Nhiễm giun cũng… có lợi
Có thể bạn thấy khó tin, nhưng thực tế là chính những con giun trong đường tiêu hóa giúp bạn tránh bệnh viêm ruột.
Suốt từ thời nguyên thủy cho đến nay, loài người đã “ cộng sinh” và tiến hóa cùng đủ các loài giun sán ký sinh. Điều bạn ít ngờ đến là những vị khách không mời này cũng vai trò nhất định đối với cơ thể.
Viêm ruột vì thiếu… giun
Theo các nghiên cứu khoa học, khi ký sinh ở đường ruột, giun đã tham gia điều hòa hệ miễn dịch. Nếu thiếu giun, hệ này sẽ hoạt động quá tích cực, tăng sản các chất chống viêm và các thực bào như gamma interferon, dẫn đến phát sinh các bệnh tự miễn.
Các nhà khoa học thuộc ĐH Iowa (Mỹ) đã chứng minh rằng cuộc sống quá sạch sẽ là nguyên nhân chính làm bùng phát các căn bệnh về đường ruột ở người. Ở các nước đang phát triển, điều kiện sống và vệ sinh chưa cao nên phần lớn người dân nhiễm giun, nhưng tỷ lệ người viêm ruột rất thấp. Trong khi đó ở các nước phát triển, tỷ lệ người nhiễm giun thấp nhưng bệnh đường ruột lại phát triển một cách đáng kể.
“Trong 50 năm qua, số người mắc các bệnh như áp xe ruột già, viêm cơ vòng ruột già cũng như các bệnh về dị ứng gia tăng đột biến tại các nước công nghiệp phát triển. Mãi đến đầu thập kỷ 90 chúng tôi mới hiểu ra rằng đó chính là hậu quả của chính sách tẩy giun triệt để từ lâu đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới”, giáo sư Joel V.Weinstock, chuyên gia về dạ dày và ruột, Đại học bang Iowa, nói. “Hệ miễn dịch của chúng ta đã tiến hóa hàng triệu năm để đối phó với sự hiện diện của những ký sinh trùng. Về bản chất, giun sán là một phần của chúng ta. Mối phụ thuộc này bền chắc đến mức nếu chúng ta trục xuất chúng khỏi cơ thể, hệ miễn dịch sẽ bị mất cân bằng. Cơ thể một khi thiếu chúng sẽ vận hành thái quá các cơ chế tự vệ, hàng loạt các bệnh về dị ứng và miễn dịch sẽ phát sinh”.
Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu cách chữa bệnh từ giun.
Video đang HOT
Cấy để chữa bệnh
Viêm loét đại tràng là một bệnh đường ruột phổ biến do phản ứng của hệ miễn dịch gây ra: tế bào bạch cầu tấn công đại tràng như tấn công một vật thể lạ, khiến cho ruột chảy máu. Hiện chưa có biện pháp chữa trị triệt để, ngoại trừ liệu pháp sử dụng steroid tạm thời nhằm làm giảm viêm loét, song lại gây nhiều phản ứng phụ nguy hiểm.
Marghi Anna là một trong những nạn nhân của căn bệnh này. Cô phải chịu những cơn đau ghê gớm và liên tục bị tiêu chảy nặng. Cuộc đời của Anna có lẽ đã đi theo một hướng khác nếu cô không gặp tiến sĩ Weinstock và tham gia chương trình thử nghiệm: cấy giun đũa vào ruột để chữa bệnh. Cứ ba tuần một lần, Anna lại đến bệnh viện của tiến sĩ Weinstock. Cùng 99 tình nguyện viên bị viêm loét đại tràng khác, cô uống một cốc nước chứa đầy trứng giun. Lũ giun sau đó sinh sôi nảy nở trong ruột Anna. Kết quả là các triệu chứng đau bụng, xuất huyết, tiêu chảy của cô giảm đi trông thấy.
Các nhà khoa học đã kiểm chứng liệu pháp uống trứng giun chữa viêm đại tràng. Tất cả các triệu chứng của bệnh dần biến mất trong ở 50% – 70 % số tình nguyện viên. Trứng giun hòa vào ly nước uống không hề có mùi vị gì đặc biệt và chúng bé tới mức không thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Các nhà khoa học cũng nghĩ ra cách chế đồ uống chứa trứng giun để tung ra thị trường như một thực phẩm bổ sung. Trong điều kiện sống quá “sát trùng” như ở các nước phát triển, đây là một cách để cân bằng hệ miễn dịch cho cơ thể. Cơ quan Lượng giá sản phẩm điều trị bệnh châu Âu (The European Agency for the Evaluation of Medicinal Products) hiện đã cho phép bán loại đồ uống này theo phác đồ điều trị mỗi tháng uống hai lần. Nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu chế vaccin viêm ruột từ giun đũa.
Tiến sĩ Alam Brown ở Đại học công nghệ Massachusetts cũng từng tự chữa khỏi viêm mũi dị ứng nhờ giun đũa. Hiện phòng thí nghiệm của ông đã bắt tay điều chế thuốc dựa vào nguyên mẫu thành phần hóa học lấy từ một số loài ký sinh trùng. Ví dụ, một loài sán ký sinh bên trong thành mạch máu giúp chế biệt dược làm giảm cholesterol trong máu.
Dựa trên những nghiên cứu lâu năm, bác sĩ Weinstock nhận ra rằng những con giun đũa sống trong ruột người chính là tác nhân bảo vệ đường ruột. Giun đũa có thể kìm hãm và phong tỏa hoạt động của hệ miễn dịch con người, nhờ thế chúng có thể sống trong ruột mà không bị hệ miễn dịch tấn công. Hệ miễn dịch bị kìm hãm và phong tỏa, trong một số trường hợp nhất định, sẽ ngăn sự phát sinh các căn bệnh quá mẫn cảm với tác nhân ngoại lai như hen suyễn và một số bệnh dị ứng.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Mùa hè, hải sản dễ biến chất
Thực phẩm, hải sản đông lạnh nếu không được bảo quản tốt sẽ bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh viêm ruột cho người sử dụng.
Nhiều mẫu không đạt chuẩn
BS Nguyễn Lan Phương, phòng Vi sinh Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thủy hải sản dễ biến chất, nhất là vào mùa hè. Khi biến chất sẽ có các vi khuẩn gây ngộ độc và tiêu chảy như: Coliforms, E.coli, C. perfringens và Vibrio parahaemolyticus. Các vi khuẩn này là nguyên nhân gây lên các vụ ngộ độc thực phẩm và tiêu chảy...
Trong 3 mùa hè liên tiếp, Viện đã thực hiện đề tài nghiên cứu "Thực trạng ô nhiễm vi sinh vật vào thực phẩm thủy hải sản đông lạnh và chế biến sẵn trên địa bàn Hà Nội".
Kết quả kiểm tra vi sinh vật tại phòng thí nghiệm 300 mẫu thực phẩm thủy hải sản đông lạnh và chế biến sẵn (được lấy ngẫu nhiên) từ một số chợ và siêu thị trong 6 quận nội thành Hà Nội cho thấy: 82 mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, trong đó có 36 mẫu cá lạnh, 29 mẫu tôm, cua sơ chế, 8 mẫu mắm tép và 6 mẫu nem chả giò...
Đặc biệt, có tới gần 30% số mẫu không đạt nhiễm một số loại vi sinh vật vượt giới hạn cho phép trong đó có 49 mẫu không đạt tiêu chuẩn về Coliforms (chiếm 16,3%), 34 mẫu không đạt về E.coli (11%), 28 mẫu không đạt về C. perfringens (9,3%) và 7 mẫu không đạt về Vibrio parahaemolyticus (2,3%).
Trong 28 mẫu nhiễm C. perfringens chủ yếu là mẫu mắm tôm, mắm tép... có thể gây ngộ độc bất cứ lúc nào. Nguy hại hơn cả là trong hải sản đông lạnh có vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus được xác nhận là nguyên nhân gây ra nhiều vụ ngộ độc thức ăn do cá biển và hải sản. Bệnh hầu hết xảy ra về mùa hè đối với những người ăn gỏi cá và những thực phẩm chưa chín, có thể gây ngộ độc, gây đau bụng, nôn, sốt, đặc biệt là tiêu chảy.
Bảo quản ở -18oC vi khuẩn gây bệnh không chết
TS Bùi Thị Mai Hương, trưởng phòng Vi sinh phân tích cho biết, thực phẩm đông lạnh thường được bảo quản ở nhiệt độ - 18độC. Nhiều người cho rằng ở độ lạnh này vi khuẩn không thể sống được và sử dụng thực phẩm đông lạnh là hoàn toàn yên tâm. Đây là một quan điểm sai lầm.
Với nhiệt độ -18độC, nhiều loại vi khuẩn gây bệnh không chết mà chỉ phát triển chậm lại hoặc ngừng phát triển, độc tố của chúng cũng không bị phá huỷ.
Thực tế, ở nhiệt độ lạnh -18độC vi khuẩn thương hàn vẫn sống được 6 tháng, tụ cầu vàng sống được 5 tháng. Còn ở độ lạnh -6độC như trong ngăn đông của nhiều tủ lạnh gia đình hiện nay, sau 90 ngày các vi khuẩn tả, thương hàn, lỵ trực khuẩn, tụ cầu vàng, trực khuẩn E.coli... vẫn sống bình yên.
Khi thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, giã đông lại không đúng như nhúng vào nước nóng, ngâm nước... không chỉ khiến thực phẩm bị hư hỏng mà còn tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển.
Khi rã đông, tốt nhất là để thực phẩm trong ngăn mát của tủ lạnh cho rã đông dần dần. Thực phẩm đã rã đông phải dùng ngay không nên cất để dùng tiếp lần sau vì dễ dẫn đến ngộ độc. Khi chế biến, phải nấu thật chín để đề phòng các loại vi khuẩn hoạt động mạnh trở lại sau khi thoát khỏi quá trình đông lạnh. Tuyệt đối không ăn những thức ăn còn tái.
Theo Bee.net