Thuốc bình ổn giá: nhà thuốc chưa mặn mà
Đến nay, trên địa bàn TPHCM đã triển khai được hơn 1.000 điểm bán thuốc theo chương trình bình ổn. Chương trình nhằm góp phần ổn định thị trường dược phẩm, giúp bệnh nhân nghèo tiếp cận được với thuốc tây có giá thấp.
Theo sở Y tế TPHCM, đến nay đã có hơn 1.000 điểm đăng ký bán thuốc bình ổn giá nhưng thực tế không phải nơi nào cũng có thông báo như thế này. Ảnh: Lê Hồng Thái
TPHCM dự kiến sẽ tiếp tục triển khai chương trình này từ ngày 1/4 tới. Tuy nhiên, theo ngành y tế, để thuốc bình ổn giá đến gần hơn với người bệnh thì cần có những giải pháp quyết liệt hơn.
Lợi nhuận không cao
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều nhà thuốc tư nhân nằm trong danh sách bán thuốc bình ổn giá của sở Y tế TPHCM không treo thông báo, không niêm yết giá, không trưng bày thuốc bình ổn để người bệnh nắm bắt thông tin.
Theo chân chị Hà Thị Lê với toa thuốc điều trị viêm xoang do bác sĩ chỉ định, chúng tôi đến nhà thuốc K.L ở quận Gò Vấp. Dù nằm trong danh sách bán thuốc bình ổn giá, nhưng tại đây không có thông báo nào. Tuy vậy sau khi xem toa, nhân viên bán thuốc cho biết: “Bác sĩ không kê thuốc bình ổn, toàn kê thuốc ngoại, thuốc đắt tiền”. Nhân viên này giải thích thêm, thay vì dùng nước muối sinh lý rửa mũi (efticol 0,9%) với giá chỉ 2.200 đồng/lọ thì bác sĩ lại cho toa dùng nước biển sinh lý nhập khẩu từ Pháp (Sterimar) với giá gần 70.000 đồng/lọ. “Rất ít bác sĩ kê toa thuốc có trong danh mục bình ổn”, cô nhân viên này cho biết.
Tại một nhà thuốc bán hàng bình ổn trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), trước toa thuốc viêm dạ dày của chị Lê Thị Tâm, công nhân khu chế xuất Tân Thuận, nhân viên bán thuốc cho hay trong sáu loại thuốc bác sĩ kê toa, nhà thuốc chỉ có một loại thuốc Omeprazon với giá 800 đồng/viên. Do vậy, chị Tâm đành phải mua những loại thuốc “tương đương” với giá cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Nga, nhân viên bán thuốc trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh) cho rằng vì bán thuốc bình ổn giá không lời nhiều và cũng không được tăng giá theo thị trường như các loại thuốc khác, nên chủ tiệm thuốc tây không mấy mặn mà. “Ở đây, loại thuốc bình ổn bán được chỉ có thuốc Paracetamol 500mg và thuốc Efticol 0,9%, dành cho những người cảm cúm xoàng mua lẻ”, bà Nga nói. DS Nguyễn Văn Vĩnh, trưởng phòng quản lý dược của sở Y tế TPHCM, giải thích do thặng số bán lẻ không lời nhiều nên các nhà thuốc tư nhân không mặn mà lắm với chương trình này.
Video đang HOT
Để người dân tiếp cận được thuốc bình ổn
PGS.TS Trần Quyết Tiến, phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, thừa nhận dù lãnh đạo bệnh viện luôn nhắc nhở bác sĩ ưu tiên sử dụng thuốc nội để giảm chi phí điều trị, nhưng thói quen sử dụng thuốc ngoại của bác sĩ vẫn còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, do đặc thù là bệnh viện tuyến cuối, bệnh nhân thường đến trong tình trạng nặng, có tiền sử bệnh kéo dài với nhiều loại bệnh khác nhau, nên tỷ lệ sử dụng thuốc nội trong toa thuốc không nhiều.
13 nhóm thuốc trong diện bình ổn giá Theo kế hoạch của UBND thành phố, năm 2012, TPHCM sẽ đưa 13 nhóm thuốc sản xuất trong nước vào diện bình ổn giá, với 53 hoạt chất, 70 mặt hàng gồm: thuốc giảm đau – hạ sốt, chống dị ứng, trị các bệnh tiêu chảy, đau dạ dày, ho, tim mạch, tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, nhỏ mắt, trị giun, trị thấp khớp và vitamin. Thời gian bình ổn bắt đầu từ ngày 1/4/2012 đến 31/3/2013. Theo sở Y tế TPHCM, đến nay, toàn thành phố đã triển khai được hơn 1.000 điểm bán, trong đó 100% nhà thuốc bệnh viện tham gia.
Đánh giá chương trình bình ổn hàng hoá thị trường năm 2011, bộ Công thương cũng nhận định, thuốc chữa bệnh nằm trong danh sách mặt hàng bình ổn giá của Chính phủ và chương trình bình ổn giá thuốc đã được triển khai với nhiều điểm bán, nhưng hiện nay rất khó để có thể tìm được hiệu thuốc có biển báo bình ổn giá. Mặt khác, trong những đơn thuốc của các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, khi bác sĩ kê toa thì chỉ kê tên thuốc không kê các hoạt chất nằm trong nhóm được bình ổn khi bệnh nhân đi mua thuốc thì nhà thuốc hiếm khi tư vấn, hay bán những loại thuốc trong nhóm bình ổn…
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, các doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp tốt với sở Y tế trong việc tiếp cận các điểm bán thuốc bình ổn nhằm giới thiệu và đưa kịp thời thuốc bình ổn đến các nhà thuốc tham gia chương trình. Nguyên nhân chủ yếu do doanh số mua thuốc của các điểm bán thấp.
Trước tình hình trên, theo sở Y tế TPHCM, để người dân tiếp cận được với thuốc bình ổn, cần tăng cường công tác chỉ đạo, nhất là nhắc nhở các bác sĩ điều trị trong việc kê đơn các loại thuốc trong chương trình cho người bệnh. Đồng thời các nhà thuốc cần phải treo băng-rôn thông báo, niêm yết giá cũng như phải tư vấn cho người mua thuốc.
Theo Hoàng Nhung
Sài Gòn tiếp thị
Dân quay lưng với đông y
Chưa hết 3 tháng đầu năm, Sở Y tế TPHCM đã ban hành hàng loạt công văn gửi cơ quan chức năng, nhà thuốc đề nghị thu hồi nhiều sản phẩm thuốc đông y đang lưu hành trên thị trường.
Nguy cơ do dùng thuốc đông y không chỉ đến từ những loại thuốc không nhãn mác
Các sản phẩm bị thu hồi chủ yếu do bị nhiễm khuẩn, trộn tân dược, vi phạm chỉ tiêu độ ẩm, hòa tan... Thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, kiểm tra 20.000 mẫu thuốc trong nước thì thuốc đông y giả, kém chất lượng chiếm tỉ lệ 10%.
Thu hồi hàng loạt sản phẩm đông y
Ngày 25/3, Sở Y tế TPHCM đã gửi văn bản đến các cơ sở y tế trên địa bàn TP về việc đình chỉ lưu hành thuốc hoàn mềm Bảo hoàn Cao Nghĩa Đường. Thuốc do cơ sở y học cổ truyền (YHCT) Cao Nghĩa Đường sản xuất, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ ẩm. Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM cũng nhận được văn bản từ Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng về việc cơ sở sản xuất thuốc YHCT Thủy Xương (Bình Chánh, TPHCM) sản xuất thuốc hoàn cứng Linh chi thiên ma thấu cốt hoàn không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ nhiễm khuẩn.
Trước đó, Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị thu hồi thuốc phong tê cốt thống thủy, chai 280ml của cơ sở y học cổ truyền An Tiên sản xuất.
Trong tháng 2/2012, Sở Y tế TPHCM đã đình chỉ và thu hồi một số lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đó là thuốc hoàn cứng Độc hoạt ký sinh hoàn do cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền Phước Sanh sản xuất. Thuốc hoàn cứng Thạch Lâm Thông do Cty Lâm Vĩnh Sanh sản xuất. Thuốc hoàn cứng Hoa Việt vị quản thông do cơ sở YHCT Hoa Việt sản xuất. Ngoài ra, một số loại thuốc đông y khác cũng bị thu hồi là: Thuốc hoàn cứng Độc hoạt ký sinh hoàn, vạn an tỉ viêm thanh, thấp khớp tê bại đơn, nhức khớp hoàn, mát gan giải độc hoàn, kim nguyên tán sỏi hoàn...
Không siết chặt, người dân sẽ quay lưng
Hàng loạt thuốc đông y bị thu hồi gần đây cho thấy, quy định về việc sản xuất các loại thuốc đông y còn quá lỏng lẻo. Theo quy trình, chất lượng sản phẩm do cơ sở tự sản xuất đem công bố hoặc DN tự đem kết quả kiểm nghiệm để đăng ký cấp số với cơ quan quản lý. Chính vì "cửa gác" không chặt nên các cơ sở sản xuất tung hoành và cho ra thị trường thuốc kém chất lượng để bán cho người bệnh. Điều này đã dẫn đến hệ quả là các cơ sở đang tự giết mình khi người bệnh mất niềm tin.
Tại Hội nghị dược liệu toàn quốc lần thứ hai, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đã công bố, trên thị trường dược liệu hiện nay, 90% số thuốc y học cổ truyền đang lưu hành nhập lậu, chủ yếu từ Trung Quốc, Campuchia..." và cũng có không ít loại là thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tỉ lệ thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng chủ yếu là thuốc đông dược và dược liệu bị nhiễm khuẩn, ẩm mốc.
Để giải quyết tình trạng trên, theo thông tư mới của Bộ Y tế, kể từ ngày 1/1/2014, các cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu phải đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất thuốc" (GMP-WHO) mới đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Quy định là thế, tuy nhiên, việc thực hiện GMP đối với các cơ sở trên cũng không dễ.
Chỉ tính riêng tại TPHCM hiện có 385 nhà thuốc YHCT và 100 cơ sở sản xuất thuốc YHCT. Số người sử dụng thuốc YHCT trong điều trị bệnh không nhỏ. Nếu siết chặt và làm căng buộc các cơ sở xây dựng GMP vô tình có thể giết chết ngành sản xuất đông dược. BS Trương Thìn, Chủ tịch Hội Đông y TPHCM, cho rằng, thuốc đông dược không chỉ điều trị bệnh mà còn là một nét văn hóa cần được bảo tồn. Bởi nó đã tồn tại cả ngàn năm với rất nhiều phương thuốc bí truyền. Trong điều kiện hiện nay đòi hỏi phải nâng cao chất lượng sản xuất, không thể đánh cược với sức khỏe của người dân nhưng vì những tồn tại lịch sử trước đây đòi hỏi phải có lộ trình phù hợp trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, nếu cứ "nuông chiều" các cơ sở YHCT và buông lỏng quản lý thì chắc chắn sẽ tiếp tục điệp khúc thu hồi các loại thuốc đông y kém chất lượng. Điều quan trọng hơn nữa đó chính là người bệnh dần mất niềm tin và quay lưng với các loại thuốc đông y.
Võ Tuấn
Theo Lao động
Giảm tải bệnh viện: Cục bộ được ngay, tổng thể phải chờ! Bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "truy" gắt về lộ trình giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến TƯ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến hứa giảm nhiệt những bệnh viện "nóng" nhất trong 2013 nhưng để giải quyết cơ bản quá tải phải ngoài 2015. "Đẻ thường phải lên viện C" Đại biểu Nguyễn Thị Phúc...