Đi làm móng, suýt mất ngón tay
Chỉ đến chậm chút nữa là chị Lan đã phải tháo khớp hoặc cắt bỏ ngón tay để bảo toàn tính mạng, bởi ngón tay chị đã nhiễm trùng nặng do làm móng.
Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng phòng Khám bệnh, Viện Da liễu Quốc gia, cho biết phòng khám của ông từng tiếp nhận không ít bệnh nhân đến khám vì hậu quả của việc làm đẹp cho móng tay. Có những bệnh nhân chỉ bị dị ứng do dung dịch sơn vẽ trên móng, hoặc dung dịch tẩy rửa. Nhưng cũng có nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng.
Đi cấp cứu chỉ vì bấm móng
Trường hợp chị Hoàng Thanh Lan, 27 tuổi ở Hàng Bông, Hà Nội là một ví dụ. Chị đến viện khám trong tình trạng ngón trỏ và ngón cái sưng phồng, đau buốt, chảy dịch vàng, người bị sốt. Theo chị Lan, ba ngày trước đó chị có đi sơn sửa móng tay tại một cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Do khi cắt da thừa và bấm móng, cô nhân viên bấm quá sâu nên khóe tay bị chảy máu. Nghĩ là chuyện đơn giản nên chị Lan không để ý, chỉ đến khi hai ngón tay sưng vù, đau nhức không thể cầm nắm được, chị mới tới Bệnh viện khám.
Lấy móng quá sâu có thể gây nhiễm trùng ngón tay, chân (Ảnh: Kim Anh)
Bác sĩ Thành chẩn đoán chị Lan bị bệnh chín mé. Đây là bệnh nhiễm trùng tạo mủ hoặc áp xe ở đầu múp các ngón tay, ngón chân. Nguyên nhân thường gặp là tụ cầu khuẩn vàng (S.aureus), Herpes. Nếu không được chữa trị kịp thời, giữ vệ sinh thì bệnh có thể gây những biến chứng như viêm xương, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây tử vong. Trường hợp của chị Lan may mắn vẫn còn cứu được ngón tay bằng việc điều trị kháng sinh liều cao. Còn với những trường hợp để quá muộn, khi nhiễm trùng đã hoại tử, có thể sẽ phải tháo khớp hoặc cắt bỏ ngón tay để bảo đảm tính mạng.
Đẹp móng, hại người
Theo bác sĩ Thành, ngoài bệnh chín mé, thói quen làm móng, cắt tóc ở những cơ sở không đảm bảo rất có thể bị lây nhiễm những bệnh nguy hiểm. Một nghiên cứu mới đây được đưa ra tại hội nghị khoa học thường niên của American College of Gastroenterology tổ chức tại Mỹ, nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm gan qua các dụng cụ làm móng tay, móng chân hay dụng cụ cắt tóc đã trở thành vấn đề đáng ngại. Các dụng cụ được nghiên cứu bao gồm dũa móng tay, bàn chải móng, chậu rửa, bông tẩy sơn móng, dao cạo, và kéo. Không những có thể là nơi trú ẩn lý tưởng cho các vi khuẩn gây hại nếu không được tẩy trùng và làm sạch cẩn thận, các dụng cụ trên còn có nguy cơ trở thành vật trung gian lây nhiễm các bệnh nguy hiểm như viêm gan B và C.
Video đang HOT
Ngoài ra, việc thay đổi màu sơn móng thường xuyên sẽ làm thoái hóa móng bởi mỗi một lần sơn, móng phải chịu tác động của nhiều loại chất gồm: nước rửa móng, nước sơn, nước làm móng… Các hóa chất này có thể làm vàng móng, kích ứng phần da quanh móng, khiến chúng trở nên khô, giòn dễ gãy, nặng hơn có thể gây ra hiện tượng hở móng.
Lưu ý khi cắt móng
Các chuyên gia khuyến cáo, để có móng tay, móng chân khỏe, đẹp cần thực hiện các biện pháp chăm sóc bảo vệ móng như sau: không nên cắn móng tay hoặc gây tổn thương cho móng, bởi vì vi khuẩn có thể xâm nhập qua vết thương nhỏ. Dùng găng tay bằng cao su để tránh cho móng không tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, dung dịch hòa tan, dầu nhớt, xà phòng… vì các chất này rất dễ làm tổn thương, thay đổi cấu trúc, hình dạng và màu sắc của móng. Dùng mỹ phẩm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Tuyệt đối không dùng thuốc rửa móng có chất acétone vì nó làm móng khô giòn, dễ gãy.
Khi cắt móng cần lưu ý không cắt quá sát vào da hoặc lấy khóe sâu ở hai bên của ngón chân, ngón tay, không cắt móng tròn. Móng nên được cắt thẳng và giữ cho đầu móng luôn dài hơn da. Điều này ngăn chặn gốc móng đâm vào da. Tốt nhất nên sắm cho mình một bộ dụng cụ làm móng và dao cạo riêng để sử dụng mỗi khi tới tiệm làm đẹp.
Theo Minh Ninh
Đất Việt
Khô da sắc tố - Thủ phạm gây bệnh ngứa "điên" ở Hòa Bình
Sau khi vào cuộc nghiên cứu một cách tỉ mỉ, các chuyên gia của viện Da liễu quốc gia đã xác nhận thủ phạm gây ra bệnh "quỷ ám" cho 8 bệnh nhân ở Hòa Bình chính là bệnh khô da sắc tố. Vậy đây là bệnh gì và có lây không?
Khô da sắc tố là một chứng bệnh rất hiếm gặp. Dưới 40% bệnh nhân sống sót sau 20 tuổi.
Bệnh di truyền
Bệnh khô da sắc tố là một hội chứng rối loạn nhiễm sắc thể do di truyền, khiến cho khả năng bảo vệ cơ thể và chữa lành những tổn thương gây ra do tia cực tím bị mất đi. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt và các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ở một số trường hợp, bệnh còn gây ra những tổn thương tới hệ thần kinh.
Những biểu hiện của bệnh khô da sắc tố thường bắt đầu xuất hiện ở trẻ sơ sinh hoặc trong những năm đầu đời. Nhiều trẻ em mắc bệnh hình thành những vết bỏng da nghiêm trọng do cháy nắng chỉ sau vài phút tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Các vết cháy nắng tấy đỏ và phồng rộp lên có khi tới hàng tuần.
Ở một số trẻ khác, da không bị cháy nắng, mà chỉ rám và sậm màu hơn bình thường. Tới 2 tuổi, hầu hết tất cả trẻ mắc bệnh đều xuất hiện các vết tàn nhang nhiều trên da, đặc biệt ở những vùng da không được che chắn (mặt, cánh tay, môi) những vết tàn nhang dạng này hiếm khi xuất hiện ở trẻ nhỏ không mắc bệnh.
Người bị khô da sắc tố có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư da. Ở những bệnh nhân nhỏ tuổi, bệnh thường gây ra ung thư biểu mô tế bào đáy và các dạng u ác tính khác trên da (khoảng một nửa số trẻ dưới 10 tuổi mắc chứng khô da sắc tố bị ung thư da). Các dấu hiệu ung thư xuất hiện trên mặt, môi, mí mắt, trên da đầu, trong mắt, thậm chí đầu lưỡi. Ngoài ung thư da, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân bị khô da sắc tố còn có nguy cơ mắc các chứng ung thư khác, bao gồm cả u não ác tính. Bệnh nhân hút thuốc dễ mắc thêm bệnh ung thư phổi.
Đôi mắt của người bị khô da sắc tố thường rất nhạy cảm trước tia cực tím. Nếu không được bảo vệ khỏi ánh nắng, mắt sẽ bị kích thích, đỏ ngầu lên, giác mạc mờ đục. Ở một số người, lông mi rụng gần hết, mí mắt mỏng đi, lộn ngược bất thường vào trong hay ra ngoài. Ngoài việc tăng khả năng gây ung thư mắt, chứng khô da sắc tố còn gây giảm thị lực ở người mắc bệnh.
Khoảng 30% số người mắc bệnh có dấu hiệu bị ảnh hưởng về mặt thần kinh. Những biểu hiện này bao gồm: mất khả năng nghe, khả năng tiếp nhận thông tin kém, khó đi lại di chuyển, mất khả năng tư duy, nuốt thức ăn và nói chuyện khó khăn, co giật. Một khi những dấu hiệu trên xuất hiện, chúng sẽ ngày một tồi tệ theo thời gian.
Khô da sắc tố là một bệnh rất hiếm gặp với tần số xuất hiện thấp: ở châu Âu và Mỹ khoảng 1/250.000 dân ở Nhật cao hơn: khoảng 1/40.000 dân. Bệnh có thể gặp ở tất cả các chủng tộc, không phân biệt nam nữ, thường biểu hiện rất sớm (1 - 2 tuổi). Dưới 40% bệnh nhân sống sót sau 20 tuổi. Những trường hợp nhẹ có thể sống tới tuổi trung niên.
Cơ hội nào cho những bệnh nhân bị "quỷ ám" ở Hòa Bình?
Theo các bác sĩ Viện Da liễu, bệnh khô da sắc tố có thể được điều trị. việc điều trị bệnh là suốt đời, và phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau:
- Tuyệt đối hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Khi ra ngoài cần mặc quần áo dài tay, mũ rộng vành, kính ngăn tia tử ngoại, bôi kem chống nắng thường xuyên.
- Thường xuyên tới bác sĩ da liễu để thăm khám và chẩn đoán những diễn tiến mới nhất của bệnh.
Ngoài ra, trên thế giới, một số biện pháp đã được khoa học chứng minh là có khả năng làm giảm biểu hiện bệnh và duy trì sự sống cho người mắc chứng viêm da sắc tố:
- Sử dụng retinoids đường uống làm giảm tỷ lệ mắc ung thư da ở những bệnh nhân bị khô da sắc tố.
- Trị liệu với 5-fluorouracil cũng có thể phát huy tác dụng. Imiquimod dạng kem bôi 5% sử dụng 3 lần mỗi tuần kết hợp với thuốc uống acitretin (20 mg/ngày) từ 4-6 tuần giúp giải quyết các khối u.
- Liệu pháp DNA và liệu pháp gen.
- Cắt bỏ hoàn toàn các khối u ác tính do chứng viêm da sắc tố gây ra.
Theo Dân Trí
Bệnh "lạ" ở Mường Chiềng, có lạ? Theo Viện Da liễu Quốc gia: Căn bệnh là khô da sắc tố, bệnh di truyền rất hiếm gặp. Nguyên nhân là do đột biến hoặc do di truyền hiếm gặp lặn trên nhiễm sắc thể thường gây nên. Người bệnh rất cần sự cảm thông và chia sẻ của cộng đồng.Gần đây, dư luận bàn tán nhiều đến việc một số người...