Ngành có đầu ra ổn vẫn không hút thí sinh: Chỉ vì không hot?
Thực tế là có những ngành học đầu ra được đảm bảo, luôn “khát” nhân lực nhưng vài năm trở lại đây luôn trong tình trạng “ế ẩm” thí sinh lựa chọn? Vì sao lại như vậy, có phải vì ngành học đó không hot
Lương 20 triệu/ tháng vẫn không hút thí sinh
Thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2020 cho thấy, 5 nhóm ngành có tỷ lệ nhập học thấp nhất (41,43 – 65,28%) gồm Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và Bảo vệ môi trường. Năm 2019, 5 nhóm ngành này đều có tỷ lệ nhập học dưới 50%.
Nông, lâm nghiệp nhiều năm trở lại đây không được thí sinh “chuộng”. GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm nghiệp bày tỏ: Nhắc đến lâm nghiệp là nghĩ đến khai thác rừng hay chế biến lâm sản. Người học luôn nghĩ là đào tạo ra ít việc, ế việc, nên ngành này rất khó tuyển sinh. Nhưng thực tế, ngành Chế biến gỗ công nghiệp hay Nội thất đang rất đắt hàng. Sinh viên chưa ra trường đã có các doanh nghiệp đến đặt chỗ, thu nhập không thấp.
Còn GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết, với ngành Nông lâm, sinh viên ra trường có thể kiếm được ngay lương 20 triệu đồng/tháng, nhưng rất ít sinh viên theo. Theo ông, câu chuyện những ngành xã hội rất khát nhân lực nhưng lại tuyển sinh khó không đơn giản chỉ là tâm lý chọn ngành “hot” của thí sinh hay văn hóa tuyển sinh của các trường.
Ngành điểm chót vót vẫn ùn ùn thí sinh đổ vào
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, Điều khiển – Tự động hóa là một lĩnh vực hot nằm trong danh mục các lĩnh vực cần ưu tiên trong nền công nghiệp 4.0. Trong đó, có ngành điểm số rất cao nhưng năm nào cũng hút rất đông thí sinh tham gia xét tuyển.
Video đang HOT
“Tất cả những sản phẩm nào các em nhìn thấy hiện tại đều có bóng dáng của điều khiển- tự động hóa. Ngành học này ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng như các trường khác, chủ yếu là trong sản xuất công nghiệp. Đối với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, để trúng tuyển, thí sinh phải có trong tay điểm thi tốt nghiệp THPT 3 điểm 9 trở lên thì hẵng tính toán đăng ký xét tuyển” – PGS. TS Nguyễn Phong Điền nói.
PGS. TS Nguyễn Phong Điền còn cho biết thêm: Riêng đối với ngành Khoa học máy tính thì năm ngoái, nếu như các em ra khỏi phòng thi mà chắc chắn 3 môn đều 10 thì hẵng nghĩ đến trúng tuyển.
Những ngành học có top điểm cao nhất cả nước năm 2020 phải kể đến: Hàn Quốc học, Công nghệ thông tin, Báo chí truyền thông, Y đa khoa, Ngôn ngữ Anh, Trí tuệ nhân tạo, Kinh tế và Sư phạm Toán học… Dù điểm chuẩn ở mức 25 đến 30 điểm nhưng luôn rất đông thí sinh xét tuyển. Dự báo những ngành này trong năm 2021 tiếp tục vẫn “duy trì” phong độ điểm cao của mình.
Tự động hóa là ngành khó nhưng luôn hút thí sinh, trong khi Nông – Lâm – Ngư nghiệp điểm chuẩn vừa phải, luôn cần nhân lực lại ít được chú ý (Ảnh: P.T)
Ngành hot chỉ tương đối, học rồi mới biết có hợp không
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng: Thực tế là học sinh đang có xu hướng bị “cuốn” vào các nghề hot, do rất nhiều tác động: Của truyền thông ,của truyền miệng…. Và suy cho cùng, các em “mơ hồ” trong chọn ngành, chọn nghề là bởi có thực tế: Nhiều trường phổ thông tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp vẫn còn mang tính hình thức, lấy lệ.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, nói rằng, chọn được nghề phù hợp giữa sở thích, đam mê, khả năng đầu ra việc làm và năng lực là rất khó, do đó, thực tế những năm trước, có những em học đến năm thứ 2 hoặc học xong ĐH vẫn quay ra học nghề. Vì có thể cảm thấy nghề, ngành mình chọn không thực sự phù hợp.
PGS. Bùi Đức Triệu, trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho hay nhiều khi phải trải qua một thời gian học tập tại trường, sinh viên mới biết mình có hợp hay không.
Lựa chọn dựa vào ngành hot về cơ bản chỉ mang tính chất tương đối. GS.TS Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân khuyên thí sinh không nên chọn ngành theo xu hướng. GS. Trần Thị Vân Hoa nhắn nhủ, thí sinh nên xem sở thích, đam mê và khả năng của mình như thế nào. Một điểm thí sinh cần chú ý là năng lực đạt kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới ra sao để có những đăng ký nguyện vọng cho phù hợp.
Trong các kỳ tư vấn tuyển sinh, hầu hết phụ huynh và học sinh đều quan tâm đến khả năng xin việc khi ra trường. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, khẳng định đó chỉ là một khía cạnh đáng quan tâm khi chọn ngành, chọn nghề. Ngoài việc phân tích xu hướng của thị trường lao động, thí sinh phải căn cứ vào năng lực và mong muốn của mình, xem mình phù hợp với ngành nghề nào.
Bởi thị trường lao động hiện nay biến đổi quá nhanh, sinh viên mới vào trường ngành A có thể “hot”, nhưng đến khi sinh viên ra trường ngành đó có thể thoái trào rồi. Nên để kiếm được việc tốt trong thị trường lao động thì sinh viên cần học tập chăm chỉ trong trường ĐH, tích lũy kiến thức, kỹ năng, ra trường có thể linh hoạt với nhiều công việc có tính chất tương đương, hoặc các ngành, các lĩnh vực nghề nghiệp gần nhau.
Để giải quyết vấn đề ngành “ăn” không hết thí sinh, ngành “lần” không ra người học, TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), cho rằng: Hiện nay, danh mục nghề nghiệp có tới 900 nghề nhưng học sinh chưa tiếp cận được hết. Nhiều em học đến lớp 12 vẫn chưa biết mình muốn làm nghề gì. Theo ông Đông, cần phải đưa giáo dục, định hướng nghề nghiệp vào trường học để học sinh làm quen và có định hướng nghề từ sớm.
Bài toán hướng nghiệp
Thí sinh có xu hướng chọn ngành nghề theo số đông, chỉ tập trung vào ngành hot, "việc nhẹ lương cao" khiến cho một số ngành, dù xã hội có nhu cầu cao về nhân lực nhưng vẫn không tuyển sinh được.
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT trong Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐSP năm 2021, 5 nhóm ngành có tỉ lệ tuyển sinh thấp, chỉ từ 41% - 60% chỉ tiêu, gồm Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường. Đây là những ngành truyền thống trong kinh tế của Việt Nam và nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao rất lớn.
Phân tích bức tranh tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, ngay cả trường ĐH tốp đầu vẫn có ngành khó tuyển sinh, điểm chuẩn thấp nhưng vẫn tuyển không đủ chỉ tiêu. Như ngành Y tế công cộng của các trường đào tạo khối ngành sức khỏe, ngành liên quan đến môi trường, công nghệ thực phẩm, xây dựng, cầu đường... số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển đều thấp hơn rất nhiều các khối ngành thời thượng như công nghệ thông tin, công nghệ ô tô, y đa khoa, răng hàm mặt, tài chính ngân hàng, kế toán...
Nguyên nhân của tình trạng lệnh pha trong "cung" - "cầu" nguồn nhân lực, theo phân tích của một số chuyên gia, do thí sinh và phụ huynh không được cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu của thị trường lao động. Học sinh khi đọc tên ngành đào tạo không hình dung được vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Các cơ sở giáo dục ĐH và cả các trường phổ thông đều có chương trình tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cho HS. Nhưng để tư vấn chuyên sâu đòi hỏi phải đầu tư về thời gian chứ không thể "chớp nhoáng" như cách làm của các ngày hội tư vấn tuyển sinh đang diễn ra trước thời điểm HS lớp 12 làm hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ.
Tư vấn hướng nghiệp ở phổ thông là một quá trình và phải tiến hành từ sớm. Làm sao để khi kết thúc năm học lớp 9, HS phải có những hiểu biết cơ bản về nghề nghiệp phổ biến của xã hội, hình thành được quan niệm đúng đắn về ngành nghề, biết được sở thích của cá nhân về một số công việc nhất định. Nhiều GV khi tư vấn hướng nghiệp cho HS lớp 12 đã than trời vì gần như các em chỉ quan tâm đến những công việc nhẹ nhàng, "mưa không tới mặt, nắng không tới đầu", ngành nghề thời thượng trong xã hội mà bỏ qua các nghề nghiệp có tính chất nặng nhọc hoặc điều kiện làm việc hơi vất vả, không tập trung tại các thành phố lớn như địa chất, môi trường, cầu đường...
Chính vì vậy, trong công tác hướng nghiệp ở phổ thông, phải giúp HS hiểu cặn kẽ, tường tận về các ngành nghề. HS thấy được những giá trị, đóng góp của ngành đó trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như sự phù hợp của bản thân. Quan trọng hơn cả, HS, phụ huynh và các trường phổ thông phải được tiếp cận với những thông tin về nhu cầu nguồn nhân lực của các địa phương trong trung hạn.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa đẩy mạnh việc cập nhật nội dung chương trình đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để cam kết về đầu ra sau khi SV tốt nghiệp. Với xu hướng chọn ngành nghề theo học chính là đầu tư cho tương lai, nếu có sự cam kết tốt về đầu ra, người học sẽ yên tâm hơn với chọn lựa của mình.
Như cách làm của Trường ĐH Nha Trang, ngoài chính sách học bổng, trường làm việc với chi cục thủy sản các tỉnh để thống nhất đề nghị Chính phủ có chính sách đặc thù (miễn học phí) và đề xuất nhu cầu nhân lực trong 5 - 10 năm tới nhằm có hướng đi và lộ trình đào tạo nhân lực cụ thể. Hay Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, đã xây dựng các chính sách thu hút với các ngành nghề khó tuyển như học bổng đặc thù, cam kết việc làm với người học.
Ngành đầu ra tốt vẫn khó tuyển sinh: Nghịch lý Nhiều ngành nghề cần cho sự phát triển, ổn định kinh tế - xã hội có đầu ra tốt cho sinh viên tốt nghiệp, nhưng vẫn loay hoay tìm thí sinh. Đông đảo thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh ngày 11/4. Ảnh: Nghiêm Huê Thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2020 cho thấy, 5 nhóm ngành có tỷ lệ...