Món ngon nhờ lá gia vị Tây
Theo chuyên viên tư vấn ẩm thực Võ Hoàng Nhân, Câu lạc bộ bếp chuyên nghiệp Sai Gòn, lá gia vị tây là thành phần không thể thiếu để tạo nên hương vị và tăng thêm phần hấp dẫn cho các món Tây. Cùng với sự du nhập của các món ăn, lá gia vị tây hiện cũng được bày bán khá phổ biến tại TP.HCM ở hai dạng tươi và khô.
Parsley (mùi/ ngò tây): Gần giống ngò ta nhưng có màu xanh đậm hơn, lá xoăn hơn. Thường được dùng làm xốt lạnh, nấu nước dùng, trang trí món ăn. Giàu chất sắt, natri, vitamin C, còn được dùng để nấu lấy nước uống, có tác dụng lọc chất độc cho thận rất tốt. Giá: 21.500đ/100g lá tươi.
Basil ( quế tây): Gần giống rau quế Việt; có vị hơi cay, hơi ngọt. Basil hợp với những món ăn đi kèm với cà chua như xúp, salad, pizza, xốt mì Ý; dùng để trang trí món ăn. Basil làm cho món ăn có vị tươi mát. Giá: 23.500đ/100g lá tươi.
Rosemary ( xạ hương, hương thảo): Thích hợp để tẩm ướp các loại thịt gia cầm, gia súc: lợn, gà, thỏ, cừu làm món nướng; làm xốt nóng dùng kèm với thịt bò, dê, cừu; nêm xúp hay các món hầm. Giá: 48.500đ/100g lá tươi; 71.000đ/lọ (9g) lá khô. Thị trường còn có bán cây Rosemary để mang về nhà trồng; giá: 250.000đ/cây nhỏ, 500.000đ/cây lớn.
Thyme ( húng tây, bách ly hương): Thường dùng để tẩm ướp thit gia cầm; nấu với các loại xúp đậu cần hầm lâu, thịt bò hầm… Giá: 37.000đ/100g.
Dill (thìa là tây): Như thìa là Việt Nam. Có cả dạng lá tươi và hạt. Thường dùng làm nước xốt ăn kèm dưa chuột, nấu xúp; ăn với khoai tây luộc, hải sản… Giá: 15.000đ/100g lá tươi; 95.000đ/lọ (8g) hạt khô.
Video đang HOT
Sage ( xô thơm): Có mùi nồng, ấm và hơi đắng. Sage thích hợp để tẩm ướp các loại thịt gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, thịt lợn để làm món nướng; ăn với các món ăn béo và bùi. Giá: 23.000đ/100g lá tươi; 68.000đ/lọ (14g) lá khô.
Peppermint ( bạc hà tây): Như lá bạc hà ta, có mùi thơm nồng, vị cay. Dùng để làm xốt, làm bánh, trang trí. Giá: 15.000đ/100g. Loại xốt từ lá tươi: 100.000đ/250ml.
Aregano (lá kinh giới cay): Dạng khô, dùng làm xốt bánh pizza. Giá: 69.000đ/lọ (21g).
Bay leaf (nguyệt quế): Dạng khô, rang sơ, sử dụng làm xốt cà chua, kem, hải sản… Giá: 87.000đ/lọ (3g).
Tarragon (ngải giấm): Dạng khô, dùng để tẩm ướp các loại thịt gia cầm, hải sản cho món nướng. Giá: 60.000đ/lọ (5g).
Theo eva
Mẹo dùng lá gia vị tây
Ngày nay, nhờ sự giao lưu văn hóa ẩm thực, các món ăn tây không còn xa lạ gì với người Việt và lá gia vị tây cũng được bán nhiều trong siêu thị. Vài mẹo nho nhỏ sau sẽ giúp bạn dùng lá gia vị tây hiệu quả.
Gia vị tây có thể chia làm hai nhóm chính: thảo mộc (herb) là loại gia vị từ lá hay thân cây và gia vị (spice) từ rễ, quả hay hạt. Tuy nhiên, cách phân loại này chỉ tương đối. Lá gia vị thường có loại tươi hoặc khô.
Khi chọn mua lá gia vị tươi, nên chọn thân cứng cáp, lá tươi xanh, khô ráo và ngửi có mùi thơm. Lá khô thi chọn loại được đóng lọ chắc chắn.
* Cách chế biến
- Chỉ nên rửa lá gia vị trước khi sử dụng vì độ ẩm cao sẽ làm lá mau hỏng. Sau khi rửa sạch, vẩy khô lá bằng rổ quay ráo nước hoặc dùng khăn giấy lau khô.
- Dùng dao sắc bén hoặc kéo cắt lá gia vị, để lá tươi xanh và giữ nguyên hương vị. Dao không bén làm lá bị giập, không đẹp mắt.
- Lá gia vị tươi thân mềm, phù hợp cho các món ăn xào, nướng và thường cho vào bước sau cùng khi nấu để mùi vị và màu sắc nguyên vẹn. Dùng để nêm lên món ăn khi dọn ra hoặc cắt nhỏ trộn vào món ăn như rắc lên pizza, làm xốt, trộn salad như húng tây (basil), ngò tây (parsley), kinh giới (oregano)...
- Lá gia vị khô hoặc thân cứng có mùi vị đậm hơn, thường cho vào từ đầu, trước khi đổ nước để hương thơm thấm quyện vào thức ăn, thích hợp với các loại lá nguyệt quế (bay leaf), hương thảo (rosemary), cỏ xạ hương (thyme)...
- Có thể kết hợp lá khô, cho vào khi nấu và lá tươi rắc lên mặt khi dọn ra, mùi vị của món ăn sẽ đặc biệt hơn.
- Trong trường hợp không có sẵn lá tươi, dùng lá khô thay thế theo tỷ lệ 1 lá khô thay cho 1,5 lá tươi.
* Bảo quản
Các loại lá gia vị tươi khá đắt, thường được đóng gói sẵn với lượng nhiều nên nếu dùng không hết dễ hư hao, rất lãng phí. Vì vậy, có thể bảo quản chúng theo nhiều cách sau:
- Bảo quản tươi: tỉa sạch đất cát ở phần rễ và nhặt bỏ lá úa, để nguyên không rửa, bọc lá gia vị trong khăn giấy thấm ướt và cho vào túi có khóa kéo hoặc hộp kín. Để trong tủ lạnh ngăn ít lạnh nhất. Có thể bảo quản khoảng năm ngày. Mỗi ngày nên mở ra xem và loại bỏ tiếp những lá bị hư úa.
Có thể đặt lá gia vị vào một hũ nhỏ, rễ phía dưới, cho nước ngập rễ, phía trên bao một túi nhựa, cột chặt lại, thay nước mỗi ngày. Lá có thể tươi khoảng một tuần.
- Đông lạnh: cách bảo quản này tuy có thể để lâu đến vài tháng, nhưng mùi vị và màu sắc bị giảm. Trải lá gia vị sạch đã cắt hoặc nguyên thân lá lên một vỉ nướng để vào tủ đông. Ngày hôm sau lấy lá đã đông ra xếp vào hộp kín và để đông tiếp, lấy ra khi cần sử dụng. Có thể cắt nhỏ lá cho vào khay đá, đổ nước vào, để ngăn đá cho đông.
- Bảo quản bằng giấm: rửa sạch và lau khô lá gia vị, cho lá vào chai thủy tinh rồi đổ giấm vào, lượng giấm gấp ba lượng lá, có thể thêm vài lát tỏi hoặc tiêu để tăng thêm mùi vị. Đậy kín chai, để ở nhiệt độ phòng nơi khô ráo và tối. Mùi vị sẽ "tới" sau bốn-sáu tuần. Dùng trộn xà lách hoặc ướp thức ăn.
- Bảo quản bằng dầu: cách bảo quản này phù hợp với những món hầm, nướng hay xúp, món dùng dầu khi bắt đầu nấu, đặc biệt với những loại thân cứng như húng tây, hương thảo... Cắt nhỏ lá gia vị hoặc để nguyên, bỏ lá vào khay đá nhỏ, đổ dầu hoặc bơ tan chảy nguội phủ lên lá, dùng màng nhựa bọc lại, cho vào ngăn đá. Hôm sau lấy ra khỏi khay, cho vào túi khóa hoặc hộp nhỏ bảo quản dùng dần.
Sử dụng lá gia vị khô tiện lợi hơn, chỉ cần để trong lọ kín, đặt nơi tối, không ẩm ướt. Trước khi dùng nên kiểm tra, nếu màu nhạt, bay hết mùi là đã hỏng. Thông thường, chỉ sử dụng gia vị không quá sáu tháng sau khi mở nắp lọ.
Theo Eva
[Chế biến] - Bắp bò ướp hương thảo bỏ lò Mùi thơm của hương thảo, nguyệt quế quện với vị đậm đà các loại gia vị ngấm trong thớ bắp bò khiến người ăn ứa nước miếng. Chuẩn bị: - 0,5 kg bắp bò - Lá nguyệt quế, hương thảo (rosemary) - Hoa hồi, quế, gừng nướng, hạt tiêu sọ - 1 nhúm muối Cách làm: - Hòa tan muối vào 2l nước...