Hoảng hốt khi con 4 tuổi dậy thì
Một bé trai 4 tuổi được mẹ hoảng hốt đưa vào Bệnh viện Nhi đồng thành phố ( TP.HCM) khám vì dương vật to bất thường. Một bé gái 4 tuổi đã có chiều cao vượt trội, ngực sưng to. Bác sĩ kết luận các bé dậy thì sớm.
Vậy dậy thì sớm là gì, có nguy hiểm? Cách điều trị, phòng tránh như thế nào?
Thế nào là dậy thì sớm ?
Chị C., phụ huynh trú Q.8, TP.HCM, lo lắng gọi điện cho bạn: “Trời ơi con bé nhà tui có kinh nguyệt rồi. Thế này sớm quá, biết làm sao bây giờ”. Bé gái nhà chị C. mới 8 tuổi, đang học lớp 3. Chị hoảng hốt gọi điện khắp bạn bè xem có con ai gặp tình trạng tương tự con mình không.
Bé gái 8 tuổi có kinh nguyệt, 6 tuổi đã “nhổ giò” hay có “trái tràm” ở ngực (ngực nhú to) hay bé trai 6 tuổi đã phát triển bộ phận sinh dục… là một số trường hợp được đưa tới khám ở bệnh viện (BV) nhi. Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thanh Bình, Phó trưởng khoa Thận – Nội tiết, BV Nhi đồng thành phố (H. Bình Chánh, TP.HCM) cho hay nhiều phụ huynh đưa con tới khám thường thắc mắc: “Sao trước đây tôi 13, 14 tuổi mới dậy thì, giờ chúng nó sớm vậy”. Nhiều cha mẹ lấy kinh nghiệm của mình để phán đoán con dậy thì sớm hoặc trễ, điều đó không chuẩn xác.
Trẻ em được tới khám và tư vấn về dậy thì sớm ở Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Ảnh THÚY HẰNG
“Sau 2 thập kỷ thống kê, tuổi dậy thì trung bình hiện nay trên thế giới của con trai là 12 tuổi, con gái là 10 tuổi. Con gái dậy thì sớm nhất từ 8 tuổi, con trai sớm nhất từ 9 tuổi, như vậy là bình thường. Còn dậy thì sớm là như thế nào? Là trẻ gái có dấu hiệu dậy thì từ trước 8 tuổi, trẻ trai trước 9 tuổi”, bác sĩ Lê Thanh Bình nói.
“Tui tưởng nó giống cha nó”
Đâu là dấu hiệu của trẻ dậy thì sớm? Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thanh Bình, bé gái dậy thì sớm là trước năm 8 tuổi bé có “trái tràm” ở ngực, “nhổ giò” – tức là cao lên, sau đó có nổi mụn ở mặt, có mồ hôi cơ thể, có lông nách, lông bộ phận sinh dục. Trung bình từ lúc bắt đầu có các dấu hiệu trên cho tới lúc bé gái có kinh nguyệt là khoảng 2 – 3 năm.
Bệnh viện Nhi đồng thành phố đang theo dõi khoảng 100 trẻ dậy thì sớm. ẢNH MINH HỌA: THÚY HẰNG
Video đang HOT
Còn bé trai dấu hiệu dậy thì sớm là trước năm 9 tuổi có dấu hiệu như “nhổ giò”, hoặc phổ biến hơn là tăng kích thước tinh hoàn, dương vật.
Bác sĩ kể một người mẹ dắt con tới BV khám, bé 4 tuổi mà dương vật to như người lớn. Bác sĩ hỏi sao chị thấy tình trạng này lâu rồi mà giờ mới cho con tới khám, người mẹ thật thà đáp: “Tui đâu biết gì, tui tưởng nó giống cha nó”. Việc quan tâm con để sớm phát hiện những bất thường trong cơ thể, đưa đi gặp bác sĩ sớm sẽ giúp điều trị hiệu quả hơn.
Đâu là nguyên nhân của dậy thì sớm? Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thanh Bình cho hay nguyên nhân gây dậy thì sớm ở bé trai và bé gái khác nhau. 85 – 90% bé gái dậy thì sớm không có nguyên nhân (dậy thì sớm vô căn), trong khi 90% bé trai dậy thì sớm có nguyên nhân, chủ yếu do bé mắc một bệnh gì đó, như trường hợp bé trai 4 tuổi có dương vật lớn kể trên là do bị u não.
Hiện BV Nhi đồng thành phố đang quản lý, theo dõi quá trình điều trị của khoảng 100 trẻ dậy thì sớm trong vòng hơn 3 năm trở lại đây (từ 2018 – 2022). Trong đó 97 bé là con gái, dậy thì sớm vô căn; còn 3 bé trai 6 – 7 tuổi còn lại là dậy thì sớm có nguyên nhân.
Dậy thì sớm xảy ra khi bé trai, bé gái mắc u não, có chấn thương ở vùng thần kinh trung ương, khối u ở buồng trứng, u nang buồng trứng… (ở bé gái), hoặc một số bệnh di truyền.
Để kết luận bé dậy thì sớm hay không, bác sĩ sẽ đánh giá sự phát triển ngực (tuyến vú) ở trẻ gái, kích thước tinh hoàn ở trẻ trai, đo chiều cao và đánh giá tốc độ tăng trưởng, thực hiện xét nghiệm định lượng hormone sinh dục trong máu, đánh giá tuổi xương và các xét nghiệm tìm nguyên nhân dậy thì.
“Một sai lầm mà nhiều phụ huynh hay mắc phải là cho rằng con em uống nhiều sữa bột, ăn nhiều thịt gà, thịt bò thì bị dậy thì sớm. Thực tế chưa có một nghiên cứu khoa học nào cho thấy thực phẩm dẫn tới dậy thì sớm ở trẻ em. Nữ giới có nguy cơ dậy thì sớm hơn nam giới. Và những bé gái béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn. Tuy nhiên không phải cứ béo phì là dậy thì sớm, cũng không phải cứ cân nặng cân đối thì lại không”, bác sĩ Thanh Bình cho biết.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Thanh Bình (phải), người khám và tư vấn cho nhiều trường hợp trẻ dậy thì sớm.
Khám càng sớm càng tốt
Dậy thì sớm ảnh hưởng như thế nào? Theo Phó trưởng khoa Thận – Nội tiết Lê Thanh Bình, thông thường khi cơ thể đạt tới ngưỡng tăng trưởng thể chất nhất định thì mới dậy thì, do đó dậy thì sớm khiến chiều cao của bé sẽ thấp hơn. Tốc độ tăng trưởng chiều cao bình thường của trẻ từ sau 5 tuổi đến trước dậy thì là 4 – 6 cm/năm. Khi dậy thì tốc độ tăng trưởng có thể đạt 8 – 12 cm/năm trong 1 – 2 năm đầu tiên và giảm dần khi dậy thì hoàn tất.
Những bé gái dậy thì sớm, có kinh nguyệt sớm có thể khó khăn khi hòa nhập với bạn bè, chưa có ý thức để giữ gìn vệ sinh cơ thể cũng như gặp khó khăn trong việc học cách bảo vệ bản thân.
Dậy thì sớm có thể điều trị được. Nếu dậy thì sớm có nguyên nhân, thì trước tiên cần phải điều trị nguyên nhân. Còn nếu dậy thì sớm vô căn thì được chích thuốc mỗi tháng một lần, ức chế quá trình dậy thì sớm lại, khi tới độ tuổi trẻ dậy thì bình thường thì dừng. Thuốc không ảnh hưởng tới quá trình sinh sản của các bé sau này. Dậy thì sớm sau khi được chẩn đoán và chỉ định điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết sẽ được bảo hiểm y tế chi trả một phần chi phí điều trị. Song phụ huynh cần lưu ý điều trị càng sớm thì càng hiệu quả.
Uống nhiều sữa có gây dậy thì sớm?
"Có phải vì uống sữa nhiều khiến con tôi dậy thì sớm?" là câu hỏi bác sĩ thường xuyên nhận được từ cha mẹ các bệnh nhi. Dậy thì sớm là tình trạng trẻ phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát đánh dấu sự trưởng thành về sinh dục sớm hơn bình thường, trước 8 tuổi ở trẻ gái (có kinh trước 9,5-10 tuổi) và trước 9 tuổi ở bé trai.
Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết, mỗi ngày, nơi đây thăm khám từ 20-30 trẻ dậy thì sớm. Trong số đó, khoảng 6 trẻ phải nhập viện để chẩn đoán, điều trị can thiệp.
"Câu hỏi phụ huynh thường xuyên đặt ra là, có phải vì con uống sữa nhiều quá nên bị dậy thì sớm hay không? Đây là quan niệm sai lầm!", bác sĩ Vũ Quỳnh khẳng định.
Sữa không phải nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ.
Theo thống kê, trẻ dậy thì sớm trung ương (dậy thì sớm thật sự) có đến 80% là vô căn. Ngoài ra, có thể do khối u thần kinh trung ương, u tuyến yên, nhiễm trùng thần kinh trung ương, yếu tố di truyền hoặc phơi nhiễm quá mức hormone sinh dục...
Các bác sĩ nhận định, sữa có thể liên quan gián tiếp đến dậy thì sớm nếu trẻ đó bị béo phì.
TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 lý giải, tế bào mỡ có thể tiết ra được một số hóa chất có tính chất như hormon (kích thích tố leptin). Trẻ béo phì lại có quá nhiều các mô mỡ, vì vậy nguy cơ dậy thì sớm cũng cao hơn trẻ khác.
Nhưng sữa tại sao gây ra béo phì, dư cân? Bác sĩ Hậu phân tích, ở trẻ dưới 1 tuổi, sữa là thức ăn chủ yếu, rất nhiều dinh dưỡng. Trên 1 tuổi, trẻ vẫn cần duy trì 400-500ml sữa hoặc chế phẩm sữa mỗi ngày, để đảm bảo đủ canxi giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa.
Khi trẻ 2 tuổi, cấu trúc não đạt 80% so với người lớn, nhu cầu chất béo không nhiều như trước. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn cho trẻ uống sữa nguyên kem, sữa nhiều đường với số lượng lớn. Từ đó, trẻ dễ dàng bị dư cân, béo phì.
"Lỗi không phải tại sữa mà chúng ta cho trẻ uống sữa như thế nào", bác sĩ Hậu kết luận.
Nhiều nghiên cứu chứng minh, những em bé bú sữa mẹ ít bị béo phì hơn trẻ uống sữa công thức. Nguyên nhân là trong sữa mẹ, lượng đạm thấp và đều là các đạm quý. Còn trong sữa bò, lượng đạm quá cao khiến trẻ tăng cân nhanh và "nhạy cảm" với việc tích tụ mỡ sau này.
"Ngay cả trẻ sinh non thiếu tháng, bắt buộc phải nuôi bằng sữa có độ đạm cao cũng có mặt trái là nguy cơ béo phì cao hơn", bác sĩ Hậu phân tích.
Trước băn khoăn về sữa và thịt gia súc chứa hormon tăng trưởng có thể gây ra dậy thì sớm, bác sĩ Huỳnh Thị Vũ Quỳnh nhấn mạnh, đây là quan niệm sai lầm. Hormon dậy thì là hormon sinh dục, bản chất là hormon steroid. Trong khi đó, bản chất của hormon tăng trưởng là protein (peptit), khi đi vào dạ dày, sẽ cắt ra thành các axit amin.
Do đó không có mối liên quan giữa hormon tăng trưởng và dậy thì sớm.
Trên 80% trẻ gái dậy thì sớm không xác định được nguyên nhân.
Các bác sĩ lưu ý, cha mẹ không nên cắt khẩu phần sữa khi trẻ béo phì hay dậy thì sớm vì trẻ vẫn cần bổ sung canxi, phát triển chiều cao. Thay vì sữa béo, sữa nguyên kem, trẻ béo phì nên uống sữa tách béo và ít đường.
Phụ huynh cần cắt nguồn năng lượng rỗng từ đồ ăn vặt, bánh kẹo, nước ngọt, các loại thức ăn nhanh, đồ chiên, da heo, da gà... để kiểm soát cân nặng cho trẻ.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ dậy thì sớm ở Việt Nam và thế giới đều tăng cao, tuổi dậy thì cũng sớm hơn. Đặc biệt, trong số các bệnh nhi dậy thì sớm đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2, khoảng 95% là trẻ gái.
Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng cần can thiệp điều trị. Bác sĩ sẽ đánh giá tuổi khởi phát, mức độ tiến triển tuổi xương, vấn đề tâm lý... từng trường hợp. Từ đó, xem xét chỉ định can thiệp hay không.
Nếu cần điều trị, thời gian thường kéo dài đến khi trẻ 11-12 tuổi. Sau khoảng 9-16 tháng ngưng can thiệp, trẻ gái sẽ có kinh nguyệt trở lại. Khi đó, các dấu hiệu dậy thì đã phù hợp với độ tuổi phát triển của trẻ và bạn bè cùng trang lứa.
Liệt mặt vì bấm huyệt ở chỗ gội đầu: Cảnh báo nguy cơ khôn lường khi bấm huyệt sai cách Nhiều người có thói quen gội đầu ở tiệm để được xoa bóp, bấm huyệt cho thư giãn, nhưng có không ít trường hợp đã gặp phải các tổn thương đáng tiếc. Liệt mặt vì bấm huyệt lúc gội đầu Thói quen xoa bóp, bấm huyệt, nắn bẻ khớp là thói quen nhiều người yêu thích vì các tác động này giúp họ...