Tôi e “bão giấy khen” sẽ vẫn tiếp diễn, chỉ thay thế học sinh tiên tiến bằng HSG
Chỉ tiêu thì cấp trên giao, giáo viên dù muốn, dù không vẫn phải thực hiện theo những số liệu đã được tổ chuyên môn và trường thống nhất ở thời điểm đầu năm học.
Ảnh minh họa
Việc bỏ danh hiệu Học sinh Tiên tiến theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT đã và đang nhận được sự quan tâm khá lớn của đội ngũ giáo viên dạy cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông trong thời gian qua.
Bởi, kể từ năm học 2021-2022 thì các trường sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 và thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT. Những năm tiếp theo, sẽ áp dụng theo lộ trình: năm học 2022-2023 đối với lớp 7, lớp 10; 2023-2024 đối với lớp 8, lớp 11; năm học 2024-2025 áp dụng đối với lớp 9, lớp 12.
Tới đây, học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ còn khen thưởng 2 danh hiệu về học tập là danh hiệu Học sinh Giỏi và danh hiệu Học sinh Xuất sắc. Ngoài ra, còn khen thưởng cho những học sinh có “thành tích đột xuất”, “thành tích đặc biệt”.
Chính vì vậy, điều mà nhiều người cảm thấy băn khoăn là liệu rồi đây bệnh ngụy thành tích của một số nhà trường có xảy ra hay không? Bởi, nếu như trước đây, khen học sinh ở danh hiệu thấp nhất là Học sinh Tiên tiến thì tới đây thấp nhất sẽ là danh hiệu Học sinh Giỏi.
Thông tư 22 khó có thể hạn chế được tình trạng điểm 9, điểm 10 hiện nay. (Ảnh minh họa: Kim Oanh)
Từ danh hiệu cao nhất trong học tập bị đẩy xuống danh hiệu…thấp nhất
Theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT thì lớp 6 trong năm nay sẽ không còn phân loại học sinh theo các mức: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu, Kém mà thay vào đó, kết quả học tập của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học được đánh giá theo 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Cuối năm học, hiệu trưởng tặng danh hiệu Học sinh Xuất sắc đối với học sinh có kết quả rèn luyện và học tập cả năm học được đánh giá ở mức Tốt; kết quả học tập 6 môn học trở lên điểm cả năm đạt 9.0 trở lên;
Video đang HOT
Khen danh hiệu Học sinh Giỏi cho những học sinh có kết quả học tập và rèn luyện cả năm đánh giá mức Tốt; Kết quả học tập ít nhất 6 môn đạt điểm 8 trở lên và tất cả các môn học đều đạt 6.5 trở lên.
Ngoài ra, còn khen học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học; khen học sinh có thành tích đặc biệt được nhà trường xem xét đề nghị cấp trên khen thưởng.
Nhìn vào hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT thì nhiều người cho rằng tới đây sẽ tiến tới được việc dạy thật, khen thật bởi ngưỡng điểm như vậy thì sẽ rất ít học sinh đạt được vì điểm 8 và điểm 9 khó đạt được.
Và, nếu như các trường trên cả nước đều dạy thật, học thật, đánh giá thật thì chúng ta tin sẽ không còn tình trạng khen thường tràn lan như trước đây nữa.
Nhưng, thực tế lâu nay thì nhiều môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đa phần từ 8 trở lên, chỉ có môn Toán, Văn, Anh là ít điểm giỏi hơn mà thôi.
Nhiều học sinh có điểm tổng kết trung bình cuối học kỳ, cuối năm học lên đến 9.0 điểm mà vẫn nằm ở giữa lớp vì có nhiều em đạt đến ngưỡng 9.7- 9.8 điểm, thậm chí có em đạt tới 9.9 điểm cũng không phải là trường hợp hiếm ở nhiều trường học hiện nay.
Thậm chí, trong một kỳ thi do Bộ Giáo dục tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1, năm 2021 vừa qua thì môn Giáo dục công dân có 18.680 điểm 10; điểm trung bình là 8,37; điểm trung vị là 8,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 9,25 điểm.
Không chỉ nhiều điểm 10 mà trong kỳ thi này thì môn Giáo dục công dân có 40.169 bài thi đạt 9,75 điểm và 50.343 bài thi có đạt 9,5 điểm. Nhìn vào điểm số này, chúng ta dễ dàng nhìn thấy là đa số thí sinh đều đạt điểm giỏi ở môn học này.
Vì thế, việc Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT bỏ khống chế điểm của 1 trong 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh và thêm danh hiệu Học sinh Xuất sắc có thể sẽ là cơ hội để danh hiệu Học sinh Giỏi và Học sinh Xuất sắc ngày càng nhiều hơn vì không còn bị khống chế nữa.
Bởi trước đây chỉ dừng lại ở danh hiệu Học sinh Giỏi là cao nhất thì bây giờ Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT có thêm danh hiệu Học sinh Xuất sắc. Liệu rồi, danh hiệu Học sinh Xuất sắc có xảy ra như ở cấp tiểu học trong những năm vừa qua hay không?
Đối với cấp tiểu học những năm qua cũng khen danh hiệu Học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập khi các môn học đánh giá bằng điểm số có điểm kiểm tra cuối mỗi học kỳ đạt từ 9,0 điểm trở lên và mọi người đều thấy có hiện tượng loạn học sinh xuất sắc.
Ngẫm về danh hiệu Học sinh Xuất sắc
Khi nghĩ về một danh hiệu xuất sắc, chúng ta thường nghĩ đến những con người đạt được những thành tích nổi bật hơn hẳn mức bình thường. Danh hiệu Học sinh Xuất sắc cũng vậy, ai cũng nghĩ đến những học sinh ưu tú, có những thành tích vượt trội so với bạn bè trong lớp, trong trường.
Thế nhưng, ngẫm lại danh hiệu Học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập ở tiểu học trong những năm qua thì nhiều em thực sự không xứng đáng với danh hiệu được khen thưởng bởi khi lên đến cấp trung học cơ sở nhiều em có lực học rất bình thường.
Nhưng, vì sao ở tiểu học thì những em này đã đạt được danh hiệu Học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập?
Bởi một lẽ rất giản đơn là giáo viên đề nghị khen theo hướng dẫn của văn bản hiện hành và chỉ tiêu của nhà trường. Nhà trường giao chỉ tiêu bao nhiêu thì giáo viên sẽ thực hiện bấy nhiêu, những em thực sự đáng được khen thưởng thì không nói làm gì nhưng những em chưa đáng được khen thì giáo viên buộc phải “kéo” lên.
Vì thế, khi thực hiện khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng rất có thể sẽ lặp lại giống như tiểu học hiện nay.
Nhiều người cho rằng chỉ khen danh hiệu Học sinh Giỏi và Học sinh Xuất sắc thì sẽ không còn lạm phát khen thưởng học trò nhưng cũng không ít người lại nghĩ khác. Bởi, chỉ tiêu thì cấp trên giao, giáo viên dù muốn, dù không vẫn phải thực hiện theo những số liệu được tổ chuyên môn và trường thống nhất ở thời điểm đầu năm học.
Danh hiệu Học sinh Giỏi và Học sinh Xuất sắc sẽ vẫn tiếp tục nhiều bởi ngoài yếu tố chỉ tiêu cấp trên giao cho thì những lí do khác cũng không kém phần quan trọng đó là tình trạng dạy thêm, học thêm, là thành tích thi đua của người thầy.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Bệnh thành tích giảm khi bỏ danh hiệu học sinh tiến tiến?
Nhiều phụ huynh, giáo viên băn khoăn khi Bộ GD&ĐT bỏ quy định khen thưởng danh hiệu học sinh tiến tiến liệu có giảm được bệnh thành tích trong đánh giá xếp loại?
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 22 với những quy định mới về việc đánh giá, xếp loại học sinh. Thông tư mới này được áp dụng từ lớp 6 năm học 2021 - 2022. Nhiều phụ huynh, giáo viên kỳ vọng sự đổi mới này sẽ mang lại nhiều điểm tích cực, giảm được tình trạng bệnh thành tích.
Cô Trần Thu Hoa, giáo viên dạy một trường THCS ở Đoan Hùng, Phú Thọ cho biết, trong Thông tư 22 mới, việc khen thưởng học sinh cuối năm chỉ còn hai danh hiệu "học sinh xuất sắc" và "học sinh giỏi".
Theo đó, học sinh nhận danh hiệu xuất sắc khi kết quả học tập, rèn luyện cả năm đạt mức tốt, ít nhất 6/8 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn từ 9 trở lên. Học sinh nhận danh hiệu giỏi khi kết quả học tập, rèn luyện cả năm đạt mức tốt từ 8.0 trở lên. Như vậy, trong khen thưởng cuối năm, các trường không còn trao giấy khen học sinh tiên tiến.
Theo cô, việc Bộ GD&ĐT quy định bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến là sự thay đổi lớn. Điều này sẽ góp phần giảm bệnh thành tích, đồng thời bồi đắp thêm động lực phấn đấu cho học sinh.
Bởi từ nay, học sinh giỏi, học sinh xuất sắc sẽ có sự phân hóa rõ ràng về năng lực thực sự. Đạt được danh hiệu "học sinh xuất sắc" sẽ cần "cuộc chiến" dài hơi, yêu cầu trí tuệ và sự nỗ lực, phấn đấu thật sự, không có sự khen thưởng ồ ạt trong cùng một lớp học.
Cũng theo cô Hoa, trước đây, trong một lớp, nhiều học sinh chưa thực sự giỏi nhưng vẫn được khen thưởng, thậm chí còn xảy ra trường hợp, nhiều em học không tốt nhưng vẫn được "động viên" với tấm giấy khen "Học sinh tiên tiến". Điều này làm "tầm thường hóa" giá trị của những tấm giấy khen. Do đó, với cách đánh giá tới đây, những tấm giấy khen "ảo" sẽ được giảm bớt.
Thay đổi cách đánh giá học sinh từ năm học 2021 - 2022.
Lý giải việc bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, đây chỉ là thay đổi trong tên gọi các danh hiệu.
Trước đây, các trường xét công nhận học sinh tiên tiến và giỏi, trong đó, học sinh tiên tiến phải đạt học lực loại khá và hạnh kiểm loại khá trở lên. Với thông tin mới, các trường không xét công nhận học sinh giỏi hay tiên tiến mà khen thưởng danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc dựa trên kết quả học tập, rèn luyện.
Bên cạnh đó, hình thức đánh giá cũng thay đổi. Một số môn giáo viên đánh giá bằng nhận xét, một số môn kết hợp nhận xét và điểm số. Điểm trung bình tất cả môn học cũng bị bỏ. Thay vào đó, giáo viên nhìn vào thực chất từng môn học, không phân biệt môn chính, môn phụ để đánh giá học lực của học sinh.
Cụ thể, kết quả học tập ở những môn này được đánh giá theo một trong 4 mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Học sinh sẽ được xếp mức Tốt nếu tất cả môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt; tất cả môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 8 trở lên.
Học sinh xếp mức Khá khi tất cả môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức "đạt"; tất cả môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 6,5 trở lên.
Học sinh được xếp mức "đạt" khi có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức Chưa đạt; ít nhất 6 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số từ 5 trở lên, không có môn nào dưới 3,5 điểm. Các trường hợp còn lại xếp mức "chưa đạt".
Trong khen thưởng, học sinh cũng nhận danh hiệu học sinh xuất sắc khi ngoài kết quả học tập, rèn luyện chung cần có ít nhất 6 môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn từ 9 trở lên.
Ông Thành cho rằng căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình, nếu học sinh đạt được, các em thực sự xứng đáng với danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Việc đánh giá, khen thưởng học sinh sẽ đánh giá sự nỗ lực của các em và danh hiệu không có nghĩa gì nếu năng lực thật sự không được như vậy.
Vụ trưởng nhấn mạnh: " Chúng ta không quan tâm đến số lượng mà thực chất. Cốt lõi vấn đề là học sinh học thực tế để bản thân có năng lực, phẩm chất chứ không phải ở danh hiệu học sinh giỏi hay học sinh xuất sắc".
Bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến: Bệnh thành tích có giảm? Từ 5/9/2021, Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực, trong đó quy định bỏ danh hiệu học sinh (HS) tiên tiến được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều chuyên gia cho rằng, bỏ danh hiệu HS tiên tiến rất phù hợp, sẽ đánh giá đúng thành tích của HS. Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh...