tác tuyển sinh Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM.
Các sai lầm cần tránh khi đăng ký nguyện vọng Trong chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề 'Đăng ký nguyện vọng thông minh', các chuyên gia nêu lên những lỗi thí sinh cần lưu ý khi đăng ký xét tuyển. Học sinh lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học từ ngày 27.4 - 11.5 - ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH...