Lần đầu thử món canh “tìm sướng trong đa khổ”
Lẽ thường, đa phần người ta hảo ngọt. Còn nhúm nhỏ anh em chúng tôi lại ưa song tấu “đắng có hậu”. Dòng đời, vốn đa chiều mà!
Trưa đầu năm, một anh bạn chủ quán ở Mỹ Tho đãi chúng tôi món canh chưa có trong thực đơn. Thế mà, ai nấy đều gật gù tán thưởng.
Nước canh ngọt thơm thanh thoát đến sững sờ. Mặc dù người nấu không cần nêm bột ngọt mà nó vẫn tròn vị mới nhớ đời chứ.
Thật ra, trước đó gia chủ mua được hai con cá trê hường “chà bá lửa” (rất lớn) từ mối ghe câu cơm gạo – đêm ngày nổi trôi mưu sinh trên dòng sông Tiền. Con lớn, nặng đến 5.1kg. Con nhỏ, cũng nhỉnh cân hơn mức 2kg. Đó là một loại cá trê đột biến, cũng chẳng rõ “gốc gác” trong tự nhiên hay từ nguồn nuôi cá kiểng thoát ra.
Thế là, tôi đề nghị mang nấu canh với mớ rau đắng đất và đọt hoặc tược (nhánh chồi) khổ qua.
Nhưng do vào dịp này, nhà vườn đang dưỡng dây khổ qua để nuôi trái bán Tết âm lịch, cho nên anh bạn cưỡi xe gắn máy “rảo” (tìm kiếm nhiều bận) khắp 3 – 4 chợ ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, vẫn không tìm ra mớ rau khổ qua như yêu cầu. Bù lại, có gần chục trái khổ qua ta, da nổi màu xanh đậm như nước Biển Đông, gai chi chít tựa như khổ qua rừng. Ưu điểm của chúng là “cơm” rất giòn và chan chứa hậu vị ngọt thanh hơn các giống khổ qua “da” trắng xanh khác.
Gió chướng về, đón rau đắng đất lên mâm!
Và có lẽ chỉ có dân rặt miền Tây mới rành sáu câu nghệ thuật thưởng thức rau đắng đất. “Nhúng “tụi nó” (trong nước sôi) vừa ướt mình thôi – vớt ra liền. Ăn tới đâu, nhúng tới đó mới đã đời!”, thầy giáo Võ Minh Chánh, ở TP.Mỹ Tho, chia sẻ.
Bởi nếu ngâm rục rau trong nước sôi, sẽ đắng đến trân mình.
Với lại, điểm cộng dễ thương của cả hai loại rau này là chất chứa hậu vị ngọt thanh đến lạ lùng. Dĩ nhiên, trước đó chúng đều nổi lên vị đắng “dữ dằn” lắm.
Thông thường, dân Nam bộ không ghép chúng thành đôi trong dĩa rau sống ăn kèm với tô mắm kho hoặc dĩa cá đồng kho lạt hay nồi cháo cá lóc chen nấm rơm ngọt ngào. Bởi họ sợ rằng, đắng đụng đắng sẽ thêm khó nuốt.
Nhưng sự thật không phải vậy! Khi vừa tiễn xong gần nửa chén rau đắng đất “ướt mình”, tôi liền dùng đũa “cặp cổ” một miếng khổ qua vừa chín tới (xắt khổ vuông cỡ hai lóng tay) cho vào miệng ngay. Nhai chậm rãi. Nào ngờ, không hề có cảm giác đắng tí nào. Chỉ gặp toàn vị ngọt thanh tân trỗi lên mới lạ đời!
Và phải công nhận, nghe thèm ăn “dã man” luôn!
Món canh “tìm sướng trong đa khổ” đang kể, nhâm nhi với mấy ly “đế nhà nấu” hoặc đưa cơm/bún đều mượt mà vô cùng. Nhất là, những lúc co ro lạnh.
Video đang HOT
Vả lại, khứa thịt cá trê sông thật săn chắc, ngọt bùi tựa thịt cá ngát loại lớn. Và nó cũng không hề tanh như miếng thịt bở rệu, của dòng cá trê phi nuôi, thường bán trong các quán cơm bình dân ở Sài Gòn.
Thêm mê say từng khứa cá ngọt bùi!
Chợt nhớ đến lời giảng giải của vị thầy thuốc thừa triều Nguyễn – ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, ở quận Gò Vấp, TP.HCM: “Đắng mà làm ta thức tỉnh (hệ thần kinh trung ương) mới là đắng có lợi, trong thực phẩm.”
Hay nói như các nhà bình luận kinh tế, hãy mạnh dạn tìm cơ (hội) trong cơn bão nguy (nan). Đương nhiên, không phải trận nào cũng “ăn may” cả. Song chỉ cần, thắng đậm một “keo” trong tám – chín trận thua, cũng “đáng tiền” rồi.
Trở lại chuyện sáng tạo miếng ngon trong nghề bếp, cũng trầy trật không kém cụ Tú Xương đi thi đâu. Vậy mà, vẫn có người thành công!
Sau cùng, xin cảm ơn anh bạn tốt bụng, đã nhẹ đưa tôi về “góc trời mẹ quê” mát rượi, với nồi canh rau đắng – cá đồng phá cách thơm phức “vị đắng tình đời”!
Món ăn ngày mùng Một đem lại may mắn, phước lành cả năm
Theo quan niệm lâu đời truyền đến ngày nay, những món này sẽ góp phần mang lại may mắn, phúc lộc cho mọi người mọi nhà.
Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng và bánh tét đều cùng nguyên liệu chung là gạo nếp ngon, thịt mỡ và đậu xanh. Tuy nhiên mỗi vùng miền lại có bí quyết riêng để hai loại bánh này có vị thơm ngon đặc trưng riêng đấy nhé!
Tuy hình dáng bánh chưng vuông vức, góc cạnh còn bánh tét thì thon dài nhưng đều mang chung một ý nghĩa. Đó là lòng biết ơn vô bờ đối với cha ông và đất trời. Nhờ các vị tổ tiên hào kiệt hi sinh và thiên nhiên trù phú mà người dân Việt Nam được đón Tết trong hoà bình, ấm no.
Dưa hấu
Ảnh minh họa
Dưa hấu là một loại quả ăn rất ngọt và mát, thường được dùng làm món tráng miệng trong những mâm cỗ ngày Tết. Dáng hình quả dưa tròn trịa, còn ruột dưa thì đỏ thắm tượng trưng cho may mắn, phúc lành.
Ngoài ra, khi ăn dưa sẽ cảm thấy xôm xốp giống như "cát", từ này đồng âm với từ "cát" trong tiếng Hán, mang nghĩa cát tường, thịnh vượng. Đồng thời dưa hấu có nhiều hạt tượng trưng cho con cháu đầy nhà, phúc lộc viên mãn.
Đu đủ
Đu đủ là một trong năm loại trái cây của mâm ngũ quả "cầu sung dừa đủ xoài". Với ý nghĩa đủ đầy, sung túc, đu đủ là một loại trái thường được cúng cũng như ăn tráng miệng trong dịp lễ Tết.
Màu cam của đu đủ chín là biểu tượng của sự năng động, xông pha, không ngại khó. Không những vậy, đu đủ còn chứa rất nhiều hợp chất tốt cho sức khoẻ như các chất chống oxy hoá, vitamin C và vitamin A nữa đó.
Gà luộc
Gà luộc là một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Thông thường, người ta sẽ luộc gà nguyên con, sau đó chặt nhỏ để tạo dáng chúng và dùng với muối tiêu chanh. Mỗi con gà nằm trên đĩa với lớp da vàng óng mượt, bóng bẩy, tượng trưng cho một năm mới an khang, vạn sự như ý.
Để thịt gà ngon và đẹp mắt, bạn cần lưu ý vài điểm nho nhỏ để sau khi luộc gà không bị nứt da mà da vẫn vàng mượt. Ngó qua bài viết sau để bỏ túi những bí quyết luộc gà ngon cho dịp Tết này nhé.
Xôi gấc
Theo quan niệm của người Việt, màu đỏ là màu của ngày Tết, tượng trưng cho may mắn, vận đỏ sẽ tới trong năm mới. Vì vậy, xôi gấc là một món ăn có mặt trên bàn tiệc ngày Tết để đem lại an vui, thịnh vượng, cát tường cho mọi người.
Từng hạt gạo nếp dẻo thơm được nhuộm bởi màu đỏ đẹp tự nhiên của gấc, lại vô cùng bổ dưỡng vì trong gấc chứa rất nhiều các chất chống oxy hoá. Thử làm ngay món xôi gấc này cho mâm cỗ sắp tới bạn nhé.
Canh khổ qua
Ảnh minh họa
Người Việt Nam ta thường rất thích đối thơ, chơi chữ. Bằng việc thưởng thức "khổ qua", mọi người đều mong ước rằng những đau khổ mất mát trong năm cũ đều trôi qua và nhiều niềm vui, may mắn sẽ gõ cửa trong năm mới.
Bên cạnh đó, khi bạn ăn canh khổ qua nhồi thịt, trước tiên bạn sẽ cảm nhận cái vị đắng nhẹ của khổ qua rồi sau đó mới tới vị ngọt nhân thịt. Điều đó muốn nói lên rằng những điều ngọt ngào, hạnh phúc sẽ luôn tới nếu ta biết nhẫn nại vượt qua mọi điều muộn phiền và bất ý.
Thịt kho tàu
Thịt kho tàu hay thịt kho hột vịt là một món ăn đặc trưng ngày Tết của người dân Nam Bộ. Đất miền Nam được trời phú cho cây dừa mọc mọi nơi và luôn lủng lẳng trái. Vậy nên món thịt kho tàu nhờ nước dừa mà có vị ngọt thanh, hấp dẫn.
Từng miếng thịt được cắt vuông vức, bên cạnh là hột vịt đã luộc tròn xoe, như muốn gửi gắm ý niệm vuông tròn ấm êm, cuộc đời sung túc. Để thực hiện món ăn thơm ngon này thành công, cùng xem qua hướng dẫn dưới đây nào.
Hoa quả hình tròn
Người Việt thường có quan niệm những vật hình tròn đầy là dấu hiệu của sự may mắn. Có lẽ vì thế, hoa quả có dáng tròn như cam, bưởi, hồng, nho, lựu,... đều là những quả thường ăn trong dịp Tết.
Bên cạnh hương vị thơm ngon của các loại quả này, dáng tròn trịa biểu tượng cho sự vẹn nguyên, không méo mó, trọn vẹn và đong đầy.
Mứt
Ảnh minh họa
Bánh mứt ngọt là những món thường được dọn đãi khách bên cạnh các tách trà ngon. Khung cảnh người thân, bạn hữu vừa ngồi thưởng trà vừa nhâm nhi bánh mứt và trò chuyện tâm tình thì còn gì sánh bằng phải không nào?
Mứt gừng cay nồng đầm ấm, mứt hạt sen bổ dưỡng béo bùi, mứt tắc vàng óng thịnh vượng, mứt dừa béo ngọt thơm ngon,... tất cả đều cùng tượng trưng cho sự đoàn viên, sum họp và năm mới phát lộc phát tài.
Rau xanh
Ngày Tết nếu bên cạnh những món thịt nhiều đạm được ăn cùng những món ngon từ rau xanh thì trên cả tuyệt vời. Các loại rau lá xanh như cải thìa, xà lách, cải xoăn, cải bó xôi,... đều là các loại rau giàu chất chống oxy hoá, khoáng chất và kali.
Người ta quan niệm rằng tiền tài trong năm tới sẽ nhiều giống như cây rau có vô vàn lá. Đồng thời, khi ăn nhiều rau thì bạn cũng khoẻ mạnh hơn, có sức và ý chí làm nên việc lớn.
Tất tần tật công thức làm các món ngon ngày Tết của 3 miền Bắc - Trung - Nam Món ngon ngày Tết là một phần không thể thiếu trong những ngày xuân dặm ngõ. Như một phần tất yếu, các gia đình lại háo hức chuẩn bị những gì mang hương vị mà chỉ ngày xuân mới có, với hi vọng một năm mới đủ đầy. 1. Miền Bắc: Bánh chưng, thịt đông, dưa hành, chè kho, giò, canh măng, gà...