Đường non thành đặc sản, lò đường thủ công thành điểm đến
Món đường non dân dã đã thành đặc sản quà quê; lò đường thủ công nhọc nhằng, từ lúc nào đã trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm đầy thích thú.
Bánh tráng nhúng đường non – ngọt thanh thức quà dân quê. Ảnh: Xuân Hậu
Cứ Tháng Ba âm lịch, hàng ngày, người dân khắp vùng lại ghé nhà ông Trần Đình Hai (65 tuổi, xã Phú Thọ, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) đông như xem hội để được nếm món ăn quê dân dã đường non ngọt thanh, nguyên chất. Hơn 40 năm, bếp lò nấu mía đường thủ công của ông Hai vẫn đỏ lửa. Đây cũng là bếp lò nấu mía đường truyền thống còn lại duy nhất của toàn tỉnh.
Hương vị dân quê
Giữ cái nắng gắt của huyện Quế Sơn, Quảng Nam, người dân kiên nhẫn chịu đựng sức nóng bên bếp lò hừng hực lửa để được tẩm lớp đường non lên bánh tráng mang về làm quà. Thức quà quê đường non được chế biến đơn giản nhưng lại khiến người ăn khó cưỡng lại. Vị ngọt thanh ngay lần đầu chạm lưỡi, không ngọt khét, quyện và thơm từ từ xuống cổ họng, để lại nhiều lưu luyến với món ăn truyền thống này.
Người dân xã Phú Thọ rất tự hào về món đường non của quê hương. Hơn 10 năm trước, nhà nhà của xã đều có một lò mía đường truyền thống. “Ngày còn thịnh, nhà nào trong làng cũng làm mía đường thủ công, xóm làng tất bật từ 4h sáng. Mọi người làm quanh năm không nghỉ. Món đường non nhà nào cũng là lò nhúng”, ông Hai hồi tưởng.
Người dân kiên nhẫn chịu đựng sức nóng bên bếp lò hừng hực lửa để được tẩm lớp đường non lên bánh tráng mang về làm quà ăn. Ảnh: Xuân Hậu
Xã Phú Thọ, Quế Sơn trước đây từng là vùng trồng mía với diện tích lớn. Người dân trồng mía nhiều vụ, quanh năm cung ứng cho các lò mía đường thủ công của địa phương. Nguyên liệu để làm ra đường non đạt được vị ngọt thanh là từ giống mía trắng, thân nhỏ mà người dân ở làng trồng.
Mía sau khi thu hoạch sẽ được ép lấy nước, rồi được đổ vào 4 chảo lớn trên bếp lò nấu sôi. Công đoạn quan trọng nhất là đánh giá mức đường chín non đạt được độ dẻo ngọt và màu nâu vàng đẹp mắt. Mỗi mẻ sẽ đun sôi liên tục trong 30 phút, sau đó là 15 phút đạt độ sánh ngọt chuẩn của đường non để mọi người nhúng bánh tráng hay rót khuôn bỏ đậu phộng. Qua thời gian này, đường sẽ chín già, lại cát và chỉ dùng để đổ đường bát.
Video đang HOT
Vị ngọt thanh của đường non ngay lần đầu chạm lưỡi, không ngọt khét, quyện và thơm từ từ xuống cổ họng, để lại nhiều lưu luyến. Ảnh: Xuân Hậu
Mọi thứ đều chính xác đến từng li, cho từng tốp người, cứ thế, từ sáng đến trưa, và qua đầu chiều. Bắt gặp những vẻ mặt rạng rỡ khi hai tay bê chồng bánh tráng được tẩm qua lớp đường non sánh ngọt, người ta nâng niu thức quà ăn như nâng niu sự ngọt ngào của cả một vùng quê.
Nuôi dưỡng sự ngọt ngào
Bánh tráng nhúng đường non, đường non bỏ đậu phộng, đường non trải bẹ chuối,… đều là những món quà vặt mà trẻ con của vùng yêu thích hơn 20, 30 năm trước. Vị ngọt không giống bất kì loại bánh kẹo nào của ngày nay là điều khiến món quà chân quê này sống lâu trong tâm trí những vị khách khi đến đây.
Khách ghé nhúng bánh tráng đường non lớn ngoài 50 tuổi cũng có, nhỏ líu ríu như trẻ con quanh làng cũng có. Tất cả đều đến vì muốn được mang vị ngọt ấy về nhà. Chị Tô Thị Kim Hậu (Thăng Bình, Quảng Nam) là lần đầu tiên đi nhúng bánh. “Tôi đã ăn món này rất nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đến. Chú tôi hay nhắc về vị ngọt của đường non ở lò ông Hai và không bao giờ mua ngoài hàng quán. Người ta dùng đường cát để làm đường non thì vị ngọt luôn rất khét. Đó không phải là món quà mà chúng tôi được ăn trong bao năm. Chỉ nơi đây là vẫn còn nguyên chất”, chị Hậu chia sẻ.
Niềm vui của những vị khách khi nhúng được mẻ đường non ưng ý. Ảnh: Xuân Hậu
Những người khách xa lạ đến lò ông Hai rồi tự hóa thân quen. Câu chuyện mà họ hay kể cho nhau nghe để dịu bớt sức nóng của lò thường là một kỉ niệm, hay một lí do để đến với món ăn quê này. Có người ăn từ lúc còn lên 4, lên 5 đến tận bây giờ dù đã thành những bà mẹ, ông bố gần 40 nhưng vẫn không quên được món ăn hàng này. Có người vì nghén thai, không ăn được gì, cổ họng luôn đắng, ấy vậy mà lại mê mẩn thứ vị ngọt thanh của đường non ở đây. Một vài người từng thử từ bỏ vị ngọt của đường non lò ông Hai mà tìm đến bánh bán ở hàng quán vì xa xôi quá nhưng rồi vẫn quay về.
Bên cạnh bánh tráng nhúng đường non, khách còn rất ưa thích đường non trải đậu phộng. Ảnh: Xuân Hậu
Chính vị ngọt của món ăn truyền thống này đã nuôi dưỡng biết bao kỉ niệm về tuổi thơ của những ông bố, bà mẹ ăn quà thời đó. Phải đúng vị ngọt thanh, phải màu vàng nâu đẹp mắt, phải nguyên chất mùi mía đường thì mới là những điều mà những thực khách mong muốn được trải nghiệm.
Gìn giữ nghề truyền thống
Tất bật ép nước mía đổ vào các chảo, ông Hai chỉ nghỉ tay khi mọi người đang nhúng bánh. Cái nghề nắng nóng, lam lũ này đã theo ông hơn 40 năm nên giờ thành quen tay, hay việc.
Ông kể, thời khi vừa giải phóng, nghề của cha mẹ truyền lại, nên quyết tâm theo. Những năm 80, không có máy ép, ông và người dân quanh làng dùng sức bò để ép mía ra nước. Nay đỡ vất vả hơn khi có máy móc, nhưng nặng nhọc mà đồng lời ít ỏi nên nghề không giữ được người dân của làng bám trụ.
Ông Hai là người cuối cùng của làng còn duy trì lò mía đường truyền thống. Ảnh: Xuân Hậu
Để hoạt động được bếp lò tất cả các công đoạn phải cần ít nhất là 10 người làm từ vác mía, ép lấy nước, khoáy nấu đường, nhúng bánh tráng đường non, đến đổ khuôn đường bát,… Cả 10 người cùng làm quanh lò lửa từ sáng đến quá trưa mà vẫn không thể ngơi tay để có bữa cơm.
Đáp lại những cố gắng đó, người dân Quảng Nam, Đà Nẵng luôn ủng hộ món bánh tráng đường non của ông Hai hết lòng. Với chị Nguyễn Thị Hà (Đà Nẵng) thì bánh tráng nhúng đường non còn là món ăn của tuổi thơ ở thời không có nhiều bánh mức như bây giờ. “Ăn bánh tráng nhúng đường non đã gần 20 năm và luôn ủng hộ ông Hai. Ngoài hàng quán, người ta vẫn bày bán đầy loại bánh này, nhưng chỉ duy nhất ở lò của ông mới có vị mía đường nguyên chất, ngọt thanh, ăn mãi không dứt. Bởi vậy, dù tôi ở xa nhưng cứ đến mùa là lại tranh thủ vào nhúng bánh”, chị Hà chia sẻ.
Giờ đây, một năm, ông Hai chỉ có nguyên liệu để làm mía đường trong Tháng Ba âm lịch, còn lại ông phải bám vào mãnh ruộng của gia đình để kiếm sống. Trân quý nghề truyền thống của quê hương, ông Hai vẫn duy trì bếp lò bất cứ khi nào có nguyên liệu của người dân cung ứng. Với ông, niềm vui được sống với nghề là điều ông trân trọng hơn cả. Ông Hai day dứt: “Các con tôi đều đã đi làm công ty cả rồi. Hết đời tôi, khó mà bắt bọn nhỏ duy trì cái nghề của cha mẹ nên cứ còn được ngày nào, vẫn muốn làm nghề ngày đó”.
XUÂN HẬU
Ngọt ngào bánh tráng nhúng đường non
Bánh tráng nhúng đường non là thức quà vặt đặc sản một thời tuổi thơ nghèo khó, là nỗi mong chờ của nhiều thế hệ trẻ em làng tôi và đặc biệt in sâu trong trí nhớ người xứ Quảng một thời.
Món bánh giản dị mà gây thương nhớ
Độ tháng 2, tháng 3 âm lịch, vùng trung du xứ Quảng quê tôi bước vào mùa mía đường. Bánh tráng nhúng đường non là thức quà vặt đặc sản một thời tuổi thơ nghèo khó, là nỗi mong chờ của nhiều thế hệ trẻ em làng tôi và đặc biệt in sâu trong trí nhớ người xứ Quảng một thời.
Món bánh tráng nhúng đường non tưởng giản đơn nhưng thật ra được chuẩn bị từ rất lâu, bắt đầu từ việc tráng bánh.
Ngày ấy, những năm lúa mùa trúng đậm mới có được những chiếc bánh gạo thơm ngon. Gạo mùa đem vo sạch ngâm kỹ và thay nước liên tục trong 2 - 3 ngày. Gạo xay nhuyễn sền sệt, tráng mỏng lên tấm vải căng tựa cái trống trên mặt nồi hấp, đậy kín vài phút cho chín rồi dùng cây gạt vớt bánh, nhanh tay trải trên một cái phên tre mang đi phơi nắng.
Bánh phơi khô được các bà các chị cất kỹ trong ghè, khi cần đến mới dùng. Bánh tráng trước khi nhúng đường non phải mang đi nướng trên lửa than củi đã quạt thật hồng. Nướng xong, dùng sợi lạt tre xâu lại thành chùm rồi đứng canh khi chảo nước mía đã chuyển qua chè hai, chè ba và đợi đúng lúc thành đường non tức chè chuyển từ màu trắng sang màu vàng mới nhúng bánh.
Thế nên sớm hay chậm tay một chút là bánh sẽ mất ngon. Bánh vừa cho vào chảo là nhanh chóng xách lên. Bánh nguội, đường non sánh lại, trên mặt bánh lúc đó có màu vàng óng long lanh thật bắt mắt. Vậy là không thể chần chừ được nữa, nhanh tay bẻ từng miếng bánh, nhẹ nhàng đưa vào miệng, xuýt xoa vị ngọt đầy quyến rũ.
Với nhiều người quê tôi, bánh tráng nhúng đường non giờ chỉ là thức quà ký ức. Những đám mía ngút ngàn xanh, những lò đường thơm mùi mật mía đã hiếm dần. Bất chợt chiều nay bắt gặp gánh mía ngang qua phố nhỏ, lòng lại thấy nao nao nhớ vị ngọt đường non, âm thanh giòn tan của tấm bánh luôn gắn với tiếng cười, xuýt xoa thời thơ ấu.
Theo Thanhnien
Chè Lam Thạch Xá Đặc sản làm từ "bông hoa bỏng" từng tặng nghĩa quân Lam Sơn Khác với đa phần các loại bánh làm từ gạo, bột bánh thường được xay trực tiếp từ gạo, thì Chè Lam Thạch Xá được làm cầu kỳ hơn, được làm từ "bông hoa bỏng" của gạo nếp. Gạo nếp rang dưới bếp lửa đỏ hồng sẽ nở bung, cho "bông hoa bỏng", màu trắng, thơm lừng. Sau đó bỏng gạo sẽ được...