Nguy hại từ việc lạm dụng đồ ăn nhanh
Cuộc sống bộn bề với những áp lực công việc lớn, chúng ta bỏ qua cả những bữa ăn chính và lựa chọn thức ăn nhanh (fastfood) để tiết kiệm tối đa thời gian.
Tuy có nhiều lợi thế nhưng chúng ta cũng không nên bỏ qua những mặt trái từ việc ăn nhiều thức ăn nhanh…
Đồ ăn nhanh có chứa nhiều calori và cholesterol nên khả năng gây béo phì rất cao với những ai có xu hướng lạm dụng chúng. Sử dụng đồ ăn nhanh nhiều khiến con người trì trệ hơn, do không phải đi chợ mua thực phẩm, chế biến, nấu nướng… Không chỉ gà rán, khoai tây chiên mà đa số thức ăn nhanh đều chứa rất nhiều chất béo và tinh bột.
Điều này dẫn đến việc nếu ăn quá nhiều thức ăn nhanh bạn sẽ thừa cân, béo phì kéo theo hàng loạt các nguy cơ bệnh lý liên quan đến dư thừa và mất cân bằng dinh dưỡng. Khi mắc phải bệnh béo phì sẽ kéo theo hàng loạt các nguy cơ, biến chứng bệnh khác như: mỡ trong máu, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim và nguy hiểm nhất là có thể mắc phải căn bệnh thế kỷ ung thư…
Fastfood là món ăn ưa thích của giới trẻ trong cuộc sống hiện đại
Không chỉ cung cấp nhiều chất béo và cholesterol, nhiều loại thức ăn nhanh còn có chỉ số đường huyết cao (chỉ số chuyển hoá carbonhydrat thành glucose đưa vào máu), ví dụ như các loại bánh được làm từ bột mì trắng, khoai tây rán, các loại nước ngọt có ga (là những thành phần có trong khẩu phần của fastfood).
Khi dùng các loại thức ăn nhanh trong thành phần có các loại thực phẩm trên sẽ làm lượng đường tăng trong máu nhanh và sẽ khiến tuyến tụy phải tiết nhiều Insulin để giúp chuyển hoá glucose thành năng lượng. Do tuyến tụy luôn phải hoạt động quá nhiều sẽ bị suy giảm chức năng và dẫn đến đái tháo đường tuýp 2. Bệnh này trước đây chỉ gặp ở người lớn nay đã gặp ở trẻ em mà những trẻ em mập có nguy cơ mắc cao hơn.
Fastfood tuy tiện ích nhưng gây nguy hại cho cơ thể nếu lạm dụng
Một số món ăn nhanh hiện khá phổ biến là “mì, bún, phở ăn liền”, thành phần dinh dưỡng của loại thức ăn liền này chủ yếu là chất bột còn chất đạm, chất béo, vitamin đều rất thấp. Những người thường xuyên ăn “mì ăn liền” trong thời gian dài có tới 60% bị mắc các chứng bệnh thiếu dinh dưỡng, trong đó thiếu máu do thiếu sắt là 54%, thiếu vitamin B2 là 23%, thiếu kẽm là 16% và thiếu vitamin A là 29%. Bên cạnh đó, trong fastfood luôn chứa chất béo bão hoà Triglycerid (loại chất béo xấu), làm gia tăng cholesterol trong máu gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch. Trong các đồ ăn nhanh không chứa nhiều chất carbohydrate và protein để cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động do vậy, bạn sẽ cảm thấy nhanh chóng mệt mỏi, kiệt sức, nặng nề trong các vận động, sinh hoạt…
Đồ ăn nhanh thường đơn giản không mang tính đa dạng thực phẩm. Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi bữa ăn cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm chất bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng) với 15 loại thực phẩm phối hợp khác nhau. Trong fastfood thường số lượng các loại thực phẩm ít và phải qua chế biến công nghiệp nên thiếu các thành phần vi lượng và khoáng chất. Do đó fastfood thường thiếu và mất cân đối về dinh dưỡng, chưa kể đến việc sử dụng các chất phụ gia trong tẩm ướp và các dụng cụ chứa đựng không đáp ứng tiêu chuẩn ATTP.
Video đang HOT
Sử dụng dầu chiên lại nhiều lần, không đảm bảo ATTP gây nên nhiều bệnh cho cơ thể
Ngoài ra, hầu hết thức ăn nhanh được chiên bởi dầu chiên đi chiên lại nhiều lần. Loại dầu này sẽ phát sinh những chất amin dị vòng là nguyên nhân có khả năng cao gây nên bệnh ung thư.
Tuy việc lựa chọn đồ ăn nhanh phù hợp với cuộc sống khẩn trương nhưng ngoài các nguy cơ mất ATTP thì lại không đảm bảo cho sức khỏe. Do vậy chúng ta chỉ nên ăn fastfood khi thực sự bận rộn, thiếu thời gian, không nên ăn thường xuyên, kéo dài nhiều ngày. Các bữa ăn truyền thống với đa dạng thực phẩm tươi, sạch sẽ đem lại sự khoẻ mạnh, thân hình cân đối và phòng tránh được các bệnh liên quan đến ăn uống.
Nên tự chế biến thức ăn nhanh ở nhà để giảm tác hại từ việc dùng quá nhiều dầu mỡ hay nguồn thực phẩm không an toàn. Tăng cường tập luyện thể dục thể thao sau khi đã dùng thức ăn nhanh. Việc này giúp đốt cháy chất béo và hạn chế tăng cân. Chẳng hạn, nếu mỗi ngày chỉ tập 30 phút thì ngày nào dùng thức ăn nhanh, bạn nên tăng thời gian vận động lên 45 phút – 1 giờ. Ăn thêm trái cây sau khi sử dụng fastfood để đảm bảo cân bằng và cung cấp chất dinh dưỡng hợp lý. Khi ăn luôn lưu ý là phải chừa bụng để ăn thêm trái cây, đừng ăn thức ăn nhanh no quá mức. Nên ăn chậm nhai kỹ, khi vừa no thì dừng lại ngay. Và chỉ nên chọn loại size nhỏ và không sử dụng liên tục hay uống kèm nước ngọt có đường/gas. Tối đa chỉ ăn 2 bữa/tuần.
Xuân Thanh
Theo PLXH
5 lý do tại sao bạn nên hạn chế đặt đồ ăn online
Đồ ăn online vừa hấp dẫn lại gọn gàng nên có thể khiến bạn bỏ bê căn bếp ở nhà nguội lạnh cả tuần. Nếu đặt đồ ăn online quá thường xuyên, bạn đang tự làm hại cơ thể mình mỗi ngày một ít mà không hề nhận ra đấy!
Cuộc sống càng hiện đại, nhu cầu mua đồ ăn online càng tăng cao khi ai cũng hối hả với những deadline sát nút. Nhiều ứng dụng đặt đồ ăn online đã ra đời đáp ứng nhu cầu của người bận rộn như Now, Ahamove, Lala, GrabFood, Go-Food... Xu hướng đặt đồ ăn online thay vì vào bếp nấu ăn đã tạo điều kiện cho các chuỗi thức ăn nhanh phát triển với tốc độ chóng mặt.
Thế nhưng, liệu các cửa hàng thức ăn nhanh hay dịch vụ bán đồ ăn online có đảm bảo chất lượng như bạn kỳ vọng?
Bạn có thể đặt đồ ăn online khi quá bận rộn vì áp lực công việc căng thẳng khiến bạn về đến nhà chỉ muốn thả mình xuống chiếc giường êm ái thay vì lăn xả vào căn bếp bừa bộn. Tuy nhiên, thói quen mua đồ ăn online mỗi ngày có thể gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Hãy cùng khám phá những sự thật mà các cửa hàng bán đồ ăn online không bao giờ tiết lộ đằng sau những bức ảnh hấp dẫn để hạn chế đặt đồ ăn online nhé!
1. Đồ ăn online thường là thức ăn nhanh
Một trong những lựa chọn yêu thích của giới trẻ khi đặt đồ ăn online chính là các cửa hàng thức ăn nhanh với các món như sandwich, hamburger, pizza, khoai tây chiên... Bạn có thể vừa ăn vừa tranh thủ làm việc cho kịp tiến độ. Đây là lựa chọn khá lý tưởng mỗi khi bạn muốn tiết kiệm tối đa thời gian để tập trung làm việc.
Thức ăn nhanh cũng là một trong những món khoái khẩu mà trẻ em hay vòi vĩnh ba mẹ vào cuối tuần. Thế nhưng, tác hại của thức ăn nhanh đối với trẻ nhỏ lại thật đáng sợ: tiểu đường, béo phì, loãng xương, bệnh tim, sâu răng...
Thức ăn nhanh tuy ngon miệng nhưng lại chứa nhiều thành phần không tốt cho sức khỏe như dầu mỡ, đường, muối... Hàm lượng calo của thức ăn nhanh cũng khá cao nên có thể khiến bạn gặp nhiều khó khăn khi đang lên kế hoạch giảm cân để có vóc dáng thon gọn hơn.
2. Dịch vụ giao "thức ăn nhanh" không... nhanh
Bạn đặt đồ ăn online vào lúc 11h nhưng đến 12h vẫn chưa có. Mãi đến 2h chiều, bạn mới nhận cuộc gọi nhận đồ ăn! Khi "dịch vụ giao thức ăn nhanh" không nhanh như quảng cáo, bạn không những cảm thấy khó chịu mà còn có thể phải ăn đồ nguội nên mất cảm giác ngon miệng. Đặc biệt, những người bị viêm loét dạ dày lại càng có nguy cơ bị đau bụng nếu phải nhịn đói trong một khoảng thời gian dài.
Thói quen đặt đồ ăn online có thể khiến bạn ngày càng phụ thuộc vào thức ăn nhanh nên khó đảm bảo giờ giấc. Chưa kể, thức ăn để lâu trong các hộp nhựa hoặc túi ni lông cũng sẽ gây ra những tác hại lâu dài cho sức khỏe của bạn.
3. Cửa hàng bán đồ ăn không đảm bảo vệ sinh
Bạn có thể dễ dàng đặt đồ ăn online chỉ bằng vài cú click chuột hay chạm vào màn hình cảm ứng của điện thoại sau khi lướt một vài hình ảnh bắt mắt. Bạn có thể cảm thấy hài lòng khi nhân viên giao hàng mang đến một phần ăn hợp với khẩu vị và "đẹp mắt như trong hình".
Thế nhưng, bạn có tin chắc cửa hàng bán đồ ăn online đã đảm bảo vệ sinh khi chế biến thực phẩm không? Để có thể giao hàng nhanh và nhiều, họ có thể bỏ qua nhiều bước mà bạn không hề biết!
Vì lợi nhuận kinh doanh, các cửa hàng bán đồ ăn online thường bỏ qua quy trình vệ sinh hoặc tận dụng nguồn thực phẩm lâu ngày. Nếu bạn có vấn đề tiêu hóa, đồ ăn online sẽ là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng trầm trọng hơn.
4. Đồ ăn vặt online dễ khiến bạn tăng cân
Nếu bạn đang có kế hoạch giảm cân, hãy cẩn thận với đồ ăn vặt online như bánh ngọt, gà rán, kimbap, chè... Đồ ăn vặt online thường rẻ mà lại nhiều món cho bạn chọn nên có sức quyến rũ khó cưỡng. Nếu bạn có thói quen làm việc buổi tối thì sẽ lại càng khó kiểm soát cân nặng khi đấu tranh với cơn đói. Ngay cả khi bạn đã dự trữ thức ăn vặt ban đêm tại nhà thì vẫn có thể cảm thấy thèm bất chợt một món khác khi tình cờ bắt gặp các trang web đặt đồ ăn online.
Kế hoạch giảm cân của bạn có thể thất bại khi bạn có xu hướng thèm đồ ăn vặt online vì không thể kiểm soát lượng calo. Hơn nữa, thói quen ngồi một chỗ đặt đồ ăn online thay vì đi siêu thị về nấu ăn lại càng khiến bạn có nguy cơ tăng cân cao hơn.
5. Thói quen mua đồ ăn online tốn kém
Khi mua đồ ăn online, bạn có thể tốn tầm 70.000 - 100.000 đồng/ngày nếu có ăn vặt thêm giữa buổi. Vậy là bạn có thể tiêu tốn gần 500.000 - 700.000 đồng/tuần cho khoản ăn uống. Trong khi đó, bạn có thể chỉ tốn khoảng 300.000 - 500.000 đồng/tuần nếu biết thu xếp nấu ăn tại nhà một cách khéo léo. Nếu bạn tự tin vào bếp với các bí quyết nấu ăn ngon, bạn sẽ không còn hào hứng với các ứng dụng đặt đồ ăn online nữa.
Đồ ăn online chẳng những không đảm bảo sức khỏe mà còn khiến bạn tốn kém nhiều hơn để thỏa mãn những cơn đói bất chợt. Bài toán chi tiêu của bạn có thể sẽ tăng đột biến khi bạn đặt đồ ăn online mỗi ngày.
Để kiểm soát cơn "nghiện" mua đồ ăn online, bạn có thể mua sẵn thực phẩm vào cuối tuần và lên thực đơn cho cả tuần. Bạn đừng quên mua thêm trái cây, sữa chua và các loại hạt để làm đồ ăn vặt. Đây là những món ăn vặt lành mạnh vừa tốt cho sức khỏe lại giúp bạn duy trì vóc dáng thon thả.
Đồ ăn online luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng vì vừa nhanh gọn lại có vẻ thơm ngon với hình ảnh bắt mắt. Trước khi click vào ứng dụng đặt đồ ăn online, hãy nghĩ lại xem bạn sẽ phải đối mặt với những rủi ro sức khỏe nào. Đừng dễ dàng bị cám dỗ bởi những tấm ảnh bắt mắt trên internet, bạn nhé!
Thảo Viên | HELLO BACSI
Theo hellobacsi.com
Không muốn con mắc đủ bệnh thì đừng cho ăn sáng bằng những món này Những thực phẩm dưới đây không phù hợp dùng làm bữa sáng cho trẻ bởi chúng gây hại cho sức khỏe của bé. Ảnh minh họa: Internet Mì tôm Trong thành phần của mì tôm chứa nhiều đồ dầu ăn và muối khiến cho trẻ dễ bị tăng cân, béo phì. Đồng thời, khi trẻ hấp thu nhiều mỳ tôm sẽ khiến cho...