Bánh Việt – dọc miền đất nước
Đặc sản bánh Việt nhiều vô kể. Chỉ riêng mối tỉnh, thành phố đến mỗi làng đều có món bánh truyền thống riêng của mình.
Bánh Khẩu Sli – Cao Bằng
Cái tên bánh khẩu sli nghe lạ lạ vui tai khiến nhiều người nghe lần đầu tò mò. Khẩu sli thường có hình dáng to bằng viên gạch đỏ, lớp trên là lạc màu nâu bóng mượt , lớp dưới là bỏng gạo mịn màng. Qua nhiều công đoạn chế biến, hai lớp bánh dính chặt lấy nhau, ăn giòn tan, dẻo quẹo lại có vị bùi ngọt khiến cho nhiều du khách ăn một miếng mà vấn vương mãi cái hương vị lạ lẫm đó.
Bánh Đậu Xanh – Hải Dương
Bánh đậu xanh Hải Dương dường như không mấy xa lạ với nhiều người bởi tính phổ biến rộng rãi của loại đặc sản này. Bánh đậu xanh Hải Dương ăn có vị ngọt thanh, vừa bỏ vào miệng là tan biến ngay nhưng đủ để người ăn kịp thưởng thức được vị ngọt, béo và thơm thoang thoảng mùi hương hoa bưởi, đậu xanh.
Bánh gio/ bánh tro – Bắc Giang
Khi lớp lá cuối cùng được bóc ra, chiếc bánh như một khối ngọc màu hổ phách trong vắt lộ ra, có thể nhìn thấu bên trong khối ngọc đó từng hạt gạo nếp nhỏ óng ánh. Khi ăn, chấm bánh vào bát mật mía vàng óng, thơm phức rồi nhẩn nha tận hưởng hương vị rất lạ của bánh tro.
Bánh cáy – Thái Bình
Bánh cáy Thái Bình, hấp dẫn thực khách ban đầu cũng bởi cái tên. Loại bánh tưởng chừng quà của biển, ăn vào lại thấy gạo nếp, lạc vừng, mứt bí, cơm dừa…
Bánh Cốm – Hà Nội
Video đang HOT
Bánh cốm làm từ Cốm, nhân đậu xanh dừa nạo và mứt bí hoặc mứt sen trần, thường dùng cho lễ ăn hỏi và cũng là đặc sản của du khách mua về làm quà khi đến Hà Nội.
Bánh Gai – Nam Định
Từ xưa, Nam ịnh vẫn có truyền thống làm bánh gai, lá gai ngay Cầu Ốc cũng có nhiều nhà trồng. Cách ăn cũng nghệ thuật. Bánh bóc làm sao khỏi dính lá, khi ăn sao cho khỏi rơi nhân.
Bánh tráng xoài – Nha Trang
Bánh tráng xoài là một món ăn đặc sản khá nổi tiếng của huyện Cam Lâm và một số địa phương lân cận của tỉnh Khánh Hòa. Bánh được làm chủ yếu từ trái xoài chín và mạch nha. Bánh tráng xoài còn có tên gọi là Bánh Xoài Nha Trang bởi phần lớn sản phẩm được tiêu thụ ở thành phố Nha Trang.
Bánh khô mè – Cẩm Lệ, Quảng Nam
Bánh khô mè giòn xốp ngọt ngào, giản dị mà thấm đẫm khúc tâm tình nguồn cội của những người dân xứ Quảng.
Bánh da lợn – Hội An
Bánh da lợn Hội An đặc biệt mang hương vị bột nếp lúa mới. Bánh da lợn Hội An ăn hơi dai, vị thanh dịu, thoang thoảng mùi thơm hương nếp mới, beo béo vị nước cốt dừa.
Bánh Bò – Sài Gòn
Bánh bò là một loại loại bánh xốp làm từ: bột gạo, nước, đường và men. Mặt bánh có rất nhiều bong bóng nhỏ do có nhiều lỗ khí trong bánh. Những chiếc xe bánh bò dừa trên các đường phố Sài Gòn từ lâu đã trở thành hình ảnh thân quen trong mắt người dân ở đây. Cứ vào khoảng cuối buổi sáng cho đến chiều tối lại dọc ngang qua các con phố bắt đầu cho một ngày mưu sinh.
Bánh Pía – Sóc Trăng
Bánh pía được làm bằng bột mì, sầu riêng, lòng đỏ trứng. Đôi khi bánh pía còn được gọi là bánh lột da.
Bánh ít – Bình Định
Một chiếc bánh ít ngon được đánh giá là phải dẻo nhưng khi ăn thì không bị dính răng, có vị tinh khiết của lá gai, vị dẻo thơm của gạo nếp, vị ngọt của đường, vị béo của dầu, vị bùi của đậu hòa quyện mà thành. Khi ăn chỉ cần bóc nhẹ lớp lá chuối xanh là hiện ra lớp da bánh ít màu đen bóng đầy hấp dẫn. Bánh ít lá gai là đặc sản của đất võ Bình Định, về sau lan rộng ra các tỉnh thành và trở nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực miền Trung.
Bánh rế – Phan Thiết
Bánh rế là loại bánh ngọt được làm bằng khoai lang và đường nấu chảy được tưới lên mặt bánh như cái rế. Tương tự như cách đặt tên của chả giò rế, bánh tráng rế… Bánh là đặc sản của nhiều nơi như Sóc Trăng, Bình Định, Phan Rang, Phan Thiết …
Bánh ú – Nam Bộ
Bánh ú nước tro là ăn truyền thống trong ngày tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Bánh Có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bánh ú nước tro được gói bằng lá bên ngoài, bên trong là bột nếp và nhân đậu xanh. Bánh ú nước tro dễ ăn, không gây ngán, bột bánh có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nóng.
Bánh Lá Mơ – Miền Tây
Bánh lá mơ là một loại bánh dân gian của vùng sông nước miền Tây làm từ ba nguyên liệu chính là bột gạo, nước cốt dừa và lá rau mơ. Theo truyền thống, bánh lá mơ trong, có màu xanh đậm, hình dạng dèn dẹt, dài dài.Ngoài ra,ta cũng có thể nắn bột thành những miếng tròn dẹt hay những sợi ngắn và xoăn lại như hình con nui và đem đi hấp cách thủy.[1].Khi ăn, người ta chan ngập nước cốt dừa trắng lên mặt bánh và đôi khi cũng rắc thêm đậu phộng rang. Bánh lá mơ khi ăn thì dai giòn vừa thơm, vừa ngậy béo ,vừa ngòn ngọt, ngai ngái.
Theo Yêu Du Lịch
Về biển Sa Huỳnh ăn chả cá
Sa Huỳnh, vùng biển đẹp thơ mộng ở tỉnh Quảng Ngãi với lượng hải sản dồi dào được cư dân nơi đây chế biến thành nhiều món ngon: mắm nhum, mắm cái cá cơm, mực khô, chả cá... Sau khi thưởng ngoạn "cát vàng - biển xanh", du khách có thể thưởng thức các món chế biến từ hải sản tươi vừa đánh bắt, thêm món chả cá "cho đời thêm ý vị".
Ngày cuối tuần, tôi dong xe máy về Sa Huỳnh theo lời mời gọi của anh bạn đồng nghiệp nơi miền quê ngàn năm sóng vỗ. Đón tôi có cả những ngư dân vừa trở về đất liền sau chuỗi ngày dài lênh đênh trên sóng nước. Nụ cười đón khách của họ rạng ngời dưới nắng, rồi vội vã đưa tôi ra bến cá Sa Huỳnh nhộn nhịp kẻ bán - người mua.
Bãi biển Sa Huỳnh thơ mộng thu hút du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm
Những ngư dân quanh năm làm bạn với sóng gió biển khơi nhanh tay chọn những con cá tươi ngon mang về đãi khách. Chúng tôi ghé vào ngôi nhà nhỏ của người bạn nằm cạnh bãi biển để "đóng bản doanh bữa nhậu giữa biển và bờ".
Thu mua hải sản tại bến cá Sa Huỳnh
Vài mươi phút sau, cỗ bàn đầy ắp các món: cá luộc, chiên, nướng tỏa hương thơm phức kích thích vị giác của thực khách. Thịt cá gắp đầy chén, rượu quê trong vắt rót tràn ly. Cuộc vui thêm phần rôm rả khi bàn tiệc có thêm món chả cá thơm ngon nhờ sự khéo tay của nữ chủ nhân. Để chế biến món chả cá, những bà nội trợ phải lựa chọn cá nhồng, cá thu, cá rựa... tươi ngon.
Sau khi mang về, cá được làm sạch rồi dùng muỗng nạo thịt ra khỏi xương. Cho thịt cá vào ướp lạnh rồi xoay nhuyễn với muối, tiêu, bột ngọt, hành, tỏi, dầu ăn và lòng trắng trứng gà để món chả thêm dai. Tiếp đến, dùng tay vo tròn thịt cá lớn hơn ngón tay cái hay nặn lát chả hình tròn vừa đặt vào đĩa. Với món chả hấp, quậy đều lòng đỏ trứng gà cùng gia vị rồi đổ lên bề mặt cho thêm phần bắt mắt. Chả chiên ngả sang màu vàng sẫm như mời gọi thực khách "nhanh đũa" kẻo hết phần. Món chả cá có thể ăn với cơm và bún nước lèo hay ăn kèm với các loại rau: khế chua và chuối chát thái mỏng cùng với rau thơm cho đậm đà hương vị.
Món chả cá Sa Huỳnh
Thưởng thức chả cá cùng với khế chua, chuối chát, rau thơm cuộn trong bánh tráng gói ram (bánh đa nem) chấm vào bát nước mắm Sa Huỳnh pha chế với chanh, đường, ớt, tỏi khiến cho thực khách thỏa lòng. Hương vị thơm và béo, ngọt từ chả xen lẫn với vị chua của khế, vị chát của chuối hòa cùng vị mặn đậm đà của mắm và hương thơm dịu nhẹ từ rau như lưu mãi nơi đầu lưỡi. Miếng chả và rau vừa dai lại giòn làm cho cả chủ lẫn khách cứ luôn tay cuộn rồi chấm mà quên hẳn những ly rượu tràn đầy như tình người miệt biển. Cuộc vui kéo dài với món chả thơm ngon trong tiếng gió vi vu qua rặng thùy dương cùng với âm thanh rì rầm sóng vỗ.
Sau khi ăn uống thỏa thuê, nữ chủ nhân lại ý nhị gửi tặng khách món chả cá mang về làm quà cho người thân. Và cứ thế, món chả cá nơi đây đã đến mọi miền, góp phần tạo nên "hương vị Sa Huỳnh" trong lòng bè bạn khi họ tìm về vùng đất gắn với nền văn hóa Sa Huỳnh có niên đại khoảng 3.000 năm trước.
Theo Đức Cường (Dân Việt)
Món giải rượu độc đáo của các quốc gia Châu Á Bạn đã có một đêm mê đắm trong những trải nghiệm tuyệt vời tại một thành phố du lịch ở Châu Á và rồi thức dậy trong cảm giác nôn nao, dư âm của cuộc rượu đêm hôm trước. Hãy quên đi những bữa sáng béo ngậy và tìm tới các món ăn sau đây, nếu bạn đang ở tại những vùng đất...