Đổi mới thi cần tham khảo mô hình khảo thí các nước
TS Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM – cho rằng trong giáo dục, công tác kiểm tra, đánh giá có tác động vô cùng lớn đến quá trình dạy và học.
Cán bộ coi thi hướng dẫn thí sinh cách làm bài trên phiếu trả lời trắc nghiệm trước giờ thi môn ngoại ngữ tại điểm thi Trường THCS Hồng Bàng, Q.5, TP.HCM ngày 8-7 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Chính nói: “Nếu được định hướng đúng, thực hiện đúng, các kỳ thi sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy và học. Ngược lại nếu định hướng sai, thực hiện sai, các kỳ thi không chỉ làm giảm chất lượng dạy và học mà còn tạo ra các tác động xấu, làm giảm chất lượng và uy tín của cả hệ thống giáo dục”.
Để giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, ngành giáo dục cần quan tâm nhiều hơn đến các biện pháp giúp các trường “tuyển đúng”.
TS Nguyễn Quốc Chính
Nhiều vấn đề cần làm rõ
* Theo ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH cần đổi mới ra sao?
- Việc đổi mới các kỳ thi cần được thực hiện một cách cẩn trọng, có tính hệ thống từ cấp quốc gia đến cấp đơn vị; cần có những phân tích, đánh giá khoa học dựa trên những số liệu, dữ kiện cụ thể, từ đó xác định những giải pháp phù hợp. Chỉ riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, 20 năm qua đã có nhiều lần thay đổi…
Nhìn lại lịch sử có thể thấy việc đổi mới công tác thi (cụ thể cho một kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ) chưa được thực hiện một cách có hệ thống. Toàn ngành giáo dục cần nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện và hệ thống hơn.
Cần xác định rõ vai trò của kỳ thi THPT ở cấp quốc gia và của các kỳ thi đánh giá năng lực do các trường ĐH, CĐ hoặc các trung tâm khảo thí độc lập tổ chức. Từ đó xác định mô hình hệ thống, xây dựng chính sách và lộ trình triển khai phù hợp.
* Ông có thể nói rõ hơn?
- Rất nhiều vấn đề cần được làm rõ trước khi thực hiện đổi mới. Ví dụ như hệ thống khảo thí, đánh giá của Việt Nam sẽ có mô hình, cấu trúc như thế nào?
Mô hình này có tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới hay không? (mô hình phân tán với nhiều trung tâm khảo thí độc lập như tại Hoa Kỳ; mô hình tập trung với trung tâm khảo thí quốc gia tổ chức cả kỳ thi THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga).
Mục tiêu của kỳ thi THPT là gì? Đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm về đề thi? Đơn vị nào chịu trách nhiệm về tổ chức thi?
Các biện pháp bảo đảm trách nhiệm giải trình của kỳ thi? Vai trò, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của trung tâm khảo thí quốc gia là gì? Trung tâm khảo thí quốc gia tham gia vào thi THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ như thế nào?
Vai trò nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của các trung tâm khảo thí độc lập, các trung tâm khảo thí thuộc các cơ sở giáo dục ĐH là gì? Cơ chế, chính sách nào cần thực hiện để bảo đảm sự phát triển của các trung tâm này đồng thời để giám sát, đánh giá, kiểm định các trung tâm…?
TS Nguyễn Quốc Chính
“Tuyển đủ” chứ chưa “tuyển đúng”
* Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH trong công tác tuyển sinh đã được xác định rõ trong Luật giáo dục ĐH. Theo ông, để có thể phân loại và tuyển chọn thí sinh phù hợp, các trường ĐH, CĐ nên tuyển sinh theo phương thức nào?
- Trong thực tế, các trường đã vận dụng đầy đủ quyền tự chủ trong tuyển sinh thể hiện qua việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh (xét kết quả phổ thông, kỳ thi đánh giá riêng, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả THPT quốc tế…).
Khi thực hiện tuyển sinh, các trường luôn quan tâm đến hai vấn đề. Một là tuyển đủ chỉ tiêu, hai là tuyển đúng người học có năng lực tốt và phù hợp với ngành nghề đào tạo. Trong hai vấn đề này thì “tuyển đủ” là việc dễ làm hơn là “tuyển đúng”.
Với đa số các trường “tuyển đủ chỉ tiêu” là mục tiêu được ưu tiên thực hiện, “tuyển đúng” là mục tiêu phấn đấu lâu dài. Đa số các trường sẽ vận dụng quyền tự chủ của mình để tuyển đủ.
Những phương án kỹ thuật mà toàn ngành giáo dục áp dụng, sửa đổi, cải tiến, đổi mới trong suốt giai đoạn vừa qua cũng chủ yếu hướng đến việc giúp các trường tuyển đủ chỉ tiêu.
Để giúp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, ngành giáo dục cần quan tâm nhiều hơn đến các biện pháp giúp các trường “tuyển đúng”.
Việc “tuyển đúng” sẽ thuận lợi khi có các điều kiện: đa số người học tốt nghiệp THPT có năng lực cao, đáp ứng được những yêu cầu học tập ở bậc ĐH.
Các thang đo chính xác, có tính giá trị và có độ tin cậy cao được sử dụng trong quá trình học phổ thông, thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực tại các trường ĐH, CĐ hay tại các trung tâm khảo thí độc lập. Thông qua đó các trường ĐH, CĐ có thể phân loại và tuyển chọn thí sinh phù hợp.
* Ông đánh giá thế nào về vai trò của các kỳ thi trong công tác tuyển sinh ĐH hiện nay?
- Vai trò của kỳ thi THPT, kỳ thi đánh giá năng lực rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục. Các kỳ thi không chỉ là công cụ giúp xét tốt nghiệp THPT hay giúp tuyển sinh ĐH, CĐ mà còn đóng vai trò định hướng học tập cho học sinh phổ thông.
Thực tế giáo dục tại Việt Nam (cũng như tại đa số các nước trên thế giới) cho thấy các kỳ thi luôn có tác động rất lớn đến quá trình dạy và học. Tình trạng “thi gì học nấy” đã trở thành thực tế phổ biến trong các trường học.
Do đó nếu các kỳ thi được thiết kế một cách khoa học: kỳ thi THPT đánh giá đúng được mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; kỳ thi đánh giá năng lực đánh giá đúng được những năng lực cần thiết để học ĐH thì sẽ giúp quá trình dạy và học trong trường phổ thông được thực hiện đúng bản chất, giúp người học phát triển được toàn diện cả kiến thức, kỹ năng, năng lực vận dụng những kiến thức và kỹ năng đó một cách tự chủ và có trách nhiệm.
“Thi thật” sẽ tạo cơ sở cho “học thật”
* Vậy ngành giáo dục nên làm gì với các kỳ thi, thưa ông?
Học sinh lớp 12 ở xã đảo Thạnh An, Cần Giờ, TP.HCM trong ngày trở lại trường 20-10 – Ảnh: QUANG ĐỊNH
- Vấn đề quan trọng của ngành giáo dục Việt Nam bây giờ không phải là cải tiến công tác tuyển sinh ĐH, CĐ mà là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Để làm được việc này cần thực hiện đồng bộ các công tác về xây dựng chương trình, đổi mới phương pháp dạy/học/kiểm tra đánh giá, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở hạ tầng.
Trong số những công tác này thì việc đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá là công tác dễ thực hiện nhất, nhưng lại có tác dụng nhanh nhất, trực tiếp nhất tới các công tác khác.
Trong ba mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật” thì “thi thật” là mục tiêu cần được thực hiện đầu tiên.
Thực tế đã chứng minh ở bất cứ một nền giáo dục nào từ tiên tiến đến lạc hậu, quá trình học tập và giảng dạy luôn được/bị định hướng bởi phương pháp kiểm tra đánh giá.
Việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy và học chỉ thực sự có hiệu quả khi có phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp giúp đánh giá được chính xác mục tiêu đào tạo và các chuẩn đầu ra của chương trình, đồng thời bảo đảm được tính công bằng, minh bạch. “Thi thật” sẽ định hướng và tạo cơ sở cho “học thật” và giúp hình thành “nhân tài thật”.
Để bảo đảm “thi thật” cần thực hiện tốt cả công tác về đề thi và tổ chức thi. Với kỳ thi THPT, việc thiết kế đề thi cần được cải tiến toàn diện để giúp đánh giá được các chuẩn đầu ra cả về kiến thức và kỹ năng của chương trình THPT. Đề thi trong các năm qua chủ yếu tập trung đánh giá khả năng nhớ và thuộc kiến thức trong khi chưa đánh giá được khả năng vận dụng, phân tích, đánh giá kiến thức.
Ngoài ra, những năng lực cơ bản của người tốt nghiệp THPT (năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội…) cũng chưa được đề cập đến trong đề thi.
Trong bối cảnh Việt Nam, việc phân cấp cho các địa phương tổ chức kỳ thi THPT cần được giám sát chặt chẽ. Trách nhiệm giải trình của các công tác, từ xây dựng câu hỏi đến tổ chức thi, sử dụng kết quả thi cần được thực hiện đầy đủ.
Chưa kiểm tra định kỳ ngay sau khi học sinh trở lại trường
Ngày 22.10, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 4808 về việc thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy học khi học sinh (HS) trở lại trường học tập.
Bộ GD-ĐT quy định việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian sau khi học sinh trở lại trường - PHẠM HỮU
Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động rà soát, đánh giá, phân loại kết quả học tập trực tuyến, qua truyền hình của các nhóm đối tượng HS để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp điều kiện thực tế và tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại địa phương. Khi HS mới trở lại trường học, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho HS chuyển trạng thái từ học trực tuyến, học qua truyền hình sang học tập trực tiếp tại trường.
Đồng thời, tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng HS có điều kiện học trực tuyến; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng HS không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các HS không tiếp cận được truyền hình, HS chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.
Covid-19 sáng 23.10: 881.522 ca nhiễm, 803.326 ca khỏi | TP.HCM hỗ trợ đợt 3 đến tháng 11
Công văn của Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các cơ sở giáo dục sử dụng hiệu quả thời gian HS được đến trường để tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp các nội dung cơ bản, cốt lõi theo các văn bản hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD-ĐT phù hợp với điều kiện của nhà trường và đối tượng HS, tránh gây áp lực, quá tải đối với HS.
"Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tiếp tại trường cần được thực hiện sau một thời gian HS đã được ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức", công văn nêu rõ, đồng thời lưu ý việc duy trì tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình phù hợp với kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp. Cụ thể, đối với các trường cho HS đi học bình thường, tiếp tục sử dụng hệ thống học liệu dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình hỗ trợ dạy học trực tiếp; đối với các trường chia nhóm cho HS đến trường học tập, tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp với các nội dung phù hợp để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình.
Sẽ mở rộng kỳ thi đánh giá năng lực Năm 2022, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ tập trung đầu tư mở rộng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh tham dự kỳ thi và phối hợp với nhiều trường thực hiện "nhóm tuyển sinh chung". Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức...