Đẩy mạnh dạy học trực tuyến: Cơ hội để tiết giảm các chi phí xã hội
Từ một giải pháp tình thế trong bối cảnh học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng dịch COVID-19, dạy học trực tuyến đã giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
Trong tương lai, nếu tiếp tục tận dụng lợi thế của phương thức dạy học này thì sẽ tạo ra ý nghĩa xã hội rất lớn, như giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, giảm ngân sách nhà nước cho cơ sở vật chất nhà trường. Người học cũng dễ dàng tiếp cận các nguồn tài nguyên để tiến hành học tập mọi lúc, mọi nơi.
Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn đang duy trì hình thức dạy học trực tuyến cùng với dạy học trực tiếp để tăng cơ hội học tập của học sinh. Ảnh: Minh Ánh
Từ “sợ” chuyển sang “mê” dạy – học trực tuyến
Thức đến 3h sáng để soạn bài phục vụ việc dạy học trực tuyến; khắp bàn làm việc là chi chít những tờ giấy note (ghi chú) các cách để sử dụng công cụ, phần mềm hỗ trợ học trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams. Hết mày mò tự học lại đến học của con, của cháu, của học trò… Đây là những cách mà thầy Trương Đắc Cốc – giáo viên Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) sử dụng để làm bài giảng trực tuyến của mình thêm sinh động trong những ngày thầy và trò của nhà trường phải tạm dừng đến trường để phòng dịch.
Đã ngoài 60 tuổi, với 38 năm đứng lớp, quá quen thuộc môi trường dạy học với bảng đen phấn trắng, thầy Cốc thừa nhận khi toàn ngành giáo dục chuyển sang dạy học trực tuyến, nỗ lực thực hiện quyết tâm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, thầy gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với phương thức dạy học mới.
“Khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của tôi không bằng các bạn trẻ, nếu không muốn nói là chẳng có gì ngoài sự quyết tâm. Khó khăn, vất vả rất nhiều nhưng tôi không bỏ cuộc. Chỗ nào không biết thì nhờ con, nhờ cháu dạy, rồi tự lên mạng mày mò, tìm hiểu. Tất cả vì học sinh thân yêu.
Đến hiện tại, khi đã trải qua “mùa COVID-19 thứ nhất” trong năm học 2019-2020, rồi “mùa COVID-19 thứ hai” trong năm học 2020-2021, từ con số không, nay thầy Cốc đã “giắt lưng” cho mình kha khá kinh nghiệm về dạy học trực tuyến để tự tin khẳng định: “Bây giờ thích dạy online hơn vì nhàn hơn”.
Là một trong những nhà giáo tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học, nhưng cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường THCS Đông La – cũng phải thừa nhận, nếu không có những người như thầy Cốc, với năng lượng tích cực, luôn truyền cảm hứng, sự quyết tâm thực hiện dạy học trực tuyến đến các thế hệ thầy cô giáo và học trò, thì nhà trường khó có thể thực hiện dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao như thời gian qua.
“Qua hai đợt dạy học trực tuyến để phòng dịch, điều tôi thấy hạnh phúc nhất là trình độ công nghệ thông tin của giáo viên và học sinh nhà trường nâng lên rõ rệt. Dạy học trực tuyến bằng Microsoft Teams cũng giúp giáo viên có thể ghi âm, quay lại bài giảng. Đây sẽ là kho học liệu để giúp học sinh có thể chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi” – cô Dung nói.
Nhận ra những điều tích cực mà dạy học trực tuyến mang lại, để nó không chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học để phòng dịch COVID-19, ngay khi học sinh trở lại trường từ 2.3, Trường THCS Đông La vẫn duy trì song song hình thức dạy học này cùng việc dạy trực tiếp trên lớp. Giáo viên, học sinh lập các nhóm trên Teams để trao đổi, học nhóm với nhau.
Những bài tập trên lớp học sinh chưa hiểu, thì tối đến có thể vào “lớp học ảo” để nhờ cô giảng lại, hay bạn bè chỉ dẫn. Đặc biệt, nhà trường cũng duy trì việc dạy phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh giỏi, hay học sinh yếu kém bằng hình dạy học trực tuyến. Điều này giúp giáo viên tiết kiệm thời gian đến trường.
Trong tương lai, cô Dung cho biết sẽ tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học cho từng môn học theo hướng nội dung nào có thể dạy online, bài học nào có thể dạy trực tiếp trên lớp để sử dụng song song hai phương thức dạy học này trong điều kiện bình thường.
Học trực tuyến giúp tiết giảm các chi phí xã hội
Thừa nhận dạy học trực tuyến khó đạt hiệu quả như dạy học trực tiếp, nhưng theo nhiều giáo viên, cái lợi mang lại là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học được sử dụng nhiều hơn. Đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số, mà chuyển đổi số trong giáo dục được xác định là khâu đột phá.
Video đang HOT
Giáo dục tiên phong trong chuyển đổi số sẽ đào tạo nên những thế hệ công dân làm chủ công nghệ, thích ứng với tình hình mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội hội nhập quốc tế.
Là một trong những trường sớm triển khai dạy học trực tuyến cho sinh viên, TS Lê Việt Thủy – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) vẫn không quên những ngày đầu khi sinh viên còn… sợ học online.
Các em tạo ra một phong trào phản đối trên Facebook, vì muốn tới trường để gặp bạn bè. Theo nguyện vọng của sinh viên, trường đã phải thực hiện xen kẽ việc học trực tuyến và trực tiếp. Sang đến năm học 2020-2021, tình thế đã đảo chiều, sinh viên đề nghị nhà trường được học online vì thấy hiệu quả và tiện lợi.
Nguyễn Huyền Trang (sinh viên lớp Thẩm định giá K59, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, bản thân em, trong những ngày đầu cũng nằm trong nhóm phản đối không muốn học online, nhưng sau khi được trải nghiệm và dần làm quen, từ việc “sợ”, Trang đã chuyển sang “mê” lúc nào không biết.
“Khi học online, chúng em không phải di chuyển nhiều, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Nhiều môn lý thuyết khô khan, nhưng thầy cô thường sử dụng thông tin đồ họa, nêu dẫn chứng, thậm chí là các clip sinh động, khiến chúng em rất thích thú. Tiện nhất là có thể xem lại bài giảng nhiều lần” – Huyền Trang chia sẻ.
Tương tự, Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh viên năm 3, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng mong từ 8.3, khi các trường đại học cho sinh viên đến trường trở lại, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì, kết hợp cả học trực tuyến và học trực tiếp, để sinh viên được giảm số buổi học trên lớp.
“Dĩ nhiên, dạy học trực tuyến có những hạn chế, khi thầy trò ít cơ hội được tương tác, cơ hội học tập khó đến được với mọi đối tượng học sinh vì phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của mỗi địa phương, mỗi nhà trường và của từng gia đình. Nhưng sau 2 năm học được trải nghiệm với dạy học trực tuyến, em thấy thích phương thức học này.
Đồng tình việc nên duy trì song song 2 phương thức dạy trực tuyến và trực tiếp trong điều kiện bình thường, PGS-TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh – cho rằng, điều này có thể khả thi và triển khai được trong thực tế. Các trường có thể thiết kế 20% chương trình học online, nếu thực hiện được như vậy thì đã giảm lượng lớn học sinh, sinh viên ra đường. Học sinh không đi học ở trường thì phụ huynh cũng không phải ra đường để đưa đón, qua đó có thể giảm ùn tắc giao thông.
Nhưng PGS Hải lưu ý, trước tiên việc dạy học trực tuyến nên áp dụng với bậc đại học và THPT trước. Đặc biệt, chỉ nên áp dụng ở những nơi có điều kiện, nơi cả người học và người dạy đã có những chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện phương thức dạy học mới. Không nên thực hiện theo kiểu hô hào, phong trào, vừa không hiệu quả mà còn tạo áp lực lên người dạy và người học.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho dạy học trực tuyến
Tính đến 5.3, 61 địa phương trên cả nước đã cho học sinh trở lại trường. Nhiều trường đại học cũng dự kiến tổ chức cho sinh viên đi học từ tuần tới, trong đó không ít trường vẫn duy trì học trực tuyến song song với dạy trực tiếp trên lớp.
Từ thực tiễn dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp đã đặt ra yêu cầu phải có hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các trường chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương thức dạy học này trong tình thế cần thiết. Để thực hiện điều này, Bộ GDĐT cũng đã công bố dự thảo thông tư quy định quản lý dạy học trực tuyến trong trường phổ thông, công nhận dạy học trực tuyến là phương thức được sử dụng chính thức trong nhà trường, bên cạnh các hình thức dạy học truyền thống khác.
Dự kiến, thông tư này sẽ sớm được ban hành để các cơ sở giáo dục có căn cứ pháp lý sử dụng đa dạng phương thức dạy học trong nhà trường, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, việc dạy học trực tuyến áp dụng ở Việt Nam xuất phát là giải pháp tình thế nhưng với những ưu điểm vượt trội đã được nghiên cứu, đánh giá, Bộ GDĐT tính toán để biến nó thành giải pháp lâu dài, vừa bổ trợ dạy học trực tiếp, trong trường hợp cụ thể thì có thể thay thế trực tiếp.
Đặng Chung
Ngôi trường thay đổi từ 'con số 0' về dạy online
Thiếu giáo viên, trang thiết bị, trường THCS Đông La lo ngại việc dạy online nhưng giờ lại thành điểm sáng ở Hà Nội trong việc tổ chức hình thức học tập này.
Đầu tháng 2 năm ngoái, khi Covid-19 khiến trường học cả nước phải đóng cửa, cô Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội, lo việc học của học sinh bị gián đoạn. Thấy nhiều trường tư thục dạy trực tuyến, cô đã nghĩ trường mình cũng phải làm vậy. Nhưng thực tế trước mắt khiến cô không khỏi lo lắng.
"Nhiều năm liền trường không có giáo viên Tin học, gần 50% giáo viên là hợp đồng nên thường xuyên biến động, trang thiết bị xuống cấp. Về phía học sinh, chỉ 50% gia đình có sẵn thiết bị cho con học online. Mọi khó khăn bủa vây chúng tôi", cô Dung nói.
Thức trắng một đêm, cô quả quyết không thể vì khó mà không làm. Cô lên kế hoạch để tất cả giáo viên dạy trực tuyến, bắt đầu từ việc giao bài tập qua Zalo của phụ huynh, dạy thử nghiệm trên Classroom và Zoom. Việc này không được triển khai đồng bộ do phân nửa học sinh thiếu thiết bị. Chưa kể, các ứng dụng như Zoom có nhiều nhược điểm như học sinh chia sẻ ID cho người ngoài vào phá rối lớp học, đang học tự bị kích ra do hết thời gian.
"Học như vậy mãi có được không? Nếu dịch kéo dài thì sao? Có công cụ nào tốt hơn?", những câu hỏi liên tiếp hiện lên trong đầu thôi thúc Hiệu trưởng Dung đi tìm giải pháp. Cô cùng ban giám hiệu tính đến nhiều bước, từ tìm ứng dụng phù hợp hơn đến truyền động lực cho giáo viên, kêu gọi phụ huynh đồng hành.
Cô Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường THCS Đông La vào lớp học online chiều 3/3 để giao bài tập môn Ngữ văn cho học sinh. Ảnh: Dương Tâm.
Để tìm ứng dụng, cô Dung tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo MIE Experts và liên hệ với nhiều thầy cô giỏi để học hỏi. Tìm hiểu về ứng dụng MS Teams, cô quyết định đăng ký Office 365 A1 (bản miễn phí) cho 53 giáo viên và nhân viên nhà trường, đăng ký tài khoản itrithuc của "Đề án Hệ tri thức Việt số hóa".
Một vấn đề khác cô và ban giám hiệu cần làm là khơi dậy tinh thần tự học và đưa giáo viên vào cuộc. Trong trường, có giáo viên mới đỗ viên chức, đi dạy hai ngày thì nghỉ do dịch bệnh, lại có thầy cô lớn tuổi, gần như chưa tiếp xúc với công nghệ thông tin. Cô Dung nhận định không ít thầy cô sẽ nản khi phải học một thứ xa lạ.
Như thầy Trương Đắc Cốc, giáo viên Toán, ngoài 60 tuổi, trăn trở khi nhận được tin nhắn về việc dạy học online trên ứng dụng mới. "38 năm đứng lớp, quá quen với bảng đen phấn trắng rồi, lại chưa tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, tất cả là con số 0 với tôi. Vậy mà tôi vừa làm quen với cái này lại phải dạy bằng cái khác. Không lo sao được", thầy Cốc chia sẻ.
Sau những buổi đầu kêu gọi, giới thiệu phần mềm, mời chuyên gia về hướng dẫn, các thầy cô trường THCS Đông La dần thích tìm hiểu về công cụ và hình thức dạy học mới hơn. Thầy Cốc cũng hiểu phải thay đổi vì học sinh, bắt đầu tham gia tập huấn, nhờ cả con dâu, cháu nội hỗ trợ. Để soạn bài giảng trực tuyến với rất nhiều ký hiệu Toán học, có những hôm thầy phải thức đến 3h sáng.
Các thầy cô khác, ngày dạy qua Zoom với những lớp lưa thưa học sinh, tối đến ngồi tìm tòi các tính năng của ứng dụng, rèn thao tác cho thuần thục. "Thời điểm mới làm quen, việc thức qua 12h đêm là chuyện thường", thầy Nguyễn Văn Thanh, giáo viên Toán nói.
Thầy Nguyễn Văn Thanh, giáo viên Toán dạy trực tuyến với sự hỗ trợ của máy tính, điện thoại cá nhân và camera do nhà trường trang bị. Ảnh: Dương Tâm.
Cùng với tập huấn cho giáo viên, nhà trường đăng ký tài khoản Office 365 A1 cho toàn bộ 884 học sinh. Nhiều em không có thiết bị, cô Dung và thầy cô trong trường tổ chức họp phụ huynh để vận động đầu tư cho con.
Ngày họp phụ huynh cũng là ngày xã Đông La phát hiện có người mắc Covid-19 ("bệnh nhân 185"), với 198 F2 và 68 F1, khiến một xóm bị phong tỏa, nhiều gia đình, cá nhân phải cách ly. Thế nhưng phụ huynh vẫn đến họp đông đủ. Được nhà trường chia sẻ kế hoạch học trực tuyến, họ hiểu rằng đó là cách duy nhất để duy trì việc học của con và ủng hộ.
Ngày hôm sau, một số phụ huynh tìm mua điện thoại, máy tính cho con. Với những em quá khó khăn, giáo viên trong trường góp tiền mua máy tính cũ để tặng. Còn lại đa số phụ huynh để con dùng điện thoại của mình khi học trực tuyến. Cũng vì vậy, nhà trường quyết định chỉ tổ chức dạy online vào chiều tối, khi bố mẹ đi làm, học sinh có thiết bị học.
Kết quả, đến ngày 31/3/2020, tất cả giáo viên chuyển qua dạy trên MS Teams. 22 lớp của trường học trực tuyến theo đúng thời khóa biểu. Từ đó đến hết đợt học online năm ngoái, 99% học sinh tham gia học trên ứng dụng, 100% học trên truyền hình. "Đó là mốc thời gian và những con số tôi sẽ luôn ghi nhớ", cô Dung nói.
Một phần sản phẩm báo tường do học sinh lớp 8A1 trường THCS Đông La làm bằng Microsoft Sway để chúc mừng ngày 20/11. Ả nh chụp màn hình.
Để việc dạy và học được diễn ra suôn sẻ, trong suốt quá trình dạy, thầy cô trường Đông La được nhắc nhở ghi chép khó khăn để cùng tháo gỡ. Vào thứ bảy hàng tuần, trường tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn với tên gọi "Sáng thứ bảy yêu thương" để thầy cô cùng đưa những khúc mắc ra bàn luận. Với cách làm này, sang đến năm nay, trường không gặp khó khăn gì khi dạy trực tuyến.
"Sẽ là khập khiễng nếu so sánh học trực tuyến với trực tiếp bởi chắc chắn học trực tuyến sẽ không giúp học sinh nắm kiến thức chắc bằng. Thế nhưng, nó rèn cho cả giáo viên và học sinh rất nhiều phẩm chất như tính kiên trì, tự học và các kỹ năng sử dụng thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin", cô Dung nói.
Từ việc không được học môn Tin một cách đầy đủ do trường không có giáo viên biên chế, học sinh trường Đông La đã biết thế nào là "lớp học ảo", sử dụng được ứng dụng để tạo ra video. Khi nhà trường phát động cuộc thi thiết kế video "Một ngày ở nhà", hơn 120 em gửi sản phẩm tham dự.
Với các thầy cô, dạy học online như mở ra nhiều cách thức giúp bài giảng sinh động. Các thầy cô thiết kế được những slide bài giảng đẹp mắt, tổ chức điểm danh qua trò chơi, thi hát khi giải lao. Ngoài Office 365, thầy cô còn chủ động tích hợp các trang OLM của Đại học Sư phạm Hà Nội, hệ thống học và thi trực tuyến HanoiStudy để dạy học.
Thời gian không học trực tuyến, nhà trường vẫn sử dụng ứng dụng để tập huấn chuyên môn, giao bài tập, bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc yếu kém. Hiện, vào chủ nhật hàng tuần, thầy cô trường THCS Đông La vẫn lên lớp trực tuyến để hỗ trợ cho các em yếu kém. Vào các buổi tối, nếu có bài khó, chỗ nào không hiểu, các em cũng có thể hẹn thầy lên lớp online để được giải thích cụ thể.
Trường cũng phát động thêm một số cuộc thi làm video, thiết kế báo tường qua Microsoft Sway, kết nối Skype để học sinh tham gia chương trình ngoại khoá tìm hiểu lịch sử do trường Tiểu học và THCS Trần Hữu Dực (Quảng Trị) tổ chức. "Tôi chưa thể đưa ra số liệu đánh giá hiệu quả cụ thể, nhưng việc các em tham gia đầy đủ, tích cực đã phần nào phản ánh nỗ lực của chúng tôi", cô Dung nói.
Học sinh trường THCS Đông La vào trao đổi với thầy cô và bạn bè qua MS Teams dù đã đi học tập trung tại trường. Ảnh: Dương Tâm.
Nhờ hiệu quả của dạy online, trường THCS Đông La được mời chia sẻ kinh nghiệm với các trường khác trong huyện Hoài Đức. Cô Dung chia sẻ kinh nghiệm của trường mình với khoảng 2.000 thành viên trong cộng đồng giáo viên sáng tạo MIE.
Tới đây, trường dự định vẫn dạy online song song với dạy học trực tiếp, trong đó hướng tới kết nối, giao lưu với giáo viên, học sinh người nước ngoài để giới thiệu văn hóa Việt Nam.
Tại buổi họp cuối tháng 2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định dạy học trực tuyến không chỉ là tình huống phát sinh mà là xu hướng. Bậc đại học có thể tận dụng tối đa hình thức này, còn phổ thông có thể ứng dụng các yếu tố tích cực ở mức độ khác nhau. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức khảo sát, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến trên diện rộng, đưa ra khuyến cáo và giải pháp mở rộng, nâng cao hiệu quả.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ ban hành thông tư quy định quản lý dạy học trực tuyến trong trường phổ thông, công nhận dạy học trực tuyến là phương thức được sử dụng chính thức trong nhà trường, bên cạnh các hình thức khác để giúp trường có căn cứ pháp lý sử dụng đa dạng phương thức dạy học. Bộ cũng sẽ tính toán để biến việc dạy học trực tuyến thành giải pháp lâu dài, vừa bổ trợ dạy trực tiếp, trong trường hợp cụ thể có thể thay thế dạy trực tiếp.
Dạy học trực tuyến để phòng dịch COVID-19: Giải pháp tối ưu vì sức khỏe, sự an toàn của học sinh Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong tình hình dịch COVID-19 đã lây lan vào đến trường học, hơn 30 địa phương trên cả nước quyết định cho học sinh tạm nghỉ học. Nhiều nơi, giáo viên đã tiến hành dạy học trực tuyến trong tình hình mới, với mục tiêu "tạm dừng đến trường không dừng việc học". Giáo viên...