Nguy cơ ‘dịch chồng dịch’ tại Việt Nam
Theo chuyên gia, bên cạnh Covid-19, Việt Nam vẫn phải đối mặt các căn nguyên gây bệnh hàng năm. Nếu không cẩn trọng, tình trạng “ dịch chồng dịch” có thể xảy ra.
Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho hay thời tiết nồm ẩm là điều kiện thuận lợi để các bệnh lây truyền do virus gia tăng.
“Hàng năm, thời điểm này đều là cao điểm của các bệnh viêm đường hô hấp do virus như sởi, quai bị, thủy đậu, rubela… Do đó, tùy người, với những nguy cơ khác nhau, chúng ta nên có phương pháp tiêm phòng phù hợp”, bác sĩ Điền nói.
Sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh trong năm nay
Vị chuyên gia này nhận định do biến đổi khí hậu, các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm không khí…, cũng thay đổi, tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Mùa đông xuân với mưa phùn làm độ ẩm tăng cao, nhiệt độ thấp, ánh sáng mặt trời ít (có khả năng khử khuẩn) khiến virus tồn tại trong môi trường lâu hơn.
Bác sĩ Điền cho biết: “Theo thống kê, mỗi 4 năm, dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh hơn với số lượng bệnh nhân tăng lên đột biến. Năm nay, theo đúng chu kỳ 2009 – 2013 – 2017 – 2021, chúng ta sẽ phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết với quy mô khá lớn”.
Nguyên nhân của chu kỳ này là sau một năm dịch phát triển mạnh, chúng ta thường ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường sống, diệt muỗi, bọ gậy. Lúc này, quần thể trung gian gây bệnh sẽ giảm. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng lại sinh sôi và phát triển thành quần thể đủ lớn để tạo thành dịch.
Bác sĩ Vũ Minh Điền khuyến cáo về nguy cơ “dịch chồng dịch”. Ảnh: Quốc Vương.
Ngoài ra, các dịch bệnh khác như chân tay miệng, cúm gia cầm với virus có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh vẫn lưu hành, buộc chúng ta không được phép chủ quan.
“Dịch chân tay miệng vẫn thường xuyên lưu hành ở nước ta. Nếu không tích cực phòng dịch, khả năng dịch bệnh này bùng phát vào mùa hè là rất cao. Trong khi đó, cúm gia cầm với bộ gene của cúm mùa có thể khiến dịch lây lan nhanh hơn”, bác sĩ Điền giải thích.
Video đang HOT
Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm Covid-19. Để đạt miễn dịch cộng đồng, khoảng 70-80% dân số phải có miễn dịch trước SARS-CoV-2. Mục tiêu này buộc Việt Nam và thế giới nỗ lực trong thời gian dài.
“Nếu chỉ mải phòng, chống dịch Covid-19 và bỏ quên các nguy cơ căn nguyên bệnh khác, tình trạng ‘dịch chồng dịch’ hoàn toàn có thể xảy ra”, vị chuyên gia này khẳng định.
Phòng tránh kịp thời
Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và Tiêm chủng vaccine cho biết hiện vẫn tồn tại nhiều trường hợp điều trị sai cách các bệnh do virus, gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh.
“Với thủy đậu, việc điều trị bệnh này chống chỉ định với corticoid. Tuy nhiên, một số nhân viên y tế địa phương thiếu kinh nghiệm khi thấy bệnh nhân sốt, đau mỏi người ra mua thuốc lại kê thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt có thể có thành phần này gây suy giảm miễn dịch, khiến virus thủy đậu dễ bùng phát”, bác sĩ Điền ví dụ.
Do vậy, khi có biểu hiện nhiễm virus cấp tính, bệnh nhân nên nghỉ ngơi, ăn uống điều độ và đến cơ sở y tế sớm để thăm khám. Đặc biệt, người dân cần tránh tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị vì có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Thay vào đó, chúng ta có thể sử dụng thêm các loại vitamin, sinh tố, hoa quả nhằm tăng đề kháng, oresol bù nước hay thuốc nhỏ mắt…
Triệu chứng của các bệnh liên quan virus thường là cấp tính như sốt cao đột ngột trong 1-2 ngày đầu, hết sốt và tiến tới đau đầu, mỏi người…, tùy từng loại bệnh. Do đó, bệnh nhân nếu chủ quan, không điều trị và nghỉ ngơi đúng cách có thể gây bội nhiễm, lâu khỏi.
Ngoài ra, bác sĩ Điền khuyên ngoài tiêm vaccine, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng bệnh, người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ trong khoảng thời gian này.
Người dân trong thời gian này cần lưu ý việc vệ sinh về mặt, rửa tay kỹ, đề phòng các dịch bệnh do virus gây ra, đặc biệt là sốt xuất huyết. Ảnh: The Conversation.
Về yếu tố không khí, trong những ngày có nắng, chúng ta nên mở cửa để ánh sáng mặt trời khử độc không gian trong nhà. Nếu có điều kiện, người dân có thể mua và sử dụng máy lọc không khí. Những thiết bị này với màng lọc hepa có thể hút và xử lý các vi sinh vật, bào tử nấm, virus…
“Người dân cũng nên có thói quen làm sạch bề mặt, rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi nấu ăn để hạn chế nguy cơ virus phát triển trong môi trường sống”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Với những trường hợp dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ, người cao tuổi, chúng ta cũng nên tạo không gian thoáng mát, nhiều cửa sổ và ánh nắng. Việc này cũng có thể hạn chế khả năng nhiễm các bệnh liên quan virus vào mùa nồm ẩm cho người già và trẻ em.
Một số thông tin cũng cho rằng việc nuôi chó, mèo là nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, bác sĩ Điền khẳng định lông chó, mèo chỉ là yếu tố dị nguyên, gây bệnh với những người không phù hợp như bệnh nhân viêm mũi dị ứng, hen phế quản… Lúc này, không khí nồm ẩm với nhiều mầm bệnh kết hợp với lông chó, mèo là yếu tố gây tăng nặng phản ứng dị ứng.
Virus "nở rộ" lúc nồm ẩm, hãy làm ngay cách này để phòng bệnh
Khó chịu là cảm giác chung của nhiều người khi phải trải qua kiểu thời tiết nồm ẩm của miền Bắc trong những ngày qua. Đây cũng là kiểu thời tiết thuận lợi cho các bệnh lây truyền do virus gia tăng nếu không biết cách phòng tránh.
Tiêm vắc xin với các bệnh đã có vắc xin
TS.BS. Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm phòng, chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo, các bệnh hay gặp phải trong điều kiện thời tiết hiện nay là bệnh viêm đường hô hấp do virus như: sởi, quai bị, thủy đậu, rubella...
Bên cạnh sởi, thủy đậu, thì bệnh cúm vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm cho hay: "Bệnh cúm thường xuất hiện vào mùa đông xuân. Hiện, thời tiết đang ấm dần nhưng vẫn có những ca cúm rải rác. Vì thế, những người có nguy cơ mắc cúm nặng như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nên tiêm vắc xin phòng cúm.
Do virus cúm biến đổi liên tục nên người dân cần tiêm vắc xin cúm định kỳ từ 6 tháng - 1 năm để tạo lá chắc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật".
TS.BS. Vũ Minh Điền chia sẻ về cách phòng bệnh trong thời tiết nồm ẩm hiện nay.
Phòng dịch COVID-19 không quên các bệnh khác
Trong bối cảnh hiện nay vẫn diễn ra dịch COVID-19, BS. Điền lưu ý, chúng ta không nên chỉ mải mê phòng chống dịch COVID-19 mà quên đi phòng các bệnh theo mùa, sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh khác, nhất là dịch sốt xuất huyết Dengue. Đây là bệnh lưu hành hàng năm.
Theo thống kê, 4 năm 1 lần dịch sẽ bùng phát mạnh ở miền Bắc với số ca mắc gia tăng. Năm nay đúng với chu kỳ đó nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Điều quan trọng nhất là vệ sinh nơi ở để không có chỗ cho muỗi đẻ trứng, ngủ màn, diệt lăng quăng/bọ gậy, phối hợp tích cực với các đơn vị y tế để phun hóa chất hiệu quả, phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào các hoạt động diệt lăng quăng/bọ gậy, phòng, chống dịch bệnh.
Cùng với đó là bệnh tay chân miệng sẽ có nguy cơ bùng phát vào mùa hè tới nếu không có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Hiện nay ở TP.HCM, số ca mắc tay chân miệng đã tăng cao, vì vậy cần thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên, giữ vệ sinh sạch sẽ...
Ăn uống đủ chất, vệ sinh khử khuẩn
Trước những dịch bệnh nguy hiểm đe doạ tới sức khoẻ và cuộc sống của con người, BS. Điền khuyến cáo: Ngoài việc tiêm vắc xin, mỗi người dân cần chú ý ăn uống đủ chất dinh dưỡng để phòng bệnh; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng.
Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ. Những ngày có nắng, người dân nên mở cửa để ánh sáng mặt trời chiếu vào nhằm khử khuẩn không khí. Nếu có điều kiện, người dân nên sử dụng máy lọc không khí.
Người dân cũng nên vệ sinh định kì bề mặt, lau nhà bằng thuốc sát khuẩn; vệ sinh tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn... Những thói quen này sẽ giúp hạn chế virus sinh sống trong từng gia đình. Đặc biệt, với những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ nhỏ và người già nên ở trong phòng thoàng khí và có nhiều ánh nắng.
Ảnh minh họa.
Đừng trĩ hoãn việc thăm khám
Thực tế, hầu hết các bệnh virus đều có diễn biến cấp tính (sốt cao đột ngột trong 1-2 ngày đầu, đau đầu, đau mỏi người...), nếu không vệ sinh cơ thể tốt có thể dẫn tới bội nhiễm vi khuẩn khiến bệnh lâu khỏi, thậm chí diễn biến nặng hơn.
Vì vậy, khi mắc bệnh, người dân nên nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp, tránh tự mua thuốc về nhà để điều trị.
Tiêm vắc-xin trước khi mang thai vào thời điểm nào? Việc tiêm ngừa các bệnh như sởi, cúm, quai bị, Rubella, thủy đậu trước khi mang thai thực sự cần thiết để tránh cho người mẹ bị nhiễm bệnh này trong thai kỳ, có thể gây ra những biến chứng, dị tật cho em bé. Tôi 30 tuổi và mong muốn sinh con thứ 2, vì thế mấy tháng nay tôi không dùng...