Loạt cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước ‘nhúng chàm’ vụ Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát
Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, hàng loạt cán bộ thanh tra Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố vì hành vi bao che, bưng bít cho sai phạm của bà Trương Mỹ Lan.
CQĐT đề nghị truy tố bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục II, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), về tội nhận hối lộ; đề nghị truy tố 11 cá nhân khác thuộc các cơ quan của NHNN tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ông Nguyễn Văn Du, cựu quyền chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN, bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhóm cán bộ thanh tra NHNN đã bưng bít sai phạm của bà Trương Mỹ Lan.
Nhận quà, tiền để bưng bít sai phạm
Nhóm cán bộ NHNN bị cáo buộc đã có các sai phạm, vi phạm nghiêm trọng, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất từ SCB để bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho NHNN.
Theo Kết luận điều tra, trong thời gian xây dựng, phê duyệt, triển khai Kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015- 2019, NHNN đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng triển khai 3 đoàn thanh tra tiến hành hoạt động thanh tra đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Trong đó, Đoàn thanh tra liên ngành năm 2017- 2018 có phạm vi, nội dung thanh tra toàn diện đối với SCB nhằm đánh giá đúng tình hình, thực trạng tín dụng, nợ xấu, cơ cấu nợ của SCB, tình trạng sở hữu cổ phần, kiểm soát, điều hành tại SCB của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Việc này để Chính phủ và NHNN có các giải pháp, biện pháp xử lý hợp lý.
Tuy nhiên, quá trình thanh tra tại SCB, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và các thành viên Đoàn thanh tra không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất để bao che, bưng bít các sai phạm tại SCB, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra.
Việc này khiến NHNN không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Video đang HOT
Kết quả điều tra cho thấy, quá trình thanh tra, Đoàn Thanh tra đã nhiều lần nhận tiền, quà và lợi ích vật chất từ SCB. Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn bị cáo buộc cho là đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, đã nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo SCB tổng cộng 390.000 USD (tương đương 8,7 tỉ đồng).
Bà Nguyễn Thị Phụng, phó trưởng đoàn thanh tra, khai nhiều lần nhận tổng số 20.000 USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Tổ trưởng tổ thanh tra số 3, đã 4 lần nhận tổng cộng 40.000 USD; ông Lê Thanh Hà, Tổ trưởng tổ thanh tra số 5, có 5 lần nhận tổng cộng 14.000 USD và 100 triệu đồng. Bà Nguyễn Văn Thùy, thành viên tổ 1, có 6 lần nhận tổng cộng 21.000 USD và 60 triệu đồng…
Cản trở báo cáo sai phạm
Theo quy định pháp luật và quy định của NHNN, có 4 biện pháp trong công tác giám sát ngân hàng như giám sát an toàn vi mô, giám sát qua báo cáo, tiếp xúc trực tiếp với đối tượng giám sát, kiểm tra thanh tra theo định kỳ hoặc đột xuất khi cần thiết.
Tuy nhiên, từ năm 2016 – 9/2022, Cục II và NHNN Chi nhánh TP.HCM đã không triển khai quyết liệt biện pháp kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất đối với Ngân hàng SCB theo chức năng, nhiệm vụ mà chỉ triển khai biện pháp giám sát an toàn vi mô theo quy định của pháp luật và biện pháp giám sát qua báo cáo của chính SCB.
Trong quá trình giám sát từ năm 2016-2022, Tổ giám sát đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/ thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được lãnh đạo Thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TP HCM (cơ quan được NHNN giao chủ trì công tác giám sát) chấp thuận vì nhiều lý do khác nhau.
Thậm chí, các bị can Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, Nguyễn Thị Phi Loan và Nguyễn Tín với vai trò là lãnh đạo Cục II, NHNN Chi nhánh Hồ Chí Minh, Thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TP.HCM đã ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực các hành vi sai phạm và thực trạng tài chính be bét của ngân hàng SCB; không kiến nghị NHNN đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện để kịp thời xử lý các sai phạm.
Quá trình thực hiện chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát đối với ngân hàng SCB, các cá nhân nêu trên đã nhận của SCB từ 470 triệu đồng – 1,8 tỉ đồng.
Người lái xe vận chuyển 108.000 tỉ trong chiêu 'cắt đứt dòng tiền' của bà Trương Mỹ Lan
Bà Trương Mỹ Lan đã rút hơn 108.000 tỉ đồng tiền mặt từ Ngân hàng SCB để tránh bị truy vết dòng tiền và người lái xe được giao nhiệm vụ vận chuyển đặc biệt.
Theo Kết luận điều tra vụ Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thâu tóm, nắm quyền chi phối Ngân hàng SCB.
Người lái xe của bà Trương Mỹ Lan vận chuyển tiền từ ngân hàng về trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Cắt đứt dòng tiền chống truy vết
Sau đó, bà Trương Mỹ Lan trả lương cao từ 200-500 triệu đồng cho những người thân tín, đưa họ vào các vị trí chủ chốt của ngân hàng, chỉ đạo những người này cùng với các nhân sự thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ vay vốn khống, rút ruột Ngân hàng SCB.
CQĐT đã chỉ ra loạt thủ đoạn của bà Trương Mỹ Lan như thành lập hàng nghìn pháp nhân "ma", nhờ hoặc thuê hàng nghìn cá nhân đứng tên khách hàng vay vốn.
Sử dụng các pháp nhân này lập các phương án vay vốn khống và đưa các tài sản không đủ pháp lý, không đủ điều kiện để thế chấp hoặc được nâng khống giá trị, không đăng ký giao dịch đảm bảo để đảm bảo cho các khoản vay.
Ngoài ra, các đối tượng còn thông đồng với các đơn vị định giá để hợp thức giá trị tài sản. Tiếp đó, lập ra các thủ tục thẩm định, phê duyệt các khoản vay như một hồ sơ vay vốn thông thường để hợp thức
Đáng chú ý là chiêu cắt đứt dòng tiền của bà Trương Mỹ Lan nhằm hợp thức việc sử dụng tiền cho các mục đích riêng và tránh việc bị các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền để phát hiện sai phạm.
Bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo nhóm lãnh đạo Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng các phương án vay vốn khống đã tạo lập rồi giải ngân vào các tài khoản chỉ định, sử dụng pháp nhân "ma", nhờ hoặc thuê hàng nghìn cá nhân mở tài khoản để chuyển tiền lòng vòng, rồi rút tiền mặt nhằm cắt đứt dòng tiền.
Lời khai của cựu Phó tổng SCB Trần Thị Mỹ Dung cho thấy khi cần sử dụng tiền, bà Lan sẽ thông báo cho Trương Huệ Vân, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung họp tại tầng 39 Tòa nhà Times Square.
Tại các cuộc họp này, bà Lan sẽ thông báo cần bao nhiêu tiền, sử dụng tài sản gì để thế chấp, thời gian giải ngân để họ cùng thực hiện.
Tài sản đảm bảo luôn không đủ cho số tiền vay nên bà Lan chỉ đạo nâng giá lên để rút tiền tại ngân hàng.
Người lái xe vận chuyển hơn 108.000 tỉ đồng
Khi rút tiền mặt, bà Trương Mỹ Lan báo trước với lãnh đạo ngân hàng rồi chỉ đạo lái xe là ông Bùi Văn Dũng đến chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền. Nguyễn Phương Hồng, Trần Thị Mỹ Dung cùng là cựu Phó tổng Ngân hàng SCB liên hệ với Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula để yêu cầu cung cấp pháp nhân, cá nhân nhận tiền, rút tiền. Đồng thời chỉ đạo chi nhánh phối hợp với Nguyễn Phương Anh để rút tiền.
Trong khi phía Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phối hợp hoàn thiện các hồ sơ khống thì Bùi Văn Dũng chỉ việc đến nhận tiền và vận chuyển tiền về nhà cho bà Trương Mỹ Lan tại Tòa nhà Sherwood (TP Hồ Chí Minh) hoặc về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, người lái xe này sẽ bàn giao tiền cho các cá nhân đến nhận.
Một số lần, ông Dũng giao tiền cho Trần Thị Hoàng Uyên là trợ lý của bà Lan. Bà Uyên sau đó giao tiền cho những đến nhận song không lưu giữ ghi chép về những người nhận tiền.
CQĐT thu giữ sổ tay ghi chép của ông Dũng. Qua quyển sổ tay này và lời khai của ông Dũng và bà Uyên, trong thời gian từ tháng 2-2019 đến tháng 9-2022, ông Dũng đã vận chuyển hơn 108.000 tỉ đồng và 14,7 triệu USD cho bà Lan.
Đáng chú ý số tiền rút ra này không chỉ có nguồn vay tín dụng của Ngân hàng SCB mà còn từ nguồn phát hành trái phiếu của nhóm Vạn Thịnh Phát.
Tuy nhiên, kết quả điều tra đến nay chỉ ghi nhận có việc giải ngân, chuyển tiền từ Ngân hàng SCB đến các cá nhân, pháp nhân vay vốn. Từ các cá nhân, pháp nhân vay vốn này, tiền đã được chuyển đến tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền) khác.
Một số cá nhân liên quan đến hành vi này như ông Dũng, bà Uyên đều đã bị khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
CQĐT đã tách vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu và rửa tiền để tiếp tục điều tra, xử lý và thu hồi triệt để tài sản để khắc phục hậu quả cho vụ án.
7 lãnh đạo SCB bỏ trốn đã từng giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát có 7 người đang bỏ trốn. CQĐT xác định họ đều là những người giữ chức vụ quan trọng ở NH SCB và đã giúp sức cho hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan. Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, ngày 25/10/2023, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đã ra quyết định khởi...