Thịt chua – món đặc sản của dân tộc Thái
Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La, có rất nhiều những món ăn mang hương vị đặc trưng, như:
Cá suối nướng, cơm lam, da chua, canh bon, gà nướng… và thịt chua ( nhứa xổm) là món ngon nổi tiếng được chế biến từ thịt lợn, thịt bò, thịt trâu, trộn với rất nhiều loại gia vị khác nhau , tạo nên món ăn độc đáo, mang hương vị của núi rừng Tây Bắc.
“Nhứa xổm” – món ăn đặc biệt của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La.
Để tìm hiểu về nguồn gốc món ăn này, được biết, từ xa xưa, thú rừng săn bắt được, ăn một lần không hết, người dân mới nghĩ ra cách ướp thịt với muối rồi cho vào ống tre để bảo quản làm nguồn thức ăn dự trữ lâu dài. Để thay đổi, cũng như tạo vị ngon hơn, người dân đã thử tẩm ướp với nhiều loại gia vị khác nhau. Từ đó, món thịt chua của người Thái ra đời và được con cháu lưu giữ cho đến tận bây giờ.
Để làm món “nhứa xổm” đúng với văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái phải qua nhiều công đoạn phức tạp. Trước hết, để có được dụng cụ ủ thịt, người ta phải lên rừng chặt những cây nứa to, đủ già để đem về làm ống đựng. Lựa chọn những ống nứa bánh tẻ khi để lâu không bị nứt. Nguyên liệu chủ yếu là thịt bò, thịt trâu… nhưng phổ biến nhất vẫn là thịt lợn. Thịt chua muốn thơm ngon phải được chọn lọc kỹ càng. Đối với thịt lợn, phải chọn loại thịt mông sấn, nạc vai, nạc thăn của những con lợn bản địa, được nuôi theo cách thức truyền thống có độ nạc và chắc vừa phải. Thịt sau khi được làm sạch, thái miếng nhỏ đều, lọc bỏ bạc nhạc, sau đó ướp với muối rồi trộn đều với bột thính. Thính phải làm từ các loại ngô, gạo, đậu xanh, đỗ tương rang vàng, thơm và xay nhỏ. Một trong những bí quyết tạo nên thành công cho món “nhứa xổm” chính là ở khâu rang thính. Thính phải chín kỹ, vàng ươm, thơm mà không cháy. Thính bám đều và ngấm vào thịt làm cho thịt thơm và béo ngậy hơn. Sau đó, thịt sẽ được trộn với các gia vị, như: riềng giã nát và một chút gừng và chút rượu gạo. Thịt trộn xong được cho vào ống sao cho chặt, sau đó phủ một lớp cơm nguội lên, tiếp đến dùng lá chuối xanh bịt chắc lại, treo lên hoặc đặt nơi thoáng mát, tùy điều kiện thời tiết mà thời gian ủ thịt sẽ dài hay ngắn. Sau quá trình lên men, thịt sẽ chín, có mùi chua và thơm ngon tự nhiên.
Bà Lò Thị Thang, bản Bó Ẩn, phường Chiềng Cơi (Thành phố) là người có nhiều kinh nghiệm chế biến món “nhứa xổm”, cho biết: Công đoạn ủ chua thịt có thể mất 5 ngày đến nửa tháng hoặc lâu hơn tuỳ thuộc thời tiết và mục đích sử dụng. Khi thịt đủ độ lên men có thể mang ra thưởng thức. Thịt ủ ngắn ngày trước khi sử dụng nên hấp cách thủy hoặc xào qua, cho rau thơm, hành, mùi và một chút hạt tiêu rang cùng mắc khén. Món thịt chế biến xong có mùi thơm của riềng và vị chua, ngọt đặc trưng. Thịt mềm, ăn với xôi sẽ rất ngon. Với thịt được ướp lâu hơn sẽ săn lại, màu nhạt, có độ giòn của mỡ, dai sần sật của bì và thịt nạc.
“Nhứa xổm” thường được dùng trong bữa cơm tiếp khách quý. Vị mặn đậm của muối, ngọt của thịt, chua của men lâu ngày cùng hương thơm của lá lốt xanh, vị chan chát của lá sung, lá ổi, chấm với nước mắm ớt, quyện thành hương vị khiến thực khách được thưởng thức một lần sẽ rất khó quên.
Thịt chua Thanh Sơn
Nếu nói đến đặc sản của vùng trung du Phú Thọ thì không thể không nhắc tới món thịt chua Thanh Sơn - món ăn của người Mường Thanh Sơn, Phú Thọ.
Đây là cách chế biến để tích trữ, bảo quản thức ăn của bà con dân tộc. Về sau, món ăn được biết đến và phổ biến rộng rãi nhờ mùi vị thơm ngon đặc biệt.
Thịt chua có cách làm khá đơn giản nhưng đó lại là một nghệ thuật và đòi hỏi phải lựa chọn nguyên liệu cẩn thận. Thịt chua Thanh Sơn được chế biến từ thịt lợn lửng thả tự nhiên nên thịt rất săn chắc và thơm ngon. Người ta chọn phần thịt ba chỉ, mông sấn, nạc vai, sau khi sơ chế, thái thịt thành những miếng mỏng để ướp gia vị. Một nguyên liệu khá quan trọng và là yếu tố quyết định sự thơm ngon của thịt chua đó là thính gạo. Nói là thính gạo nhưng cũng cần thêm ngô, đậu xanh theo tỷ lệ nhất định. Và người rang thính phải là người cẩn thận và có kinh nghiệm đảm bảo thính chín đều, không cháy, thơm ngon và có màu vàng hấp dẫn. Thêm nữa, không thể thiếu lá ổi bánh tẻ.
Sau khi thịt được đem tẩm ướp gia vị cho vừa vặn, rắc thính và trộn thật đều sao cho thính phủ và ngấm đều vào các miếng thịt, người ta đem thịt đã ướp cho vào ống nứa đã chuẩn bị trước đó, lèn chặt, rồi cho lá ổi lên trên, lại nén chặt bằng hai nẹp tre gài chéo. Những ống nứa đựng thịt chua được để ở nơi thoáng đãng, khô ráo, sau 5 - 7 ngày là có thể mang thịt chua ra dùng, nhưng với thời tiết mùa hè thì chỉ 3 - 4 ngày là thịt đã lên men và mang ra thưởng thức được.
Món thịt chua Thanh Sơn được ăn kèm với các loại lá sung, mơ tam thể, đinh lăng, lộc vừng... Thịt chua khi bày ra đĩa sẽ có màu vàng đặc trưng của thính gạo, mùi thơm hấp dẫn thực khách. Gắp một miếng thịt chua xếp vào lá, cuốn lại, chấm với tương ớt, cho vào miệng và từ từ cảm nhận, ta thấy vị chua dịu, vị bùi cùng chút cay cay lan tỏa ra đầu lưỡi. Thưởng thức thịt chua cùng một chút bia lạnh sẽ thêm phần hấp dẫn cho món ăn.
Thịt chua Phú Thọ Thịt chua là món ăn sử dụng thịt lợn ướp trong thính gạo để làm thành phẩm chín tự nhiên, thịnh hành như một loại đặc sản địa phương trong ẩm thực tại vùng trung du Bắc Bộ Việt Nam, đặc biệt nổi tiếng tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Thịt chua là món ăn truyền thống của người Mường huyện Tân...