Gánh hàng xôi nuôi đời người dân Phú Thượng
Xôi Phú Thượng – món ăn truyền thống rất đỗi bình dị đã len lỏi khắp phố phường, tạo nên một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực của người Hà thành.
Xôi Phú Thượng là một trong những món ăn của Hà thành vinh dự được chọn tham gia phục vụ hơn 3.000 phóng viên, nhà báo tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2
Gánh hàng xôi đi khắp phố phường
Nhiều năm nay, người dân quanh khu vực phố Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội) đã quen với gánh xôi sớm trên vỉa hè của bà Công Thị Bảo Ngọc – đến từ “làng xôi” Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội). “Nhà hàng” của bà Ngọc tuy đơn sơ nhưng thực đơn đầy đủ các món từ xôi xéo, xôi gấc, đỗ, lạc, ngô… Món ăn kèm cũng đầy đủ thịt, trứng, giò, chả, ruốc, lạp xường… Khách của bà Bảo có người già đi tập thể dục về, trẻ con đi học, công nhân, nhân viên văn phòng… Người ngồi ăn tại chỗ chỉ cần một cái ghế, một bát một đũa; người vội có thể gói mang đi.
Từ 6h sáng đến trước 8h30, gánh xôi của bà Ngọc lúc nào cũng đông khách, nhiều thời điểm còn phải xếp hàng chờ đến lượt.
Anh Ngọc Hân (trú tại phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, làm việc tại văn phòng trên phố Giảng Võ cho biết: Anh thường đi sớm cho khỏi tắc đường, tới cơ quan mới ăn sáng và tuần nào cũng phải “làm gói xôi” bà Ngọc.
“Vẫn nghe xôi Phú Thượng lâu nay, ăn rồi mới hiểu vì sao hấp dẫn. Xôi mềm, dẻo, thơm, không thừa không thiếu nước. Có bữa tôi mua từ sáng, để bẵng đến trưa mới mở ra mà hạt xôi vẫn dẻo, thơm”, anh Hân nhận xét.
Chia sẻ “bí kíp” chế biến món xôi bình dị mà “danh bất hư truyền” của quê mình, bà Ngọc kể: Sinh ra và lớn lên ở Phú Thượng, được ăn những món xôi của mẹ nấu từ thuở thiếu thời, lên 9 tuổi, bà Ngọc đã biết giúp gia đình thổi xôi, nặn bánh trôi, nấu rượu nếp… Học hỏi từ nhiều người đi trước, kết hợp đúc rút kinh nghiệm qua thực tế, theo bà Ngọc, xôi ngon là khi ăn phải vừa miệng mà tuyệt nhiên không được cho gia vị, mì chính. Gạo để thổi xôi ngon nhất là nếp cái hoa vàng. Những vị đi kèm như đỗ, ngô, lạc… cũng phải loại 1. Rồi đến các phụ liệu khác như vừng, hành phi, mỡ… cũng được lựa chọn rất kỹ càng. Khi gạo được nấu chín bằng hơi nước qua hai lần lửa, hạt xôi phải bóng và căng tròn như được phết một lớp dầu, mỡ. Với kinh nghiệm lâu năm của bà Ngọc, chỉ cần nhìn bằng mắt và ngửi hương bay lên sẽ biết thành phẩm đã đạt hay chưa.
“Điểm đặc biệt của xôi Phú Thượng là dẻo tơi, mềm từ trong mềm ra nhưng không nhão nát. Tôi không nhớ đã chuyển chỗ bán bao nhiêu lần, dù chỉ là vài chục mét. Nhưng gánh hàng đi đến đâu, khách cũng lại tìm theo đến đó. Rồi có người lại xin học nghề chỉ để về nấu cho gia đình ăn”, bà Ngọc tâm sự.
Với bà Phan Thị Ngọc Lý (cụm 3, phường Phú Thượng), cái duyên với nghề làm xôi ban đầu khá “bất đắc dĩ”. Sau khi tốt nghiệp ra trường, đi làm từ điển được 15 năm thì công ty đóng cửa, bà đành phải “về hưu non”. Tiền lương “ba cọc ba đồng” của chồng không thể đủ nuôi 4 miệng ăn, cuộc sống gia đình bà vô cùng nheo nhóc.
Video đang HOT
“Có thời điểm, trong tay tôi chỉ có 10.000 đồng và 20 ngày tiếp theo, số tiền đó vẫn còn nguyên vì phải đi mua chịu toàn bộ. Trăn trở trước khó khăn của gia đình, muốn làm thêm việc gì đó mà nghĩ mãi không ra. Thấy các chị em hàng xóm tất bật sớm tối với những gánh hàng xôi, tôi quyết định học hỏi nghề truyền thống của làng”, bà Lý nhớ lại.
Năm 2008, người phụ nữ đã hơn 40 tuổi khi đó bắt tay vào “khởi nghiệp” với tâm thế dè dặt, ái ngại với chuyện thương trường. Thời gian đầu, bà chỉ nấu khoảng 5 kg gạo chia thành nhiều loại xôi khác nhau và chạy xe hơn 15 km từ Tây Hồ đến Hoàng Mai để bán vào mỗi buổi sớm. Tuy nhiên, khách quen chưa có, nhiều ngày liên tiếp, cả vốn lẫn lãi chỉ được không quá 150.000 đồng. Không nản chí, bà bảo: “Bất kể nắng, mưa đã ngâm gạo là đều quyết đi cho bằng được”.
Trước lạ nhưng dần dà rồi cũng quen, như có một lực hút vô hình, ngày càng có nhiều người tìm đến hàng xôi của bà, doanh thu cứ thế cũng tăng lên vùn vụt. Bây giờ, không phải vài cân mỗi sáng nữa mà phải 18-20 kg mới đáp ứng đủ, còn ngày rằm, mùng một có thể gấp đôi.
“Vào lúc cao điểm từ 6-7h sáng, khách hàng thường đến đông nhất. Vòng trong vòng ngoài, bán không xuể, ai đến cũng phải xếp hàng mới tới lượt mua và tuyệt đối tôi không cho chen ngang. Chỉ cần nghỉ một ngày, hôm sau khách lại trách, đòi “kiện” nhưng bù lại được khen xôi ngon, bổ, rẻ nên vui lắm”, bà Lý khoe.
Chỉ tay lên ngôi nhà hai tầng khang trang giá trị cả tỷ bạc của mình, bà Lý nhẩm tính, cơ ngơi này hoàn toàn được “đắp” lên bằng 70 tấn xôi trong gần 10 năm qua. Nhắc đến đây, ông Nguyễn Tuấn Vinh tiếp lời vợ: “Chúng tôi lấy nhau từ hai bàn tay trắng, không có một xu, một cắc, đến tiền xây bếp nấu xôi cũng phải đi vay toàn bộ. Và để có được thành quả như ngày hôm nay chính là nhờ vào triết lý kinh doanh của gia đình xuyên suốt những năm tháng gắn bó với nghề. Đó là: Hương xôi ngào ngạt tháng ngày/Người mua kẻ bán trao tay ân tình/Có tâm nghiệp mới phồn vinh/Gần xa khách nhớ đến mình xôi quê”.
Cô bán xôi sẽ có thẻ “chính chủ” làng nghề
Ông Nguyễn Tuấn Vinh đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để cho ra những mẻ xôi dẻo thơm từng hạt
Còn nhớ, xưa kia, người dân ở Phú Thượng chỉ bán xôi chè, rượu nếp, bánh đa kê… vào “tháng Ba ngày Tám”, thì nay nghề nấu xôi đã trở thành “mũi nhọn” kinh tế của địa phương. Hàng ngày, vào cuối giờ chiều, các nhà lại rục rịch sửa soạn, ngâm gạo, đồ xôi. Tờ mờ sáng hôm sau, cả làng đã rộn ràng gọi nhau đi chợ. Những thúng xôi từ đây sẽ tỏa đi khắp phố phường của Thủ đô…
Năm 2017, chính quyền địa phương đã cho phép vận động thành lập, tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng. Số lượng hộ đăng ký tham gia ngày một tăng và hiện tại lên tới 340 hội viên. Trung bình, mỗi cơ sở đều có ít nhất hai lao động còn nhà làm nhiều cần phải thuê thêm người.
Ông Hoàng Gia Lượng, Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng cho biết, thời gian vừa qua, Hội đã tham gia hàng loạt các sự kiện như Lễ hội văn hoá ẩm thực Hà Nội, triển khai gian hàng tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn… Đặc biệt, xôi Phú Thượng là một trong những món ăn của Hà thành vinh dự được chọn tham gia phục vụ hơn 3.000 phóng viên, nhà báo tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2. Vì vậy, tên tuổi của thương hiệu ngày càng được nhiều người biết tới, doanh thu của các hộ đều tăng từ 10-15% so với trước.
“Do quá trình đô thị hoá, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn bị thu hẹp đáng kể dẫn đến dư thừa một lượng lao động không nhỏ. Nhờ có nghề xôi mà đã cơ bản giúp người dân có thêm công ăn việc làm, đảm bảo được cuộc sống hàng ngày, thậm chí mua được cả xe, xây nhà. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của người làm xôi chính là địa điểm bán không cố định, đa phần ở vỉa hè hoặc ngồi nhờ ở gần cổng trường học, cơ quan, hộ gia đình…”, ông Lượng chia sẻ.
Theo vị Chủ tịch Hội, để duy trì và phát triển thương hiệu xôi Phú Thượng, ngoài lượng khách hàng ngày, cần phải xây dựng hệ thống các chuỗi nhà hàng liên kết để đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội cũng đang triển khai làm áo, thẻ có tên, ảnh, logo…cho các hộ viên có hộ khẩu tại địa phương để khẳng định “chính chủ” xôi làng nghề.
“Thương hiệu là của tập thể nhưng người thụ hưởng lại ở từng hộ sản xuất, do đó, quan trọng nhất vẫn là an toàn thực phẩm. Nếu làm không tốt sẽ tự đánh mất mình. Từ khi đón nhận danh hiệu làng nghề truyền thống, tâm lý của người dân từ tự ti đã chuyển sang tự hào. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ sớm có được một cửa hàng chung để xây dựng quy trình nấu xôi chuẩn nhằm giới thiệu, quảng bá cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với làng nghề Phú Thượng”, ông Lượng nói.
Theo Giaothong
Món trường thọ mà người Nhật không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày
Món ăn này rất rẻ tiền, có thể ăn từ mùa hạ sang mùa đông, từ món lạnh tới món nóng đều được và hầu như rất ít người kén ăn.
Nhật Bản là quốc gia có nền ẩm thực đa dạng với món sushi nổi tiếng trên toàn thế giới. Món ăn truyền thống này không phải lúc nào cũng xuất hiện trong bữa ăn chính thường ngày của người Nhật.
Người Nhật rất chú trọng đến chất lượng và dinh dưỡng của món ăn, do đó những món rất tốt cho sức khỏe sẽ được ăn mỗi ngày. Các món thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm người Nhật phải kể đến súp miso và đậu hũ. 2 món này có giá thành cực kỳ rẻ nhưng giá trị dinh dưỡng thì tỷ lệ ngược hoàn toàn.
Tại Nhật, có rất nhiều loại đậu phụ khác nhau, nhưng có lẽ đậu hũ non làm món Hiyayakko rất được người Nhật ưa chuộng. Họ có thể ăn nó quanh năm mà không hề cảm thấy ngán, từ món lạnh cho tới món nóng cùng với hàng trăm các loại topping khác nhau, góp phần khiến cho món Hiyayakko lúc nào cũng có hương vị mới lạ và không gây ngán.
Hiyayakko là một trong những món ăn vừa bình dân vừa sang chảnh vì nó xuất hiện khắp nơi, không phân biệt đẳng cấp nào cả. Giá thành của chúng cũng tùy thuộc vào từng bữa ăn, đôi khi nó chỉ có giá vài trăm yên nhưng cũng có khi lên tới vài ngàn yên. Đậu phụ rất rẻ nhưng các loại topping ăn kèm theo lại có giá rất chênh lệch nhau.
Sở dĩ món ăn này có tên gọi là "món ăn trường thọ", bởi ngay từ những ngày còn khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, bữa ăn của mỗi gia đình Nhật lúc nào cũng chỉ là các loại rau đậu rẻ tiền. Tuy nhiên, người ta phát hiện ra rằng có rất nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, không những vậy mà người ta còn áp dụng chúng vào công cuộc chế tạo mỹ phẩm. Các loại mặt nạ đậu hũ non có tác dụng làm trẻ hóa làn da nên rất được phụ nữ ưa chuộng.
Một món ăn vừa rẻ tiền, vừa tốt cho sức khỏe và làm đẹp, đó chính là những lý do mà đậu hũ non lúc nào cũng xuất hiện trong bàn ăn của người Nhật.
Đậu hũ non làm món Hiyayakko được làm từ đậu tươi, mềm mịn như thạch tan trong miệng. Thông thường loại đậu này đã được để lạnh sẵn, nên khi mua về chỉ cần cho thêm các loại topping yêu thích và rưới nước sốt, thường là xì dầu lên trên là thưởng thức ngay.
Các loại topping bên trên Hiyayakko rất đa dạng, nếu là món mặn thì có thể thêm các loại rau củ ngâm, sốt mận, gừng xay, lá tía tô, cá ngừ kho bào vụn, thậm chí là các loại cá tươi xay nhuyễn. Có 2 nguyên liệu cơ bản và truyền thống thường đi cùng chính là hành lá và katsuobushi (cá ngừ khô bào).
Vào mùa hè, Hiyayako trở thành món ăn hầu hết người dân Nhật đều muốn ăn mỗi ngày. Cảm giác miếng đậu hũ non mềm mịn, mát lạnh, cùng với các loại topping ngon lành cứ thế tan dần trong miệng.
Theo Sina
Đặc sản từ rau...dại Tây Nguyên không chỉ là vùng núi non hùng vĩ, nơi có không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại mà ẩm thực đồng bào dân tộc thiểu số là một phần văn hóa Tây Nguyên, trở thành một trong những yếu tố thu hút khách du...