Ngực méo lệch sau khi… nâng
Tin vào lời rao “uy tín lâu năm trong việc sửa ngực, hút mỡ” của phòng thẩm mỹ tư nhân, chị Lan bỏ hơn 30 triệu cho ba lần nâng ngực mà vòng một méo lệch, vòng hai tím thâm.
Khiếu nại không thành, bà chủ tiệm vàng 38 tuổi, nhà ở Bình Thạnh (TP HCM) đành ôm đôi gò bồng đảo bên to bên nhỏ, trên cao dưới thấp gây đau nhức đến bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ xác định, chị Lan bị tai biến do “tân trang” không đạt kỹ thuật.
Để thoát khỏi đau đớn, không còn cách nào khác, chị Lan đành theo lời khuyên của các bác sĩ chuyên khoa tháo bỏ “cái của nợ” ra khỏi cơ thể, để lại bộ ngực bị biến dạng hoàn toàn. Riêng phần eo, sau hơn một tháng chữa trị, may mắn hết thâm tím nhưng da vẫn nhăn nheo.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng ‘biến nhỏ thành to, giúp to thành thon thả’ của phòng phẫu thuật nói trên vì ngoài tờ rơi, tôi còn đọc được quảng cáo nội dung tương tự trên một tờ báo”, chị Lan nói.
Video đang HOT
Nhiều bệnh không có trong chức năng điều trị vẫn được các phòng khám quảng cáo. Ảnh: Thiên Chương.
Cùng tin vào quảng cáo, chị Tuyết Minh, nhà ở quận 3, đến đặt túi ngực tại một phòng thẩm mỹ tư ở quận 10. Hậu quả, sau 4 lần mở ra đóng vào để cân chỉnh, chị Minh đã vĩnh viễn mất đi đôi ngực mà chị cho là khiêm tốn, thay vào đó là túi nâng ngực méo mó.
“Hối hận lắm vì cả tin. Họ nói có bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ được tu nghiệp từ nước ngoài về nhưng mãi đến khi ngực bị biến dạng, tôi muốn xem bằng cấp của vị bác sĩ kia thì họ đã lờ đi”, chị Minh nói.
Không chỉ bị lừa làm đẹp, nhiều người khác do tin vào quảng cáo của các dịch vụ y tế, đã từ bệnh nhẹ thành bệnh nặng, tiền mất tật mang.
Mắc bệnh trĩ nhưng không đến bệnh viện điều trị vì ngại mất thời gian, thấy mẫu quảng cáo “chữa trĩ nhanh khỏi không đau” của một phòng khám Trung y, anh Hậu quê ở Vĩnh Long đã lên Sài Gòn chữa trị. Tuy nhiên, không như quảng cáo, nốt trĩ của bệnh nhân 32 tuổi bị sưng tấy do nhiễm trùng và thường xuyên chảy máu.
Cùng cảnh ngộ với anh Hậu, chị Hương nhà ở Vĩnh Hưng (Long An) cũng đã phải vào bệnh viện cấp cứu sau khi đến chữa trị amidan theo phương pháp gia truyền của một phòng khám tư nhân. Còn anh Linh, nhà ở quận 2, thấy tờ rơi quảng cáo “uống vào có thể sung mãn đến 3 ngày” của một loại thực phẩm chức năng. Tuy nhiên sau khi mua dùng thử, anh phải nằm bẹp cả ngày vì hưng phấn đâu không thấy, chỉ thấy đau đầu như búa bổ.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP HCM, đầu tháng 11 đến nay, 47 đơn vị đã bị phát hiện vi phạm nội quảng cáo trong lĩnh vực y tế. Sai phạm thường thấy là quảng cáo không đúng với nội dung đã được duyệt hoặc tự quảng cáo những dịch vụ không thuộc chức năng.
Cụ thể, hàng chục phòng nha khoa vốn không được phép thủ thuật implant do chưa thông qua các bước thẩm định của ngành y tế, đã tự ý công bố có thể thực hiện được kỹ thuật này. Nhiều phòng phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, theo quy định không được đặt túi ngực, hút mỡ bụng thì lại ngang nhiên quảng cáo. Không ít phòng khám xé rào mọc thêm các dịch vụ chữa trị mà trong giấy phép quảng cáo không hề có.
Ngoài dịch vụ khám chữa bệnh, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm cũng cố tình quảng cáo quá chức năng; hoặc đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan chức năng một đằng, quảng cáo một nẻo.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, ngoài việc thanh kiểm tra, ngày 8/12, ông Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM có công văn gửi các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, đề nghị trước khi quảng cáo về lĩnh vực y tế phải kiểm tra kỹ các giấy tờ cần thiết.
Theo đó, khi duyệt quảng cáo nhóm thực phẩm, cơ quan truyền thông cần kiểm tra giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm. Quan trọng hơn là nội dung quảng cáo (gồm hình ảnh và chữ) phải được cơ quan y tế có thẩm quyền phê duyệt. Với các doanh nghiệp kinh doanh dược, cần kiểm tra giấy đăng ký kinh doanh và kiểm tra xem nội dung quảng cáo đã được cơ quan y tế có thẩm quyền phê duyệt hay chưa.
Một chi tiết khác, trên tất cả mẫu quảng cáo phải có tên và địa chỉ của doanh nghiệp chịu trách nhiệm khi sai phạm.
Theo VNE