Giải mã những hiểu lầm phổ biến về cảm lạnh và cúm
Nhiều người yêu thích thích mùa thu với những tán lá cây đầy màu sắc và tiết trời se se lạnh, nhưng mùa thu đến cũng là thời điểm của một mùa khác đáng sợ hơn: mùa của cảm lạnh và cúm.
Hai bệnh này thường bị gộp chung lại với nhau, nhưng chúng có những điểm khác biệt quan trọng. Và khi nói đến phòng ngừa và điều trị, có rất nhiều quan niệm sai lầm.
Hiểu lầm 1: Cúm chỉ là cảm lạnh tệ hơn
Trong khi một số người hay sử dụng từ cảm và cúm thay thế cho nhau, song thực ra hai bệnh này rất khác nhau. Cúm là một bệnh nghiêm trọng hơn nhiều so với cảm lạnh thông thường.
“Mọi người cần hiểu rằng cúm là bệnh nghiêm trọng và có thể gây chết người”, BS. Melissa Stockwell, giản viên về nhi khoa, dân số và sức khỏe gia đình tại Trung tâm y tế Đại học Columbia, nói. “CDC vừa công bố dữ liệu về mùa cúm năm ngoái, trong đó 80.000 người Mỹ đã chết do cúm.”
Trong khi một số các triệu chứng của cảm lạnh và cúm có thể chồng chéo nhau, cách tốt nhất để phân biệt là ở sự bắt đầu của bệnh. Cảm lạnh có xu hướng bắt đầu dần dần trong khi bệnh cúm lại tấn công rất mạnh và bất ngờ “giống như bạn bị cả chiếc xe buýt đâm vào”. Bạn cảm thấy đau nhức, mệt mỏi và các triệu chứng nặng hơn.
Bệnh cúm thường đi kèm với sốt cao 39 – 40oC. Trong khi hầu hết các trường hợp cảm lạnh sẽ không bị sốt cao.
Hiểu lầm 2: Uống thật nhiều vitamin có thể ngăn ngừa cảm lạnh và cúm
Khi một số người cảm thấy cơn cảm lạnh đang đến gần, họ ngay lập tức uống thật nhiều vitamin C để “ngăn chặn từ trong trứng nước”. Thật không may, không có bằng chứng khoa học cho thấy vitamin có thể giúp ngăn ngừa cảm lạnh hoặc cúm.
“Nghỉ ngơi, bổ sung nước, dinh dưỡng tốt đều rất quan trọng”, BS. Alan Taege, chuyên khoa bệnh nhiễm trùng tại Bệnh viện Cleveland nói, “nhưng nhồi nhét đủ loại vitamin vào thời điểm bạn nghĩ rằng đang sắp sửa bị bệnh, sẽ không ngăn chặn được nó”.
Có một số nghiên cứu ủng hộ việc uống viên kẽm để giúp rút ngắn thời gian cảm lạnh.
Video đang HOT
Tuy nhiên, BS. Stockwell cảnh báo các chế phẩm bổ sung như vậy có thể dẫn đến tác dụng phụ như buồn nôn và các vấn đề tiêu hóa và cũng có thể tương tác với các thuốc khác. Bà khuyên nên nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi uống các chế phẩm bổ sung, đặc biệt là nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác.
Hiểu lầm 3: Tập thể dục trong khi ốm sẽ giúp vi trùng thoát ra theo mồ hôi
Mặc dù vi trùng cảm lạnh hoặc cúm có thể “thoát ra theo mồ hôi”, nhưng quan niệm trên chỉ “đơn giản là sai”, BS. Taege nói.
“Tập thể dục đến khi mệt với sự gắng sức đáng kể trong khi đang ốm không phải là một ý hay. Nó sẽ không làm cho bệnh khỏi nhanh hơn”, ông nói. “Những gì bạn cần làm là chắc chắn uống đủ nước và nghỉ ngơi”.
Quyết định mình có đủ khỏe để tập thể dục hay không sẽ tùy thuộc vào một vài yếu tố.
Nếu bạn bị cảm lạnh nhẹ với các triệu chứng hô hấp trên, chẳng hạn như sổ mũi, Bs. Stockwell nói rằng có lẽ bạn tập thể dục được, mặc dù bà khuyên nên từ từ và ngừng nếu các triệu chứng nặng lên.
Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng hô hấp dưới, bao gồm ho hoặc sung huyết, hoặc nếu bạn bị sốt, thì chắc chắn là nên tránh xa phòng tập thể dục. Bạn không chỉ sẽ lây lan mầm bệnh cho người khác, mà còn làm cho bệnh tệ hơn.
“Với sốt, có mối lo ngại về khả năng viêm cơ tim. Vì vậy, điều quan trọng là nếu bị sốt thì đừng tập thể dục”, BS.Stockwell nói.
Có thể làm gì khác để ngăn ngừa bệnh
Ngoài tiêm phòng cúm, CDC khuyến cáo các bước sau để tránh bệnh trong mùa cảm lạnh và cúm này:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm. Nếu không có xà phòng, hãy dùng chất sát trùng tay có cồn.
Cố gắng tránh tiếp xúc gần gũi với người bệnh.
Nếu bị ốm, hãy hạn chế tiếp xúc với người khác càng nhiều càng tốt. Nếu bị cúm, hãy ở nhà trong ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt, trừ khi đi khám bệnh hoặc mua nhu yếu phẩm khác.
Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng vì mầm bệnh lây lan theo đường này.
Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi và sau đó vứt khăn giấy vào thùng rác.
Khử trùng các bề mặt và vật thể có thể bị nhiễm mầm bệnh như cúm.
Cẩm Tú
Theo CBS News
Những bệnh hô hấp thường gặp vào thời điểm giao mùa
Mùa mưa là thời điểm khí hậu khá thuận lợi cho vi trùng, virus, kí sinh trùng cũng như nấm mốc sinh trưởng mạnh và dễ dàng tấn công hệ hô hấp.
ảnh minh họa
Theo BS Dương Anh Phượng, trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, người lớn tuổi hay có bệnh mãn tính đi kèm và phụ nữ mang thai chính là những đối tượng dễ mắc các bệnh lý về hô hấp khi mùa mưa đến. Một số bệnh lý có thể gặp vào thời điểm giao mùa có thể kể đến như cảm lạnh, cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi ...
BS Phượng liệt kê các dấu hiệu của cảm lạnh hay gặp như mệt mỏi, uể oải, nhức mình, đau họng, chảy mũi, nghẹt mũi, ho khan, sốt nhẹ. Theo BS Phượng, thường người bệnh khỏe dần sau 5 - 7 ngày. "Bệnh do siêu vi gây ra nên không có điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, ít dầu mỡ và các nhóm thực phẩm giàu vitamin C khi mắc bệnh", BS Phượng cho biết.
Một trong những căn bệnh dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường nhưng lại có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh chính là cúm. Theo các chuyên gia, triệu chứng cúm thường rầm rộ và nghiêm trọng hơn nhiều so với cảm lạnh: sốt cao hơn, đau nhức mình, mệt mỏi nhiều hơn. "Ở các đối tượng như trẻ em, người già và phụ nữ có thai....bệnh dễ trở nặng hơn và diễn tiến nhanh chóng đến suy hô hấp, đe dọa tính mạng. Khi có các triệu chứng này thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.", BS Phượng khuyến cáo.
Người già, phụ nữ mang thai và trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh về hô hấp
Làm gì để phòng bệnh hô hấp trong mùa mưa?
BS Phượng liệt kê một số biện pháp phòng bệnh:
Giữ ấm cơ thể: nhớ mang theo dù, áo mưa khi ra ngoài. Khi ướt mưa thì khi về nhà nên tắm ấm ngay. Dùng các thức uống ấm như trà, súp, cháo giúp tăng nhiệt độ trong cơ thể.
Cung cấp đủ nước cho cơ thể: đủ nước sẽ giúp duy trì thân nhiệt ổn định, loại bỏ các độc tố trong cơ thể. Nhu cầu trung bình hàng ngày cơ thể cần khoảng 2 lít nước, cần nhiều hơn khi làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, khi chơi thể thao, hay khi có tiêu chảy, ói...Chúng ta có thể dùng nước lọc thông thường, các loại nước trái cây, nước dừa hay các loại nước có điện giải pha sẵn.
Bổ sung vitamin C: có thể bổ sung vitamin C qua hình thức thuốc hay các thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn hàng ngày. Vitamin C giúp củng cố sức mạnh cho hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Hạn chế tiêu thụ chất cồn và thuốc lá: Chất cồn làm cơ thể bị mất nước và là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị suy yếu. Thuốc lá vô cùng nguy hiểm đối với cơ quan hô hấp, 80% các trường hợp ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá Thực tế, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư...
Ngủ đủ giấc: giấc ngủ giúp tái tạo sức khỏe sau một ngày dài làm việc. Người trưởng thành cần giấc ngủ 6 - 8 giờ trong ngày, người cao tổi thì ít hơn và trẻ nhỏ thì dài hơn
Vệ sinh tay: nên rửa tay với nước sạch và xà phòng là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. Luôn rửa tay trước ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hay khi tiếp xúc với nhiều người hay người đang bị cảm...Nên che miệng khi ho và hắt hơi để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
Vệ sinh mũi họng: Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý là biện pháp phòng ngừa hữa hiệu những căn bệnh liên quan đến đường hô hấp. Mỗi sáng hay sau khi đi ra đường về nên súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng . Ở nước ta, việc vệ sinh mũi vẫn còn xa lạ, nhưng thực ra đây là thói quen cần được thực hiện đúng cách hàng ngày, tương tự như đánh răng hay rửa tay để bảo vệ sức khỏe.
YẾN NHI
Theo Tiền phong
Bị ho có uống sữa được không? Nhiều cha mẹ tin rằng cho trẻ bị cảm lạnh uống sữa sẽ làm cho bệnh nặng hơn. Nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy đó là quan niệm sai lầm. Uống sữa không làm cho phổi tiết nhiều chất nhầy hơn, và các nhà khoa học cảnh báo không nên cắt khẩu phần sữa của trẻ vì đó là nguồn năng lượng,...