Giải Nobel Y học: Hệ miễn dịch có thể tham gia điều trị ung thư không?
Giải thưởng Nobel năm nay được trao cho khám phá về “liệu pháp ung thư bằng cách ức chế điều hòa miễn dịch âm tính”. Vậy hệ miễn dịch tham gia vào điều trị ung thư như thế nào?
Liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch nhắm vào các protein được tạo ra bởi một số tế bào miễn dịch, cũng như một số tế bào ung thư. Các protein có thể ngăn không cho hệ thống bảo vệ tự nhiên của cơ thể tiêu diệt các tế bào ung thư.
Liệu pháp được thiết kế để loại bỏ “ phanh hãm” protein này và cho phép hệ thống miễn dịch tham gia cuộc chiến chống ung thư nhanh chóng hơn.
Hai nhà miễn dịch học, James Allison của Mỹ (ảnh) và Tasuku Honjo của Nhật Bản,đoạt giải Nobel Y học năm 2018 cho nghiên cứu đã cách mạng hóa việc điều trị ung thư
Hai ông được vinh danh “vì đã khám phá ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế điều hòa miễn dịch âm tính”, Hội đồng Nobel cho biết. Trong Ảnh là Giáo sư Tasuku Honjo, Đại học Kyoto.
GS. Allison đã nghiên cứu một protein đóng vai trò như một “phanh hãm” hệ thống miễn dịch và khả năng giải thoát “phanh hãm” này.
Còn GS. Honjo đã khám phá ra một protein mới trên các tế bào miễn dịch và cuối cùng phát hiện ra rằng nó cũng hoạt động như một phanh hãm.
“Các liệu pháp dựa trên phát hiện của ông đã chứng minh hiệu quả ấn tượng trong cuộc chiến chống ung thư”, hội đồng ở Stockholm cho biết trong một tuyên bố.
Giải phóng tiềm năng của các tế bào miễn dịch để tấn công ung thư đang trở thành một cách điều trị khác cùng với phẫu thuật, xạ trị và thuốc.
Nhiều cách tiếp cận điều trị ung thư
Hiện có nhiều cách tiếp cận để điều trị ung thư, bao gồm phẫu thuật, xạ trị và các chiến lược khác. Một số giải pháp đã từng được nhận giải Nobel như điều trị hoóc-môn cho ung thư tuyến tiền liệt (Huggins, 1966), hóa trị (Elion và Hitchins, 1988), và ghép tủy điều trị bệnh bạch cầu (Thomas 1990). Tuy nhiên, ung thư giai đoạn muộn vẫn còn vô cùng khó khăn để điều trị, và rất cần có những chiến lược điều trị mới.
Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã xuất hiện quan điểm cho rằng hoạt hóa hệ miễn dịch có thể là một chiến lược để tấn công các tế bào khối u. Một số nỗ lực đã được thực hiện để gây nhiễm vi khuẩn cho bệnh nhân nhằm kích hoạt hệ thống phòng thủ. Những nỗ lực này chỉ có tác dụng khiêm tốn, nhưng một biến thể của chiến lược này được sử dụng ngày nay trong điều trị ung thư bàng quang.
Video đang HOT
Các chuyên gia thừa nhận cần có thêm những kiến thức. Nhiều nhà khoa học tham gia những nghiên cứu cơ bản mạnh mẽ và phát hiện ra những cơ chế nền móng điều chỉnh miễn dịch và cũng cách hệ miễn dịch có thể nhận diện tế bào ung thư. Song bất chấp những tiến bộ khoa học vượt bậc, nỗ lực phát triển các chiến lược mới có thể khái quát hóa để lại chống ung thư vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Những yếu tố tăng tốc và kìm hãm trong hệ miễn dịch
Giá trị cơ bản của hệ miễn dịch là khả năng phân biệt “của cơ thể” với “không phải của cơ thể” nhờ đó các vi khuẩn, vi-rút và những mối nguy hiểm khác có thể bị tấn công và loại bỏ.
Tế bào T, một loại tế bào bạch cầu, là những “chiến binh” chủ chốt trong hệ thống bảo vệ này. Các tế bào T có các thụ thể gắn với với những cấu trúc bị nhận diện là “không phải của cơ thể” và những tương tác này kích hoạt hệ miễn dịch tham gia bảo vệ. Tuy nhiên, các protein phụ như các yếu tố tăng tốc tế bào T cũng phải có để kích hoạt đáp ứng miễn dịch toàn diện (xem hình).
Nhiều nhà khoa học đã đóng góp vào nghiên cứu cơ bản quan trọng này và xác định các protein khác có chức năng như “phanh hãm” trên các tế bào T, ức chế hoạt hóa miễn dịch. Sự cân bằng phức tạp giữa yếu tố tăng tốc và kìm hãm là cần thiết để kiểm soát chặt chẽ. Nó đảm bảo rằng hệ miễn dịch là tham gia vừa đủ vào cuộc tấn công chống lại các vi sinh vật ngoại lai đồng thời vẫn tránh không bị hoạt hóa quá mức có thể dẫn đến phá hủy tự miễn các tế bào và mô khỏe mạnh.
Trên trái: Hoạt hóa tế bào T đòi hỏi thụ thể tế bào T gắn với các cấu trúc trên các tế bào miễn dịch khác được nhận diện là “không phải của cơ thể”. Một protein có chức năng như một yếu tố tăng tốc tế bào T cũng cần thiết cho hoạt hóa tế bào T. CTLA- 4 hoạt động như một phanh hãm trên tế bào T ức chế chức năng của yếu tố tăng tốc. Dưới trái: Kháng thể (xanh lá) kháng CTLA-4 chặn chức năng của phanh dẫn đến hoạt hóa tế bào T và tấn công vào tế bào ung thư. Trên phải: PD-1 là một phanh hãm tế bào T khác ức chế hoạt hóa tế bào T. Dưới phải: Các kháng thể kháng PD-1 ức chế chức năng của phanh dẫn đến hoạt hóa tế bào T và tấn công hiệu quả cao vào tế bào ung thư.
Một nguyên lý mới cho liệu pháp miễn dịch
Trong những năm 1990, tại phòng thí nghiệm ở Đại học California, Berkeley, James P. Allison đã nghiên cứu protein T-cell CTLA-4. Ông là một trong nhiều nhà khoa học đã quan sát thấy CTLA-4 có chức năng như một phanh hãm trên các tế bào T. Một số nhóm nghiên cứu khác đã khai thác cơ chế này như một đích trong điều trị bệnh tự miễn.
Tuy nhiên GS. Allison đã có một ý tưởng hoàn toàn khác. Ông đã phát triển một kháng thể có thể gắn với CTLA-4 và chặn chức năng của nó. Hiện ông đang tiến hành nghiên cứu xem liệu chặn CTLA-4 có thể giải phóng phanh hãm tế bào T và giải thoát cho hệ miễn dịch để tấn công các tế bào ung thư hay không. GS. Allison và đồng nghiệp đã thực hiện thí nghiệm đầu tiên vào cuối năm 1994, và rất phấn khởi khi thí nghiệm được lặp lại trong kì nghỉ Giáng sinh năm đó. Kết quả thật ngoạn mục.
Những con chuột bị ung thư đã được chữa khỏi khi điều trị bằng các kháng thể ức chế phanh và mở khóa hoạt động tế bào T chống ung thư. Mặc dù ít nhận được sự quan tâm từ ngành công nghiệp dược phẩm, GS. Allison đã tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ của mình để phát triển chiến lược này thành một liệu pháp dành cho người. Kết quả đầy hứa hẹn đã sớm xuất hiện từ một số nhóm, và trong năm 2010 một nghiên cứu lâm sàng quan trọng cho thấy tác dụng nổi bật ở bệnh nhân u hắc tố ác tính giai đoạn muộn, một loại ung thư da. Ở một số bệnh nhân, các dấu hiệu ung thư còn lại đã biến mất. Kết quả đáng chú ý như vậy trước đó chưa từng được thấy nhóm bệnh nhân này.
Khám phá về PD-1 và tầm quan trọng của nó trong điều trị ung thư
Năm 1992, một vài năm trước khi phát hiện của GS. Allison, nhà khoa học người Nhật Tasuku Honjo đã khám phá ra PD-1, một protein khác biểu hiện trên bề mặt tế bào T. Quyết tâm làm sáng tỏ vai trò của nó, ông đã nghiên cứu tỉ mỉ chức năng của protein này trong một loạt các thí nghiệm tinh tế được thực hiện trong nhiều năm tại phòng thí nghiệm của ông ở Đại học Kyoto.
Kết quả cho thấy PD-1, tương tự như CTLA-4, hoạt động như một phanh hãm tế bào T, nhưng vận hành qua một cơ chế khác (xem hình). Trong các thí nghiệm trên động vật, chặn PD-1 cũng tỏ ra là một chiến lược đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống ung thư, như được chứng minh bởi Honjo và một số nhóm nghiên cứu khác. Điều này đã mở đường cho việc sử dụng PD-1 như một đích tác dụng trong điều trị bệnh nhân.
Sự phát triển trên lâm sàng tiếp tục diễn ra sau đó, và vào năm 2012 một nghiên cứu quan trọng đã chứng minh hiệu quả rõ ràng trong điều trị bệnh nhân với nhiều loại ung thư khác nhau. Kết quả rất ấn tượng, dẫn đến thuyên giảm lâu dài và có thể khỏi bệnh ở một số bệnh nhân bị ung thư di căn, một tình trạng trước đây bị xem là vô phương cứu chữa.
Hiện tại và tương lai của liệu pháp trạm kiểm soát miễn dịch trong điều trị ung thư
Sau các nghiên cứu ban đầu cho thấy hiệu quả của chặn CTLA-4 và PD-1, bước phát triển trên lâm sàng là rất ấn tượng. Bây giờ chúng ta biết rằng điều trị, thường được gọi là “liệu pháp điểm kiểm soát miễn dịch”, đã thay đổi về cơ bản kết quả cho một số nhóm bệnh nhân bị ung thư giai đoạn muộn. Tương tự như các liệu pháp điều trị ung thư khác, những tác dụng phụ bất lợi cũng được nhìn thấy, có thể nghiêm trọng và thậm chí đe dọa tính mạng. Chúng được gây ra bởi đáp ứng miễn dịch hoạt động quá mức dẫn đến các phản ứng tự miễn, nhưng thường có thể kiểm soát được. Nghiên cứu tích cực tiếp tục tập trung vào việc làm sáng tỏ các cơ chế hoạt động, với mục tiêu cải thiện liệu pháp và giảm tác dụng phụ.
Trong hai chiến lược điều trị, liệu pháp trạm kiểm soát chống lại PD-1 đã chứng minh hiệu quả và kết quả tích cực trên nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, ung thư thận, u lympho và u hắc tố ác tính. Các nghiên cứu lâm sàng mới chỉ ra rằng liệu pháp phối hợp, nhắm vào cả CTLA-4 và PD-1, thậm chí có thể hiệu quả hơn, như được chứng minh trên bệnh nhân u hắc tố ác tính. Vì vậy, GS. Allison và GS. Honjo đã truyền cảm hứng cho những nỗ lực phối hợp các chiến lược khác nhau để giải phóng “phanh hãm” hệ miễn dịch với mục đích loại bỏ các tế bào khối u hiệu quả hơn. Nhiều thử nghiệm trị liệu trạm kiểm soát hiện đang được tiến hành đối với hầu hết các loại ung thư, với đích tác dụng là những protein trạm kiểm soát mới.
Trong hơn 100 năm qua các nhà khoa học đã cố gắng huy động hệ miễn dịch vào cuộc chiến chống ung thư. Trước những khám phá đầu tiên của hai nhà khoa học đoạt giải Nobel năm nay, những bước tiến trên lâm sàng là khá khiêm tốn. Liệu pháp trạm kiểm soát hiện đã cách mạng hóa việc điều trị ung thư và đã làm thay đổi tận gốc sự nhìn nhận của chúng ta về cách quản lý ung thư.
Cẩm Tú
Theo Nobel
Hy vọng chữa khỏi ung thư từ liệu pháp miễn dịch giành giải Nobel Y học
Bằng cách kích thích hệ miễn dịch, nghiên cứu của James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) mang lại hy vọng đẩy lùi hoàn toàn ung thư.
Ngày 1/10, giải Nobel Y học năm 2018 được trao cho hai nhà khoa học James P.Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ tìm ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế cơ chế điều hòa âm tính của kháng thể, còn gọi là liệu pháp hệ miễn dịch điểm kiểm tra. Đây là lần đầu tiên nghiên cứu về liệu pháp điều trị ung thư giành giải Nobel.
Năm 1990, giáo sư Allison tìm ra một loại protein hoạt động như bộ phanh hay còn gọi là điểm kiểm tra (checkpoint) trong hệ miễn dịch. Ông chứng minh rằng nhả phanh giúp giải phóng các tế bào miễn dịch chống ung thư, từ đó đem đến kết quả tích cực trong điều trị ung thư ở chuột.
Đến năm 1992, giáo sư Tasuku Honjo tìm ra điểm kiểm tra thứ hai. Liệu pháp miễn dịch dựa trên khám phá của ông cũng chứng tỏ hiệu quả trong việc đẩy lùi ung thư.
Trên thực tế, ý tưởng huy động hệ miễn dịch tiêu diệt ung thư được đưa ra lần đầu tiên cách đây hơn một thập kỷ. Tuy nhiên, đến thời giáo sư Allison và giáo sư Honjo, ý tưởng mới trở thành điều trị lâm sàng.
Mô phỏng hệ thống phanh của hệ miễn dịch. Ảnh: Twitter.
Ông Klas Krre, thành viên ủy ban Nobel nhận định công trình của giáo sư Allison và giáo sư Honjo tạo nên bước ngoặt lớn, đồng thời thay đổi cách nhìn nhận về điều trị ung thư. Thay vì tập trung vào khối u, liệu pháp do hai nhà khoa học sáng tạo hướng đến hệ miễn dịch, do vậy phù hợp điều trị nhiều dạng ung thư khác nhau.
Các loại thuốc từ công trình nghiên cứu của giáo sư Allison và giáo sư Honjo được gọi là chất ức chế điểm kiểm tra cho thấy kết quả rõ rệt ở bệnh nhân ung thư phổi, ung thư thận, ung thư tế bào hắc tính và ung thư hạch bạch huyết. Chúng gây ra tác dụng phụ song không nghiêm trọng và có thể đảo ngược được.
"Nhờ liệu pháp này, chúng ta có thể chữa khỏi ung thư", ông Krre nói.
Theo The Guardian, sau khi biết tin mình đoạt giải Nobel, giáo sư Alisson đang ở "trạng thái sốc" vì đạt được "giấc mơ của mọi nhà khoa học". Tại Nhật Bản, giáo sư Honjo ăn mừng với các đồng nghiệp Đại học Kyoto. Cả hai sẽ cùng chia đôi phần thưởng trị giá 9 triệu kronor (khoảng 1,1 triệu USD).
Giáo sư Allison sinh năm 1948, hiện công tác tại Trung tâm Ung thư Anderson thuộc Đại học Texas. Ông từng có nhiều năm nghiên cứu về cơ chế phát triển, kích hoạt thụ thể tế bào T và cũng là nhà khoa học đầu tiên tìm ra cách tách chuỗi protein phức tạp của kháng nguyên thụ thể tế bào T.
Giáo sư Allison mất mẹ từ năm 10 tuổi vì bà ung thư hạch bạch huyết. Lớn lên, việc chứng kiến người bệnh đau đớn vì hóa trị, xạ trị càng thôi thúc ông tìm ra cách điều trị ung thư. Dù từng tuyên bố bản thân chỉ là một nhà khoa học đơn thuần muốn tìm hiểu hoạt động của tế bào T, giáo sư Allison cũng thừa nhận những gì đã xảy ra "luôn nằm trong đầu tôi".
Giáo sư Allison (áo trắng) ăn mừng cùng gia đình và bạn bè. Ảnh: Twitter.
Giáo sư Honjo sinh năm 1942. Ông bắt đầu nghiên cứu ung thư sau khi một người bạn học qua đời vì ung thư dạ dày. Giáo sư Honjo nổi tiếng với công trình về protein PD-1 và phát hiện một loại enzyme AID có vai trò thiết yếu trong quá trình tái tổ hợp gene kháng thể và siêu đột biến. Từ năm 1984 đến nay, giáo sư Honjo làm việc tại Đại học Kyoto.
Giáo sư Honjo (áo xanh, vest xanh) ăn mừng cùng đồng nghiệp. Ảnh: Twitter.
Dù đều đã bước qua tuổi 70, cả giáo sư Allison lẫn giáo sư Honjo đều khẳng định sẽ tiếp tục làm việc để đem đến hy vọng cho bệnh nhân ung thư. "Tôi muốn những người bị ung thư ngoài kia biết rằng chúng tôi vẫn đang nỗ lực", giáo sư Allison bày tỏ.
Giáo sư Honjo thì chia sẻ: "Một người bạn chơi golf đã đến cảm ơn tôi rằng nhờ công trình của tôi, ông ấy đã khỏi ung thư phổi. Những lời như vậy quý giá hơn bất cứ giải thưởng nào. Tôi sẽ không dừng lại để liệu pháp hệ miễn dịch cứu được thật nhiều bệnh nhân".
Minh Nguyên
Theo Vnexpress
Nobel Y học vinh danh phương pháp 'hãm phanh' chặn ung thư Giải Nobel Y học 2018 vừa vinh doanh tiến sĩ Mỹ James P. Alison và nhà miễn dịch học người Nhật Tasuki Honjo nhờ công trình "khám phá ra liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế cơ chế điều hòa âm tính của tế bào miễn dịch" với cơ chế "hãm phanh" để ngăn chặn ung thư. Ủy ban Nobel...