Nghe thanh tao tinh khiết hương Nhài
Khi những cánh đồng Nhài bát ngát bắt đầu nhú lên những chiếc nụ trắng muốt, cũng là lúc chủ nhân của ngôi nhà số 10 Hàng Điếu tất bật dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị cho một mùa ướp trà mới. Người Hà thành kháo nhau, trà ướp hương Sen, Nhài của gia đình bà Vinh ngon có tiếng đất này.
Mới sớm hè, vậy mà cái nắng dường như gắt quá. Nắng càng như nóng hơn khi đổ trên những con đường nhỏ ngoằn ngoèo trong khu phố cổ. Qua ngôi nhà số 10 phố Hàng Điếu, bất chợt một làn hương thơm mát ùa vào khứu giác ta lắng lại, để hít một hơi thật sâu như muốn tận hưởng thứ hương dịu mát ấy. Đã lại đến mùa Nhài.
Chẳng mấy khó khăn tôi có thể tìm được ngôi nhà số 10 Hàng Điếu, bác xe ôm chỉ đường vui tính nói: “cứ đi khi nào thấy mùi hoa Nhài thì dừng lại”. Ngôi nhà của bà Vinh nằm lọt thỏm trong khu phố cổ, nó chỉ rộng chừng 7 mét vuông nhưng lại đủ sức kéo hàng triệu bông Nhài về phố. Trong không gian nhỏ dìu dịu hương Nhài, bà Vinh trầm ngâm nhớ lại cái ngày chân ướt chân ráo về nhà chồng. Gia đình nhà chồng bà vốn là gia đình nho giáo, nền nếp ai cũng thích thưởng trà, nên từ ông bà nội đến bố mẹ chồng bà đều ướp trà Sen, trà Nhài rất giỏi. Gia đình nhà chồng bà vốn rất nổi tiếng về nghệ thuật ướp trà hương Sen, nhưng khi mới về làm dâu, mẹ chồng bà lại tỉ mẩn dạy bà cách ướp trà hương Nhài ngay trong giữa mùa Sen. Mãi về sau, khi bà Vinh đã thành thạo cả công việc ướp trà Sen và trà Nhài, bà mới hiểu dụng ý của mẹ chồng. Mẹ chồng bà muốn bà cảm nhận được sự tinh khiết, nồng nàn mà giản đơn của hoa. Nếp của gia đình là vậy, ai mới về làm dâu cũng được cụ dạy ướp trà hương Nhài trước. Giữ nếp gia đình bên cạnh việc ướp trà hương Sen, năm nào xen giữa mùa ướp Sen, tuần đầu tháng tư, tháng bảy, dù bận rộn đến đâu gia đình bà cũng chuyển sang ướp trà Nhài.
Ngày trước, gia đình bà mỗi năm chỉ ướp vài ba lạng trà hương Nhài, vài ba lạng trà hương Sen để dùng trong những dịp trọng đại hoặc biếu người thân, không bao giờ mang bán. Mỗi đêm hè oi bức, cả nhà bà Vinh lại quây quần bên ấm trà thơm đượm hương Nhài hàn huyên chuyện cũ.
Video đang HOT
Sau này, khi kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, bà Vinh cùng cô em dâu và một cô em gái bàn nhau ướp trà đem bán. Một cửa hàng nhỏ trên phố Hàng Điếu và công thức ướp trà hương Nhài, trà hương Sen của các cụ dần dần giúp chị em bà vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bây giờ khoa học kỹ thuật phát triển lắm, chỉ cần cho chút hóa chất là cả hàng tấn trà có hương hoa Nhài, nhưng chị em bà vẫn cần mẫn ngồi nhặt hoa, ướp trà theo đúng công thức mẹ chồng đã truyền lại.
Ướp trà Nhài tuy có đơn giản hơn trà Sen một chút nhưng cũng không kém phần công phu, đòi hỏi người ướp vừa kiên nhẫn vừa tỉ mỉ trong từng công đoạn. Để có một cân trà ướp hương Nhài hoàn hảo, chị em bà Vinh phải cần đến một cân hoa Nhài. Khi ướp xong, nếu chưa đượm có khi còn phải cho thêm hoa nữa. Bà bảo, Nhài cũng có thể ướp với trà Thái Nguyên, nhưng tốt hơn là dùng trà cánh dài, lấy từ cây chè cổ thụ mọc trên núi cao, tận Hà Giang. Trà để ướp Nhài nhất định phải là trà sạch mọc tự nhiên, không bón hóa chất, cánh đều to để có thể thấm được nhiều hương. Chọn được hoa Nhài ưng ý cũng không phải là dễ. Loại Nhài ướp chè phải là Nhài quế, tuy hoa đơn, cánh mỏng, bông nhỏ nhưng rất thơm, chứ loại Nhài Trung Quốc, Nhật hoa to, cánh dày nom bụ bẫm thích mắt nhưng hương thơm nồng gắt, đem ướp trà có vị nồng nặc khó chịu giống như dùng hóa chất, chỉ nên dùng để chơi.
Hoa Nhài thường chín vào lúc 4-5 giờ chiều và nở vào khoảng 8-9 giờ tối. Vì vậy khi lấy hoa nhất thiết phải lấy vào lúc hoa chín, đó là lúc hoa chuyển từ phơn phớt xanh sang màu trắng đục như gạo nếp. Khi người làng hoa Ngọc Hà mang hoa tới cũng là lúc chị em bà mang những nụ trà mẩy tròn đều như hạt ngô ngồi tỉ mẩn nhặt. Công đoạn này rất quan trọng, nếu để sót một vài bông hỏng, trà sẽ bị câm hương phải làm lại. Nụ Nhài khi đã nhặt xong được rải đều ra mẹt, phủ tờ báo lên trên, đến khoảng 8-9 giờ tối chúng sẽ cùng nhau tỏa hương. Đây là thời gian ướp trà tốt nhất. Cứ một lớp trà bà lại rắc một lớp hoa Nhài, rồi lại một lớp trà, một lớp hoa ướp. Trong khoảng 18 đến 24 tiếng, chè đã ngậm hết hương hoa khiến cánh từ màu trắng đục chuyển sang trong suốt, lúc này mới đem trà sàng để loại bỏ hoa Nhài. Trà được cho vào một chiếc túi chống ẩm để giữ cả hương Nhài lẫn hương trà, rồi đem sấy cho đến khi trà khô, hương Nhài quyện vào trà thì bỏ ra và coi như xong một lần ướp. Cứ làm như vậy bốn lần là được. Để giữ được trọn vẹn hương Nhài, khi lựa hoa đến khi ướp trà điều tối kị là dùng quạt máy dù thời tiết có oi bức đến đâu. Trà Nhài uống hợp nhất vào mùa hè.
Trong cái nắng gắt của mùa hè Hà Nội, chị em bà Vinh vẫn bận rộn bên bếp lửa hồng đỏ rực cùng nước sôi và chăn ủ… Chiếc áo bà mặc đã đẫm mồ hôi. Thế mới biết, để có được một chén trà ngon, người nghệ nhân đã phải vất vả đến chừng nào. Vất vả là vậy nhưng bà vẫn vui, bà bảo hạnh phúc lớn nhất của bà là được hưởng hương thơm thanh bạch của hoa, chứ cái nghề ướp trà này chẳng mong làm giàu, chỉ cốt giữ nghề ông cha rồi truyền lại cho con cháu.
Nhấm ngụm trà hương Nhài bà vừa đưa, tôi như thấy cái mát dịu của chút hương thanh bạch này đang nhẹ ngấm, nhẹ lan tỏa trong lòng. Để rồi lắng lại, tôi ngỡ mình đang lạc giữa vườn Nhài, lạc giữa cái ngất ngây của mùi hương tinh khiết, thanh tao mà nhẹ nhõm đến nao lòng.
Theo PNO
Mời người về ăn gỏi lá Kon Tum
Khi đến với thành phố Kon Tum, hỏi ở đây có đặc sản gì mà nơi khác không có, anh bạn " thổ địa" của tôi không ngần ngại giới thiệu ngay lập tức món gỏi lá.
Để có món ăn này phải có ít nhất từ bốn chục loại lá trở lên gồm mơ lông, đinh lăng, lá sung, lá cải, tía tô, lá bứa, hồng ngọc, lá chua, lá ổi, lá chùm ruột, lá xoài và các loại rau gia vị như hành, rau húng, rau thơm, rau é tím... Trong đó, 3 loại lá không thể thiếu là mơ lông, đinh lăng và lá sung, ngoài tác dụng tạo hương vị còn dùng để quấn gỏi mới được tính là gỏi lá.
Với những loại thông thường có thể dễ dàng mua hoặc tìm thấy trong các chợ song những loại lá như phải đi rừng mới lấy được như lá vừng, bạch sung, hồng sung hoặc những loại thường mọc ở những bờ sông, vách suối lá kim cang, hồng ngọc, lá con khỉ, é trắng, lá dấn, trường sanh,...
Đi kèm với lá là gỏi nên ngoài đĩa thịt heo ba chỉ luộc thái mỏng có tác dụng tạo độ béo và đĩa tôm kho còn phải có gỏi cá. Thông thường các quán ở đây thường làm gỏi bằng cá lóc, cá hồng hay cá ngừ. Cá sống thái lấy thịt, cắt nhỏ ướp với gừng, chanh, riềng trong thời gian ít nhất 5 tiếng đồng hồ để cá tự chín.
Trên bàn bày một mớ lá xung quanh với một tô lớn chứa gia vị nước chấm được nấu từ hèm rượu với tôm giã, thịt heo băm, trứng mắm ruốc và mè. Thứ này được nấu sền sệt như cháo đặc có màu vàng nghệ. Hèm rượu chọn nấu phải là hèm rượu nếp, mới cất xong. Tôm không nhỏ quá, lớn quá, nếu không có tôm tươi thì dùng tôm khô cũng được. Thịt heo ba chỉ băm nhỏ. Món gia vị này có mùi rất lạ của tôm, thịt heo, trứng được hòa vào mùi thơm của men rượu tạo nên một thứ nước chấm đặc sắc, đậm đà.
Nhìn chung để có món gỏi lá đòi hỏi các công đoạn chế biến cũng lắm công phu. Khi lấy các loại lá từ rừng về phải biết cách bảo quản sao cho thật tươi, lá phải xanh non. Riêng loại cá ăn kèm phải trải qua nhiều công đoạn chế biến róc thịt, lược bỏ hết xương ra, thái mỏng, cho vào một ít chanh và ướp với gừng, riềng trong nhiều giờ để thịt cá chín và hết mùi tanh, đủ độ cứng và thấm gia vị.
Khi ăn món gỏi lá ta chọn một chiếc lá lớn như lá sung hay lá mơ để gói bên ngoài. Chiếc lá lớn này được đặt trên bàn tay, nếu lá chưa đủ lớn thì có thể chọn thêm một chiếc lá loại khác để gói. Sau đó tìm những lá nhỏ rải một lớp trên lá lớn, gắp thịt heo hoặc cá rồi gói lại. Múc gia vị nước chấm vào chén hoặc lấy muỗng xúc từng ít một cho vào đầu gói lá đã cuốn để ăn. Khi ăn được một chút thì cắn chừng một nửa quả ớt chỉ thiên còn xanh và một hạt muối trắng nhỏ để ăn lẫn với gỏi lá. Ai lần đầu tiên thưởng thức món này đều không khỏi ngạc nhiên bởi vị thơm của các loại lá hòa quyện lẫn nhau chua, cay, đắng, chát đều có khiến thực khách ăn chẳng bao giờ thấy ớn.
"Nếu đã đến Kon Tum thì phải tìm thưởng thức cho được món gỏi lá còn không thì coi như chưa đến!" - lời anh bạn tôi nói chắc nịch sau khi nhâm nhi mấy ly rượu cần đặc sản cao nguyên với món lá rừng nơi chốn đại ngàn rừng xanh này.
Theo PNO
[Chế biến]-Bò hầm bia đen Thịt bò hầm vừa mềm, thơm lại trông rất hấp dẫn, ăn kèm với bánh mì thì ngon tuyệt! Nguyên liệu: Dầu ăn Bột mì Mù tạt Thịt bò Tỏi, đường, muối, tiêu Bia đen Cần tây Hành tây Cách làm: - Làm nóng ít dầu ăn trên chảo rồi cho hành tây vào đảo đều đến khi hành chín mềm thì bỏ...