Loại quả được ví là “vàng đen”, “tiên dược” cho sức khỏe
Không chỉ là món ăn dân dã được nhiều người yêu thích, các sản phẩm được chế biến từ quả trám đen nếu biết cách làm còn giống như “tiên dược”, có thể chữa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh.
Khoảng tháng 8 đến tháng 9 âm lịch hàng năm là mùa thu hoạch quả trám đen. Loại quả này trước đây khá phổ biến, nay trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng, nhất là loại trám đen ta (không phải trám cao sản). Giá bán trám đen trên thị trường dao động khoảng 100.000 – 300.000/1kg, tùy từng loại.
Do ngày càng đắt đỏ nên loại quả này hiện được ví như “vàng đen”, khi ăn có vị bùi, thơm, béo ngậy. Có rất nhiều cách chế biến trám đen như kho cùng cá thịt, muối trám, om chín mềm, xôi trám… Các chuyên gia đông y cho rằng, loại quả này còn là vị thuốc quý, nếu biết cách sử dụng thì sẽ mang lại nhiều giá trị cho sức khỏe.
Qủa trám đen xưa có rất nhiều nhưng nay trở thành đặc sản với giá đắt đỏ. (Ảnh minh họa)
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng – Viện Hàn Lâm khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, quả trám đen có hình trứng, màu tím đen sẫm, dài 3-4cm, rộng 2cm, hạt cứng có 3 ngăn. Cây này được trồng ở nhiều nơi trong nước ta để lấy quả ăn và lấy nhựa trám.
Ngoài tác dụng dùng làm thực phẩm, quả trám (bao gồm cả hạt trám và nhân trám) cùng các bộ phận khác của cây trám, đều có thể sử dụng làm thuốc. Tác dụng làm thuốc của quả trám được ghi chép đầu tiên trong sách “Thực liệu bản thảo” và “Nhật hoa tử bản thảo”.
Theo Đông y, quả trám có vị chua ngọt, bùi, béo, tính ấm, giúp sinh tân dịch, giải khát, thanh giọng, giải độc rượu, giải độc khi bị ngộ độc cá. Ngoài quả, rễ và lá cũng là vị thuốc có thể sử dụng được. Rễ trám có vị ngọt, tính bình; có tác dụng thư cân hoạt lạc, khư phong khu thấp. Lá có vị hơi đắng, hơi chát, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng chỉ thống.
Các nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, trong 1 quả trám đen có chứa protid, chất béo, hydrat cacbon, beta- caroten, acid oleannolic, một số khoáng chất: Canxi, kali, phốt pho, sắt, magie, và một số loại vitamin khác.
Trám đen kết hợp với thực phẩm khác có thể trở thành bài thuốc quý. Ảnh minh họa.
Theo tư vấn của lương y Bùi Đắc Sáng, trám đen có thể sử dụng làm một số món ăn, bài thuốc đơn giản theo những cách dưới đây:
- Giải độc cá nóc bằng quả trám bằng cách: Trám tươi 50g, rửa sạch bỏ hạt sao chín, sắc uống.
Video đang HOT
- Giải ngộ độc cua cá bằng cách: Dùng 30g trám trắng đem đi sắc với nước uống. Uống khi còn ấm sẽ nhanh khỏi.
- Chữa sâu răng: Đốt quả trám thành than, tán thật nhỏ sau đó trộn với một ít xạ hương rồi bôi và xỉa vào chỗ đau răng.
- Trị đau đầu: Dùng 10g trám tươi bỏ hạt, 15g hành hoa, 10g tử tô, 10g gừng tươi sắc với 1,5 lít nước đến khi cạn còn 500ml, chia đều 3 bữa, uống khi còn ấm có tác dụng trị đau đầu. Áp dụng trong 3-5 ngày, trị bệnh đau đầu được dứt điểm.
- Giải nhiệt, thanh phế, lợi hầu họng: Cho 10g trám tươi bỏ hạt, 120g ngó sen tươi, 6g gừng, 150g mã thầy vào máy ép, ép lấy nước, uống đều 2 bữa sau bữa ăn 30 phút có tác dụng giải nhiệt, thanh phế, có lợi cho hầu họng.
- Chữa ho do cảm lạnh: Dùng 10g trám tươi bỏ hạt sắc cùng 1 lít nước, có thể thêm đường phèn, uống khi còn ấm, 2 bữa sáng-tối sau bữa ăn 30 phút có tác dụng chữa ho gà, ho do cảm lạnh. Kiên trì áp dụng trong 7-10 ngày để trị bệnh được triệt để.
Trám đen vừa là món ăn, vừa là vị thuốc quý. (Ảnh minh họa)
- Chữa chứng miệng lở, nhiệt: Lấy 50g trám đốt thành than, tán thành bột mịn bôi lên vùng miệng bị nhiệt. Kết hợp với uống nước quả trám luộc để đạt được hiệu quả như ý.
- Chữa cảm nắng bằng quả trám: 10g trám đập vụn, đun với 30g rễ sậy cùng 2 lít nước đến khi còn 500ml, chia đều 3 bữa uống có tác dụng giải cảm do nắng gây ra.
- Trị nứt nẻ gót chân khi trời rét: Hạt trám trắng đốt thành than, tán mịn, trộn đều với dầu thực vật, bôi vào chỗ đau.
- Chữa kiết lị bằng quả trám: Dùng 100g trám cả hạt sắc với 1 lít nước đến khi cạn rồi cô lại lấy cao, chia thành 3 lần uống trước bữa ăn 30 phút có tác dụng điều trị bệnh kiết lỵ.
* Các bài thuốc từ quả trám đen chỉ mang tính chất tham khảo, tốt nhất gặp vấn đề sức khỏe nên đi khám sớm.
Cá kho trám đưa cơm ngày lạnh
Từng miếng cá săn chắc, đậm vị, trám đen bùi bùi, dậy mùi thơm của riềng rất 'hao cơm' trong tiết trời lạnh.
Nguyên liệu
1 kg cá (trắm đen hoặc cá quả)
200 gr thịt ba chỉ
200 gr trám đen
1 nhánh riềng
1 nhánh gừng
4 củ hành khô
4 quả ớt khô
Gia vị: Mắm, muối, đường, hạt nêm, hạt tiêu.
Dầu ăn/hoặc mỡ lợn
Cách làm
Cá làm sạch, cạo hết màng đen, máu ở bụng. Dùng chanh, muối hạt chà xát và ngâm vào nước vo gạo, rửa sạch để khử mùi tanh. Để cá thẩm thấu gia vị nhanh và chắc thịt hơn. Cho cá vào rổ thưa, dội nước nóng 80 độ để cá cong người (hoặc cho cá vào nồi đun bùng lên, tắt bếp). Sau đó, mới ướp cá với 1 thìa canh muối hạt trước để giúp cá đậm vị và săn chắc.
Riềng, gừng rửa sạch thái lát mỏng. Hành bóc vỏ rửa sạch, giữ cả vỏ hành để kho rất thơm. Ớt khô rửa sạch, để nguyên quả.
Trám rửa sạch hết nhựa. Om trám với nước ấm (tỷ lệ vàng "3 sôi, 2 lạnh"), đậy vung kín cho tới khi trám mềm, vớt ra, tách đôi bỏ hạt, để riêng. Thịt ba chỉ rửa sạch, cắt miếng vừa ăn.
Pha hỗn hợp nước sốt kho: 1,5 bát con nước sôi, 4 - 5 thìa thìa canh nước hàng, 4 - 5 thìa canh nước mắm, 1 thìa canh đường, 2 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa cà phê hạt tiêu. Khuấy đều cho hỗn hợp nước sốt tan ra.
Kho cá bằng nồi gang hoặc nồi đất là ngon nhất. Xếp riềng, gừng thái lát xuống đáy nồi, tiếp theo là cá, trám đen và thịt ba chỉ xen kẽ. Trên cùng thêm riềng, gừng, hành củ, vỏ hành, trám đen. Cuối cùng rưới nước sốt kho vào nồi cho xâm xấp.
Cách kho cá ngon là nên kho 2 - 3 lần lửa để thịt săn đậm đà và xương rục mềm. Kho lần 1: Bật lửa to cho cá sôi khoảng 10 phút, hớt bỏ bọt rồi hạ lửa liu riu trong khoảng 1 tiếng. Lúc này, nêm nếm lại gia vị cho phù hợp, cá kho nên đậm vị. Tắt bếp để cá nguội, đây cũng là lúc giúp "cá hồi" và dẻo hơn. Sau đó, tiếp tục kho lửa lần 2, 3 tương tự. Chú ý thêm nước sôi vào khi nước kho gần cạn, tránh không để cá bén cháy. Kho cá tối thiểu 3 tiếng, cá mới ngon, kho trên 8 tiếng thì cá mới săn chắc bên ngoài mà bên trong mềm ngon, đậm đà và mềm rục xương. Để cá bóng đẹp thì khi kho gần xong, mở vung, rưới thêm chút mỡ nước hoặc dầu ăn.
Yêu cầu thành phẩm: Từng miếng cá săn chắc, đậm vị, trám đen bùi bùi, dậy mùi thơm của riềng, nước kho sóng sánh hấp dẫn, rất "hao cơm" trong thời tiết mùa đông.
Chú ý:
Chọn mua khúc cá trắm đen (loại từ 5 - 6kg trở lên) thì thịt dày chắc.
Dội nước sôi (hoặc đun bùng) rồi ướp muối hạt trước là cách vừa giúp cá cứng, vừa ngấm vị đậm cho từng thớ cá.
Chà xát chanh, muối hạt, rửa nước vo gạo là cách truyền thống để khử mùi tanh hiệu quả cho cá.
Trong quá trình kho, khi nước dần cạn thì bắt buộc chêm/thêm nước sôi vào kho tiếp (vì nếu cho nước lã sẽ làm cá bị tanh).
Đặc sản Cao Bằng bạn nhất định phải thử khi đến đây Đặc sản Cao Bằng đó là bánh trứng kiến, nằm khâu, hay xôi trám khi đặt chân đến đây bạn nhất định phải thử nếu không thử coi như bạn chưa biết đến Cao Bằng. Vậy các bạn hãy cùng Thế Giới Ẩm Thực cùng tìm hiểu những món đặc sản Cao Bằng qua bài viết sau nhé! Đặc sản Cao Bằng bạn...