29,5 điểm vẫn trượt đại học: Đâu là gót chân Achilles?
Thí sinh chọn sai; đề thi chưa tốt và cách thức tuyển sinh máy móc, lạc hậu… là những vấn đề được chuyên gia đề cập.
Sau khi công bố điểm chuẩn, nhiều trường đại học gây sốc với điểm số đầu vào lên tới hơn 30 điểm. Với số điểm này, các thí sinh nếu đạt điểm 10 tuyệt đối nhưng không có điểm ưu tiên cũng vẫn trượt đại học.
Thế nhưng, song song với đó, vẫn có những trường chỉ lấy 14, 15 điểm 3 môn, tức có môn còn không đạt được điểm trung bình mà thí sinh vẫn có khả năng đỗ. Nhiều lo ngại rằng, có hiện tượng vơ vét thí sinh một cách máy móc, trong khi mục đích tuyển chọn được thí sinh chất lượng tốt thì chưa đạt được.
Thí sinh 29,5 điểm vẫn trượt đại học
Bình luận về vấn đề trên, TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH FPT cho biết những lo lắng trên là có lý. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ những bất cập về điểm số của kỳ thi năm nay xuất phát từ những nguyên nhân nào.
Đầu tiên, Bộ GD-ĐT đã đổi tên kỳ thi tốt nghiệp quốc gia thành kỳ thi tốt nghiệp. Mục đích chính của kỳ thi là để phục vụ thí sinh thi tốt nghiệp.
Song song với đó, Bộ GD-ĐT cũng ra quy định cho phép các trường đại học được tự chủ trong cách thức tuyển sinh.
“Những vấn đề bất hợp lý mà chúng ta đang nhìn thấy, cụ thể là việc thí sinh đạt điểm cao mà vẫn trượt đại học có thể được nhìn từ nhiều góc độ: Góc độ thí sinh chọn nguyện vọng chưa đúng; góc độ đề ra chưa tốt, chưa có tính phân loại cao và góc độ quan trọng nhất là phương pháp tuyển sinh của các trường đại học thế nào, chọn thí sinh kiểu gì mà lại gây ra những băn khoăn như vậy?”, ông Lê Trường Tùng nêu vấn đề.
Từ phía nhà trường, ông Tùng cho rằng trường nào cũng biết đây là kỳ thi tốt nghiệp chung, đề thi dễ, phổ điểm cao lẽ ra phải thay đổi cách thức tuyển sinh chứ không phải áp dụng cách thức tuyển sinh của 5 năm, 10 năm trước.
Chính vì cách thức tuyển sinh không phù hợp nên mới dẫn tới hiện tượng thí sinh có đạt điểm tuyệt đối vẫn có nguy cơ trượt nguyện vọng.
“Trong trường hợp này, không nên đặt câu hỏi “vì sao thí sinh trượt” mà cần phải hỏi ngược lại rằng: “vì sao thí sinh điểm cao như vậy nhà trường vẫn không nhận?”.
Ở đây có vấn đề từ phía các trường, trường đang áp dụng cách thức tuyển sinh cũ, dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp chung để tuyển sinh theo chỉ tiêu mà không cần biết kỳ thi có đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của trường mình hay không. Để đủ chỉ tiêu, trường tuyển thí sinh theo tiêu chí thang điểm từ cao xuống thấp, cho tới khi nào đủ chỉ tiêu thì dừng lại.
Video đang HOT
Cách áp dụng một cách máy móc các phương thức tuyển sinh cũ, chỉ giúp các trường lấy được đủ số lượng thí sinh nhưng sẽ không đạt được mục tiêu về chất lượng. Như vậy, mới xảy ra tình trạng khi đề thi dễ, phổ điểm cao, số thí sinh đăng ký nguyện vọng nhiều mà số lượng tuyển sinh bị giới hạn, thì sẽ có thí sinh 29,5 điểm vẫn trượt. Như vậy, dễ thấy, vấn đề lớn nhất là từ phía chính các trường.
Trường không dám lấy những thí sinh có điểm cao bởi trường đang áp dụng cách thức tuyển sinh một cách máy móc, chưa căn cứ trên điều kiện thực tế để xét tuyển.
Trong khi rất nhiều thí sinh điểm thi không cao nhưng cộng điểm ưu tiên lại vượt trội. Vì điều này, tuyển sinh theo thang điểm từ cao xuống thấp chưa chắc giúp trường tuyển chọn được thí sinh giỏi nhưng chắc chắn sẽ có nhiều thí sinh giỏi sẽ bị loại ra khỏi cuộc đua”, TS Lê Trường Tùng nói.
Nói thêm về kỳ thi tốt nghiệp, vị TS cho rằng, việc các trường căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp chỉ là nên coi là một tiêu chí. Thi tốt nghiệp THPT chỉ phục vụ mục đích tốt nghiệp và để đánh giá khả năng nắm bắt kiến thức phổ thông của từng thí sinh. Nó hoàn toàn khác với một kỳ thi đánh giá năng lực, và các tố chất khác của một thí sinh có phù hợp với trường mới, ngành nghề mới trong tương lai hay không?
Việc này cũng giống khi sinh viên tốt nghiệp đại học, đi làm. Các doanh nghiệp tuyển dụng sẽ không mất thời gian để tổ chức một kỳ thi kiểm tra lại kiến thức và khả năng nắm bắt cũng như khả năng vận dụng kiến thức đại học trên thực tế như thế nào.
“Vì thế không thể tận dụng kỳ thi tốt nghiệp THPT để làm căn cứ tuyển chọn đầu vào cho các trường đại học. Trong khi, mỗi ngành, mỗi trường đều có tiêu chí, yêu cầu khác nhau.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là thước đo để đánh giá chất lượng giáo dục trên cả nước, qua đó đưa ra chiến lược phát triển giáo dục chung cho phù hợp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chung không nên là kỳ thi phục vụ tuyển sinh đại học.
Vì điều này, yêu cầu xét tuyển đại học mỗi trường phải có chiến lược riêng. Cụ thể là chiến lược về chất lượng (tức là có thể xé rào tuyển thêm thí sinh điểm cao hoặc chấp nhận không đủ chỉ tiêu để không hạ điểm hay không?)”, ông Lê Trường Tùng nói.
Thay đổi thế nào?
Để thay đổi thực trạng trên, TS Lê Trường Tùng cho rằng cần phải thay đổi về cách thức tuyển sinh đại học.
Theo ông Tùng, nên xem việc tuyển sinh là việc của các trường, theo đó, giao việc tuyển sinh cho các trường đại học, các trường phải tự xây dựng phương án tuyển sinh cho phù hợp, công bằng, minh bạch, không quá tốn kém.
Ông Tùng lưu ý, hình thức tuyển sinh nào cũng phải bảo đảm cả quyền học của người học. Vì học đại học cũng giống như một giai đoạn nối tiếp, từ tiểu học lên THCS, rồi lên THPT và vào đại học, cao đẳng.
Trừ một số lĩnh vực, một số ngành nghề như y tế, giáo dục, nhà nước phải khống chế, kiếm soát chất lượng nhưng với những ngành học khác nên giao lại cho trường tự tuyển sinh.
Về lâu dài, cần phải có một trung tâm khảo thí độc lập, đủ độ tin cậy, có tổ chức kỳ thi theo định kỳ hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm. Kỳ thi không chỉ đánh giá về khả năng nắm bắt kiến thức phổ thông mà còn phải căn cứ trên các yêu cầu của từng trường đại học. Các trường có thể căn cứ vào điểm thi của trung tâm khảo thí để xét tuyển.
Theo ông Tùng, để bảo đảm chất lượng và nhanh, có thể tham khảo, mời các trung tâm khảo thí nước ngoài thực hiện thí điểm tại Việt Nam. Hiện nay có rất nhiều trung tâm khảo thí của nước ngoài đang được thực hiện tại nhiều nước, Việt Nam có thể tham khảo, mới thí điểm trong nước.
Song song với đó, có thể thực hiện các trung tâm khảo thí trong nước, theo cơ chế cạnh tranh, điểm thi trung tâm nào tốt thì các trường lựa chọn.
Trước lo ngại sẽ có lò luyện thi theo trung tâm khảo thí hoặc các lò luyện thi như những năm trước đây, ông Tùng cho rằng có thể tham khảo thêm cách thức quản lý tại một số nước.
Cụ thể là buộc các trung tâm dạy thêm chỉ được hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận và có đăng ký giấy phép kinh doanh. Các trung tâm dạy thêm này vẫn được hoạt động nhưng phải hạch toán không lợi nhuận và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngành giáo dục cần giải bài toán "lạm phát" điểm chuẩn thế nào?
Các chuyên gia cho rằng, không có nền giáo dục nào, mỗi môn 10 điểm vẫn trượt đại học, điểm chuẩn vượt ngưỡng tối đa như mùa tuyển sinh đại học tại Việt Nam năm nay.
Mới đây, các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm trúng tuyển năm 2021 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều đáng chú ý, năm nay nhiều ngành học có mức điểm chuẩn "khủng" lên đến trên 29, thậm chí trên 30 điểm. Nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh xét tuyển vào 1 số ngành kể cả có đạt mỗi môn 10 điểm cũng vẫn trượt.
Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, cả nước có 61 em trên 29,5 điểm nhưng vẫn không đỗ bất cứ nguyện vọng nào. Bộ GD-ĐT cho biết, trong số 61 em này chỉ có duy nhất 1 em đăng ký 2 nguyện vọng, còn lại chỉ đăng ký duy nhất 1 nguyện vọng. Những con số trên gây ra không ít sự tiếc nuối, bên cạnh sự chủ quan khi đăng ký nguyện vọng của thí sinh, không thể không nói đến những bất thường của một kỳ thi mà thủ khoa cũng khó đỗ như năm nay.
Ảnh minh họa.
"Không có nền giáo dục nào 30 điểm vẫn trượt đại học, lỗi chắc chắn do khâu ra đề"
Bàn luận về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, điểm chuẩn năm nay là sự bất ngờ lớn với thí sinh, khi đăng ký các nguyện vọng, hầu hết các em đều dựa vào điểm thi các năm trước để lựa chọn, tuy nhiên điểm chuẩn khi công bố có ngành tăng 9 điểm, có ngành lại tăng 5-6 điểm so với năm trước, khiến thí sinh hụt hẫng.
Theo TS Lê Viết Khuyến, điểm chuẩn năm nay tăng vọt do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể thấy rõ lỗi do khâu ra đề. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, số lượng câu hỏi khó giảm mạnh, độ phân hóa của đề không cao dẫn tới điểm thi tăng, đặc biệt ở môn tiếng Anh điểm thi tăng mạnh. Trên thực tế, điểm thi tiếng Anh cao không chỉ tạo ra sự bất bình đẳng với thí sinh thi các khối không có môn này mà còn có sự bất bình đẳng giữa những thí sinh cùng thi tiếng Anh nhưng ở các khu vực khác nhau. Phổ điểm thi tiếng Anh đã cho thấy rất rõ sự chênh lệch điểm giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa những thí sinh có điều kiện học ngoại ngữ và những thí sinh ở khu vực khó khăn hơn.
Ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao - ĐH Hồng Đức có điểm chuẩn lên đến 30,5 điểm.
"Kỹ thuật ra đề cần rút kinh nghiệm, nhưng để tạo ra những biến động trong mùa tuyển sinh năm nay còn do chính sự lộn xộn của tính đa dạng phương thức xét tuyển của các trường. Không chỉ tuyển theo điểm thi tốt nghiệp, các trường còn tuyển theo học bạ, kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, tuyển theo các phương thức riêng gây ra sự hỗn loạn, dẫn đến chỉ tiêu dành cho xét tuyển theo phương thức dựa vào điểm thi giảm đi đáng kể, điểm tăng vọt", TS Lê Viết Khuyến nói.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, những mức điểm chuẩn "khủng" bắt nguồn từ việc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay quá dễ, không có khả năng phân hóa học sinh khá và giỏi, dẫn đến thang đo điểm chuẩn "co giãn" không còn chuẩn. Đặc biệt ở môn Tiếng Anh, điểm thi quá cao khiến điểm chuẩn các ngành xét theo khối thi có môn này cũng tăng vọt. Bên cạnh đó, các trường đại học sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau như xét điểm học bạ, xét kết hợp... dẫn đến giảm chỉ tiêu dành cho xét theo điểm thi.
"Nguyên tắc của tuyển sinh là nước lên thì thuyền lên, lọt sàng xuống nia, nhưng trường nào điểm cũng cao, sàng nhưng lại không lọc được, đây là lỗi của khâu ra đề thi, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT", TS Hoàng Ngọc Vinh thẳng thắn chỉ rõ.
Còn theo thầy Lê Đức Vĩnh, nguyên Tổ trưởng Tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp và đại học làm 1 vốn không "chuẩn" bởi tính chất hoàn toàn khác nhau. Đề thi để xét tốt nghiệp dễ, phù hợp để xét tốt nghiệp nhưng các trường lại khó chọn được thí sinh phù hợp, nếu đề thi quá khó, điểm thấp lại không đáp ứng được xét tốt nghiệp.
"Đề thi dễ đến mức thí sinh 27, 29 điểm vẫn trượt đại học thì có lẽ là sai lầm của Bộ GD-ĐT. Trong bối cảnh dịch bệnh như năm nay, đáng ra có thể tạm tính đến phương án giao quyền xét tốt nghiệp cho các địa phương, Bộ vẫn tổ chức kỳ thi chung, nhưng để xét tuyển đại học là chính. Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn các trường đại học sống được là nhờ vào học phí của sinh viên, nên bằng mọi cách phải cố gắng tuyển. Trong đó, nhiều trường xét dựa vào học bạ, dù tại Việt Nam, kết quả học bạ giữa các tỉnh, thành phố chưa hẳn đồng đều, chưa nói đến những vấn đề bất cập hơn như chạy điểm, xin cho điểm để làm đẹp học bạ. Khi chỉ tiêu cho những phương thức này cao lên, sẽ làm giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp, dẫn đến điểm chuẩn cao hơn.
Đây là những bất cập Bộ GD-ĐT cần giải quyết thấu đáo, không có nền giáo dục nào 3 môn thi tối đa 30 điểm vẫn trượt, lỗi chắc chắn do đề thi ra chưa chuẩn", thầy Vĩnh nêu ý kiến.
Cần hướng đến thành lập các trung tâm khảo thí quốc gia
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, hiện nay, đề thi tốt nghiệp THPT tính phân hóa thấp, trong khi xét tuyển đại học lại cần sự phân hóa cao hơn. Như vậy sử dụng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học đã là không phù hợp giữa mục đích và phương tiện. Các trường đại học đang dựa vào thang đo- điểm thi tốt nghiệp- được cho là chuẩn, nhưng lại không chuẩn dẫn đến tuyển sinh mất chuẩn. Về lâu dài, cần tính đến xây dựng các trung tâm khảo thí chung của cả nước, nâng cao chất lượng đề thi. Nếu trong một vài năm tới vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học thì cần có sự phân hóa rõ ràng.
Thầy Lê Đức Vĩnh kiến nghị nên giao việc xét tốt nghiệp về cho các địa phương, giao công tác tuyển sinh cho các trường đại học tự chủ. Ban đầu khó tránh khỏi một số trường chạy theo số lượng chỉ tiêu, tuyển sinh ồ ạt, nhưng nếu không chắt lọc nguồn tuyển, chất lượng đào tạo kém, trường đại học sẽ tự "khai tử" mình.
Về đề thi, thầy Vĩnh cho rằng, nên thành lập các trung tâm ra đề quốc gia, mời các chuyên gia hàng đầu về khảo thí để xây dựng ngân hàng đề thi, bên cạnh đó cũng chỉ nên có từ 1-2 trung tâm, tránh việc xuất hiện tràn lan các trung tâm khảo thí.
"Tại Mỹ, để tổ chức kỳ thi SAT, phải có đến hàng nghìn chuyên gia làm đề, cả nước cũng chỉ có 1-2 trung tâm, trung tâm này cũng nên do nhà nước thành lập và quản lý, tránh việc giao cho 1-2 trường tự thành lập, tổ chức", thầy Vĩnh nói.
Để gỡ bài toán mỗi môn 10 điểm vẫn trượt đại học như năm nay, TS Lê Viết Khuyến lại cho rằng, chưa thể bỏ thi tốt nghiệp và giao về cho các địa phương tự xét, bởi căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn khá nặng. Trong tương lai xa hơn, khi đã hình thành được văn hóa thực chất trong giáo dục, mới có thể xem xét bỏ thi tốt nghiệp. Trước mắt, các trường đại học, đặc biệt là các trường top trên nên sử dụng kết quả kỳ thi này như vòng sơ tuyển, sau đó tiếp tục tổ chức một bài thi đánh giá riêng như vòng chung khảo, tùy vào đặc điểm, yêu cầu từng ngành học. Hiện nay một số trường đã thực hiện phương thức này, nhưng chủ yếu là các khối ngành nghệ thuật, báo chí./.
30 điểm vẫn trượt đại học: Con cái chúng ta quá giỏi? Mùa tuyển sinh 2021 chứng kiến nhiều kỷ lục về điểm chuẩn, không ít thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học, có phải con em chúng ta ngày càng giỏi? Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào. Cá biệt,...