Củ ấu miền Tây – món quà vặt ngọt bùi của trẻ con vùng quê
Có vẻ ngoài đen đúa, ngộ nghĩnh, song bên trong củ ấu lại trắng ngần, vị ngọt bùi, là món ăn vặt một thời của trẻ con.
Vài tuần trước tôi có dịp về thăm quê. Tôi thích cảm giác mỗi khi xe chạy ngang xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp hay trên tuyến đường đi tỉnh ngang Vĩnh Long. Hình ảnh từng túp lều nhỏ ven đường, nhiều nồi ấu to đùng đang nghi ngút khói, cạnh đó là những túi củ ấu còn nóng hổi, khiến tôi nhớ mãi. Đó không chỉ là một món ăn đã gắn liền với tuổi thơ, không chỉ riêng tôi, mà có lẽ còn là ký ức của biết bao thế hệ.
Đến miền Tây, không khó để tìm mua củ ấu ở bất kỳ thời điểm nào, bởi người nông dân có thể trồng 3 vụ, mỗi vụ kéo dài 3 tháng trong năm.
Hồi còn nhỏ, mỗi khi mẹ đi chợ thường mua về cho tôi nhiều món ăn vặt như khoai lang, khoai mì, khi lại là cái bánh cam hay trái chuối nướng… Tôi thích lắm và xem như đó là món quà thật quý. Trẻ con mà, ba mẹ mua cho thứ gì mà chẳng thích, miễn sao no bụng là đủ vui rồi!
Trong số những món ăn dân dã mà mẹ vẫn hay mua về làm quà cho tôi còn có củ ấu luộc. Thật lạ. Tôi cứ thắc mắc và hay hỏi mẹ, cái củ gì mà có vẻ ngoài xấu xí, đen nhẻm, hai sừng cong nhọn như sừng trâu, trông thật ngộ nghĩnh. Mẹ tôi bảo, đó là củ ấu nằm trong thân một loại cây phát triển và sinh trưởng tốt ở một vài tỉnh miền Tây Nam Bộ. Cây ấu cùng họ với sen, súng bởi nó thích nghi tốt với ao đầm và những chân ruộng có nước quanh năm. Ấu là một loài thân đốt, lá hình tròn, có mép răng cưa nổi trên mặt trước và củ ấu mọc ra từ trong thân… Mẹ nói tuy vẻ ngoài của củ ấu xấu xí nhưng bên trong lại chứa đựng nhiều tinh bột trắng ngần, mùi thơm và vị ngọt bùi đặc trưng.
Ấu là một loài thân đốt, lá hình tròn, có mép răng cưa nổi trên mặt trước và củ ấu mọc ra từ trong thân.
Tôi còn nhớ, vì chị em tôi thích ăn ấu nên bà tôi đã tìm mua rất nhiều cây con để trồng ở cái ao còn bỏ trống phía sau hè. Thời điểm đó, mùa ấu không kéo dài như những loại củ hay quả khác. Ấu từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 3 tháng dài. Canh thời điểm ấu già, bà ra sau hè, lội xuống cái ao để bẻ ấu. Mỗi lần như vậy, bà bẻ cả thúng ấu già căng tròn, còn tươi roi rói để luộc cho chị em tôi thưởng thức.
Tôi học cách luộc củ ấu khéo léo từ bà. Bà bảo, luộc củ ấu như luộc khoai lang, khoai mì vậy đó. Nếu biết cách luộc thì củ ấu ăn mới cho vị ngon ngọt được. Ấu nếu luộc không kỹ khi ăn sẽ bị sượng, mà luộc lâu quá thì lại cho thịt nhão, nhạt và mất hết vị ngọt thơm vốn có của nó.
Củ ấu không phải là món ăn để no bụng, mà chỉ để thưởng thức từ từ, chậm rãi. Trước khi ăn ấu, bà tôi có dặn, khi cắn củ ấu bằng răng phải thật cẩn thận, để gai ấu không đụng vào nướu hay lưỡi, dễ bị trầy xước. Củ ấu già sẽ cho vị bùi đặc trưng, kích thích vị giác. Làm theo cách của bà, chị em tôi cứ thế mà chậm rãi thường thức từ củ này sang củ khác, đến sạch một rổ ấu lúc nào chẳng hay. Sau khi ăn củ ấu xong, hai bàn tay và miệng đứa nào cũng dính màu đen thui của vỏ ấu. Bà tôi còn dặn dò thêm, vỏ ấu sau khi ăn phải gom lại cẩn thận, phơi khô để dành nhóm bếp hoặc đốt đi. Vì nếu không cẩn thận, gai ấu khô đâm vào chân tay, sẽ mắc luôn trong da thịt, gây nên chảy máu và đau nhức.
Video đang HOT
Những thúng ấu căng tròn, tươi rói vừa được bẻ khỏi thân.
Bên cạnh ấn tượng bởi hương vị, chị em tôi còn mê những trò chơi thú vị từ củ ấu. Có khi chúng tôi dùng tay quẹt vào màu đen của vỏ ấu rồi trét lên mặt nhau. Đứa nghịch hơn thì dùng nửa vỏ ấu đã cắn làm đôi để gắn vào từng ngón tay, giả làm “bàn tay quỷ” nhát những đứa còn lại. Trong khi đó, những củ nào cứng và to hơn, mấy em trai lại dùng tăm khoét lỗ làm thành sáo để thổi ngân nga những giai điệu không đầu không đuôi, vang khắp cả xóm làng.
Thời đó, vì mùa ấu quá ngắn, nên những người chuộng thứ quà vặt dân dã này như tôi lại tranh thủ ăn cho thỏa cơn thèm. Nhưng giờ đây, không khó để tìm mua củ ấu ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, bởi người nông dân có thể trồng 3 vụ, mỗi vụ kéo dài suốt 3 tháng. Tuy đen đủi, xấu xí là thế, ấy vậy mà củ ấu vừa là món ăn ngon, vừa mang lại nguồn thu nhập cho những người dân nghèo ở một vài tỉnh miền Tây quê tôi. Ngoài luộc chín để thưởng thức như một thứ quà vặt, ngày nay, củ ấu còn có thể biến tấu thành nhiều món ngon như nấu canh, hầm xương, nấu chè… được nhiều người ưa thích.
Bên trong củ ấu trắng ngần, vị ngọt bùi, là món ăn vặt một thời của trẻ con quê tôi.
Đi ngang qua xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cơn mưa miền Tây bất chợt tầm tã, tôi vội bước xuống ven đường, ghé túp lều của bà 5 để mua một túi ấu gai luộc sẵn, còn nóng hổi. Cầm củ ấu trên tay, tôi cắn làm đôi. Chính vị ngọt bùi của củ ấu đã giúp tôi như sống lại cả một vùng trời tuổi thơ năm nào.
Thư Kỳ
Theo ngoisao.net
"Phù thủy" làng hoa Sa Đéc chuyên đi sưu tầm những giống hoa độc, lạ
Làng hoa Sa Đéc từ lâu được biết đến là vựa hoa, là xứ sở ngàn hoa của miền Tây. Song, ít có ai biết rằng để có một làng hoa bạt ngàn với hơn 2.500 loài hoa như ngày hôm nay thì nhiều thế hệ nông dân ở đây phải đi sưu tầm, tìm kiếm và lai tạo nhiều giống hoa mới và trong số những người tiên phong đó có một lão nông chuyên đi sưu tầm những giống hoa độc, lạ.
Nông dân Trần Văn Tiếp chăm sóc các giống hoa mới.
Người "phù thủy" mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là nông dân Trần Văn Tiếp (ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông- TP Sa Đéc).
Sở dĩ người ta gọi ông là phù thủy là vì gần 40 năm gắn bó với nghề trồng hoa là bấy nhiêu năm ông đi bôn ba sưu tầm những giống hoa mới, lạ và đặc biệt là mỗi năm ông đều "hô biến" ra một giống hoa mới để cung ứng cho thị trường.
Mặc dù đã biết bao lần trắng tay khi thử sức mình với những giống hoa lạ nhưng ông Tiếp vẫn không từ bỏ tình yêu mà ông dành cho hoa.
Nhắc về một kỷ niệm đáng nhớ trong những tháng ngày thăng trầm với hoa, ông Tiếp bùi ngùi kể: "Tôi nhớ vào thập niên 80, khi tôi mang hoa lên thị trường ở cao nguyên.
Chúng tôi lên đó với một xe tải bự, khi bắt đầu xuống xe thì trời bắt đầu vào mùa rét lạnh, hoa hư gần hết, không bán được.
Tôi kêu công nhân gom giấy báo lại thành một đống rồi chui vô đó nằm. Lúc nằm trong đống báo, tôi mới bồi hồi xúc động và rớt nước mắt cảm nhận sao mình giống mấy con heo chung vô túm lá chuối khô của mẹ tôi quá".
Cực khổ là vậy nhưng với người đàn ông tóc đã hoa râm này, tình yêu dành cho hoa vẫn luôn cháy bỏng. Những thất bại đã giúp ông đúc kết được cho mình thêm nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng hoa.
Thấy những giống hoa truyền thống ngày càng khó bán nên ông Tiếp chuyển sang trồng và sưu tầm nhiều giống hoa mới, độc, lạ để cung ứng cho thị trường.
Những năm gần đây, mỗi năm ông Tiếp đều tung ra thị trường một hoặc nhiều giống hoa mới. Tính đến nay, đã có hàng chục giống hoa mới, hoa ngoại được ông sưu tầm, mang về làng hoa Sa Đéc và được nhiều người đón nhận.
Trong đó phải kể đến như: cây hương thảo, trúc mai, cúc zinna, sao nhái 7 màu, hạt đỉnh lan, hoa ly,... Riêng Tết Mậu Tuất vừa qua, ông chọn trồng giống dưa hấu tí hon Pepino, lần đầu xuất hiện tại miền Tây.
Nói về ý tưởng sưu tầm những giống hoa mới của mình, ông Tiếp tâm sự: "Theo tôi suy nghĩ nếu mình làm hoa truyền thống không mà không có chuyển sang những hoa độc lạ thì thành phố hoa mình không rực rỡ, không tươi đẹp.
Từ những suy nghĩ đó, tôi mới tìm tòi, bỏ công sức để tạo ra những sản phẩm độc lạ. Mục đích của tôi là làm thế nào làm cho thành phố hoa mình nó tươi đẹp, thơ mộng và có những dấu ấn.
Du khách tới là cảm nhận làng hoa Sa Đéc mình rực rỡ với nhiều sắc hoa".
Mặc dù đã ngoài 60 tuổi nhưng đã trót yêu hoa và mang "nợ" với hoa nên chưa bao giờ ông Tiếp muốn ngừng nghỉ công việc sưu tầm hoa, bởi trong con người này luôn nảy sinh nhiều ý tưởng mới, táo bạo với mong muốn góp sức mình vào sự phát triển ngành hoa kiểng của địa phương.
Đơn cử như mới đây, ông đã đầu tư trên 1 tỷ đồng thuê đội ngũ chuyên gia thiết kế hệ thống chiết xuất tinh dầu từ hoa dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian tới đây nhằm tận dụng tối đa phụ phẩm từ hoa, góp phần gia tăng thêm giá trị sản phẩm hoa Sa Đéc.
Nói về ý tưởng thực hiện việc chiết xuất tinh dầu hoa, ông Tiếp cho biết thêm: "Thường nông dân trồng hoa bán sản phẩm không hết thì chặt bỏ rồi vứt đi rất lãng phí.
Do đó tôi mới nảy sinh ra ý tưởng chiết xuất tinh dầu và tôi quyết định sẽ làm nhà máy tinh dầu cúc trước tiên, vì người dân ở Sa Đéc trồng hoa cúc quá nhiều.
Khi tôi đưa nhà máy này vào hoạt động, tôi sẽ tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Nông dân sẽ không còn sợ bấp bênh bởi thương lái ép giá và tôi muốn rằng thành phố hoa Sa Đéc sau này sẽ có những cánh đồng hoa cúc vàng ươm trải dài, ngoài việc lấy tinh dầu, còn phục vụ ngành du lịch của thành phố".
Tuy sở hữu nhiều giống hoa mới lạ nhưng điều đáng quý ở ông Tiếp là chưa bao giờ ông có ý định giữ riêng một loài hoa nào cho vườn nhà mình mà ông luôn chia sẻ kinh nghiệm cũng như cách trồng nhiều giống hoa mới cho bà con nông dân xung quanh.
Ông sẵn sàng bán và chia sẻ những cây giống để bà con cùng trồng. Điển hình như mới đây, ông đã dành riêng một phần diện tích đất trước nhà mình vốn dùng để trồng hoa để xây dựng một hội quán mang tên "Hội quán tôi yêu màu tím".
Đây chính là nơi để ông tập hợp nhiều bà con nông dân có chung sở thích trồng hoa, sưu tầm những giống hoa mới, độc lạ để cùng gặp gỡ, chia sẻ với nhau nhiều kinh nghiệm hay.
Ghi nhận những đóng góp thầm lặng của ông- người mang thêm hương sắc cho làng hoa, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đã tặng ông bức tranh kèm theo 2 câu thơ như sau:
"Người của hoa của đam mê khát vọng
Đất người tình thêm nữa một bài ca"
Bức tranh được ông trân trọng treo ngay cửa chính trong nhà như một sự ghi nhận của chính quyền địa phương đối với những nỗ lực, cống hiến mà thời gian qua ông đã dành cho hoa Sa Đéc.
Đây cũng sẽ là động lực để ông có thêm niềm tin trên chặng đường đưa hoa Sa Đéc vươn xa hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Thanh Nghĩa (Báo Vĩnh Long)
Loạt ảnh thẻ 'méo mặt' với 1001 biểu cảm hài hước 'cười ra nước mắt' Những nhân viên của công ty này đã dành nhiều công sức, thời gian để 'tân trang' nhan sắc với mong muốn sẽ có những chiếc ảnh thẻ lung linh nhưng nhìn kết quả thì ai cũng 'méo mặt'. Mới đây, trong một nhóm mạng xã hội, tài khoản facebook có nickname Linh Linh đã đăng tải loạt ảnh thẻ của nhân viên...