Quà vặt Hà thành Thổn thức lòng người xa
Nếu một ngày phải xa, trong dằng dặc nỗi nhớ về Hà Nội, có lẽ những món quà vặt đủ mọi “thể loại” sẽ luôn cồn cào, vương vấn.
Quà vặt là thứ ăn không phải cho no bụng, mà để cho bớt nhớ nhung một cái gì không nói thành lời. Với thời gian, những thứ quà vặt vãnh bỗng nhiên được chú ý và trở thành ” thương hiệu” từ lúc nào không hay.
Buôn có bạn, bán có phường, ăn có hội
Theo bước chân của những người xa xứ đổ về mảnh đất Hà Thành tìm kế mưu sinh, những món ăn, những thức quà đặc trưng vùng miền cũng cứ thế kéo về, khiến cuộc sống nhộn nhịp nơi phố thị thêm phong phú hương vị. Buổi sáng thức dậy, bạn có thể ăn phở, bún ốc, xôi lót dạ…nhưng bỗng nhiên bạn thấy thèm một hương vị rất đặc trưng, rất xa xưa và quen thuộc của Hà Nội thì bạn sẽ nhớ ngay tới bánh cuốn Thanh Trì hay những hạt cốm làng Vòng dẻo thơm mùi cuối thu…
Vào bất cứ ngày nào, giờ nào và mùa nào trong năm, quà vặt Hà Nội cũng có thể đáp ứng cảm xúc của bạn. Nhưng có lẽ, thời điểm thăng hoa nhất của những “tâm hồn ăn uống” trên đất Hà Thành, ấy là mùa đông – Khi những cơn gió heo may vừa tràn qua, gió bấc đầu mùa đã ùa về. Mùa đông Hà Nội mang đặc trưng rất riêng và có lẽ vì thế mà những món quà đông tuy giản dị nhưng đầy ý nghĩa, gợi cho những người con xa xứ một nỗi niềm khôn nguôi và để rồi khi chợt nhận ra mùa đông về ai cũng muốn chạy ùa đến để cùng thổn thức với quà đông Hà Nội.
Với người Việt nam, cốm là hình ảnh của mùa thu. Riêng người Hà Nội, mùa thu gắn liền với bóng dáng êm ả, thướt tha của những cô gái quẩy gánh bán cốm rong trên hè phố hay dáng hình tần tảo của những bà, những mẹ rất đỗi giản dị, thân thương.
Video đang HOT
Cốm làng Vòng – đặc sản chốn Hà Thành ( nguồn: farm2.static.flickr.com)
Ăn cốm cũng là thưởng thức hương vị cốm. Hương cốm và hương lá sen quyện trên tay, người ta dúm bằng tay ăn mới thú vị. Ăn ít một, nhâm nhi từng hạt mới thấy hết hương vị cốm dẻo thơm. Màu cốm mang màu lúa non. Từ hạt cốm ngát mùi thơm của bông lúa nếp nướng. Thật thú vị biết bao khi giữa tiết thu se lạnh, bạn có trên tay một gói cốm làng Vòng, thả những bước chân bách bộ trong gió nhẹ, nhâm nhi từng hạt cổm dẻo, dai và lắng mình cảm nhận hương cốm thơm hòa lẫn mùi hoa sữa nồng nàn tỏa lan trong gió…thảnh thơi và yên bình biết bao! Trao cho người bạn yêu thương một gói cốm nhỏ xinh ấy là bạn đã trao cho họ cái hương thu đầy ý vị…
Khi khắp các ngõ hẻm đã tràn ngập giai điệu của gió đông, khi khí trời như sánh hơn chút nữa, khi những ngón tay đã muốn đan cài những ngón tay…bạn hãy dạo những bước chân nơi vỉa hè phố phường Hà Nội. Bạn sẽ thấy…
Khoai nướng, ngô luộc làm ấm lòng mùa đông
Rực rỡ những đốm than hồng, phảng phất làn khói mong manh, ấm nồng thơm mùi ngô, khoai nướng, sắn hấp…Thật chẳng ngạc nhiên nếu lúc đó bạn nói với tôi rằng tâm hồn bạn đang nhảy múa, reo vui…
Những củ khoai nướng hơi cháy, vỏ chảy mật còn nóng hôi hổi, tỏa mùi thơm ngọt, ngầy ngậy thật hấp dẫn. Khoai nướng được bán suốt ngày nhưng chạy nhất là vào buổi chiều và tối. Ăn khoai nướng lành, vừa túi tiền, ấy là chưa kể tác dụng nhuận tràng. Thực khách ưa món này đôi khi cũng thi vị hóa nó như cầu nối giữa nông thôn và thành thị, quá khứ và hiện tại. Trong tiết trời lành lạnh, bên bếp than hồng tỏa ra những mùi thơm nức mũi, những câu chuyện cũng trở nên rôm rả. Gương mặt của khách lẫn chủ đều ửng lên vì ánh than hồng, vì những niềm vui nho nhỏ góp nhặt lại…Ngô khoai nướng như một món quà đồng quê đối với những người sống tại thị thành.
Hay một mẹt bánh Đúc nóng – Một thứ bánh dân dã, quen thuộc, ngon, bùi, béo, rẻ…Bây giờ ít hơn, chứ hồi xưa, theo lời kể của ông bà tôi, bánh đúc có mặt khắp chợ cùng quê, không mấy nhà không nấu bánh đúc.
Bánh đúc đơn sơ, mà đậm đà hương vị quê nhà, trẻ già đều ưa thích. Trời mưa dầm gió bấc, bên ổ rơm và bếp lửa, cả nhà quây quần bên nồi bánh đúc nghi ngút thơm. Nhớ biết bao mẻ bánh đúc thơm giòn, nhớ lắm cái háo hức hồi thơ bé!
Hàng bánh đúc vỉa hè ( nguồn ảnh: atoz.com.vn)
Bánh đúc có nhiều kiểu ăn. Nhưng bánh đúc chấm tương, nhất là tương Bần vừa giản dị vừa ngon hơn cả. Những người xa quê, nhớ đến thắt lòng một bát canh cua đồng, bát bánh đúc cua, bát bún riêu hay miếng bánh đúc chấm tương là thế. Ăn ngon bánh giò, ăn no bánh đúc. Bánh đúc được làm bằng gạo tẻ nên rất dễ tiêu hóa, có thể ăn no được như dân gian vẫn có câu “gạo tẻ mẹ ruột”. Hàng bánh đúc chợ quê, hay nơi hè phố là thứ hàng quà bình dân. Chẳng phải rao, không phải quảng cáo, tự mẹt bánh đúc nói lên tất cả sự mời mọc ân cần và bộc bạch cái chân quê, khéo léo của chủ hàng. Khách ưng thì chọn ăn rồi thành quen mà đến, như người xưa vẫn nói “hữu xạ tự nhiên hương”.
Ngày nay, Hà Nội và nhiều nơi khác đã thưa bóng những gánh bánh đúc rong, thiếu mất hình ảnh hương vị bánh đúc riêu cua đồng, bánh đúc ngô, bánh đúc đậu phụ rán và rau ghém hoa chuối…Nhưng trong tiềm thức của những người yêu và gắn bó với Hà Nội, mẹt bánh Đúc sẽ như nốt nhạc đầu, đánh thức giai điệu ngọt ngào cho ta gợi nhớ về một “làng” Hà Nội yên bình, dân dã.
Đi xa, nhớ về thức quà Hà Nội, thật chẳng khó gì để món ốc luộc trở thành chủ đề chính. Ở Hà Thành, mùa nào người ta cũng có thể đi ăn ốc nóng vỉa hè nhưng dường như chỉ mùa đông thì ốc mới thực sự là ngon nhất khiến người ta cảm nhận hết hương vị của nó.
Ốc luộc ( nguồn: khamphahue.com.vn )
Ốc luộc không thể thiếu củ sả, lá chanh kèm thêm vị gừng… Phải có những hương vị dân dã ấy thì nước ốc mới ngọt và thịt ốc mới thật sự thơm. Tuy nhiên, ốc nóng quan trọng nhất vẫn là nước chấm. Một bát nước chấm đạt yêu cầu nhất thiết phải có từ 7 đến 10 vị mới đảm bảo là ngon và đậm. Những thứ gia vị không thể không có là dấm gạo, nước lọc, đường kính, nước mắm ngon, mì chính, chanh, gừng, ớt, sả… Cũng là gia vị ấy nhưng mỗi chủ quán lại có cách pha chế khác nhau và theo ý của khách mà mỗi vị: chua, cay, mặn, ngọt lại tăng hay giảm. Và tất nhiên, đi ăn ốc nóng thực khách không khi nào quên dùng một bát nước ốc. Nước ốc tuy nhạt nhưng thêm một chút nước chấm ngon lại trở thành thượng hạng. Và cũng bởi vì nhiều người vẫn truyền tai nhau đi ăn ốc mà uống bát nước vào thì dù ai có yếu dạ cũng chẳng làm sao…
Bàn về món ăn và các quán ăn, ít khi nào nhận được những ý kiến giống nhau. “Gu” ăn vặt không ai giống ai và mỗi góc nhỏ, quán nhỏ đã từng đi qua cùng bạn bè là một điểm đặc biệt trên “bản đồ ẩm thực” Hà Thành trong lòng mỗi người để khi đi xa lại thấy thèm, thấy nhớ. Mùa đông về, cái lạnh như làm mọi thứ co mình lại, chỉ có những kỉ niệm, những hồi ức là cựa mình sống dậy. Làm sao có thể kể hết một lượt những thức quà riêng có của Hà Thành?! Còn biết bao nhiêu nữa…nào bún đậu mắm tôm, nào bún thang, nào phở…bất kể món nào đều gắn với những kỉ niệm. Đó cũng là một phần làm nên tuổi thơ của chúng ta, là quá khứ đẹp đẽ của chúng ta – những món quà vặt…
Theo PNO