Canh bún hai miền
Nguyên liệu gần như tương đồng nhưng hai món canh bún Bắc – Nam lại có vị riêng.
Canh bún là một trong những món ăn đường phố dễ tìm ở Hà Nội và TP HCM. Nhiều người cho rằng, món ăn này xuất xứ ở miền Bắc. Canh bún được giới thiệu trong tác phẩm Miếng ngon Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng viết vào những năm 1950. Và nếu hỏi thăm kỹ, những chủ hàng canh bún lâu năm nhất ở TP HCM đa số là người gốc Bắc, bán từ những năm 1970.
“Cũng làm với thứ bún to sợi đó, còn quà canh bún nữa, cũng nấu với cua đồng, nhưng thêm mấy món rau rút ăn mát và làm tăng cái vị ngọt của chất cua đồng lên bội phần…”. Câu miêu tả về canh bún của nhà văn Vũ Bằng thể hiện đặc trưng của món ăn với sợi bún to tròn lẳn và nước dùng mang vị ngọt thanh từ cua đồng.
Ở Hà Nội, canh bún thường được bán ở các quán hè phố. Nồi nước dùng nghi ngút khói, được nấu hoàn toàn từ cua đồng cho ra chất nước trong trẻo, có vị ngọt thanh. Tô canh bún nhìn khá đơn giản, gồm riêu cua, chả, chút lá hẹ, rau muống luộc, và đặc biệt có rau rút (miền Nam gọi là rau nhút), thứ rau mà canh bún miền Nam không có. Rau rút được trụng vừa chín tới, giữ nguyên độ xốp giòn và vừa thấm vị ngọt chất cua, ăn mát và đỡ ngán.
Vợ chồng anh Cần, chị Vân mở một quán chuyên canh bún đậm chất Bắc ở đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận) cho biết, anh đã lưu giữ cách nấu món này từ mẹ là bà Phạm Thị Mến, người gốc Bắc đã bán món này ở Đồng Nai và TP HCM trong 35 năm. “Ngoài các gia vị như mắm tôm, ớt xào, nước mắm dùng chuẩn, quán cũng chuẩn bị thêm nước me chua kiểu miền Nam thay vì dùng chanh, quất như ngoài Bắc, làm tô canh bún có vị lạ hơn”, chủ quán cho biết.
Tô canh bún kiểu Bắc giản đơn, chỉ gồm riêu cua, chả cùng rau rút và rau muống. Ảnh: Tâm Linh .
Ở một số tỉnh miền Nam, nếu không có những biển hiệu ghi chữ “canh bún”, có lẽ nhiều người sẽ nhầm lẫn đây là bún riêu. Cũng nước dùng đỏ au, riêu cua nấu với cà chua, có chả, đậu hũ và huyết, món canh bún miền Nam chỉ khác bún riêu là có thêm nhúm rau muống luộc.
Video đang HOT
Trong khu chợ Nghĩa Hòa tọa lạc trên đường Nghĩa Phát (quận Tân Bình), xe hàng chỉ bán canh bún của chị Bích đã hiện diện nơi đây ngót nửa thế kỷ, được truyền lại từ người mẹ gốc Hà Nam Ninh (nay tách thành ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). “Từ hồi xưa mẹ đã bán loại canh bún đỏ này rồi mình nấu theo, nào đâu biết canh bún miền Bắc ra sao”, chị Bích nói.
Nồi canh bún sôi liu riu, bên trong gồm những sợi bún thấm màu cam từ nước dùng, từng tảng riêu cua lớn, và lá hẹ thay vì dùng hành dễ bị hôi. Thứ nước dùng kiểu Nam cũng trong, nhưng được chế thêm dầu hạt điều nên mang màu cam đỏ. “Dầu điều làm tô bún rực rỡ đẹp mắt, còn béo ngậy hơn”, chị Bích vừa giải thích, vừa thoăn thoắt múc bún và canh từ nồi vào tô, rồi thêm một muôi riêu cua nấu với cà chua đậm đặc được nêm mặn hơn cho đậm vị.
Tô canh bún miền Nam có màu đỏ au từ dầu điều. Ảnh: Tâm Linh .
Nhiều năm qua, thực khách TP HCM đã khá quen thuộc với cả hai loại canh bún Bắc – Nam. Chị Linh Phan (người Hà Nội, hiện sống tại quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Tôi ăn được cả canh bún Bắc và Nam, tuy nêm nếm vị khác nhau nhưng đều cảm nhận rõ vị ngọt riêu cua. Hơn nữa, đây là món ăn giá thành không cao, ăn bữa phụ là vừa bụng”.
Hiện món canh bún kiểu Bắc được bán ở một số hàng khu vực ven đường tàu Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận), với giá từ 22.000 đến 37.000 đồng tùy thành phần. Canh bún kiểu Nam dễ tìm hơn trong TP HCM, với giá chỉ từ 15.000 đồng một tô.
5 món thịt trâu ngon khắp ba miền
Thịt trâu nấu lá lồm, nướng, gác bếp... là những món ăn ngon được chế biến từ trâu ngon ở ba miền Việt Nam.
Cũng là thịt trâu nhưng mỗi vùng miền lại có cách chế biến khác nhau, sáng tạo ra nhiều món ăn đặc sắc, mang đậm đặc trưng riêng làm say lòng du khách.
Thịt trâu gác bếp
Đồng bào dân tộc ở vùng Tây Bắc, khu vực Bắc Trung bộ có món thịt trâu treo gác bếp rất hấp dẫn. Tuy mất công trong chế biến nhưng thịt trâu treo gác bếp có thể giữ được hàng năm mà không lo bị hỏng. Người làm thường cắt những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, cắt khúc hình con chì. Sau đó ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng) và treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô lại. Ăn đến đâu hạ xuống đến đó, đơn giản nhất là luộc lên rồi xé ra ăn lai rai. Khói ám lâu ngày làm thịt trâu có mùi đặc biệt, mang đậm phong vị núi rừng với hình thức bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ.
Thưởng thức thịt trâu gác bếp phải nhai thật kỹ, không nuốt vội mới cảm nhận hết vị ngọt của nó. Giá một kg thịt trâu gác bếp khoảng 750.000 đồng. Ảnh: Monngonbamien.
Thịt trâu lá lồm
Thịt trâu đem thui cho thơm, cạo sạch rồi đem thái miếng nhỏ, hầm trong nồi đất. Khi ninh cho lá lồm vào ninh cùng, thêm một ít tấm gạo để tạo độ sánh. Thịt trâu vốn có mùi ngai ngái nhưng khi nấu cùng với lá lồm (một loại lá chua) đã cho ra hương vị hết sức độc đáo, vị thanh chua của lá lồm làm át đi mùi đặc trưng của thịt trâu, khi miếng thịt ninh chín mềm ngấm gia vị sẽ trở nên thơm lừng, béo ngậy.
Thịt trâu nấu lá lồm là đặc sản của người Mường ở Hòa Bình. Ảnh: xzone.vn
Thịt trâu nướng
Người dân các tỉnh miền Trung thì thường thích ăn món thịt trâu nướng. Đặc biệt món thịt trâu nướng ống tre rất thơm ngon, hấp dẫn. Thịt trâu nướng làm rất đơn giản: sau khi xắt thịt thành lát mỏng, người làm chỉ việc cuốn lá lốt đặt trên than hồng. Nếu nướng ống tre thì miếng thịt trâu tươi sẽ được tẩm ướt gia vị kỹ càng, cuộn lá lồm rồi cho vào ống tre nướng trên bếp than củi cho cháy hết phần tre bên ngoài. Khi ăn chỉ việc chẻ đôi ống tre và gỡ những miếng thịt trâu ra đĩa. Thịt nướng kiểu này sẽ không bị mất nước nên rất ngọt và thơm mùi của tre tươi.
Nộm da trâu
Da trâu thường dùng để làm trống nhưng ít ai biết rằng người Thái ở Sơn La thường làm một món ăn rất lạ miệng và độc đáo: nộm da trâu. Để làm da trâu mềm và sạch, người ta hơ qua lửa rồi ngâm với nước lã. Sau khi mềm đủ độ, người làm dùng con dao thật sắc để thái mỏng miếng da dầy đó. Sau khi có da trâu thái mỏng, người Thái cho thêm nhiều thứ rau thơm như mùi ta, mùi tàu, nước măng chua và lạc rang, gia vị vào bóp cùng.
Khi ăn cảm nhận rõ da trâu giòn giòn đanh đanh, vị chua ngọt lẫn vào cái dai dai của da rất vui miệng. Ảnh: L.Thảo.
Trâu nhúng mẻ
Với người miền Nam thịt trâu lại được chế biến thành món trâu nhúng mẻ rất đặc sắc. Thịt trâu tươi xắt mỏng, ướp sả, tỏi, ớt bằm nhuyễn, thêm muối, đường, bột ngọt để ra đĩa. Nồi mẻ được nếm cho vị mặn, chua, cay vừa phải rồi đặt lên bếp lửa cho sôi. Nước mẻ đặc sánh sôi lục bục thì nhúng thịt trâu vào cho chín tới. Các loại rau ăn kèm như ngò gai, rau om, tai tượng, cải bẹ xanh, mồng tơi...cũng được nhúng qua nồi nước mẻ rồi ăn cùng thịt trâu dai thơm, đậm vị.
Là lạ bánh canh vịt Bánh canh là món ăn dân dã khá phổ biến. Mỗi vùng miền có một kiểu chế biến bánh canh khác nhau với nguyên liệu khác biệt: thịt, tôm, cá..., nhưng lạ nhất là bánh canh vịt miền Tây. Bánh canh vịt miền Tây có xuất xứ từ hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Người dân xứ này thường gọi giản dị...