Thương ấu ta, xa ấu tàu
Vừa qua, một bệnh nhân nam 51 tuổi được nhập khoa hồi sức tích cực, bệnh viện E Trung ương trong tình trạng tê bì miệng, lưỡi, tứ chi khó thở, tức ngực, mạch 95 lần/phút, không đều huyết áp 90/60mmHg… Bệnh nhân cho biết trước đó có ăn cháo củ ấu tàu nhằm “tăng cường sinh lực đàn ông”. Đây không phải lần đầu tiên có người ngộ độc củ ấu tàu, thậm chí một cụ ông ở Lâm Đồng tử vong sau khi dùng loại củ này.
ThS.BS Võ Thị Thu, giảng viên bộ môn đông y, học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết củ ấu tàu, còn gọi là củ gấu tàu, là rễ củ của cây ô đầu Việt Nam, tên khoa học là Aconitum fortunei Hemsl., thuộc họ mao lương (Ranunculaceae). Cây thường mọc hoang ở các vùng núi biên giới phía Bắc: Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang… Theo y học dân tộc, ô đầu vị cay tê, tính rất nóng, rất độc, có tác dụng trợ dương bổ hoả, trừ phong hàn, táo thấp. Trong đông y, ô đầu được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi, tê bại…
Tuy nhiên, điều cần chú ý là ô đầu rất độc. Thành phần hoá học của ô đầu chủ yếu là aconitin, một ancaloit có độc tính cao, thuộc loại thuốc độc bảng A. Độc tính của aconitin rất mạnh: chỉ cần một liều 0,02 – 0,05mg cho 1kg thể trọng là có thể gây chết người. Do cực độc, ô đầu được người dân tộc thiểu số tẩm vào đầu tên khi săn thú rừng, kể cả voi. Ở nhiệt độ cao, aconitin bị phân huỷ thành benzoylaconin và sau đó là aconin, kém độc hơn aconitin 1.000 – 2.000 lần. Từ ô đầu (thuốc sống) người ta chế ra phụ tử (thuốc chín) ít độc hơn (thuốc độc bảng B), thường chỉ dùng làm thuốc uống khi đã qua chế biến cẩn thận và được dùng với liều nhỏ, có sự chỉ định và theo dõi thận trọng của thầy thuốc. Vì thế khi dùng ô đầu phải thật thận trọng, chỉ dùng xoa bóp dưới dạng rượu thuốc (rễ củ thái mỏng, ngâm rượu).
“Củ ấu tàu là một vị thuốc đông y nhưng rất độc, chỉ được dùng xoa bóp ngoài. Trong các thang thuốc uống, người ta dùng phụ tử sắc với các vị thuốc khác vì phụ tử ít độc hơn nhưng cũng phải hết sức thận trọng và theo đúng chỉ định của thầy thuốc. Tuyệt đối không được uống rượu ngâm ô đầu, hoặc nấu cháo ăn sẽ bị ngộ độc chết người”, BS Thu nhấn mạnh.
Phòng tránh ngộ độc thế nào?
ThS.BS Vũ Đức Định, trưởng khoa hồi sức tích cực, bệnh viện E Trung ương cho biết, nguy cơ bị ngộ độc thường là trong những trường hợp tưởng rượu xoa bóp là rượu thuốc mà uống nhầm, trẻ em lấy uống, dùng quá liều chỉ định của thầy thuốc… Ở một số tỉnh vùng cao như Lào Cai, Hà Giang… người dân thường nấu cháo củ ấu tàu dùng như đặc sản. Nếu món ăn có củ ấu tàu chế biến chưa đúng cách sẽ gây ngộ độc. Sau khi ăn, aconitin ngấm rất nhanh qua niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng tê miệng lưỡi, nói khó, tê mỏi chân tay, chuột rút, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nặng hơn có thể liệt cơ hô hấp, loạn nhịp tim, hạ huyết áp… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong.
Khi có biểu hiện ngộ độc củ ấu tàu, có thể gây nôn nếu người bệnh còn tỉnh táo, mới ăn trong khoảng một giờ đầu, cho bệnh nhân uống nước sạch 200ml – 300ml để dễ nôn, sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không giữ người bị ngộ độc ở nhà để tự theo dõi hoặc điều trị theo mách bảo, có thể tử vong nhanh chóng do liệt cơ hô hấp hoặc loạn nhịp tim.
Video đang HOT
“Vì ấu tàu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn tăng lực, bổ dưỡng nếu không biết cách. Các loại rượu ngâm ấu tàu dùng để xoa bóp nên dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và tránh nhầm lẫn khi sử dụng”, BS Định lưu ý.
Lưu ý: Phân biệt ấu ta với ấu tàu
Mặc dù có cùng tên gọi là ấu nhưng ấu ta (củ ấu) và ấu tàu khác nhau hoàn toàn cả về mặt thực vật học cũng như tác dụng chữa bệnh.
Ấu tàu
Ấu tàu: mọc trên cạn và chỉ có ở vùng núi cao. Lá tựa như lá ngải cứu, chia thành ba thuỳ, có răng cưa ở nửa trên. Rễ củ hình nón, mọc thành chuỗi, có củ cái, củ con. Dưới thân cây, rễ cái phình thành củ giống như củ đậu, gọi là củ mẹ. Cạnh cổ rễ cái, mọc ra những củ con. Trên đầu củ con có một búp mang lá ngầm. Sau khi cây nở hoa, củ mẹ sẽ héo và tiêu dần. Củ mẹ thường nhẹ, rỗng, ở giữa màu xám củ con thì nặng, chắc hơn và lõi màu vàng.
Ấu ta
Ấu ta: vẫn bày bán ở chợ hoặc trên đường phố, là loại củ mọc ở dưới nước, còn có tên gọi là ấu trụi, ấu nước, lăng… tên khoa học là Trapa bicornis L. Quả (thường gọi là củ) có hai sừng, đầu sừng hình mũi tên, sừng do các lá đài phát triển thành. Hạt có một lá mầm to, một lá mầm nhỏ, chứa đầy bột trắng, ăn được. Củ ấu dùng để luộc ăn, hoặc chế biến thành bột, trộn với mật hay đường làm bánh. Hầu như tất cả các bộ phận của cây ấu đều có thể dùng làm thuốc.
Viet Bao (Theo SGTT)
Rau mầm có thể gây ngộ độc
Hiện nay, trước tình trạng mất an toàn vệ sinh của các loại rau củ, nhiều người đã chọn cho mình phương thức tự trồng hoặc mua rau mầm. Tuy nhiên, đã từng xảy ra những vụ ngộ độc rau mầm, gây nguy hiểm cho sức khoẻ người ăn rau.
Giàu dưỡng chất
Rau mầm chứa nhiều loại vitamin thiết yếu (vitamin B, C, E...), amino axit và chất xơ cần thiết cho cơ thể với hàm lượng cao. Nhờ giàu vitamin, rau mầm giúp cơ thể tăng sức đề kháng, giữ gìn làn da mịn màng tươi tắn, nguồn vitamin E dồi dào trong rau mầm còn giúp làm chậm quá trình lão hoá và tăng cường sinh lực, gây hưng phấn. Hàm lượng chất xơ cao sẽ giúp người ăn dễ tiêu hoá, dễ hấp thụ, chuyển hoá các chất phức tạp. Theo nghiên cứu của một số nhà dinh dưỡng học Mỹ, rau mầm thích hợp cho các chế độ ăn kiêng và còn giúp ngăn ngừa các nguy cơ ung thư.
Rau mầm giàu giá trị dinh dưỡng nhưng có thể gây ngộ độc.Ảnh: TL
Có thể gây ngộ độc
Hầu hết các loại rau mầm đều phải trồng trong môi trường ấm và đây chính là cơ hội cho các loại vi khuẩn phát triển. Nếu quá trình chăm sóc rau không bảo đảm an toàn thì rau cũng sẽ bị nhiễm khuẩn.
Rau mầm còn có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn do quá trình thu hoạch không bảo quản đúng cách. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ từ lượng phân bón thấm vào rau mầm khi người ta cố tình dùng nó để kéo dài ngày thu hoạch.
Ngoài ra, nguy cơ ngộ độc rau mầm còn có thể đến từ chính đặc tính sinh học của hạt giống. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, trong mầm khoai tây và mầm của các loại dưa dây có chứa độc chất là alkaloid solanine. Khi bị ngộ độc với triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu, tức ngực, nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các loại rau mầm họ đậu giàu dưỡng chất, vitamin thúc đẩy quá trình phát triển và chống lão hóa nhưng một số đậu như đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm, đậu trứng chim cũng có hàm lượng lớn glucozid sinh axit cyanhydric giống như trong măng và sắn nên ta không nên ăn rau mầm của những loại này.
Những cây măng mọc ở môi trường không có ánh sáng cũng có thể gây ngộ độc vì trong môi trường này độc tố của măng sẽ cao hơn nhiều.
Cách chọn và chế biến an toàn
Khi chọn mua rau mầm nên chọn sản phẩm có nguồn gốc, uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Không mua những hộp rau có màu sắc lạ hay lá đã ngả vàng, thân, lá rau to xanh bất thường và quá bóng mượt hoặc gốc mọc ra rễ mới (điều này chứng tỏ rau có độc tố bảo quản). Rau mua về nên sử dụng ngay nếu cần bảo quản phải để trong hộp nhựa hoặc nilon khô ráo, thoáng khí ở nhiệt độ 4 - 5 độ C, tối đa 3 - 4 ngày.
Trước khi sử dụng nên rửa thật kỹ nhiều lần dưới vòi nước đang chảy để loại bỏ các nguy cơ, sau đó ngâm thêm trong nước muối loãng 10 - 15 phút để loại bỏ hóa chất. Rau mầm tốt nhất là được nấu chín, hạn chế ăn sống, nhất là đối với người già, trẻ em và người miễn dịch yếu càng không nên ăn sống loại rau này.
Theo Minh Ngọc
Sức khỏe & Đời sống
8 thực phẩm vàng cho ngày "đèn đỏ" Hàng tháng, mỗi khi tới kỳ kinh nguyệt, bạn luôn phải trải qua một loạt những triệu chứng khó chịu, nhức đầu, tức ngực, đau bụng... làm ảnh hưởng tới sinh hoạt và cuộc sống. 1. Chuối Chuối rất giàu vitamin B6, khi cơ thể phụ nữ có đầy đủ lượng vitamin B6 thì tình trạng ổn định tiền kinh nguyệt sẽ được...