Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến mức nào, ai lên tiếng đi chứ!
Dù khá muộn, nhưng người dân vẫn chờ đợi sự vào cuộc của chính quyền Hà Nội. Nếu không có giải pháp mạnh và hữu hiệu thì người dân không biết sẽ sống chung với ô nhiễm không khí đến bao giờ
Tối nào tôi cũng có thói quen gọi điện về quê “buôn chuyện” với mẹ. Chuyện của mẹ con tôi cơ bản chỉ về sức khỏe, học hành, ăn uống của người thân trong gia đình. Nhưng giờ đây, mở đầu câu chuyện, bao giờ mẹ tôi cũng lo lắng “Hà Nội đã đỡ ô nhiễm không khí chưa con?”. Trước khi nghỉ hưu, bà công tác trong ngành Y nên khá hiểu và lo cho sức khỏe người thân sống ở Hà Nội, nhất là những đứa cháu đang còn nhỏ.
Quả vậy, vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong thời gian qua không còn là bình thường nữa mà trở nên đáng lo ngại, là mối quan tâm của tất cả người dân không chỉ ở Hà Nội mà cả nước. Đó cũng là chuyện rất bình thường, khi Thủ đô là trái tim của cả nước, còn ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người.
Không khí ở Hà Nội liên tục ở mức “Xấu”, “Rất xấu”(ảnh: Nguyễn Ngân)
Trong thời gia qua, đã có rất nhiều khuyến cáo của các chuyên gia Y tế được đưa ra cảnh báo sự nguy hiểm đối với sức khỏe con người khi mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tục ở mức “Xấu”, “Rất xấu”.
Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe. Các chất ô nhiễm kích thước nhỏ trong không khí có thể xâm nhập vào hệ thống hô hấp và tuần hoàn khiến tổn thương phổi, tim và não. Cũng theo thống kê của tổ chức này, mỗi năm có 7 triệu người chết sớm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí.
Và thực tế, thống kê ở nhiều bệnh viện ở Hà Nội, các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ trong thời gian qua tăng lên nhiều lần.
Sống ở Hà Nội hiện nay, không ai là không lo lắng, bất an nhưng thực sự vẫn chưa biết làm cách nào và chưa biết đến bao giờ thì được thoát ra khỏi bầu không khí ô nhiễm như vậy. Mỗi người “tự cứu lấy mình” bằng cách trang bị thêm các vật dụng che chắn hệ hô hấp khi ra đường, hạn chế ra ngoài nếu không có việc gì cần thiết, nhà nào có điều kiện hơn thì tự mua máy lọc không khí…
Cả tháng trời qua, mặc dù người dân phải tự loay hoay, xoay sở tìm cách tồn tại trong bầu không khí ô nhiễm thì dường như chưa có một động thái chính thức nào từ chính quyền Thủ đô trong việc tìm giải pháp cũng như hỗ trợ người dân khi phải sống chung với không khí “bẩn”.
Video đang HOT
Còn nhớ, cách đây gần 2 tháng, người dân Hà Nội đã không khỏi bức xúc, bất an khi hơn 7 vạn người ở 4 quận phải ăn, uống nước sông Đà nhiễm dầu thải gần cả chục ngày trời mà không có bất cứ cơ quan nào lên tiếng. Người dân sau khi phát hiện nước bẩn đã cầu cứu các cơ quan liên quan nhưng sau gần một tuần vẫn không có động thái nào từ chính quyền, các cơ quan liên quan, đặc biệt là Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Mãi đến khi Viwasupco có văn xác nhận sự việc thì sau đó vài ngày, khi người dân đã ăn, uống đủ thứ “nước bẩn” thì Hà Nội mới có sự chỉ đạo về việc cung cấp nguồn nước sạch tạm thời cũng như giải quyết sự cố để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Sự vào cuộc chậm trễ của chính quyền Hà Nội khiến người dân mệt mỏi, bức xúc.
Và trước đó cũng không lâu, sự cố cháy Nhà máy Rạng Đông khiến môi trường xung quanh khu vực này độc hại, hàng ngàn người phải “bỏ nhà, bỏ cửa” đi tìm chỗ ở để tự cứu mình và trẻ nhỏ ra khỏi vùng ô nhiễm mà cũng không có sự vào cuộc, khuyến cáo kịp thời của chính quyền Hà Nội.
Những tưởng vụ việc cháy nhà máy Rạng Đông và sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải sẽ là bài học xương máu để chính quyền rút kinh nghiệm trong các sự cố tương tự. Nhưng đến nay, sau cả tháng trời người dân phải tự loay hoay tự cứu mình, thì vẫn chưa có động thái chính thức nào từ chính quyền Hà Nội.
Dù đã là khá muộn, nhưng người dân vẫn chờ đợi và mong mỏi sự vào cuộc chính thức của Hà Nội và các cơ quan liên quan. Bởi nó không chỉ liên quan đến sức khỏe, tính mạng của một nhóm người mà liên quan đến tất cả người Hà Nội, tự mỗi người dân không thể giải quyết.
Chỉ khi có sự vào cuộc thực sự của chính quyền Hà Nội với việc công bố rõ ràng, minh bạch nguyên nhân, mức độ nguy hiểm, từ đó đề ra giải pháp, lộ trình khắc phục với sự hợp tác, giám sát của người dân thì mới mong giảm thiểu được sự ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Tất cả người dân Thủ đô vẫn đang chờ đợi./.
Theo VOV
Dấu hiệu phổi đang 'kêu cứu', đừng bỏ qua kẻo ân hận mấy cũng muộn
Không khí ngày càng ô nhiễm nên chúng ta cần phải lưu tâm nhiều hơn tới phổi và các dấu hiệu cảnh báo cơ quan này đang gặp vấn đề.
Ảnh minh họa: Internet
Đau lưng và vai: Mặc dù được cho là một triệu chứng hiếm gặp nhưng đau lưng và vai, thậm chí là đau ngực lại có thể là dấu hiệu sớm của bệnh ung thư phổi. Nếu cơn đau này mạnh hơn và kéo dài hơn so với cơn đau lưng bình thường hoặc bạn thường xuyên bị đau ở những vị trí này thì bạn nên tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Ho: Ho có thể là triệu chứng của bệnh cảm lạnh thông thường nhưng cũng có thể là triệu chứng của các bệnh mãn tính. Do đó, bạn cần phải biết cách phân biệt các loại ho khác nhau. Ho cấp tính (ho dưới 3 tuần) và ho bán cấp (kéo dài từ 3-8 tuần) có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi, đặc biệt là khi ho đi kèm với các triệu chứng khác như ho ra máu.
Kiệt sức, thiếu năng lượng: Theo Prevention, bạn có cảm thấy mệt mỏi với những công việc hàng ngày vẫn làm? Các tế bào cần oxy để tạo ra năng lượng giúp cơ thể hoạt động hiệu quả. Khi phổi không cung cấp đủ oxy cho cơ thể, bạn phải làm việc gắng sức, gây mệt mỏi, uể oải.
Ảnh minh họa: Internet
Thở khó khăn: Nếu một ngày bạn cảm thấy thở khó khăn và gấp gáp hơn, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Tiến sĩ Lauren Goodman, Trung tâm Y tế Đại học Wexner, Ohio (Mỹ), cho biết: "Đôi khi khó thở là biểu hiện của việc phổi bị quá tải, có quá nhiều không khí bị mắc kẹt bên trong lồng ngực". Ngoài ra, thở gấp cũng là dấu hiệu cho thấy phổi của bạn đang hoạt động không hiệu quả.
Mất tập trung, bối rối: Bạn có biết não bộ sử dụng 15-20% lượng oxy trong cơ thể? Điều này là do chúng cần oxy để suy nghĩ thông suốt, tỉnh táo hơn. Do vậy, nếu phổi không cung cấp đủ oxy, đồng thời nồng độ carbon dioxide (CO2) cao, có thể khiến bạn buồn ngủ, làm mất tập trung và suy nghĩ lộn xộn.
Sụt cân không rõ nguyên nhân: Bệnh phổi gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, trong đó có việc sụt vài cân đột ngột. Trong tình huống này, sụt cân không phải là loại bỏ lượng mỡ thừa trong cơ thể. Theo tiến sĩ Goodman, tình trạng viêm phổi có thể gây suy giảm trọng lượng các nhóm cơ, khiến chúng không phát triển theo đúng trình tự.
Ảnh minh họa: Internet
Móng tay chuyển sang màu xanh: Theo dõi tình trạng tím tái ở môi, móng tay và da, có thể khiến chúng chuyển sang màu xanh, xám hoặc tím đậm là dấu hiệu của bệnh về phổi tiến triển. Khi thấy những dấu hiệu này bạn cần được khám chuyên gia để được tư vấn và chẩn đoán.
Giọng nói thay đổi: Hãy chú ý nếu những người xung quanh nhận xét về giọng nói của bạn thay đổi. Nó có thể đơn giản là do cảm lạnh, nhưng khàn giọng kéo dài vài tuần có thể là một trong những triệu chứng nghiêm trọng hơn của bệnh phổi.
Vàng da và mắt: Vàng da là tình trạng da của bạn vàng hơn bình thường. Nó cũng ảnh hưởng tới phần lòng trắng của mắt, khiến mắt chuyển sang màu vàng nhạt và màu vàng đậm trong trường hợp cấp tính. Đây là một dấu hiệu điển hình cảnh báo gan của bạn gặp vấn đề và điều này có thể gây ra bởi ung thư phổi. Bởi nếu ung thư phổi di căn tới gan thì bệnh nhân sẽ có những triệu chứng trên.
Khó thở: Nguyên nhân gây ra khó thở thường liên quan tới các vấn đề về tim hoặc phổi như bệnh hen suyễn, dị ứng. Nếu đang mắc phải tình trạng này, bạn hãy thử thay đổi môi trường sống, rời xa thành phố một khoảng thời gian ngắn hoặc tập luyện thể dục đều đặn. Nêu tình trạng khó thở xảy ra thường xuyên, bạn nên tới gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Ảnh minh họa: Internet
Đau ngực: Những cơn đau ngực có thể là dấu hiệu của bệnh tim và vấn đề về phổi. Tiến sĩ Goodman cho biết phổi không có dây thần kinh tạo nên cảm giác đau, nhưng khu vực bên trong ngực lại có. Viêm kích thích niêm mạc bên trong lồng ngực có thể gây đau ngực, vấn đề này gọi là viêm màng phổi. Thỉnh thoảng, khi phổi có một khoang bị vỡ, khiến khí tràn vào khoang ngực quanh phổi, gây ra cơn đau.
Da xanh xao: Thông thường, các tế bào máu đỏ vận chuyển oxy tới các mô trong cơ thể, khiến làn da khỏe mạnh, hồng hào. Tuy nhiên, những bộ phận không nhận đủ oxy cần thiết như môi, ngón tay, ngón tay sẽ trở nên xanh xao. Điều này càng rõ rệt hơn ở những người mắc bệnh phổi ở giai đoạn cuối.
Không có triệu chứng gì cả: Một thông tin đáng sợ là ung thư phổi giai đoạn đầu hiếm khi đi kèm các triệu chứng. Để phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn đầu có thể là do bệnh nhân cần chụp X-quang ngực hoặc cột sống cho một vấn đề sức khỏe khác. Vào thời điểm các triệu chứng khác xuất hiện đau lưng, đau đầu, mệt mỏi, đó thường là dấu hiệu tế bào ung thư đã lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Đó là lý do tại sao, nếu bạn có nguy cơ mắc ung thư phổi cao (trên 55 tuổi và có tiền sử hút thuốc 30 năm), bạn cần được kiểm tra y tế chuyên sâu hơn.
QUẢNG AN (TỔNG HỢP)
Theo Tiền phong
Điểm 'mặt' những vấn đề sức khỏe nóng hổi năm 2019 Theo thống kê, sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam bởi sự biến động xấu của môi trường. Năm 2019 chuẩn bị đi qua, hãy cùng điểm lại một số vấn đề nóng hổi, được dư luận quan tâm. Theo số liệu thống kê mới nhất được thực hiện bởi The Conference Board Global Consumer...