Nhớ thương bánh đúc quê nhà
Lâu lắm rồi mới cầm miếng bánh đúc trên tay. Miếng bánh mềm như thạch, ăn đến đâu mát lạnh đến đấy.
Bánh đúc lạc chấm muối vừng ăn nhẹ nhàng, thanh thoát – Ảnh: Thúy Hằng
Ngày còn nhỏ, mỗi lần về quê ngoại chơi, thể nào sáng sớm thức dậy đã thấy trên bàn có mấy tấm bánh đúc gói trong lá chuối. Bà ngoại cầm con dao cắt bánh đúc thành từng thanh, pha thêm nước mắm với ớt, rồi lấy hũ muối vừng ra xới vào một chiếc bát con con.
Bà ăn bánh đúc chấm mắm ớt, cháu ăn bánh đúc chấm muối vừng thơm, bữa sáng trôi đi nhẹ nhàng, yên ả.
Bánh đúc mềm, mượt rất vừa phải, không rắn đanh- dấu hiệu đã được cho thêm hàn the, một chất bị cấm dùng trong thực phẩm. Tôi thích nhất ăn vào phần có thêm lạc (đậu phộng) luộc chín, bùi bùi, giòn sần sật. Muối vừng cũng thơm phưng phức, cứ cầm miếng bánh đúc trên tay mà chấm mà nhai, thấy mát tay, mát ruột, ăn đến no mà không thấy ngán.
Bà bảo bánh đúc làm đơn giản, bà cũng nhiều lần quấy bánh đúc cho cả nhà ăn, đem chia làm quà cho các nhà quanh xóm.
Gạo tẻ ngâm với nước vôi trong rồi đem nghiền thành bột nước, rây bột thật sạch, thật mịn rồi quấy trên bếp cho đến khi bột sánh mịn, không bị bén nồi, thêm một chút xíu mỡ thôi để lớp bột bóng láng. Tùy nơi người ta còn cho thêm cùi dừa hoặc lạc nhân đã luộc chín vào nồi bột, giúp bánh đúc ăn giòn, bùi hơn.
Đổ bánh đúc ra khuôn, đến khi nguội thì bánh cũng đông đặc thành từng tấm. Bánh đúc chỉ dành để ăn sáng, ăn chơi, thi thoảng đổi bữa giữa bún, phở sặc sỡ màu sắc và mùi vị để thấy nó nhẹ nhàng, thanh thoát.
Bánh đúc có nhiều biến thể, không chỉ có bánh đúc lạc thông thường.
Video đang HOT
Bánh đúc lạc ăn với tương bần, ớt đỏ – Ảnh: Thúy Hằng
Những ngày lang thang ở Hà Nội, tôi mới biết thế nào là bánh đúc nộm, bánh đúc thịt. Ngồi một lúc ở vỉa hè Hàng Cót tầm 4 giờ chiều, cô hàng rong xách hai chiếc làn, bên thì bánh đúc được xắt sợi, bên thì là hỗn hợp sóng sánh nước lạc, vừng nghiền với giá đỗ trần được làm lạnh bằng một túi đá.
Một chút bánh đúc trắng mềm mát mắt, chan thêm nước lạc vừng và giá đỗ, rắc thêm rau kinh giới xanh mơn mởn, thân cây chuối trắng nõn, lá tía tô nửa tím nửa xanh. Miếng bánh đúc ăn đến đâu, thấy mát rười rượi đến đấy.
Tôi còn nhớ, nhà văn Vũ Bằng nhắc đến bánh đúc nộm thì ví von nghe đến sướng tai: “Bánh đúc đã dẻo mề dẻo mệt đi, lại húp cái nước nộm ngầy ngậy mà mềm dịu, thoang thoảng mùi thơm của giá trần, của vừng rang, của chanh cốm- không cái mát đó thực quả là một cái mát Đông phương, thâm trầm và hiền lành, chứ không rực rỡ hay kêu gào ầm ĩ”.
Sự thật thì cái “thâm trầm và hiền lành” ấy làm tôi mê mệt dù chỉ đôi lần ăn thử.
Bánh đúc thịt ăn nóng trong một chiều mưa thì ngon đến nhớ – Ảnh: Thúy Hằng
Cũng là bánh đúc, nhưng bánh đúc thịt phải ăn nóng. Bánh đúc được quấy trên bếp than, sóng sánh như bột, chan thêm thịt bằm xào thơm với hành phi, rắc thêm ớt đỏ, rau thơm, thêm một thìa giấm, ăn trong một chiều đông có mưa lắc rắc thì ngon đến nhớ.
Sáng sớm nay, còn đang cố ngủ nướng thì mẹ đã thúc giục cả nhà, có ăn bánh đúc không. Tôi vâng dạ giữa cơn ngái ngủ. Thức giấc, đã thấy đĩa bánh đúc lạc ngay ngắn trên bàn, một chút muối vừng giã dập bùi bùi mùi vị tuổi thơ.
Cắn miếng thứ nhất, thấy cánh đồng lúa bát ngát và hương sen mỗi chiều tháng 7, mấy chị em chèo thuyền ra giữa mương, ngắt sen đến tối muộn, lấm lem bùn đất.
Cắn miếng thứ hai, thấy hình ảnh trên mái hiên trước nhà, bà ngoại vừa bẻ bánh đúc cho các cháu vừa ngâm nga, “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, các cháu lại hét lên, không phải, bây giờ nhiều dì ghẻ thương con chồng hơn con đẻ. Bà cười, cháu cười, bánh đúc giòn bùi, hăng hăng mùi nước vôi trong.
Bánh đúc, bao nhiêu năm đã qua, ăn một miếng thôi, cũng thấy ùa về cả trời thương nhớ…
Thúy Hằng
Theo Sài Gòn Ẩm Thực
Tản mạn bữa sáng của người Hà Nội
Có nhiều cách để bạn bắt đầu một ngày mới như dậy sớm, hít thở bầu không khí hay hối hả vội vàng trốn ngay vào guồng quay công việc. Dù bắt đầu ngày mới theo cách nào, cũng đừng bỏ qua bữa sáng, đặc biệt khi bạn ở Hà Nội.
Người Hà Nội rất coi trọng bữa cơm gia đình, nhưng bữa sáng lại thường chọn một hàng nhỏ, quán quen để thưởng thức. Quà sáng Hà Nội gồm nhiều món khô, nước, nóng, nguội, ngọt, mặn nên tùy theo sở thích và thời gian mình có, bạn hoàn toàn có thể tìm cho mình một bữa sáng phù hợp. Người Hà Thành sành ăn nhưng cốt cách tao nhã nên món ăn dù sang trọng hay bình dân cũng phải ngon miệng, đẹp mắt và đủ chất dinh dưỡng. Vậy nên bữa sáng của người dân Hà Nội như một thức quà, bữa phụ thôi mà đáng nhớ, đáng trân trọng, với cả những người gốc Tràng An hay người miệt mài mưu sinh nơi đô thị phồn hoa.
Loanh quanh Hà Nội trong khoảng thời gian từ 6-10 giờ sáng, bạn có thể bắt gặp rất nhiều hàng quán quà sáng cơ động. Chỉ cần một góc vỉa hè với vài chiếc ghế nhỏ xinh là đã có một chỗ lý tưởng để thưởng thức quà sáng ngon lành. Cũng có bà, có mẹ đi chợ sớm, dẫu mua được con cá, mớ rau tươi mỡn vẫn không quên ghé quán xôi quán bánh, mua lấy vài phần đồ ăn về làm bữa sáng cho gia đình.
Quà sáng Hà Nội nức tiếng nhất có phở. Xưa chỉ có phở Hà Nội, nay đã phong phú hơn, đón thêm người anh em phở Nam Định, phở Sài Gòn hay phở thịt...nhập khẩu. Nhưng không biết có phải vì nước dùng thanh ngọt tuy đơn giản mà rất khó chế để thành ngon hay không mà dạo gần đây các quán bún, quán miến còn nhiều hơn hàng phở. Người quen ăn phở sáng vì thế cũng nhất định tìm được một quán ruột cho riêng mình, để hương vị xưa cũ không bị nhạt nhòa, chẳng bị cái xô bồ làm xáo trộn.
Nói như vậy không hẳn là phủ định tầm quan trọng của các món bún. Bún đa vị, chua, ngọt, mặn đều có thể có nên nhiều quán tự tin chế biến hơn, bún Hà Nội vì thế mà phong phú hơn. Bún thang là món quà sáng xưa cũ của thủ đô Hà Nội,mà giá trị ẩm thực đã được quốc tế công nhận. Khu vực phố cổ Hà Nội có hàng chục quán bún thang luôn tấp nập khách tới ăn. Đó đều là những hàng quà sáng có thâm niên cả chục năm, đã gắn bó với bao thế hệ của người dân Hà Nội.
Bát bún riêu, bún ốc bình dân khi xưa nay cũng đã được "nâng tầm" với đủ thứ thịt thà, giò chả ăn kèm. Nhiều quán thậm chí nước riêu, nước ốc cũng đánh đồng làm một. Người vội vã chẹp miệng ừ hữ cho qua nhưng vẫn có không ít người tiếc nuối hương xưa thanh đạm mà chắt lọc.
Các thức bánh mì, bánh đúc, xôi nếp, cháo sườn, cháo trai lại thường được những người dân lao động bình dân lựa chọn để bắt đầu ngày mới. Hàng quán chẳng cần có gì, chỉ cần cái bàn cái ghế cỏn con, hay tiện thì ngồi xổm ngồi bệt góc vỉa hè, tranh thủ khi các cửa tiệm sang trọng chưa ở hàng, vội vàng tranh thủ làm no chắc cái dạ dày rồi lại hối hả hòa vào nhịp sống phiền lo thường nhật.
Vậy nhưng chẳng ai nói được nắm xôi vài ngàn ngon hơn hoặc kém ngon so với bát phở, bát bún vài chục ngàn kia, bởi mỗi thức quà sáng Hà Nội mang trong mình một sự hấp dẫn riêng. Đều là "quà", sao so bì được giá trị.
Dẫu nhịp sống có ngày một vội, chạnh lòng khi quan hệ xã hội ngày mỗi nông, nhưng người Hà Nội vẫn chưa bao giờ từ bỏ thói quen ăn quà sáng. Chọn thứ quà bình dân hay cao cấp, "buốt ruột" hay xuề xòa vài đồng con con, các hàng quà sáng vẫn luôn đón khách bằng thái độ niềm nở, để sẵn sàng cho một ngày lao động mới giàu sức sống.
Quà sáng Hà thành giản dị như nét duyên ngầm, âm thầm tô sắc cho mảnh đất văn hiến ngàn năm.
Theo DepPlus.vn/MASK
Lưu luyến gánh bánh đúc mặn Cần Thơ Gánh bánh đúc chẳng có gì nhiều, ngoài mấy hũ mắm, nước cốt dừa, mỡ hành, nhân tôm thịt bằm, dưa leo rau thơm và một khay bánh đúc bột trắng tinh tươm. Tôi lễ phép hỏi bà chủ rằng đây là bánh gì thì bà vừa cười vừa đáp lời, trang trọng không kém mà lại rất miền Tây nữa chứ: "Thưa...