Cảnh báo: BVĐK Hà Tĩnh cấp cứu khoảng 2.000 – 2.500 ca đột quỵ não/năm
Mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu khoảng 2.000 – 2.500 ca đột quỵ não, không chỉ người già mà với mọi lứa tuổi và xảy ra ở mọi thời điểm.
Đây là bệnh lý đứng thứ 2 về nguy cơ tử vong và đứng đầu về tàn phế trong mô hình bệnh tật.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái – Trưởng khoa Cấp cứu chống độc khuyến cáo về những dấu hiệu nhận biết sớm người bị đột quỵ
Đang làm việc vặt trong nhà, bà Nguyễn Thị Lý (66 tuổi, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) bất ngờ bị đột quỵ não. Ngay sau đó, bà được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hà Tĩnh trong tình trạng liệt nửa người bên trái, không thể nói. Xác định bệnh nhân bị đột quỵ não được 2 giờ nên các bác sỹ đã tiến hành kỹ thuật tiêu sợi huyết.
Nhờ thực hiện kịp thời kỹ thuật tiêu sợi huyết nên bệnh nhân Nguyễn Thị Lý đã hồi phục sớm.
Chị Phan Thị Nam (người nhà bệnh nhân) cho biết: “Sau khi được các bác sỹ can thiệp và điều trị ở đây 5 ngày, hiện nay, mẹ tôi đã có thể đi lại được, giọng nói cũng đã phục hồi được khoảng 80%”.
Đó là một trong nhiều trường hợp đột quỵ não được đưa vào cấp cứu kịp thời nên giảm thiểu nguy cơ tử vong cũng như các di chứng. Theo ước tính, trong số 2.000 – 2.500 bệnh nhân đột quỵ não đến BVĐK tỉnh mỗi năm, không chỉ riêng người già mà xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi thời điểm.
Mỗi năm, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận khoảng 2.000 – 2.500 ca đột quỵ não.
Theo bác sỹ Nguyễn Xuân Thái – Trưởng khoa Cấp cứu chống độc (BVĐK tỉnh), đột quỵ não là một khiếm khuyết thần kinh đột ngột, để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh. Đột quỵ não có 2 thể, một là nhồi máu do tắc mạch não, hai là xuất huyết do vỡ mạch máu não. Người bị đột quỵ não có các dấu hiệu rất dễ nhận biết như: gương mặt có dấu hiệu mất cân đối khi cười hay nói chuyện, đi đứng mất thăng bằng, một bên bệnh nhân có thể bị liệt, nói đớ, nói ngọng.
Nguyên nhân của đột quỵ não có thể là do tăng huyết áp, các bệnh lý về tim, rối loạn lipid máu. Ngoài ra, nhồi máu não cấp gây ra ở bệnh nhân đái tháo đường, béo phì, nghiện thuốc lá, rượu bia và ít hoạt động thể lực.
Thời gian vàng dành cho bệnh nhân đột quỵ não theo tiêu chuẩn của Mỹ là dưới 3 giờ, còn theo tiêu chuẩn châu Âu có thể mở rộng lên 4,5 giờ. Chính vì vậy, việc cấp cứu, điều trị đột quỵ não là một cuộc chạy đua thời gian để giành giật sự sống cho người bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Thái – Trưởng khoa Cấp cứu chống độc
Giám đốc BVĐK tỉnh Hoàng Quang Trung cùng bác sỹ Khoa Cấp cứu chống độc hội chẩn qua hình ảnh chụp phim của bệnh nhân đột quỵ não ở Hương Khê.
Được biết, trong những năm gần đây, kỹ thuật cấp cứu, điều trị đột quỵ não đã có những bước tiến vượt bậc, mang đến nhiều hy vọng cho người bệnh, trong đó nổi bật là kỹ thuật tiêu sợi huyết và kỹ thuật can thiệp mạch máu não; thực hiện cho các bệnh nhân được cấp cứu sớm (dưới 3 giờ).
Từ năm 2015, BVĐK tỉnh chính thức thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu não dưới 3 giờ và mở rộng lên 4,5 giờ cho một số đối tượng. Qua 5 năm, BVĐK tỉnh đã thực hiện kỹ thuật tiêu sợi huyết cho trên 300 bệnh nhân, kết quả cho thấy sự hồi phục ngoạn mục các tàn phế, giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Một bệnh nhân bị đột quỵ não được cấp cứu thành công tại BVĐK thị xã Kỳ Anh (ảnh tư liệu).
“Muốn làm được kỹ thuật tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu não thì phải đưa bệnh nhân đến cấp cứu trong giờ vàng (dưới 3 giờ). Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não đến được trong khoảng thời gian này là rất ít (dưới 5%). Vì vậy, nhiều người mặc dù được cấp cứu nhưng vẫn để lại di chứng rất nặng nề. Khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu…, gia đình phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất” – bác sỹ Thái khuyến cáo.
Đối với kỹ thuật can thiệp mạch máu não, hiện nay, BVĐK tỉnh đã có những bước khởi đầu khi đã chuẩn bị khá đầy đủ trang thiết bị, nhất là đưa vào hoạt động Trung tâm Tim mạch can thiệp. Bệnh viện đang chuẩn bị các điều kiện về con người, nhất là cử các y, bác sỹ đi đào tạo để làm chủ kỹ thuật can thiệp mạch máu não, quá đó giành giật sự sống cho bệnh nhân, giảm sự tàn phế do đột quỵ não gây ra.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, để phòng tránh đột quỵ hiệu quả, người dân cần kiểm soát và điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ có thể thay đổi như: tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, cao huyết áp…; xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh; cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giảm bớt stress, nóng giận; nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, không nên tắm đêm, thức quá khuya; tập thể dục hằng ngày; khám sức khỏe định kỳ 6 tháng, 1 năm/lần để tầm soát kịp thời các bệnh về tim mạch, tiểu đường…
Cấp tốc vượt 150km đường biển và đường bộ kịp "giờ vàng" cấp cứu bệnh nhân đột quỵ
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng vừa cấp cứu thành công ca bệnh đột quỵ não xảy ra tại huyện đảo Lý Sơn cách bệnh viện hơn 150km.
Người bệnh được hồi phục tốt, hoàn toàn không có biến chứng nhờ can thiệp y tế kịp thời trong những giây phút cuối của "giờ vàng".
Khi mạng sống được đo đếm bằng từng giây...
Sáng 21/6/2020, Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng tiếp nhận thông tin chị Đào Thị Hoa đang đi du lịch tại đảo Lý Sơn thì bị đột quỵ. Ngay lập tức, ekip cấp cứu đột quỵ và can thiệp mạch não đã kích hoạt quy trình cấp cứu và sẵn sàng tiếp nhận người bệnh, không bỏ lỡ thời gian "vàng" của người bệnh (dưới 4,5h kể từ khi đột quỵ). Sau 4h di chuyển qua 1 chặng đường biển và 1 chặng đường bộ từ đảo Lý Sơn đến Đà Nẵng, chị Hoa nhập viện trong tình trạng lơ mơ, không nói được, nhân trung lệch hẳn sang phải, liệt nửa người phải hoàn toàn.
Từ kết quả khám lâm sàng và các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh hiện đại (CT/MRI/MRA), chị Hoa được chẩn đoán nhồi máu não tối cấp do tắc hoàn toàn động mạch não giữa trái. Đây là bệnh tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong và tàn phế cao. Các chuyên gia hàng đầu về đột quỵ tại khu vực miền Trung gồm BS Nguyễn Thái Trí, Trưởng khoa Cấp cứu và TS.BS Tôn Thất Trí Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh - Nội khoa, Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng nhận định, cần thực hiện ngay các biện pháp tái thông mạch máu tái tưới máu não. Không để lãng phí phút giây nào, các bác sỹ đã đồng thời thực hiện 2 kỹ thuật cấp cứu: làm tan cục máu đông bằng thuốc và can thiệp lấy huyết khối qua đường động mạch.
Hình ảnh chụp mạch máu của chị Hoa bị tắc trước (trái) và sau (phải) khi được các bác sĩ Vinmec Đà Nẵng can thiệp
Kết quả, mạch máu của người bệnh được thông lại hoàn toàn sau 40 phút nhập viện và dưới 6h từ khi bị đột quỵ. Ngay sau can thiệp, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt. Chị Hoa đã cử động tốt chân tay bên phải, tỉnh táo, nói và trả lời chính xác, tuy chưa được tròn chữ. Trong những ngày tiếp theo, được chăm sóc tích cực và tiếp tục cải thiện hơn nữa, chị có thể tự đứng dậy đi lại với sự hỗ trợ tối thiểu. Trung tuần tháng 7/2020, chị Hoa đã được xuất viện, sức khỏe ổn định và được các bác sĩ đánh giá hoàn toàn không có biến chứng.
Chị Hoa đã hoàn toàn hồi phục sức khỏe sau cơn đột quỵ khi xuất viện
Nhận biết đột quỵ sớm bằng quy tắc Fast
Đây là một kỳ tích trong việc cấp cứu, cứu sống bệnh nhân đột quỵ cấp của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Để đạt được thành công này, ngoài sự nỗ lực của kíp cấp cứu can thiệp đột quỵ trong khâu đánh giá, chẩn đoán và thực hiện thành công các kỹ thuật cấp cứu đột quỵ não hiện đại, còn có sự phối hợp phản ứng chính xác cấp cứu đột quỵ của người nhà.
"Gia đình hiểu rõ nguy hiểm của đột quỵ não và tầm quan trọng của việc cấp cứu sớm nên đã nhanh chóng huy động mọi nguồn lực đưa bệnh nhân đến bệnh viện, không mất thời gian vào những cách không hiệu quả như bấm huyệt, cạo gió... thường thấy. Sau khi đột quỵ, cứ mỗi phút trôi qua sẽ có gần 2 triệu tế bào não bị chết nên sự chậm trễ có thể khiến người bệnh tàn phế suốt đời, thậm chí tử vong" - BS Tôn Thất Trí Dũng cho biết.
Theo các bác sĩ Vinmec Đà Nẵng, đột quỵ có thể được nhận biết sớm bằng quy tắc FAST như minh họa dưới đây. Một trong 3 triệu chứng sau đây là biểu hiện khả năng cao đột quỵ não: Đột ngột bị yếu, liệt tay/chân, bị méo miệng hay đột ngột rối loạn lời nói hay không nói được.
Mục tiêu điều trị đột quỵ là cần tái thông mạch máu càng sớm càng tốt - thực hiện bằng liệu pháp tan cục máu đông (rTPA) cho bệnh nhân đến sớm dưới 4,5h sau khi đột quỵ và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dưới 6h). Năm 2018, Hiệp hội Đột quỵ Mỹ khuyến cáo có thể lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học ở bệnh nhân bị tắc mạch máu lớn trong não đến với thời gian muộn hơn từ 6 - 24h, nhưng bệnh nhân phải được đánh giá qua chụp CT SCAN tưới máu não (CTP). Đây là kỹ thuật chỉ có thể thực hiện được ở các thế hệ máy chụp CT 640 và phần mềm chuyên dụng. Để đáp ứng nhu cầu điều trị đột quỵ não nhiều thời điểm, hiện Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng đã trang bị hệ thống máy CT, MRI hiện đại và nhiều thiết bị hiện đại khác để tối ưu kết quả điều trị.
4 món ăn tốt cho người đột quỵ, giúp hồi phục nhanh chóng Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng bị rối loạn các chức năng thần kinh. Việc lựa chọn thực phẩm lành mạnh chính là một bước đi đúng hướng để tăng cường sức khỏe và hạn chế các nguy cơ sau đột quỵ. Ở Việt Nam, theo báo cáo của Hội Đột quỵ Việt Nam,...