Nhiều trẻ mầm non phải cách ly vì dịch Covid-19: Học cách vươt qua hoàn cảnh ra sao?
Dù cách ly tập trung hay cách ly ở phòng riêng tại nhà, nhất là dịp tết sẽ là giai đoạn khó khăn với rất nhiều trẻ nhỏ thuộc diện F1. Cha mẹ phải chăm sóc, xử lý thế nào trong trường hợp này?
41 học sinh của Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ sẽ được cách ly tại nhà – NGUYỄN LOAN
Dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh thành, không chỉ người lớn rất nhiều trẻ em lứa tuổi bậc mầm non, tiểu học trở thành F1 và phải tuân thủ quy định cách ly. Với người lớn, việc cách ly đã rất khó khăn, thì với trẻ nhỏ, đây sẽ là giai đoạn khó khăn với các em.
Hãy chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh với trẻ
Ngày 2.2, 75 học sinh Trường mầm non Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) trở thành F1 khi bạn học cùng lớp và bà ngoại của bé này dương tính với Covid-19. Ngay sau đó, số trẻ này phải cách ly tập trung tại trường.
Còn mới đây nhất, ngày 8.2 có 44 trẻ mầm non ở Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (phường 6, Q.Gò Vấp) cũng trở thành F1 khi bạn học cùng lớp và mẹ của bé dương tính với Covid-19. Hiện số trẻ của lớp này đã thực hiện cách ly tại nhà theo quy định mới của Bộ Y tế.
Vậy cha mẹ có trẻ thuộc diện cách ly phải xử lý, chăm sóc con thế nào? Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Diệu Anh (Nghiên cứu sinh tâm lý Khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho rằng trước hết chính người lớn phải nhìn vấn đề theo chiều hướng tích cực.
Thay vì lo lắng, bất an, buồn chán vì phải cách ly với con thì hãy xem đây là cơ hội, dành thời gian ở bên cạnh con, dạy thêm cho con những kỹ năng mới cũng như học cách vượt qua hoàn cảnh trong từng trường hợp khác nhau.
“Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều lúc mình bận rộn với công việc, cuộc sống nên thật sự nhiều cha mẹ không có đủ độ sâu khi nói chuyện với con, mà chỉ thường trao đổi thông tin và hỗ trợ chăm sóc mang tính vật lý. Bây giờ, khi có nhiều thời gian hơn thì hãy dành thời gian để chia sẻ sâu hơn về mặt tình cảm và cũng là dịp để phụ huynh theo dõi cảm xúc, hành vi của con. Khi nghỉ học và phải ở trong nhà nhiều ngày liền trẻ dễ nãy sinh cảm xúc tiêu cực, phụ huynh phải thật bình tĩnh và kiên nhẫn, giúp con vượt qua được những cảm xúc con đang có”, bà Diệu Anh chia sẻ.
Cha mẹ cũng cần thông tin, chia sẻ cho con về tình hình dịch bệnh và lý do tại sao con phải cách ly, sự cần thiết của việc cách ly phòng bệnh để trẻ hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh thực tế. Đặc biệt, trong thời gian nghỉ tết, các con có thể sẽ mong muốn được đi chơi, chúc tết và tham gia các hoạt động bên ngoài thì việc chia sẻ thông tin lại càng cần thiết.
Việc phải cách ly tại nhà hay khu tập trung đều dễ khiến trẻ có những cảm xúc tiêu cực, cha mẹ cần có những chia sẻ, hỗ trợ giúp trẻ vượt qua giai đoạn này – NGUYỄN LOAN
Lên kế hoạch hoạt động từng ngày
Trẻ ở nhà dài ngày, cha mẹ cũng cần lên kế hoạch hoạt động cho từng ngày, trong đó cần thiết phải có hoạt động thể chất cho trẻ. Mỗi sáng, phụ huynh có thể dành 20-30 phút để con vận động tay chân, cơ thể.
Dạy con chăm sóc bản thân, từ những hoạt động nhỏ nhất để có thể tự phục vụ bản thân của trẻ. Hướng dẫn con tham gia thêm các khoá học trực tuyến nhưng tránh để trẻ sa đà quá nhiều vào các trò chơi điện tử, hay xem điện thoại, iPad quá nhiều…
TP.HCM cho phép áp dụng Chỉ thị 15 hoặc 16 tại nhiều khu vực phòng Covid-19
Tăng cường chế độ dinh dưỡng, tuân thủ quy định cách ly
Trong khi đó, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, thì việc trẻ được cách ly ở nhà đối với trẻ từ 5 tuổi trở xuống tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ hơn rất nhiều so với việc cách ly tập trung. Tuy nhiên, việc cách ly tại nhà thì ý thức, trách nhiệm của mỗi gia đình lại rất quan trọng.
Theo bác sĩ Khanh, trong thời gian cách ly gia đình cần phải nắm rõ và tuân thủ đúng cách quy định cách ly, báo cáo tình hình thường xuyên với phía các cơ quan quản lý, giám sát. “Trong 14 ngày cách ly, nếu trẻ có bất kỳ vấn đề sức khoẻ, hay bị bất kỳ bệnh gì khác thì gia đình cần báo cáo lại các cơ quan giám sát để được hỗ trợ và hướng dẫn phù hợp.
Trong khi đó, bà Trần Thị Hiển, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (Q.Gò Vấp, TP.HCM), nơi có 41 trẻ mầm non phải cách ly tại nhà do liên quan đến ca dương tính với Covid-19 cho biết trường thường xuyên liên lạc với phụ huynh. Ngoài việc giám sát, chia sẻ thông tin đến các gia đình thuộc diện cách ly thì trường cũng hướng dẫn cha mẹ chăm sóc trẻ tại nhà.
“Chúng tôi cũng nhắc nhở phụ huynh đảm bảo vấn đề dinh dưỡng, sát khuẩn tay và giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Đặc biệt, trong thời gian cách ly thì cần chăm sóc, dành thời gian chia sẻ với trẻ”, bà Hiển chia sẻ thêm.
Dịch Covid-19: Ăn tết 5K
Hạn chế tối đa đi lại và tụ tập, trong trường hợp vẫn phải di chuyển về quê, du lịch cùng gia đình trong dịp tết thì cần tuân thủ các quy tắc phòng dịch Covid-19.
Việc tuân thủ các quy tắc phòng bệnh trong quá trình di chuyển và tiếp xúc hằng ngày là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng - ẢNH: PHẠM HỮU
Chia sẻ về vấn đề đảm bảo an toàn trong dịp tết trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, thạc sĩ, bác sĩ CK2 Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), cho biết người trẻ, các em học sinh và người dân trước hết phải tuân thủ các quy tắc phòng dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt, với đợt dịch này, bác sĩ Nam cho biết mọi người không được chủ quan vì khả năng lây lan nhanh chóng so với các chủng vi rút trước đây.
Về quy tắc phòng dịch Covid-19, theo bác sĩ Nam, mọi người đã được phổ biến các quy tắc ngay từ khi có dịch, trong đó có quy tắc 5K (khẩu trang - khử khuẩn - không tụ tập - khoảng cách - khai báo y tế). Nhưng quan trọng nhất là 2K đầu gồm khẩu trang và khử khuẩn. Việc khai báo y tế trong thời gian này cũng rất quan trọng, vì gần tết, nhiều người không muốn đón tết trong khu cách ly nên thường trốn tránh.
Tuy nhiên, trước mắt, mọi người nên hạn chế đi lại tránh tụ tập ở những nơi đông người trong thời gian này. Trường hợp nào nếu không cần thiết thì chúng ta có thể hoãn lại chuyến đi, hoặc nếu phải đi thì ưu tiên phương tiện cá nhân, còn đi các phương tiện đông người thì tuyệt đối phải tuân thủ các quy tắc phòng dịch Covid-19 nhất là luôn luôn đeo khẩu trang đúng cách.
"Hiện tại Bộ Y tế đã công bố 2 ổ dịch, các trường hợp dương tính ở các tỉnh khác cũng được thông tin rộng rãi, do vậy gia đình cần xem lại lộ trình của mình đi qua những vùng đang có dịch Covid-19 hay không. Nếu có thì nên thay đổi lại lịch trình để tránh nguy cơ tiếp xúc với những người có nguy cơ mang bệnh hay đi vào vùng dịch. Khi tiếp xúc với người thân trong gia đình cũng nên giữ khoảng cách cần thiết.
Đường hoa Nguyễn Huệ dần thành hình, chuẩn bị đón khách du xuân giữa Covid-19
Với những gia đình có con nhỏ cũng cần đeo khẩu trang, hướng dẫn con rửa tay thường xuyên. "Đối với trẻ em, có những nghiên cứu cho thấy khả năng mắc không thua người lớn nhưng tỷ lệ diễn biến nặng lại thấp hơn. Chính vì điều này trẻ em có thể trở thành nguồn lây cho người lớn vì khó nhận biết được bệnh nên càng không được chủ quan. Còn với những em bé còn nhỏ, chưa chịu đeo khẩu trang thì nên hạn chế tối đa ra khỏi nhà", thạc sĩ Nguyễn Trần Nam nói thêm.
Tương tự, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, ngoài việc tuân thủ các quy tắc phòng dịch Covid-19 thì các em cũng cần chế độ ăn ngủ, tăng cường thể dục thể thao hợp lý để cơ thể có sức đề kháng tốt nhất.
"Các chuyến bay trong nước thường ngắn, nguy cơ không cao nếu chúng ta tuân thủ được nguyên tắc phòng dịch Covid-19 luôn luôn đeo khẩu trang và khử khuẩn tay sạch sẽ. Chúng ta chỉ tháo khẩu trang khi ăn uống, do vậy, nếu được thì nên ăn uống đầy đủ trước khi lên máy bay, không nên tháo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển và giữ khoảng cách ở sân bay. Còn ở những nơi khác nên tuyệt đối chủ động tuân thủ quy tắc phòng bệnh 5K", bác sĩ Khanh nói thêm.
Bí kíp dưỡng gan của người Trung Quốc Các chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc đã nghiên cứu và đúc kết 4 mẹo dưỡng gan hiệu quả. Gan là cơ quan quan trọng đảm nhận nhiều chức năng sinh học của cơ thể. Tuy nhiên nhịp sống hiện đại với chế độ ăn uống lẫn lộn nhiều hóa chất độc hại, sử dụng quá nhiều rượu bia, thức khuya...