Mù mờ “viên thuốc” 14 triệu đồng
Không thông qua bác sĩ khám, những người của bộ phận chẩn đoán hình ảnh đã móc nối với công ty bên ngoài để bán viên nang nội soi cho bệnh nhân với giá 14 triệu đồng/viên.
Bà Duy đeo máy về nhà sau khi uống viên nang (ảnh nhỏ)
Bệnh nhân Lê Thị Phụng Duy (sinh năm 1953, nhà ở Q.2, TPHCM) bị tình trạng đầy bụng khó chịu nên đến khám tại Bệnh viện (BV) Bình Dân, TPHCM vào sáng 10/8. Bác sĩ (BS) khám là Trần Minh Đức có chỉ định và ghi phiếu cho bệnh nhân Duy làm nội soi để kiểm tra dạ dày. Bệnh nhân được hướng dẫn đến khoa Nội soi tiêu hóa để làm nội soi.
Sau khi nội soi xong, thay vì đưa kết quả cho người bệnh quay trở lại, BS khám ban đầu xem để có hướng điều trị, cho toa thuốc, hay chỉ định tiếp, thì người của khoa Nội soi tiêu hóa đã hù dọa bệnh nhân Duy rằng, ruột của bà bị “viêm nhiều, cần uống viên nang nội soi” (giá 14 triệu đồng/viên) để kiểm tra đường ruột. “Không mang theo số tiền nhiều như thế nhưng nghe BS nói vậy, tôi đâm lo lắng quá, dù chẳng biết viên nang nội soi là gì, nhưng cũng bảo ông xã chạy ngay về nhà lấy 14 triệu đồng đem lên BV mua uống ngay tại chỗ”, bà Duy kể.
Ông Thịnh, chồng của bà Duy bức xúc: “Người nội soi cho vợ tôi là BS Nguyễn Ngọc Tuấn. Khi làm xong nội soi dạ dày do BS Đức chỉ định, BS Tuấn không đưa kết quả cho chúng tôi mà ông giữ lại, rồi bảo vợ tôi mua viên nội soi uống để kiểm tra đường ruột. Ông cũng không hề giải thích, tư vấn rõ ràng, không cần biết chúng tôi có đủ khả năng chi trả hay không. Đến bây giờ, sau khi vợ tôi uống viên nang 14 triệu đồng, cả hai vợ chồng đều không biết gì về viên nang đó, do nước nào sản xuất, công dụng ra sao? Lúc bối rối, nghe BS bảo uống nên mua, uống xong mới giật mình”.
Làm sai quy trình nhằm mục đích gì?
Theo vợ chồng bệnh nhân Duy, nội soi xong, BS Tuấn “hướng” bệnh nhân dùng viên nang, sau đó một kỹ thuật viên của khoa phối hợp với một người của công ty bán viên nang (có mặt sẵn ở khoa Nội soi tiêu hóa), để người này lấy sản phẩm bán. Mặc dù thu của người bệnh đến 14 triệu đồng, nhưng công ty bán sản phẩm (là Công ty TNHH Đồng Minh, đường Bạch Mã, P.15, Q.10, TPHCM) chỉ ghi một tờ phiếu thu nhỏ. Uống xong, bà Duy được hẹn hôm sau vào BV lấy kết quả. Sau đó, chính nhân viên bán sản phẩm gọi bà Duy vào BV gặp BS Tuấn để lấy kết quả sau khi uống viên nang.
Video đang HOT
Nhận được phản ánh, chúng tôi cùng bệnh nhân Duy vào BV để gặp BS Tuấn. Ông Tuấn đưa ra kết quả sau khi uống viên nang rất chung chung “dạ dày viêm đỏ”. Rồi chính BS Tuấn tự ý ghi sẵn toa thuốc để đưa cho bệnh nhân về uống, mà không hề bảo người bệnh quay trở lại BS khám ban đầu.
Hành động của BS Tuấn là hoàn toàn sai quy trình của BV và chức năng chuyên môn. Theo nguyên tắc, kỹ thuật viên, hay BS, kể cả là tiến sĩ làm chẩn đoán hình ảnh (như: nội soi, chụp X-quang, CT, MRI…), sau khi có kết quả phải đưa cho người bệnh (nếu bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú) đem trở lại cho BS khám, ra chỉ định ban đầu để BS này có hướng điều trị, hoặc chỉ định làm thêm xét nghiệm nếu thấy cần thiết… Nếu là bệnh nhân điều trị nội trú thì kết quả đó phải đưa trở lại khoa phòng người bệnh nằm. Nhiều BS chuyên môn, khi trao đổi với chúng tôi đều nói: kỹ thuật viên, hay BS làm chẩn đoán hình ảnh không được tự ý kết luận về bệnh tật và ra toa thuốc điều trị cho người bệnh, mà chỉ được ghi vào phiếu kết quả những gì hình ảnh cận lâm sàng ghi nhận được. Và chỉ được đề nghị với BS khám, điều trị cần làm thêm những gì về chẩn đoán cho bệnh nhân mà thôi.
Thế nhưng, BS Tuấn đã hai lần cố tình làm sai quy trình của BV, làm sai chức năng chuyên môn để câu kết với công ty nhằm bán viên nang nội soi. Lần đầu: không trả lại kết quả nội soi lại cho BS khám, tự chỉ định cho bà Duy uống viên nang. Lần hai: BS Tuấn tự cho toa thuốc để bệnh nhân về luôn.
Việc BS Tuấn tự cho bệnh nhân uống viên nang, tự ra toa sẵn, người chuyên môn nhận định rằng, làm vậy để người bệnh khi có toa thuốc về nhà luôn, sẽ không ai biết rằng người của khoa Nội soi tiêu hóa đã tự ý cho người bệnh uống viên nang.
Vợ chồng bệnh nhân Duy đặt nghi vấn: Những người khoa Nội soi tiêu hóa hưởng bao nhiêu phần trăm khi công ty bán được viên nang nội soi 14 triệu đồng? Có bao nhiêu nạn nhân đã “bị” tư vấn uống viên nang đắt tiền này?
Theo Dân Trí
Kẹo cao su chữa bệnh
Từ một món ăn khoái khẩu, kẹo cao su giờ đây đã dần chuyển thành một sản phẩm chứa nhiều chức năng trong đó có chức năng như một viên thuốc "đa công dụng".
Các hãng dược phẩm lớn trên thế giới đã khai thác "thế mạnh" của viên kẹo cao su, kết hợp với công lực của những liều dược chất để cho ra đời thế hệ kẹo - thuốc chữa bệnh kiểu mới. Nhờ sáng tạo này mà doanh thu của ngành kẹo cao su đã tăng lên 12 tỷ USD mỗi năm trên phạm vi toàn thế giới.
Viên kẹo cao su đầu tiên
Kẹo cao su xuất hiện đầu tiên trên thế giới cách đây hàng nghìn năm trước. Người Hy Lạp cổ đại chính là chủ nhân đầu tiên chế tạo ra kẹo cao su từ cây ma-tít. Ngoài ra, những người Maya cổ đại và dân da đỏ ở Bắc Mỹ cũng đã biết "thưởng thức" loại kẹo này từ lâu. Chúng được làm từ những loại cây khác nhau nhưng đều có chung đặc điểm là dai dẻo. Thế nhưng phải đến năm 1848 thì kẹo cao su mới xuất hiện như một mặt hàng tiêu dùng được bán rộng rãi ở Mỹ. Thành phần chính của loại kẹo cao su này được chiết xuất từ cây gỗ vân sam. Tất nhiên loại kẹo này còn khác xa với những chiếc kẹo cao su mà chúng ta đang nhai hiện nay.
Đến năm 1871, nhà phát minh người Mỹ Thomas Adams đã chế tạo ra loại kẹo cao su từ một số hợp chất hóa học đặc biệt. Từ đó về sau, viên kẹo cao su đã được cải tiến rất nhiều về hương vị, màu sắc cũng như độ dẻo dai... để trở thành một sản phẩm được ưa thích trên toàn thế giới.
Đến kẹo cao su chứa dược chất
Qua đường miệng, từ lâu đã có nhiều dạng thuốc uống như thuốc bột, thuốc viên nén trần, viên nén bao, viên nang... nhưng dạng thuốc trong hình hài chiếc kẹo cao su lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1998, trong Dược điển Anh và dược điển châu Âu năm này có ghi: "Kẹo cao su nhai chứa thuốc là chế phẩm dạng rắn chứa một liều dược chất nhất định và tá dược cơ bản là gôm giúp cho việc nhai mà không nuốt chế phẩm này. Nhờ quá trình nhai, các hoạt chất có trong kẹo sẽ tỏa ra, hòa tan, phân tán vào trong nước bọt, từ đó cho tác dụng tại chỗ đối với các bệnh ở hàm, miệng, đường tiêu hoá hoặc cho tác dụng toàn thân".
Một số loại thuốc - kẹo cao su đã có mặt trên thị trường
Kẹo cao su chữa sâu răng: Để biến chiếc kẹo cao su thành liều thuốc chữa bệnh răng miệng, một hãng dược phẩm của Mỹ đã nghĩ ra cách bổ sung chất ksylitol vào thành phần của kẹo. Theo Journal of Medicine, chất này được chiết xuất từ cây bạch dương, có tác dụng kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn sống trong vòm miệng, phòng ngừa được 70% bệnh sâu răng.
Sản phẩm bỏ túi của những người béo phì: Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại thuốc điều trị bệnh béo phì dưới dạng kẹo cao su và là sản phẩm bỏ túi của hàng triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này. Sản phẩm là kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Liverpool (Anh). Khác với những chiếc kẹo cao su mà mọi người thường nhai, chiếc kẹo - thuốc chữa béo phì có chứa chất pancreatic polypeptide (PP), một hormon tự nhiên giúp ngăn chặn cảm giác thèm ăn. Theo kết quả thử nghiệm của các chuyên gia, sau khi nhai hai thanh kẹo thuốc có bổ sung chất PP, người béo phì không còn cảm giác đói bụng và thèm ăn nữa. Đến bữa ăn họ cũng ăn ít hơn.
Giải pháp mới cho những bệnh nhân suy thận:Ở những bệnh nhân bị suy thận, lượng phốt-phát trong máu thường tăng cao. Mới đây, một số hãng dược phẩm đã cho ra đời những viên kẹo cao su có thành phần hấp thu chất phốt-phát. Sản phẩm thử nghiệm trên 60 bệnh nhân suy thận có hàm lượng phốt phát trong máu cao. Những người này được yêu cầu nhai kẹo cao su có thành phần hấp thu chất phốt-phát 2 lần trong ngày giữa các bữa ăn. Kết quả cho thấy, hàm lượng phốt-phát trong nước bọt và máu ở người bệnh giảm mạnh, tới 55% trong nước bọt và 31% trong máu.
Giúp cai nghiện thuốc lá: Đó là những viên kẹo cao su được bổ sung nicotin tinh chất cùng một số hoạt chất hỗ trợ nhằm làm giảm dần nhu cầu của cơ thể đối với nicotin. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, các hãng dược phẩm cho ra đời hai dạng viên. Một loại chứa hàm lượng 2mg nicotin dành cho người nghiện nhẹ và một loại chứa 4mg nicotin dành cho người nghiện nặng. Mỗi ngày, chỉ cần dùng 10 viên, nhai trong vòng 30 phút để hoạt chất trong thuốc sẽ được tỏa ra hết. Lượng nhỏ hoạt chất nicotin này sẽ giúp người nghiện dần dần giảm cơn thèm và đi đến ngừng hút.
Chữa chứng ợ chua:Nếu bạn bị ợ chua, phương pháp chữa trị hữu hiệu nhất hiện nay mà không cần đến bất kì một liều thuốc nào là nhai kẹo cao su có bổ sung chất chống axít. Đây chính là kết quả nghiên cứu của các công ty dược phẩm sau khi tiến hành so sánh tác dụng của kẹo cao su có bổ sung chất chống axít với viên kháng axít. Nghiên cứu này được tiến hành trên 24 tình nguyện viên mắc chứng ợ chua. Những tình nguyện viên được chọn kẹo cao su có bổ sung chất chống axít hoặc viên nén kháng axít sau khi ăn. Kết quả kẹo cao su dạng này đã mang lại hiệu quả nhanh và lâu dài hơn trong việc giảm các triệu chứng ợ chua so với viên nén kháng axít.
Theo SK&ĐS
Bẻ nhỏ thuốc ra uống: lợi hay hại? Nhiều người vẫn hay bẻ nhỏ thuốc, thậm chí tán nhỏ, cà nhuyễn hoặc mở viên nang để lấy hạt nhỏ, bột ra uống. Cách dùng thuốc này có nên? Nhiều người vẫn hay quan niệm thuốc dạng viên uống khi vào dạ dày sẽ tan rã và được nghiền thành bột nên đã bẻ nhỏ thuốc, thậm chí tán nhỏ, cà nhuyễn...