Thực phẩm bẩn hoành hành chốn học đường
Nhiều năm qua, quản lý an toàn thực phẩm tại các trường học đã được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy nhiên, trong các trường học vẫn xuất hiện những vụ ngộ độc tập thể khiến phụ huynh và dư luận hoang mang…
Gần đây nhất là hàng trăm học sinh Trường Tiểu học – THCS Pascal và Tiểu học Isaac Newton (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn…
Chờ đợi lương tâm và trách nhiệm các “bếp ăn” trường học, thật khó… (Ảnh minh họa)
Liên tiếp ngộ độc “bếp ăn”
Ngày 16/4, Sở Y tế Hà Nội nhận được thông tin một số trường hợp sự cố an toàn thực phẩm tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Pascal; Trường Tiểu học Isac Newton, thuộc địa bàn phường Cổ Nhuế 1 khiến nhiều học sinh có dấu hiệu mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn.
Liên quan tới việc hàng trăm học sinh bị ngộ độc thực phẩm, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho biết đã phát hiện thức ăn có nghi vấn nhiễm khuẩn. Cụ thể, báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, trong ngày 15/4 Trường Tiểu học và THCS Pascal tổ chức cho 802 học sinh ăn bán trú buổi trưa và bữa phụ buổi chiều.
Trong đó, thực đơn khối lớp 1,2,3 là cá file ba sa chiên bơ, trứng chưng non, bắp cải xào, canh cải nấu thịt, cơm gạo bắc hương, tráng miệng hoa quả ổi. Thực đơn khối 4, 5 và THCS là thịt kho củ cải, đậu rán, cá om dưa, bí xanh luộc, bắp cải xào, canh cải nấu thịt, tráng miệng hoa quả ổi, cơm gạo bắc hương. Bữa ăn phụ lúc 15h là bánh nabati và chè đỗ xanh.
Bữa ăn của học sinh do Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Phát triển Viettinmex Việt Nam (Số 112 ngõ 32 Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cung cấp.
Video đang HOT
Tính đến 17 giờ ngày 16/4, có 106 học sinh của trường nghỉ học với nhiều lý do; 37 học sinh khác xuống khám tại y tế nhà trường (trong đó có 8 học sinh có biểu hiện đau bụng, không đi ngoài, buồn nôn; 3 học sinh sau đó phải nhập viện và được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn đường ruột; 5 học sinh còn lại điều trị tại gia đình theo hướng dẫn của cán bộ y tế). Theo kết luận ban đầu, thức ăn nghi ngờ là cá file basa chiên bơ có trong bữa trưa ngày 15/4.
Còn tại Trường Tiểu học Isaac Newton tổ chức cho 1.533 học sinh ăn bán trú buổi trưa và bữa phụ buổi chiều. Thực đơn bữa trưa 15/4 gồm thịt lợn rim/rán, đậu sốt thịt, thịt lợn băm, trứng gà ốp, bắp cải xào, bí xanh luộc, canh chua cá, cam.
Bữa ăn do Công ty TNHH Mặt Trời lớn (Lô TH2 khu đô thị mới Hoàng Quốc Việt, đường Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cung cấp suất ăn và Công ty TNHH TM & Sản xuất bánh ngọt Gia Bảo cung cấp bữa phụ buổi chiều (pizza nhân xúc xích).
Tính đến 7h30 ngày 16/4, có 15 học sinh nghỉ học với lý do đau bụng, nôn và đi ngoài. Trong đó, có 3 học sinh phải nhập viện điều trị. Kết quả kiểm tra hồ sơ pháp lý cho thấy, nhà trường xuất trình được hợp đồng kinh tế của Trường Tiểu học Isaac Newton ký với Công ty TNHH Mặt trời lớn và Công ty TNHH TM & sản xuất bánh ngọt Gia Bảo…
Tuy các bệnh nhi không gặp nguy hiểm và sức khỏe đã ổn định nhưng phụ huynh lo lắng. Một số phụ huynh cho con nghỉ học, dù chưa có biểu hiện ngộ độc. Ngay sau sự việc xảy ra, phòng y tế, trung tâm y tế báo cáo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng của quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành kiểm tra đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú và bếp ăn của Trường phổ thông quốc tế Newton.
Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị cung cấp suất ăn cho Trường Newton đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo quy định. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, nhân viên phục vụ bếp ăn không đeo khẩu trang, thùng rác đựng chất thải rắn không có nắp đậy.
Trước đó, khi vừa bước vào năm học mới, tại Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu, xã Nguyên Khê và Trường Tiểu học Tiên Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội), sau bữa ăn, hàng loạt học sinh phải nhập viện. Trước đó vài ngày, một trường tiểu học tại quận 2, TP HCM cũng có 98 em có biểu hiện bất thường sau bữa ăn bán trú.
Và nữa, dư luận cũng thảng thốt khi chứng kiến bữa ăn bán trú tại một Trường Tiểu học ở quận 9 (TP HCM) thiếu chất, không bảo đảm dinh dưỡng với vài miếng trứng, dăm, ba lát thịt mỏng, vài cọng nui. Bát canh chỉ có rau. Hoa quả tráng miệng không còn tươi, đã bị giập hoặc chín nẫu dù phụ huynh đã cẩn thận “chọn giá đắt nhất” để hy vọng các con sẽ có suất ăn đầy đủ, bảo đảm.
Chưa hết, Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm xác nhận thông tin phát hiện giòi sống bò trên khay thức ăn của học sinh trung học trong bữa ăn bán trú. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND quận Ba Đình còn phát hiện thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay của trường không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm. Nhiều phụ huynh đã rất bức xúc, yêu cầu nhà trường ngừng ký hợp đồng với công ty cung cấp suất ăn và có phương án thay thế. Ngay sau đó, Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục đã quyết định chấm dứt hợp đồng với đơn vị cung ứng suất ăn cho trường này là Công ty Hà Thành…
Một phụ huynh có 2 con học tại 1 trường tiểu học quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Trước đây, bếp ăn học đường do nhà trường tổ chức nấu, chất lượng tốt hơn. Khi nhà trường ký kết với 1 công ty cung cấp suất ăn, thức ăn không những ít đi mà còn xảy ra việc quên rửa khay đựng, dẫn đến khay cơm xuất hiện giòi như báo chí phản ánh. Đây là điều khiến chúng tôi rất lo ngại về chất lượng an toàn của bữa ăn bán trú”.
Mối lo không dứt
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, biểu hiện ngộ độc thực phẩm có các triệu chứng điển hình, như: Nôn, đau bụng, tiêu chảy… Bệnh nhân có thể uống dung dịch oresol (uống thay nước cho hết khát và uống tiếp chừng nào còn tiêu chảy) hoặc nước khoáng, nước rau luộc pha muối. Trường hợp ngộ độc nặng, phức tạp sẽ có các biểu hiện tiêu hóa nhiễm trùng ở mức độ nặng hơn, như: Nôn liên tục nhiều lần, tiêu chảy liên tục nhiều lần, đau bụng dữ dội liên tục, sốt cao 39 độ C…, kèm thêm một số dấu hiệu liên quan đến thần kinh hoặc tim mạch, hô hấp,… gia đình cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Theo Cục An toàn thực phẩm, hiện nay tình hình an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, trường học vẫn đang là một mối lo lớn. Nguyên nhân chính vẫn là do ý thức chấp hành quy định pháp luật của người sản xuất kinh doanh không cao, vì lợi nhuận mà sẵn sàng làm trái. Cùng với đó, còn một bộ phận không nhỏ cơ sở có nhu cầu, chấp nhận sử dụng thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo an toàn. Hơn nữa, nguồn thực phẩm nguyên liệu cung cấp cho bếp ăn tập thể rất đa dạng, khó kiểm soát triệt để và không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn không ngừng gia tăng, nhiều cơ sở quy mô nhỏ, điều kiện sản xuất thủ công.
Thống kê của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, trong hơn 500.000 cơ sở sản xuất thực phẩm trên cả nước thì 85% là những cơ sở quy mô nhỏ, hộ gia đình. Qua kiểm tra, không ít cơ sở sản xuất chỉ là một căn phòng nhỏ vừa dùng làm nơi ở vừa làm nơi chế biến.
Khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn công nghiệp, suất ăn chế biến sẵn, từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt. Được biết, từ năm học 2019- 2020, trước những bất an về chất lượng bữa ăn học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến khích phụ huynh tham gia vào việc giám sát công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học.
Tuy nhiên, thực tế, ở nhiều nơi khi cánh cổng trường khép lại, không ai biết bữa ăn của các con được tổ chức ra sao. Hoặc nếu có, cũng là những buổi kiểm tra được báo trước, nặng về tính trình diễn của nhà trường với các bậc phụ huynh, với đoàn kiểm tra.
Chẳng thế mà một số vụ việc được phát hiện đều là khi phụ huynh “đột nhập” vào trường bằng cách mang thuốc cho con, xin đón con về sớm… Hầu như không có nhà trường nào tự phát hiện thực phẩm “có vấn đề” để thay đổi nhà cung cấp khác. Đó là chưa kể sau giám sát, liệu đơn vị cung cấp thực phẩm có cung cấp đúng thực phẩm bảo đảm an toàn, đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình hay không thì phụ huynh vẫn khó để kiểm chứng được.
Nhiều chuyên gia cũng như các nhà quản lý trong lĩnh vực đã kêu gọi mỗi người dân hãy trở thành một “người tiêu dùng thông minh”, cho tới lúc mối nguy thực phẩm bẩn bị đẩy lùi triệt để. Tuy nhiên, chính ông Nguyễn Tử Cương, đến từ Hiệp hội Nghề cá Việt Nam cũng băn khoăn: Trở thành “người tiêu dùng thông minh” bằng cách nào khi mà “hoang mang lựa chọn” vẫn là tâm trạng thường trực của người nội trợ.
Chưa kể, khi kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm dường như chỉ tập trung phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, khắc phục hậu quả mà chưa chú trọng đến phòng ngừa, ngăn chặn từ nguồn. PGS, TS Ngô Tiến Hiển đề nghị có nhiều hơn các biện pháp tuyên truyền và các chế tài nghiêm ngặt kèm theo nhằm thức tỉnh lương tâm nhà sản xuất và người tiêu dùng chung tay hưởng ứng, ủng hộ các chuỗi cung cấp hàng hóa sạch theo mô hình “từ cái cày đến bàn ăn” an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng, đặc biệt với trẻ nhỏ với những hậu quả khôn lường…
Cảnh báo an toàn từ đồ chơi, thực phẩm trước cổng trường
Gần đây, có nhiều trường hợp học sinh ngộ độc do ăn uống, sử dụng những thực phẩm, đồ chơi được bày bán trước cổng trường.
Học sinh mua nhiều chất khác nhau về tự chế "slime nước" theo hướng dẫn từ YouTube gây ngộ độc tập thể - ẢNH: PHỤ HUYNH CUNG CẤP
Ngày 16.4, 34 học sinh Trường tiểu học số 1 Hòa Khương (xã Hòa Khương, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) có biểu hiện ngộ độc đã được nhà trường đưa đi cấp cứu. Theo báo cáo từ nhà trường, nguyên nhân ban đầu được xác định là các em bị ngộ độc do chơi slime mua tại quán trước cổng trường. sau đó mua thêm miếng hạ sốt (từ tiệm thuốc tây), cùng hồ nước và nước muối, đem về tự chế thành "slime nước" theo clip hướng dẫn trên YouTube. Khi chơi trò này, các em bắt đầu có những triệu chứng đau đầu, đau bụng, khó thở, buồn nôn.
Ngày 18.3, tại Quảng Bình, 3 học sinh Trường tiểu học Phú Trạch có dấu hiệu ngộ độc một loại kẹo thổi bong bóng mua ở tiệm tạp hóa trước cổng trường. Sau khi sử dụng, các em có dấu hiệu đau đầu, khó thở, buồn nôn, chóng mặt, được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cấp cứu.
Chiều 16.3, một số người mặc đồng phục công ty phát các chai nước ngọt miễn phí cho học sinh trước cổng Trường tiểu học Quang Trung, TP.Vinh (Nghệ An). Nhận thấy bất thường, nhà trường thông báo đến tất cả học sinh phải nộp lại toàn bộ các chai nước đã nhận về phòng y tế, nhưng một số em đã dùng. Khoảng 2 giờ sau, 9 em đến phòng y tế của trường cho biết bị đau bụng, buồn nôn.
Để phòng tránh ngộ độc cho học sinh từ đồ chơi, thức ăn, nước uống... rất cần sự phối hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn từ phía các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại khu vực xung quanh trường học, các bếp ăn tập thể trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn có ký hợp đồng với nhà trường. Chú ý cảnh báo kịp thời các sản phẩm, cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhà trường để có thông báo, thông tin với phụ huynh và các em học sinh. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, hướng dẫn nhà trường phối hợp với các hội phụ huynh học sinh kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thực phẩm được tặng miễn phí hoặc trong chương trình giới thiệu, quảng cáo, bán, nhân đạo mà các tổ chức, cá nhân thực hiện trong khu vực trường học.
Vai trò của phụ huynh rất quan trọng. Thực tế hiện nay rất khó kiểm soát hết các loại hàng hóa đồ chơi trẻ em, thực phẩm ở bên ngoài trường. Vì vậy, phụ huynh phải có trách nhiệm trang bị, hướng dẫn con mình nhận biết và sử dụng đồ chơi, thức ăn an toàn.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm do suất ăn công nghiệp không đảm bảo chất lượng Theo thừa nhận của lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc chế biến các suất ăn giá rẻ là một trong nhiều nguy cơ khiến ngộ độc thực phẩm xảy ra. Nguy cơ tứ phía Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong quý I năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ...