Thưởng thức đặc sản Nga Sơn làm từ moi tươi
Moi xào kẹp khế chua, moi nấu canh hay làm mắm là những món ăn dân dã của người dân Nga Sơn, Thanh Hóa mỗi độ thu qua đông về.
Moi còn có tên khác là ruốc, miền Trung thường gọi là con khuyết, sống ở biển. Moi có hình dáng giống tôm nhưng nhỏ và mỏng, to hơn que tăm Một chút. Chúng chỉ xuất hiện vào thời khắc cuối thu, đầu đông và khá dễ dàng để đánh bắt. Giá cho mỗi cân moi tươi khoảng 15.000 – 20.000 đồng. Moi được bán nhiều ở các khu chợ ở Nga Sơn hay những hàng rong trên đường.
Trước khi chế biến moi được rửa sạch với nước. Để moi không bị nát người dân ở đây thả vào rá, xả một chậu nước đầy rồi lắc tròn. Rửa đến khi nước trong thì vớt ra, để ráo rồi mang ra chế biến. Nếu kỹ hơn, có thể mang đồ giống như xôi để moi khô và giữ được lâu hơn.
Moi nhỏ, mang vị ngọt của nước biển nhưng lại hơi kén trong việc kết hợp với các gia vị khác. Người dân ở đây thường chỉ chế biến món moi xào kẹp kế, nấu canh và làm mắm.
Moi xào kẹp khế
Ngoài khế chua, moi xào có thể ăn cùng với bánh đa nướng. Ảnh: Ngọc Thanh.
Video đang HOT
Món được người dân ở đây ưa thích nhất vẫn là moi xào kẹp khế. Cho dầu vào chảo, phi hành khô thơm lên rồi bỏ moi vào, thêm một tí gia vị. Khi moi chuyển sang màu trắng đục thì thả hành lá vào mang ra dùng với kế chua thái mỏng.
Vị ngọt dần dần thấm vào đầu lưỡi, và vị chua của khế biến mất là những trải nghiệm ấn tượng của nhiều thực khách khi lần đầu thưởng thức. Moi xào kẹp khế là món khoái khẩu của nhiều người và có thể ăn no.
Canh moi
Chỉ cần xào một nhúm moi tươi cùng khế và cà chua, đổ một lượng nước vừa đủ ăn, nêm thêm chút gia vị. Đến khi sôi, nhấc nồi canh ra và thả vào đó Một chút hành lá thái nhỏ là đã có một bát canh ngọt thanh, mát lành cho bữa cơm gia đình.
Ngoài nấu với khế chua, moi còn được nấu với mướp, bầu hay rau đay…Ảnh: Ngọc Thanh.
Mắm moi
Moi để làm mắm là loại moi tươi, sau khi rửa phải để ráo nước. Để mắm ngon và thơm thì người dân ở đây chọn loại bình làm bằng đất nung. Cứ một cân moi, người dân sẽ trộn cùng với hai lạng muối và hai lạng thính. Rải một lớp moi ở dưới đáy, cho muối và thính vào, trộn nhẹ tay để moi không bị nát.
Cuối cùng dùng một mảnh vải màm bịt lên trên miệng vại để tránh ruồi, bọ hay bụi bặm bay vào, đồng thời cũng để cho khí trong vại thoát ra, gây chua và mắm sẽ thơm hơn. Sau khi muối xong mang phơi nắng khoảng hai tháng là có thể ăn được. Mỗi ngày người dân sẽ mang mắm ra quấy đều lên để moi không bị nổi.
Mắm moi có thể chưng với hành mỡ rồi chan cơm ăn, chấm thịt luộc hay chưng cùng với thịt lợn băm nhỏ.
Theo Internet
Tự hào phong vị quê Thanh
Thanh Hóa không chỉ là miền đất "địa linh nhân kiệt" mà còn nổi tiếng là một vùng văn hóa ẩm thực phong phú, đặc sắc.
Với địa hình đa dạng trải rộng từ miền núi, trung du xuống đồng bằng và vùng biển, những yếu tố tự nhiên, lịch sử và sắc tộc là cơ sở làm nên sự đa dạng và khác biệt cho ẩm thực xứ Thanh. Chính nghệ thuật ẩm thực là một phần làm nên sự tinh tế của đời sống văn hóa và con người nơi đây.
Một trong những sản phẩm nổi tiếng mang đậm tình người, tình biển quê Thanh đó là nước mắm. Nước mắm xứ Thanh hiện có nhiều thương hiệu quen thuộc, trong đó phải kể đến các làng nghề nước mắm Ba Làng (Tĩnh Gia), Khúc Phụ (Hoằng Hóa), Cự Nham, (Quảng Xương), Quảng Tiến (TP Sầm Sơn). Những sản phẩm nước mắm thơm ngon của xứ Thanh đã trở nên thân thuộc trong bữa cơm của mỗi người dân quê Thanh và trở thành một nét văn hóa ẩm thực truyền thống của người Việt. Cách thức và các bí quyết chế biến nước mắm truyền thống đều dựa vào kinh nghiệm và hoàn toàn mang tính thủ công từ những mẻ cá tươi ngon được đánh bắt về. Thanh Hóa là một trong những tỉnh cung cấp sản lượng thủy hải sản lớn trong cả nước. Từ nguồn thủy hải sản, người dân Thanh Hóa đã tạo ra nhiều đặc sản khác như: Mắm tôm, mắm tép, mực khô, cá nướng... với hương vị thơm ngon đậm đà của vùng biển quê Thanh.
Gắn với tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Thanh Hóa còn là cái nôi của những món ăn tiến vua nổi tiếng. Mỗi món ăn mang một hương vị riêng và gắn với những câu chuyện lịch sử đầy ý nghĩa. Ví như món bánh răng bừa của quê hương làng Xuân Lập gắn với tục cày ruộng tịch điền của Lê Đại Hành hoàng đế; món chè lam Phủ Quảng gắn với thuở nghĩa quân Lam Sơn "nếm mật nằm gai"; mía Kim Tân, mắm tép Hà Yên gắn với câu chuyện vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh... Với những nguyên liệu đơn giản cộng với bí quyết gia truyền, sự khéo léo và sáng tạo, người quê Thanh đã cho ra đời những sản phẩm vừa thơm ngon vừa đậm đà hương vị quê hương. Cách chế biến món ăn của người Thanh Hóa không quá cầu kỳ nhưng luôn hấp dẫn và mang dấu ấn văn hóa đặc trưng. Đặc biệt, xứ Thanh có nhiều đặc sản nổi tiếng, trong đó, phải kể đến gỏi nhệch Nga Sơn, nem thính Thọ Xuân, nem chua TP Thanh Hóa, dừa Hoằng Hóa, cam làng Giàng, bưởi Luận Văn... Cảnh quan thiên nhiên xứ Thanh không chỉ mang vẻ đẹp kỳ vĩ mà còn là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu phong phú, làm giàu đời sống văn hóa ẩm thực. Để tạo ra những bữa ăn ngon, người dân đã khéo léo khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên và chế biến thành các món ăn hợp khẩu vị, bổ dưỡng. Có những món ăn rất mộc mạc, bình dị, thân quen nhưng lại trở thành đặc sản tiến vua, ví như món dưa cải lê Yên Định ở làng Lê (xã Yên Thái, huyện Yên Định). Từ xa xưa, loại rau này được xếp vào hàng đặc sản "tiến vua", nổi tiếng tận kinh kỳ Thăng Long. Dưa cải Lê tuy chỉ là món ăn dân dã, đạm bạc nhưng lại thấm đẫm hương vị quê nhà và đã dần được xây dựng thành thương hiệu ẩm thực riêng của xứ Thanh. Đó cũng chính là niềm tự hào của những người con Yên Định về quê hương mình - vùng đất trù phú, thanh bình bên bờ Nam sông Mã.
Thiên nhiên không chỉ tạo nên cho Thanh Hóa nhiều danh lam thắng cảnh, mà còn ẩn chứa trong đó những sản vật làm quà tặng cho cuộc sống con người. Ở miền núi, Thanh Hóa được biết đến với nhiều món ăn ngon do đồng bào các dân tộc chế biến như: Xôi ngũ sắc, vịt Cổ Lũng, canh loóng, canh đắng, cá nướng, mật ong rừng...
Trước đây, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa chế biến món ăn rất đơn giản bởi các gia vị không phong phú như bây giờ, chủ yếu là muối trắng, không có dầu mỡ. Nhưng ngày nay, khi cuộc sống phát triển, đồng bào đã làm ra nhiều món ăn ngon và đẹp mắt hơn. Nguyên liệu chế biến chủ yếu lấy từ tự nhiên, giàu dinh dưỡng. Sông, suối, rừng là nơi cung cấp nguyên liệu với rất nhiều loại như: Tôm, cua, cá, ốc, ếch, rau, măng, nấm. Đây là những đặc sản được nhiều người ưa thích. Cách chế biến và hương vị của những món ăn này khác hẳn miền xuôi. Trong đó hấp dẫn nhất phải kể đến là những món ẩm thực truyền thống của người Thái.
Nét độc đáo trong các món ăn của dân tộc Thái là khi chế biến, bà con rất chú trọng tới việc điều phối các vị đắng - cay - chua - mặn - chát. Những gia vị này được phối hợp hài hòa và món ăn cũng chính là những bài thuốc hay trị bệnh theo cách thức dân gian. Nếu như các món ăn vùng đồng bằng chủ yếu được bày trên đĩa, bát, thì người vùng núi xứ Thanh thường bày trên lá chuối trong tất cả những bữa ăn cộng đồng.
Ẩm thực truyền thống miền núi xứ Thanh được xem là cách truyền tải hữu hiệu nhất những nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đến với du khách muôn phương. Nếu như việc lựa chọn, chế biến món ăn là sự sáng tạo, thì cách trình bày cho hợp lý, đẹp mắt lại là cả một nghệ thuật. Cách bài trí ẩm thực Thanh Hóa cũng vô cùng phong phú như bày ra bát, đĩa, đóng vào chai, lọ, bình, hũ, đóng túi hay buộc dây... Ẩm thực Thanh Hóa luôn được đánh giá cao về tính thẩm mỹ. Bởi thưởng thức món ăn không chỉ là "khẩu thực", mà còn là sự kết hợp của ngũ giác: Thị giác, khứu giác, thính giác, vị giác và cao hơn là khi đạt đến "tâm thực", tức thưởng thức món ăn bằng tấm lòng, sự đồng cảm sâu sắc giữa người chế biến và người thưởng thức.
Được biết đến là vùng đất địa đầu của miền Trung, tiếp cận ẩm thực xứ Thanh dưới góc nhìn văn hóa, có thể thấy ẩm thực vùng đất này hết sức phong phú, đa dạng và cho dù có ảnh hưởng văn hóa ẩm thực của các khu vực khác thì nó vẫn có đặc điểm riêng. Nét riêng ấy được tạo nên bởi truyền thống của con người xứ Thanh trọng truyền thống, gia tộc, gia phong, gia đình, do đó món ăn cũng mang đậm dấu ấn của quê hương bản quán. Đó là sự kết hợp giữa hai yếu tố: Coi trọng sự nguyên sơ của tự nhiên kết hợp với phong cách chế biến không quá cầu kỳ, luôn chú ý giữ gìn từ màu sắc đến hương vị. Mùa nào thức nấy, người xứ Thanh đãi khách bằng sản vật được thiên nhiên hoang sơ và hào phóng ban phát. Cho dù đi xa muôn phương nhưng những người con xứ Thanh vẫn luôn nhớ và tự hào về phong vị xứ Thanh.
Theo Thanhhoa
Quán ăn ngon trên đường từ Hà Nội đi làng Sen, Nghệ An Trên đường đi từ Hà Nội đến làng Sen, du khách có thể thưởng thức bún chả, bánh cuốn Phủ Lý hay dê núi, cơm cháy Ninh Bình. Làng Sen là điểm du lịch nổi tiếng thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đường đi từ Hà Nội đến làng Sen dài...