Ký ức tuổi thơ giăng đầy hương cốm
Hương cốm non lần đầu xuất hiện trong ký ức tuổi thơ tôi vào năm tròn 8 tuổi.
Chuyến xe thồ cuối ngày của ba, ngoài mùi mồ hôi tảo tần quen thuộc, còn phảng phất thơm một hương cốm rất lạ kỳ.
Tôi vẫn còn nhớ như in tấm lá sen dân dã, bọc kỹ lưỡng bên ngoài, để những hạt cốm xanh xanh, căng tròn, nấp mình trọn vẹn ở trong.
Món chả cốm – NGÂN CHÂU
Nhà chúng tôi nghèo lắm. Những chuyến xe của ba luôn ướp đầy mồ hôi, nước mắt và biết bao khó nhọc từ sớm tinh mơ đến chiều muộn. Vậy nên, để mua một phần cốm non lúc bấy giờ, ắt hẳn ba phải cân nhắc thật kỹ.
Ba vẫn thường kể cho tôi nghe về những món đặc sản ẩm thực Hà Nội. Nhưng cuộc đời lao động vất vả của ba nào có dịp được đến thủ đô hay sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để thưởng thức hết những món ngon ấy. Ba từng nói cốm là món quà thiên nhiên đặc trưng của thủ đô, nếu gặp, ba chắc chắn sẽ mua để cả nhà ăn thử.
Video đang HOT
Lần mở lớp lá sen xanh xanh, những hạt cốm dẻo dần hiện ra, kéo theo một làn hương sữa non thanh khiết. Cốm thơm lắm, thơm đến mức anh em chúng tôi phải reo lên: “Trời ơi, thơm quá ba ơi”.
Chúng tôi bốc một nhúm cốm nhỏ lên tay và chỉ dám nhâm nhi từng hạt cốm mềm mềm, dẻo thơm.
Cho đến nhiều năm về sau, mỗi lần nghĩ về tuổi thơ, hình ảnh những hạt cốm non vẫn hiện lên như một món ngon khắc sâu vào tiềm thức. Chúng tôi thường đặt mua cốm sấy khô vì thuận tiện hơn, lại để được lâu.
Trải qua nhiều bước sàng sảy, luộc chín và rang lên trước khi giã, cốm vẫn giữ được màu xanh đặc trưng, mềm và thơm nhẹ, ngọt bùi hương lúa nếp. Sau đó, cốm mới được sấy khô để bảo quản lâu ngày.
Tôi lớn dần lên, lần đầu tiên đến Hà Nội là một mùa thu bạt ngàn hương sữa lúa non thanh tao, giăng đầy những gánh cốm rong. Cốm của hôm nay dẻo hơn, xanh hơn và cũng dậy lên mùi thơm đậm đà. Thay vì chỉ mân mê và thưởng thức từng hạt cốm nhỏ, người dân thủ đô đã ứng dụng cốm vào nhiều món ngon sáng tạo.
Có người đem hạt cốm nấu sữa cùng hạt điều hoặc óc chó, đậu xanh; cho ra vị sữa cốm phảng phất hương lúa đầu mùa, bâng khuâng khó tả.
Có người giã cốm rồi xay cùng thịt nạc để vắt thành những miếng chả cốm thơm lựng, quyện vị trong lá sen sau khi hấp chín và chiên vàng, giòn rụm.
Cốm non còn xuất hiện trong những món xôi, chè, bánh cốm dẻo, bánh chưng cốm hay cốm xào nước cốt dừa béo béo, thơm thơm.
Nói đến hương cốm, không thể không nhắc đến làng Vòng. Cũng như nhắc về thủ đô, chẳng thể nào bỏ quên mùi cốm non kết tinh vị đất, vị trời và đẫm mình trong sương sớm.
Hương cốm tuổi thơ tôi vẫn mênh mang ướp đầy hương đồng gió nội của một Hà Nội mùa thu…
Bâng khuâng nhớ vị sấu chín mùa thu
Có những lúc chỉ muốn được nhặt sấu giữa phố phường Hà Nội.
Sấu chín vàng như nắng thu - NGUYỄN THANH TÙNG
Chập ấy ra chơi Hà Nội theo lời mời gọi của bạn. "Ơi cậu ra đi, hương cốm đã thoảng, hoa sữa đã thơm, sấu chín rụng đầy rồi đây này". Ừ thì đi. Tháng Tám mùa Thu. Những cơn gió heo may mang hơi lạnh se se khiến nhịp sống thủ đô trở nên hiền hòa, bình yên và trong trẻo, không dưng mà lòng người cũng trở nên ấm áp, dễ chịu.
Bạn xa xứ nhiều năm giờ mới về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn. Đi với nhau trên những con phố dài, dưới những tán cây sấu già phải đến hàng trăm năm tuổi, vài trái sấu chín vàng theo gió tách cành rơi xuống lăn long lóc, tươm mật màu trắng đục như nước cơm, bạn nhặt lấy quẹt vội vào áo và cắn ăn ngon lành.
Bạn kể, "qua bển" mười mấy năm, dù mỗi độ hè về, người thân bên này vẫn gửi sấu xanh sang biếu như chút quà quê nhà dành cho kẻ ly hương; nhưng bạn cứ mãi nhớ, mãi thèm những buổi tan trường, được sà vào mẹt gánh hàng rong, thưởng thức món sấu dầm hay đơn giản không cầu kỳ nữa là sấu chín gọt vỏ chấm muối ớt.
Nếu lúc còn xanh, vị sấu chua đến buốt răng, vẫn được các mẹ cạo vỏ làm món sấu ngâm giải nhiệt, thanh mát khỏi chê hoặc để ngăn đông trữ ăn dần dùng để nấu canh, om vịt..., thì khi chín sấu có vị ngọt nhẹ, chua đằm dìu dịu mà hễ ăn một lần là không quên được bao giờ.
Trái sấu chín còn hấp dẫn bất kỳ ai bởi mùi thơm rất đặc trưng. Không nồng nàn, ăm ắp đến say mê, chỉ thoang thoảng hương đưa dịu nhẹ, thanh tao, hòa lẫn vào những cơn gió heo may se lạnh, luôn khiến cho hương vị của mùa thu Hà Nội thêm thi vị, đủ đầy.
Tôi đưa tay nhặt một quả sấu đã được gọt vỏ, cắt vòng xoáy rắc muối ớt và cho vào miệng, cắn nhẹ. Vị chua thanh nhưng ngọt dịu ngay lập tức quấn lấy đầu lưỡi hòa với chút mặn của muối và cay của ớt, quả là sự kích thích không thể chối từ.
Dẫu vàng ượm mỡ màng nhưng thịt sấu chín vẫn săn ráo, giòn tan. Nuốt miếng sấu hài hòa những chua cay mặn ngọt rồi mà hương vị vẫn như còn ở lại trong trí nhớ xa xăm, tôi như chợt hiểu vì sao món quà vặt dân dã bình dị này lại trở thành nỗi nhớ và nỗi thèm của những đứa con Hà Nội xa xứ.
Nhắc tới đây, tôi bỗng thèm quá cái hương vị của mùa thu ấy. Tôi bật bài hát "Hà Nội mùa này sấu chín chưa em" do nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc, lẩm nhẩm hát theo từng câu hát, mà bâng khuâng mơ về cái buổi heo may ngày cũ, được cùng bạn trở về tuổi thơ ngây, thi nhau nhặt sấu chín trên phố Phan Đình Phùng...