Người phụ nữ thân tín được Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cho cổ phần trị giá 3 tỷ đồng
Là một trong những “cánh tay” thân tín của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, nữ Phó Tổng Giám đốc được bà Lan cho hàng trăm nghìn cổ phần tại ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trị giá 3 tỷ đồng.
Bà Trương Mỹ Lan có nhiều cánh tay thân tín để thao túng ngân hàng SCB.
Thăng tiến thuận lợi
Lên quan tới vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng SCB, theo kết luận điều tra, bị can Trần Thị Mỹ Dung (Nguyên Phó Tổng giám đốc SCB) là một trong những người thân tín của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn VTP).
Tài liệu điều tra thể hiện, bà Mỹ Dung làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 5/2010 đến tháng 9/2022, trải qua các vị trí, chức vụ từ nhân viên kinh doanh, chuyên viên tái thẩm định của Phòng Tái thẩm định. Sau đó, bà Dung được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Phòng Tái thẩm định, Phó Giám đốc Khối phê duyệt tín dụng và Xử lý nợ (Khối Tái thẩm định), Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Phê duyệt tín dụng và Xử lý nợ.
Bà Trần Thị Mỹ Dung khai nhận, biết rõ bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn VTP là cổ đông lớn, nắm giữ gần như tuyệt đối cổ phần Ngân hàng SCB. Tuy không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB nhưng do là chủ ngân hàng nên bà Lan có quyền điều hành ngân hàng này trong đó có hoạt động cho vay, thông qua việc sắp xếp nhân sự, chỉ đạo, điều hành lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng SCB như Chủ tịch HĐQT, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc… đối với nghiệp vụ cho vay. SCB chủ yếu cho khách hàng vay theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, đối với nhóm khách hàng vay thông thường chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Từ ngày 11/9/2019 đến ngày 12/10/2020, bà Trần Thị Mỹ Dung là Phó Giám đốc Khối Tái thẩm định, có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc Phê duyệt cấp tín dụng đối với khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền/ký tờ trình đề xuất cấp tín dụng trình Giám đốc Khối và/hoặc Phó Tổng Giám đốc; từ ngày 25/11/2020 đến ngày 04/01/2021, bà Trần Thị Mỹ Dung là Quyền Giám đốc Khối Tái thẩm định, có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc Phê duyệt cấp tín dụng đối với khoản cấp tín dụng thuộc thẩm quyền/Ký tờ trình đề xuất cấp tín dụng trình Phó Tổng Giám đốc và Tổng Giám đốc/Quyền Tổng Giám đốc. Giai đoạn này Trương Mỹ Lan chỉ đạo trực tiếp cho Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng Giám đốc SCB) hoặc Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc SCB), sau đó, những người này báo cáo lại cho Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc SCB) và Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) biết, tổ chức thực hiện lập hồ sơ, phê duyệt, giải ngân đối với các khoản vay đứng tên cá nhân, pháp nhân trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan.
Từ ngày 07/01/2021 đến ngày 04/3/2022, bà Dung là Phó Tổng Giám đốc được Tổng Giám đốc ủy quyền phê duyệt đề xuất cấp tín dụng đối với các khoản vay trên 150 tỷ đồng (bằng thẩm quyền Tổng Giám đốc). Khi cần sử dụng tiền, bà Trương Mỹ Lan sẽ thông báo cho bà Dung cùng Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor), Trương Khánh Hoàng họp tại phòng họp tầng 39, Tòa nhà Times Square. Trương Mỹ Lan sẽ thông báo là cần số lượng bao nhiêu tiền, sử dụng tài sản gì để thế chấp, thời gian giải ngân để mọi người cùng thực hiện.
Video đang HOT
Về tài sản đảm bảo các khoản vay, bà Dung khai luôn luôn không đủ đảm bảo cho số tiền mong muốn nên bà Trương Mỹ Lan luôn chỉ đạo phải nâng giá lên để rút tiền tại Ngân hàng SCB.
Trên cơ sở “chỉ thị” từ bà Trương Mỹ Lan, bà Dung sẽ họp với lãnh đạo, nhân viên của ngân hàng SCB để thông báo cho mọi người biết chỉ đạo của bà Lan về việc thực hiện một khoản vay tại Ngân hàng SCB, nếu đồng thuận thì cùng nhau tổ chức thực hiện việc lập hồ sơ, phê duyệt, giải ngân đối với các khoản vay của bà Lan.
Sau khi thống nhất chủ trương thực hiện với Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Nguyễn Phương Hồng hoặc ông Trương Khánh Hoàng hoặc bà Trần Thị Mỹ Dung sẽ triển khai, hoàn thiện các hồ sơ phê duyệt.
Dung khai, đối với các hồ sơ cho vay thuộc nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát, hầu hết các khoản vay Ngân hàng SCB giải ngân trước theo yêu cầu sử dụng tiền của bà Trương Mỹ Lan, sau đó các bộ phận liên quan tại Ngân hàng SCB mới phối hợp, hoàn thiện hồ sơ cấp tín dụng để hợp thức.
Việc định giá tài sản đảm bảo liên quan đến các khoản vay, bà Dung giao cho bị can Bùi Ngọc Sơn, Chuyên viên Khối Tái thẩm định và Xử lý nợ thực hiện, liên hệ với các công ty thẩm định giá ban hành chứng thư nâng khống giá trị tài sản. Do quy định cho vay các khoản vay không được quá 70% giá trị tài sản bảo đảm, nên khi giao cho ông Sơn thực hiện, bà Dung yêu cầu phải đảm bảo giá trị để cho vay được theo yêu cầu của bà Trương Mỹ Lan. Tài sản đảm bảo là thủ tục hợp thức, nên ngoài việc nâng khống giá trị trên chứng thư thẩm định giá thì thủ tục thế chấp được bổ sung, hoàn thiện sau khi đã giải ngân cho vay (quy trình ngược).
Ngoài ra, sau khi đã giải ngân lên tài khoản, bà Trần Thị Mỹ Dung chuyển cho chi nhánh được phân công “giải quỹ” của khoản vay phương án thu chi tiền theo hồ sơ và thu chi tiền theo thực tế do đại diện Vạn Thịnh Phát là Nguyễn Phương Anh lập để phối hợp thực hiện, hoàn thiện toàn bộ quy trình rút tiền khỏi SCB.
Được bà Trương Mỹ Lan cho cổ phần trị giá 3 tỷ đồng
Theo kết luận điều tra, từ ngày 11/9/2019 đến ngày 15/8/2022, bà Trần Thị Mỹ Dung với các vai trò là Phó Giám đốc Khối Tái thẩm định, Giám đốc Khối Tái thẩm định, Phó Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc được Tổng giám đốc ủy quyền thực hiện quyền hạn của Tổng giám đốc đã ký 395 Tờ trình tái thẩm định, 395 Biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở, 144 Tờ trình của Tổng giám đốc (thừa ủy Quyền Tổng giám đốc) trình Hội đồng quản trị đồng ý cho 394 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Tập đoàn VTP, với 617 khoản vay tại Ngân hàng SCB, có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là hơn 356.873 tỷ đồng (gồm: Dư nợ gốc 287.850 tỷ đồng và dư nợ lãi 69.023 tỷ đồng, bao gồm nợ lãi phí đã được bán nợ/cấn trừ nợ).
Bà Trần Thị Mỹ Dung nhận thức, biết rõ các khoản vay của các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát do các khoản vay này đều có điểm chung là được theo dõi trên hệ thống Core Banking tại Ngân hàng SCB là “HSTT – Hội sở tiếp thị”; giải ngân, rút tiền của SCB ra trước, sau đó mới hoàn thiện hợp thức hồ sơ cho vay. Thực tế, các đơn vị tại Ngân hàng SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định pháp luật.
Theo kết luận điều tra, căn cứ kết quả điều tra, cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định: Bà Trần Thị Mỹ Dung là người có chức vụ, quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để thực hiện hành vi giúp sức tích cực, đồng phạm với Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội “Tham ô tài sản” quy định tại khoản 4, Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015, liên đới chiếm đoạt số tiền 200.690 tỷ đồng (= Dư nợ gốc từ ngày 11/9/2019 đến ngày 15/8/2022: 287.850 tỷ đồng – Giá trị tài sản đảm bảo do Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân định giá tại thời điểm ngày 30/9/2022 được SCB chấp nhận có đủ pháp lý để trích lập dự phòng rủi ro: 87.159 tỷ đồng), gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh 69.023 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra cũng xác định, năm 2021, bà Trần Thị Mỹ Dung còn được bà Trương Mỹ Lan cho 300.000 cổ phần SCB (tương đương 3 tỷ đồng).
Cơ quan điều tra đánh giá, quá trình điều tra, bà Trần Thị Mỹ Dung đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình giải quyết vụ án; nhận thức rõ hành vi vi phạm, đã tự nguyện giao nộp 300.000 cổ phần SCB để khắc phục hậu quả của vụ án.
Kê biên hàng ngàn bất động sản, thu giữ du thuyền của bà Trương Mỹ Lan
Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, CQĐT đã kê biên hàng ngàn bất động sản, thu giữ 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô và nhiều tài sản khác của bà Trương Mỹ Lan.
Theo kết luận điều tra, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tuy không giữ chức vụ tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nhưng nữ đại gia này chính là người chi phối, lũng đoạn và chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của SCB.
Bà Lan thông qua các đối tượng có chức vụ, quyền hạn tại SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để thực hiện chuỗi hành vi phạm tội với vai trò là "người tổ chức", chủ mưu, cầm đầu.
CQĐT cho rằng bà Trương Mỹ Lan đã biến các lãnh đạo Ngân hàng SCB và một số đối tượng có vai trò, vị trí quan trọng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành "người thực hành" để thực hiện hành vi tham ô tài sản với số tiền đặc biệt lớn. CQĐT xác định bà Trương Mỹ Lan phạm vào tội tham ô tài sản, chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng.
Hành vi của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện với lỗi "cố ý trực tiếp", có dự mưu từ trước, được chuẩn bị, tổ chức thực hiện hết sức công phu, tỉ mỉ, và có kịch bản rõ ràng.
Bị can đã thao túng, lũng đoạn, bất chấp các quy định pháp luật để thực hiện hành vi tội phạm; đồng thời sử dụng các nghiệp vụ ngân hàng, hạch toán để che giấu hành vi phạm tội.
CQĐT nhận định, hậu quả mà tổ chức tội phạm do bà Trương Mỹ Lan cầm đầu gây ra hậu quả đặc biệt lớn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành ngân hàng, uy tín của Nhà nước trong quản lý kinh tế.
Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, CQĐT đã thu giữ hơn 589 tỷ đồng và gần 15 triệu USD; phong tỏa hơn 100 tỷ đồng trong tài khoản của một số cá nhân mở tại Ngân hàng SCB.
Trước đó, bà Trương Mỹ Lan đã giao các cá nhân nắm giữ số cổ phần chiếm 66,93% vốn điều lệ Công ty CP Sài Gòn Kim Cương, tương ứng với giá trị hơn 1.204 tỷ đồng. Đến nay, CQĐT đã ngăn chặn giao dịch với số dư hơn 789 tỷ đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng SCB của Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương.
CQĐT cũng đã tạm giữ, kê biên tài sản là bất động sản liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Cụ thể, tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 1.784 bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, danh sách 269 nhà đất cho thuê và 21 hợp đồng công chứng, 147 thỏa thuận bồi thường các thửa đất thuộc dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
CQĐT cũng kê biên 1.237 bất động sản tại các công ty liên quan bị can Trương Mỹ Lan; kê biên hơn 857 triệu cổ phần SCB của bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ bà Lan.
Bên cạnh đó cũng kê biên hơn 137 triệu cổ phần 5 công ty của các pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ bà Lan.
Ngoài ra, có 22 tài sản là phương tiện (gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô) của bà Trương Mỹ Lan cũng bị kê biên. CQĐT cũng thu giữ một số sổ tiết kiệm, thiết bị điện tử và đồ vật khác.
Theo kết luận điều tra, Công ty TNHH MTV An Nhựt Tân Long An (chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp An Nhựt Tân Long An) được UBND tỉnh Long An cấp 233 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tái định cư.
Công ty đã bàn giao 90 lô đất tái định cư cho các hộ dân, còn 37 hộ dân chưa nhận nền đất.
UBND tỉnh Long An đề nghị được nhận lại 143 giấy chứng nhận để bố trí tái định cư cho 37 hộ dân chưa nhận nền đất và các hộ dân tại các dự án khác trên địa bàn huyện Tân Trụ và thống nhất chuyển số tiền Công ty được nhận khi hoàn tất thủ tục chuyển quyền, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tái định cư về tài khoản tạm giữ của CQĐT để khắc phục số tiền bà Lan đã chiếm đoạt trong vụ án.
Nhân vật bí ẩn quản lý tài sản cho bà Trương Mỹ Lan vụ Vạn Thịnh Phát Sở hữu hàng ngàn bất động sản, bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có trợ thủ quản lý, theo dõi để khi cần sẽ thế chấp vào Ngân hàng SCB rút tiền. Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, ông Đặng Phương Hoài Tâm, cựu Phó văn phòng Vạn Thịnh Phát, người được bà Lan giao quản lý theo dõi...