Vị chua, cay trong ẩm thực của người Thái
Ẩm thực là một trong những nét văn hóa rất độc đáo của người Thái Lan. Trong quan niệm của mình, người dân xứ sở chùa Vàng xem bữa ăn là sự giao tiếp thân mật với mọi người trong cộng đồng.
Ẩm thực Thái nổi tiếng thế giới với những món ăn độc đáo kết hợp giữa vị chua, ngọt, đặc biệt là cay. Nét nổi bật của các món ăn Thái so với các quốc gia lân cận là tẩm ướp khá nhiều gia vị như tỏi, ớt, nước chanh, sả, nước mắm và bột tôm để tạo mùi vị thơm ngon. Không chỉ vậy, món ăn Thái còn bao gồm nhiều loại gia vị quen thuộc với người nội trợ Việt Nam như gừng núi, hạt tiêu, lạc xay, nước me, và nước cốt dừa.
Gạo là nguyên liệu chính trong ẩm thực Thái Lan. Gạo có mặt trong tất cả các món ăn cùng với súp, cà ri, rau xào và nam phrik. Nam phrik là một loại sốt cay, được làm theo những cách khác nhau tùy theo vùng như Nam phrik pla pon là cá khô xay nhuyễn trộn nước ớt. Nam phrik pla raa là nước mắm ớt. Nam phrik kapi là bột tôm và nước ớt. Nam phrik oong là thịt heo xay, cà chua và nước ớt. Nhiều vùng nông thôn còn dùng các loại côn trùng như dế, nhộng, ấu trùng kiến đỏ chế biến thành thức ăn.
Cơm rang tôm đặc trưng của ẩm thực Thái.
Hương vị cơ bản của thức ăn Thái được chế biến theo khẩu vị riêng của từng vùng miền. Ở miền Trung thức ăn được nấu mềm và nhừ hơn với đầy đủ hương vị cay, mặn, chua và ngọt. Cơm được ăn cùng với các loại nam phrik khác nhau và súp như tom yam (súp tôm cùng sả).
Trong khi đó, các món ăn Thái ở phía Bắc được nấu vừa chín tới, cay, mặn và chua nhưng không bao giờ có vị ngọt. Cơm dẻo hay cơm nếp được dùng phổ biến kết hợp với rau luộc, nam phrik oong, súp và cà ri. Phía Bắc còn nổi tiếng với món xúc xích gọi là naem là thịt heo giã đã lên men. Nó có vị chua và được gói trong lá chuối giống món nem chua ở Việt Nam.
Miền Đông Bắc với những món ăn được yêu thích như salad đu đủ, salad thịt chua. Hương vị đặc trưng của món ăn cũng có vị cay, mặn, và chua. Các bữa ăn thường có gạo nếp, nam phrik pla raa với nhiều loại rau.
Som Tam – gỏi đu đủ xà lách
So với các vùng khác, thức ăn ở miền Nam nổi tiếng là cay và nóng hơn, đồng thời thêm vị mặn và chua. Cà ri được dùng phổ biến với nhiều loại gia vị thơm ngon khác. Khao yam (một loại gạo trộn), rau sống và nước mắm, nước sốt nam phrik kapi cũng là những món ăn thường thấy. Riêng các món tráng miệng Thái Lan được làm từ gạo nếp hoặc cốt dừa, bột, trứng và đường dừa cộng với những loại hoa quả có sẵn quanh năm.
Video đang HOT
Hiện nay, món ăn Thái được yêu thích nhất là món súp Tom Yam. Nó đặc biệt ở sự đơn giản nhưng sáng tạo và hương vị thơm ngon. Mặc dù món ăn Thái nổi tiếng chua cay nhưng đối với khẩu vị của từng thực khách sẽ có sự thay đổi phù hợp bằng cách giảm hay tăng vị cay, vị chua. Các món cà ri xanh, cà ri đỏ cũng sẽ là lựa chọn ưu việt cho những thực khách không ăn cay. Thưởng thức các món ăn Thái Lan, các bạn sẽ dễ dàng cảm nhận vị ngon của từng món ăn ngay trên đầu lưỡi.
Dưới đây là ba món ăn được người dùng đánh giá cao nhất của ẩm thực Thái Lan:
1. Tom Yam Kung (súp tôm cay)
Nguyên liệu: bột tôm, 400g tôm, 1 củ hành, 3 quả cà chua, 200g nấm, mắm, muối, đường, nước chanh, hành lá, rau mùi, cây mùi tây, sả, lá chanh, bột cà ri.
Chế biến: Đun sôi nước, cho thêm sả, bột tôm, tôm và hành củ. Nấu cho tới khi có mùi thơm. Cho thêm cà chua, tôm và nấm cho tới khi chín. Nêm nước mắm, muối và đường, khuấy đều. Cho thêm nước chanh hoặc me, hành lá, nghệ, rau mùi và lá chanh và ớt/bột cà ri nếu muốn cay.
Tom Yam Kung – súp tôm cay
2. Kaeng Khiao Wan Kai (cà ri gà xanh)
Nguyên liệu: 1 thìa dầu, 1 củ hành, 2 thìa bột cà ri xanh của Thái, 1 cốc cốt dừa, 1/2 cốc nước, 500g thịt gà, 100g đỗ xanh, 2 cái lá chanh, 1 thìa mắm , 1 thìa nước chanh, 2 thìa đường nâu, 1/2 cốc lá rau mùi.
Chế biến: Đun nóng dầu, bỏ thêm hành và bột cà ri và nếu 1 phút, bỏ thêm cốt dừa và nước, đun sôi. Cho thêm thịt gà, đỗ xanh và lá chanh. Đun nhỏ lửa khoảng 15-20 phút, rồi cho thêm nước mắm, nước chanh và đường nâu và khuấy đều.
Kaeng Khiao Wan Kai – cà ri gà xanh
3. Phat Thai (mì xào kiểu Thái)
Nguyên liệu: 1 gói bánh phở, nước mắm, nước me, 2 thìa đường, 4 nhành tỏi bằm nhỏ, tôm, 3 quả trưng, 3 cốc giá đỗ, 3/4 cốc đầu phụ cắt nhỏ, hành lá, lạc giã nhỏ, một vài lát chanh.
Chế biến: Đun bánh phở tới khi mềm, nhưng không nhũn. Trộn nước mắm với nước me và đường. Đun nóng dầu và xào tôm cho thêm một chút mắm rồi bỏ ra ngoài chảo. Xào đậu phủ, cho thêm tỏi, cho thêm giá đỗ. Sau khi đã chín sơ, bỏ thêm bánh phở, đánh trứng vào một góc chảo rồi trộn đều. Cho thêm các gia vị theo sở thích. Rắc lạc giã nhỏ và hành lá cắt thành khúc khoảng 4 cm lên trên, cùng một miếng chanh.
Phat Thai – mì xào kiểu Thái
Tiêu Phong
Theo NS
Thú vị văn hóa ẩm thực Thái Lan
Ẩm thực Thái Lan là sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống với những phong cách nấu nướng đặc biệt. Mỗi món ăn hay toàn thể bữa ăn đều có sự phối trộn tinh tế giữa vị cay, chua, ngọt và đắng.
Người Thái Lan quan niệm bữa ăn là nơi giao tiếp thân mật của mọi người. Trong bữa ăn, món ăn chính là cơm tẻ hoặc xôi, ăn cùng với nhiều món được chế biến theo các cách khác nhau, theo khẩu vị của mỗi vùng. Đó là các món súp, cà ri, các món hầm hoặc rán, salad và thêm một hay nhiều thứ nước chấm cơ bản như nước mắm và ớt. Người Thái Lan ăn tráng miệng bằng hoa quả tươi hay những loại bánh truyền thống. Đặc biệt, người Thái Lan coi thú ẩm thực là cách giải trí ưa thích nhất. Mỗi miền có một cách ăn và chế biến món ăn riêng. Khi chúng ta nói đến "Ẩm thực Thái Lan", thực tế là chúng ta đang nói đến 4 vùng miền ẩm thực khác biệt của Thái, mỗi vùng miền lại có một nét đặc trưng riêng trong cách chế biến truyền thống của họ.
Miền Bắc
Món ăn miền Bắc được nấu theo hương vị riêng, bữa ăn thông thường gồm có xôi, nhiều loại nước chấm khác nhau như namprik noom, namprik dang, namprik ong và các loại xúp cay (gang) như gang hangle, gang hoh, gang kae. Ngoài ra còn có xúc xích địa phương như sai ua, nham, thịt hầm, lợn nướng, lợn rán, gà rán và rau đi kèm. Món ăn miền Bắc khác biệt với các vùng khác. Xôi là món ăn được ưa thích; khi ăn, người ta thường nắm thành nắm tròn nhỏ. Món cà ri của miền Bắc ít cay hơn so với miền Trung và Đông Bắc Thái Lan.
Có thể thấy được ảnh hưởng của nước láng giềng Myanmar lên một số món ăn phổ biến như: kaeng hang le, một món cà ri chế biến từ thịt lợn, gừng, me, nghệ và món khao soy, cũng là một món cà ri nấu với mì trứng, thịt, nhưng khi chín cho thêm hành tây, bắp cải dầm giấm và lá chanh thái chỉ. Người miền Bắc thích món ăn nấu vừa chín tới với một chút vị mặn và hầu như không có vị ngọt và chua. Họ thích ăn thịt lợn nhất sau đó là thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thịt chim v.v... Hải sản có rất ít vì vùng này nằm xa biển.
Miền Trung
Người dân ở đây thích ăn các loại cơm gạo tẻ thơm. Cơm là món chính đối với tất cả các gia đình miền Trung Thái Lan. Trung bình có từ 3 đến 5 món ăn như Kang Phed (cà ri đỏ Thái), Tom Yam (canh chua), rau, nước mắm cá trích, trứng rán theo kiểu Thái, thịt lợn nướng. Đồ ăn Thái - Trung Quốc phổ biến ở các thành phố như Bangkok , đặc biệt là các món mì.
Miền Trung cũng có những món ăn theo kiểu Hoàng gia, được chế biến phức tạp hơn các món ăn thông thường. Do chịu ảnh hưởng của món ăn trong cung vua nên phong cách nghệ thuật nấu nướng rất cầu kỳ. Người Thái ở miền Trung thích ăn món nấu mềm và nhừ với một chút vị ngọt. Cách bày biện món ăn cũng mang tính nghệ thuật. Bàn ăn thường được trang trí với rau và hoa quả tỉa. Ẩm thực miền Trung đôi khi là sự kết hợp những món ăn ngon nhất của các vùng khác. Tại miền Trung, người ta có thể tìm thấy mọi món ăn, và tại miền Trung, các món ăn vùng miền khác đạt đến tiêu chuẩn của nó.
Miền Đông Bắc
Nhiều món ăn của miền Đông Bắc thể hiện những ảnh hưởng của nước láng giềng Lào. Xôi là món ăn chính, thường ăn cùng với thịt, tiết lợn, nộm đu đủ, cá nướng, gà nướng... Món ăn của miền này thường ăn với món som tam (nộm đu đủ) và món kai yang (gà nướng). Vì các loại thịt gia súc và gia cầm ít nên cá nước ngọt và tôm là nguồn cung cấp prôtêin chủ yếu. Người vùng Đông Bắc thích ăn thịt rán như thịt cóc, thằn lằn, rắn, chuột đồng, kiến đỏ, côn trùng... Thịt lợn, bò, gà cũng rất được ưa thích.
Miền Nam
Ở miền Nam, dừa đóng vai trò quan trọng trong nhiều món ăn. Nước cốt dừa đun nóng được rưới vào xúp và cà ri. Dầu dừa dùng để rán. Cùi dừa làm gia vị. Hải sản tươi sống phổ biến như: cá, tôm, tôm hùm, cua, mực ống, sò, trai. Hạt điều có rất nhiều ở vùng này, dùng để ăn như món khai vị hoặc rán với thịt gà và ớt khô, cũng như loại đậu cay sator được người miền Nam ưa thích bởi vị hơi đắng. Đồ ăn Thái - Trung Quốc cũng phổ biến ở các thành phố lớn.
Ẩm thực miền Nam là sự kết hợp ảnh hưởng của các nước như Ấn Độ hay Inđônêxia như mãn kaeng matsaman, món cà ri mang phong cách Ấn Độ nấu cùng bạch đậu khấu, đinh hương, quế và những xiên thịt nướng với nước xốt đậu phộng cay bắt nguồn từ Inđônêxia. Món ăn miền Nam có xu hướng cay nóng hơn nhiều so với món ăn ở các vùng khác của Thái Lan. Các món ăn mang hương vị đặc biệt của miền Nam là các món canh (xúp cay hay cà ri) như gang liang, gang tai pla và xốt budu. Món khao yam gồm cơm trộn với nước xốt budu, là một món ăn ngon của người miền Nam có vị mặn nên món khao yam được ăn cùng rau.
Ẩm thực Thái Lan được ưa thích và nổi tiếng trên toàn thế giới vì có hương vị độc đáo. Muốn học nấu các món ăn Thái Lan ở chính Thái Lan bạn có thể chọn học ở những lớp dạy nấu ăn của các đầu bếp hay các chuyên gia Thái.
Theo PNO
Trà quán văn hóa thưởng trà của người Việt Đã từ lâu, trà trở thành một thú vui tao nhã của rất nhiều người Việt. Không bị lai tạp bởi trà đạo Nhật Bản hay trà pháp Trung Hoa, trà phong Việt Nam mang những nét tinh tế riêng. Ẩn sâu trong những chén trà ấy là cả một tầng sâu văn hóa của người Việt chắt lọc từ nghìn đời nay....