Con tôi học thêm ở Pháp như thế nào?
Chuyện dạy thêm, học thêm ở Việt Nam đã trở thành chủ đề nóng nhiều năm nay mà khó có thể giải quyết rốt ráo.
Theo tôi, không nên dẹp bỏ chuyện dạy thêm, học thêm, nhưng cần thay đổi cách tư duy và hình thức tổ chức để tránh những tiêu cực đi kèm như lâu nay vẫn diễn ra.
Không nên dẹp bỏ hình thức dạy thêm, học thêm
Trước hết cần quan niệm rằng mỗi con trẻ là một chủ thể duy biệt, có đặc điểm, khuynh hướng và khả năng khác nhau. Vì lý do này, trước một chương trình, bài học, trong lớp có học sinh tiếp nhận, nắm bắt nhanh, có học sinh chậm hơn là điều bình thường.
Từ cách nhìn đó, các nước có nền giáo dục phát triển mà tôi biết như Phần Lan, Pháp đang đẩy mạnh cách thức giáo dục phân hóa (pédagogie différenciée), nghĩa là giáo viên phải dựa trên nhu cầu, đặc điểm tâm thể lý của từng học sinh để soạn kế hoạch giảng dạy cho từng em, nhằm giúp từng con trẻ phát triển tốt nhất có thể.
Theo hướng này, chuyện học thêm, kèm riêng cho học sinh là điều cần thiết, là một trong những cách thức tốt để giảm bớt khoảng cách giữa học sinh có khả năng và những học sinh có khả năng ít hơn; cũng là cách tốt trợ giúp mỗi học sinh học tập tốt nhất theo con đường riêng của mình.
Học sinh vừa tan học buổi chiều phải ăn vội trong vòng 10 phút để tiếp tục học thêm lúc 17h. Ảnh minh họa: VietNamNet.
Dạy thêm ở Pháp
Các con tôi đang học ở Pháp. Năm học rồi, con trai đầu đang học lớp 4 đã học thêm 2 buổi, còn con trai thứ ba đang học lớp 1 thì phải học thêm nhiều hơn, nhưng hình thức học thêm không theo kiểu Việt Nam.
Tôi đặt câu hỏi về vấn đề này với cô giáo của cháu, sau đây xin lược ghi nội dung trả lời của cô như sau:
Trong lớp, nếu giáo viên phát hiện cháu nào đó có vấn đề cần kèm riêng, giáo viên đó sẽ nói chuyện và đề xuất phụ huynh cho cháu học thêm ngoài giờ học chính thức.
Nếu phụ huynh đồng ý, giáo viên sẽ trình bày với ban giám hiệu về kế hoạch học thêm của cháu, tùy mức độ vấn đề của cháu để nhà trường có kế hoạch. Thường là có ba mức độ như sau :
Ở mức độ nhẹ với những vấn đề không quan trọng, chẳng hạn học sinh chưa biết cách tra cứu từ điển, cháu có thể được kèm bởi một tình nguyện viên (thường là những người đã làm trong lĩnh vực văn hóa và giáo dục và đã về hưu, tự nguyện cộng tác với nhà trường). Việc kèm thêm chỉ diễn ra một vài lần, khi vấn đề của cháu được giải quyết thì dừng lại.
Mức độ thứ hai phổ biến nhất là những học sinh gặp khó khăn với các môn học như Toán, tiếng Pháp, Khoa học… Trong trường hợp này, chính giáo viên đứng lớp là người dạy thêm cho học sinh.
Ở trường của con tôi, các giáo viên thường đề nghị phụ huynh đưa học sinh đến trước 30 phút để cô giáo kèm riêng cho cháu. Thời lượng học thêm này tùy mức độ vấn đề của học sinh, lúc nào giáo viên thấy cháu hết gặp khó khăn thì dừng lại.
Mức độ thứ ba là những học sinh có những vấn đề thuộc về thể trạng, tâm lý. Chẳng hạn, những trường hợp trẻ chậm phát triển, ban giám hiệu trường, giáo viên đứng lớp (có khi là cả các giáo viên khác đã từng dạy cháu), cha mẹ của học sinh và chuyên gia tâm lý phải họp lại để phân tích và lên kế hoạch giúp cháu.
Nếu cần thiết, chuyên gia tâm lý sẽ can thiệp, hoặc lập hồ sơ đề nghị cấp quản lý giáo dục địa phương cử chuyên gia được đào tạo đến kèm riêng cho cháu trong các giờ học.
Video đang HOT
Những trường hợp học sinh này thường được quan tâm một cách đặc biệt. Những buổi họp nhiều bên thường được triệu tập theo yêu cầu của giáo viên đứng lớp dựa trên nhu cầu của học sinh.
Ngoài ra, trường học còn tổ chức một buổi trong tuần (ở trường của các con tôi là vào chiều thứ ba), để học sinh nào có nhu cầu thì đăng ký và được các tình nguyện viên kèm làm bài tập ngay tại trường.
Nghĩa là, chuyện dạy thêm vẫn được duy trì ở Pháp (cũng như ở Phần Lan và các nước khác mà tôi đã thấy). Điều này thuộc trách nhiệm của nhà trường, dựa trên nhu cầu của từng học sinh, được tổ chức trong nhà trường và không liên quan gì đến tiền bạc.
Giáo viên đứng lớp thường là người khởi xướng, đề nghị kế hoạch dạy thêm, vì chính giáo viên này là người am hiểu về từng học sinh của mình.
Đã nhiều năm gắn bó, tôi rất quý các giáo viên trong ngôi trường của các con mình, vì thấy họ thể hiện thực sự trách nhiệm của những “mẹ hiền” đến từng học sinh mà những kế hoạch dạy thêm là một sự thể hiện cụ thể.
Một cách làm khác
Ở Việt Nam, muốn giải quyết tận căn chuyện dạy thêm không có kiểm soát và tiêu cực hiện nay, theo tôi, trước hết ngành nên tăng lương cho giáo viên đủ sống cùng với tăng trách nhiệm của họ.
Chuyện giáo viên cố tình dạy qua loa trên lớp, cốt yếu để buộc phụ huynh phải gửi con đến nhà riêng của mình để học thêm nên được xem là hình thức tham nhũng, một sự gian dối trong giáo dục cần phải dẹp bỏ.
Nhà trường nói chung, và giáo viên đứng lớp nói riêng phải chịu trách nhiệm về chuyện học hành ở trường của học sinh.
Nói cách khác, dạy thêm là trách nhiệm của giáo viên, chuyện ở trường học, nếu học sinh có vấn đề gì đó liên quan học tập.
Không nên dẹp bỏ dạy thêm, học thêm, nhưng nên được tổ chức trong khuôn khổ nhà trường và không liên quan gì đến tiền bạc.
Nói cách khác, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phải “bao” học sinh của mình về chuyện học hành, nếu dạy trong giờ chính thức mà có học sinh nào đó không hiểu thì phải tìm giải pháp dạy kèm. Nếu một mình không giải quyết được những vấn đề trong chuyện học tập của học sinh, giáo viên cần phối hợp với những người khác để cùng lo cho trẻ.
Làm được vậy, chuyện dạy thêm ở bên ngoài nhà trường kiểu buôn bán chữ sẽ được giải quyết, vì phụ huynh không có nhu cầu gửi con đi học thêm bên ngoài và cũng không còn chuyện giáo viên cố tình dạy qua loa trên lớp, khi nhà trường đã “bao” học sinh.
Theo Nguyễn Khánh Trung(Viện IRED) / Vietnamnet
'Nên cho dạy thêm trong trường và thu thuế'
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nghề giáo viên cũng như bác sĩ, kỹ sư, kế toán..., không luật nào cấm họ hết giờ làm ở trường học, bệnh viện, công ty được làm việc để tăng thêm thu nhập.
- Không phải đến bây giờ câu chuyện cấm dạy, học thêm mới được bàn đến. Nhưng, quyết định cấm dạy thêm, học thêm của TP.HCM có thể nói đang tạo nên một làn sóng tranh luận. Quan điểm của ông thế nào?
- Việc học sinh đi học thêm là nhu cầu bình thường của các em. Những em học yếu thì cần thời gian và có người hướng dẫn để các em học đuổi kịp chúng bạn. Các em giỏi có nhu cầu học thêm để thi vào các trường điểm, các trường ĐH top trên. Tôi cho đó là nhu cầu chính đáng.
Về phía phụ huynh, nhiều người bận quá không trông nom được con, nhất là các em cấp tiểu học, THCS nên họ gửi con vào các lớp học thêm để thầy cô quản lý giúp. Đó cũng là một cách được nhiều người lựa chọn hơn là để các cháu ở nhà làm các việc phụ huynh không kiểm soát được.
GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Đại Đoàn Kết.
Về phía giáo viên, dạy thêm là cách tăng thêm thu nhập, đảm bảo cho cuộc sống do đồng lương chính thức khá thấp. Không có bộ luật nào của Việt Nam cấm dạy thêm, học thêm.
Người lao động sau giờ làm việc cho cơ quan, công ty, người nào có thời gian rảnh rỗi thì có thể làm thêm. Không ai cấm bác sĩ hết giờ làm ở bệnh viện khám chữa bệnh cho người dân tại nhà, vừa có thêm thu nhập, vừa giúp đỡ bệnh nhân. Luật sư, kỹ sư, kế toán... nhận việc làm thêm sau giờ hành chính cũng không ai có quyền cấm. Vậy sao lại cấm giáo viên dạy thêm?
- Hình thức kỷ luật cao nhất đối với giáo viên bị phát hiện dạy thêm học sinh chính khóa của mình, trong bất kỳ trường hợp nào, dù dạy trong hay ngoài nhà trường là đuổi việc. Quyết định này của Sở GD&ĐT TP.HCM theo ông có cấm được tiêu cực trong việc học thêm, dạy thêm?
- Nếu việc này xảy ra thì hoàn toàn sai pháp luật. Việt Nam không có luật nào quy định như thế. Hiện nay, HĐND TP.HCM chưa ra Nghị quyết nên chưa thể dựa vào đó để thực hiện.
Nhưng dù có Nghị quyết cũng phải phù hợp luật. Vấn đề là chúng ta chống cái gì? Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã phát biểu rất rõ, đó là chống việc giáo viên ép học sinh đi học thêm, chống hiện tượng cắt xén nội dung giảng dạy trên lớp để bắt học sinh đi học thêm, chống học thêm tràn lan...
Nếu ai vi phạm quy chế, đạo đức nhà giáo thì phải kỷ luật. Với biện pháp TP.HCM đưa ra là học sinh muốn học thêm thì phải học ở các trung tâm bồi dưỡng văn hoá, không được học ở nhà thầy cô. Cũng cấm giáo viên đến nhà học sinh để dạy.
Nhưng điều này cũng không khả thi. Có trường hợp thế này, giáo viên không kéo học sinh đến trung tâm bồi dưỡng học mà giới thiệu học sinh đến học lớp do thầy cô khác giáo dạy. Việc hoán đổi học trò cho nhau thì chẳng ai làm gì được. Quy định cũng chẳng để làm gì!
Hoặc có trường hợp giáo viên đến gia đình A. kèm cho vài cháu học sinh, trong đó có cháu học lớp họ dạy chính khoá thì chẳng lẽ lại bắt? Họ dạy kèm cho con em, con cháu, con người bạn... thì sao?
Tóm lại, tôi cho rằng đây cũng là một biện pháp nhưng tính khả thi sẽ khó. Cũng không chống được hiện tượng tiêu cực.
- Vậy theo ông làm thế nào để việc dạy thêm, học thêm đúng người, đúng đối tượng?
- Tôi cho rằng nên giao việc tổ chức dạy thêm cho nhà trường. Nhà trường, cụ thể là ban giám hiệu sẽ nắm rõ tỷ lệ học sinh giỏi kém trong một lớp là bao nhiêu. Nếu giáo viên dạy cả lớp thì không thể được.
Nếu chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi thì cả lớp có bao nhiêu học sinh giỏi? Nếu là củng cố kiến thức cho học sinh trung bình yếu thì lớp có bao nhiêu? Phân tách rạch ròi như thế sẽ quản lý được.
Thứ hai, Nhà nước dùng biện pháp tài chính. Ví dụ dạy thêm thì phải đóng thuế. Ai mở lớp cũng có thu nhập. Nếu số lượng học sinh ít, đúng là bồi dưỡng học sinh kém hoặc giỏi thì tôi miễn thuế cho anh.
Nếu dạy nhiều học sinh một lớp thì thu thuế cao theo kiểu luỹ tiến, giáo viên sẽ không mặn mà với chuyện dạy thêm ngay. Vấn đề là phải nghĩ ra những biện pháp thông minh để quản lý chứ không phải không quản được thì cấm.
Nhìn sang các nước, ở Châu Á, chẳng có nước nào học sinh không đi học thêm, từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Lớp học thêm tiếng Anh tại nhà một giáo viên ở quận Phú Nhuận, TP.HCM
- Căn nguyên của việc bỏ học thêm, dạy thêm, theo ông có phải ở chương trình dạy của Việt Nam đang quá nặng, bệnh thành tích trong học tập, thi cử?
- Phải hiểu là với bất kỳ chương trình giáo dục nào, bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ có những học sinh kém hơn so với các bạn khác. Các em kém phải đi học thêm và các em giỏi hơn cũng muốn đi học thêm.
Vì vậy, vấn đề không hoàn toàn do chương trình. So với các nước, Việt Nam đúng là có phần dạy hơi quá nhưng có phần dạy còn "non" hơn người ta nhiều.
Ở Việt Nam, con đường tương lai của thế hệ trẻ hơi hẹp. Các bạn ấy chỉ có khả năng có việc làm tốt, cuộc sống ổn định, thu nhập tạm đủ sống nếu có bằng cấp cao nên cứ phải lao vào cuộc cạnh tranh là vì thế.
Chỉ khi thị trường lao động phát triển tốt, miễn là người ta có tài, có năng lực thì có thu nhập cao, khi đó mới hết được chuyện dạy thêm, học thêm này.
Chẳng hạn ở Đức, học sinh sẵn sàng đi học nghề không vào ĐH nếu thấy không triển vọng. Nếu học nghề ra có công ăn việc làm, thu nhập không kém người học đại học, được làm công việc phù hợp, đóng góp cho đất nước thì sẽ không ai quyết tâm vào ĐH bằng được.
Đó nguyên nhân xã hội. Một nguyên nhân nữa, theo tôi là vì thu nhập của giáo viên. Giáo viên trường tư ở Hà Nội và TP HCM, có ai đi dạy thêm đâu.
Vì thu nhập của người ta cao, hơn giáo viên trường công rất nhiều lần, tất nhiên không so với các nước khác, nhưng như vậy cũng đủ để trang trải đời sống rồi, không cần phải dạy thêm.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó, quy định không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
Điều 4 của Thông tư nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm:
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên
Theo Thu Hương/ Đại Đoàn Kết
'Có chuyện giáo viên lôi kéo dạy thêm nhưng không nhiều' Tại cuộc họp với UBND TP HCM ngày 29/8, ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM - lên tiếng về quy định việc cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Ông Lê Hồng Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Sở GD&ĐT đã có...