Còn nhiều băn khoăn về chứng nhận giỏi cấp tỉnh với học sinh điểm IELTS cao
Việc Hà Tĩnh công nhận học sinh (HS) giỏi cấp tỉnh với HS có điểm IELTS cao đang được dư luận quan tâm.
Thi lấy chứng chỉ IELTS đang lên ngôi với học sinh phổ thông. Ảnh minh họa
Nhiều giáo viên phổ thông và giảng viên dạy Ngoại ngữ thể hiện băn khoăn trước việc này.
2 kỳ thi khác biệt
Là Tổ trưởng chuyên môn Ngoại ngữ, Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), thầy Nguyễn Văn Quyết cho rằng: Không bàn việc kỳ thi nào có chất lượng hơn, tuy nhiên nếu lấy kết quả ở kỳ thi này để xét giải ở một kỳ thi khác có tính chất, mục đích, đối tượng thi khác; bối cảnh, cách thức ra đề, nội dung đề thi cũng khác, về mặt kiểm tra đánh giá là không hợp lý.
Phân tích cụ thể khác biệt giữa 2 kỳ thi, theo thầy Nguyễn Văn Quyết, kỳ thi HS giỏi THPT ở các tỉnh dành cho HS THPT có năng khiếu bộ môn Tiếng Anh, muốn được bồi dưỡng, phát triển năng khiếu của mình. Các em tham gia thử sức, tranh tài với bạn cùng trang lứa trong cùng một môi trường thi. Từ đó, chọn ra HS có năng khiếu nổi trội hơn để khen thưởng và tiếp tục bồi dưỡng cho những cuộc thi tiếp theo.
Trong khi đó, thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nói chung, thi IELTS nói riêng thường dành cho đại trà, không hạn chế đối tượng dự thi. Người tham gia dự thi có nhu cầu chứng nhận trình độ tiếng Anh đạt một mức độ nhất định nào đó nhằm phục vụ mục đích học tập, xin việc làm, định cư ở nước ngoài… Người đăng ký dự thi có nhu cầu, mục đích này nhưng chúng ta lại công nhận để phục vụ cho mục đích khác là chưa hợp lý.
Về bối cảnh dự thi, thầy Nguyễn Văn Quyết cho rằng, thi HS giỏi THPT thường được thực hiện ở các phòng học với điều kiện cơ sở vật chất chưa bảo đảm chất lượng. Như máy nghe cassette, điều kiện về tiếng ồn, ánh sáng, nhiệt độ… nhiều khi chưa được bảo đảm. Trong khi đó, thi IELTS được tổ chức trong một môi trường chuyên nghiệp, với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt nhất phục vụ cho việc làm bài của thí sinh.
Video đang HOT
HS được làm bài nghe với tai nghe chất lượng cao; làm bài nói trực tiếp với giám khảo; được đọc đề viết với biểu đồ đầy đủ màu sắc, rõ ràng… Những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả bài thi của thí sinh. Như vậy, thí sinh thi HS giỏi THPT sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn.
Về cách ra đề và nội dung thi, kỳ thi chọn HS giỏi nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy “năng lực sáng tạo”, dạy giỏi, học tốt. Chính vì vậy, nội dung thi chủ yếu tập trung trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Hình thức ra đề cũng đa dạng, không cố định ở một dạng đề nào cụ thể. Trong khi đó, đề thi của các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Hình thức đề thi cố định theo form có sẵn. Việc này dẫn đến khó đạt mục đích của kỳ thi HS giỏi như đã nêu.
Cô Đinh Thị Ngọc Hân, Tổ trưởng Ngoại ngữ Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), cho biết: Xu hướng hiện nay, các trường ĐH trong nước tuyển HS theo quy đổi các chứng chỉ Ngoại ngữ, hoặc tuyển thẳng đối với những danh hiệu HS giỏi. Tuy nhiên, việc thi IELTS để thay cho kỳ thi HS giỏi chưa phù hợp bởi sự khác biệt của 2 kỳ thi về cả tính chất, mục đích. Theo đó, thi IELTS dành cho các đối tượng muốn có chứng chỉ này để đi làm, đi học, định cư… Trong khi đó, thi HS giỏi chỉ dành cho HS đáp ứng điều kiện về học lực của môn Tiếng Anh phải giỏi, có hạnh kiểm khá, tốt và đang là HS của trường phổ thông.
“Về sự bình đẳng trong cơ hội tham gia học và thi, kỳ thi HS giỏi tỉnh được tổ chức miễn phí cho HS có năng khiếu ở tất cả địa phương. Trong khi chi phí học và thi các kỳ thi tiếng Anh quốc tế như IELTS là rào cản rất lớn làm hạn chế cơ hội tiếp cận đối với HS giỏi nhưng có hoàn cảnh khó khăn.
Do đó, việc đặc cách công nhận này sẽ dẫn tới bất bình đẳng trong xét cơ cấu giải thưởng. Nếu hạn chế số lượng HS giỏi cấp tỉnh thì sẽ thiệt thòi cho trò giỏi nhưng không có điều kiện tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Nếu không hạn chế số lượng giải dẫn đến tình trạng có nhiều HS giỏi môn Tiếng Anh. Điều này lại tạo nên sự bất bình đẳng khác khi HS tham gia xét tuyển ĐH, vì đa số trường ĐH hiện có phương thức tuyển sinh xét tuyển, trong đó có ưu tiên chứng nhận HS giỏi. Chưa kể có thể dễ dẫn đến tình trạng HS đổ xô đi học IELTS tại các trung tâm luyện thi” – thầy Nguyễn Văn Quyết nêu quan điểm.
Ngoài ra sẽ dễ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm khi các em HS đổ xô đi học IELTS tại các trung tâm luyện thi cũng như dạy thêm học thêm tràn lan vì nội dung học và thi không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Cẩn trọng hệ lụy
Chia sẻ ý kiến cá nhân, ThS Nguyễn Thị Huyền Châu, giảng viên tiếng Anh, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, cho rằng: Kỳ thi IELTS và thi HS giỏi cấp tỉnh chưa có sự tương đồng về cấu trúc, cũng như cách đánh giá bài thi. Ngoài ra, cần cân nhắc đến yếu tố luyện thi, vì không phải mọi HS đều có điều kiện tham gia thi IELTS. Trong khi đó, những gia đình khá giả có thể cho con thi vài lần để cải thiện kết quả, nên việc công nhận này vẫn có phần thiệt thòi cho một số thí sinh.
Ảnh minh họa/ INT
ThS Trần Thị Thu Giang, nguyên Trưởng khoa Ngoại ngữ Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thì cho rằng: Việc Hà Tĩnh công nhận đặc cách HS giỏi Tiếng Anh cấp tỉnh theo điểm thi chứng chỉ IELTS được thực hiện từ năm học 2017 – 2018. Thống kê từ tin tức báo chí, số lượng HS được công nhận năm nay cao hơn năm trước. Điều đó, chứng tỏ xã hội đã dần thích ứng với quyết định này.
“Nhìn sự việc từ nhiều góc độ, có thể thấy: Các lãnh đạo giáo dục của tỉnh Hà Tĩnh đã nỗ lực đưa nghị quyết vào cuộc sống. Quá trình thực hiện là theo đề án đã được phê duyệt. Vậy nếu có gì chưa đạt thì cần xem lại cả đề án và quá trình thực hiện. Trong một số bài báo thấy dùng các từ “thí điểm”, “đề án”… Vậy thực tế, nếu là thí điểm hay đề án thì thời gian kết thúc là bao giờ? Đến khi nào được công nhận chính thức? Nếu chỉ là thí điểm hay đề án thì danh hiệu HS giỏi cấp tỉnh qua đặc cách xét tuyển có được phép sử dụng khi xét tuyển vào ĐH không?” – ThS Trần Thị Thu Giang đặt câu hỏi.
Về góc độ chuyên môn, ThS Trần Thị Thu Giang nêu quan điểm, cần thêm nhiều thông tin để có thể đưa ra nhận xét khách quan. Ví dụ, trước khi thực hiện đề án, tỉnh Hà Tĩnh có bao nhiêu HS giỏi Tiếng Anh và tỷ lệ giải Nhất, Nhì, Ba qua các kỳ thi (để so sánh với con số HS giỏi của 5 năm gần đây khi thực hiện đề án). Bên cạnh đó, theo đề án thì IELTS được sử dụng để “đặc cách công nhận”. Vậy không rõ tỉnh có nghiên cứu đối sánh hai bài thi để công nhận các thí sinh theo mức điểm công bằng hay không? Lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh cũng từng có ý kiến rằng, bài thi HS giỏi không có phần thi nói, còn bài thi IELTS có đủ 4 kỹ năng. Vậy việc bổ sung phần thi nói có phải là điều không thể đối với kỳ thi HS giỏi ở tỉnh này?…
Cô Đinh Thái Hà, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Lương Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) thể hiện quan điểm không đồng tình nếu tính tương đương kết quả hai kỳ thi. Bởi như vậy sẽ bất lợi cho HS ở vùng không có điều kiện học IELTS. Bên cạnh đó, HS sẽ không tham gia ôn, dự thi HS giỏi cấp tỉnh nữa mà ôn IELTS để đạt nhiều mục đích khác nhau, như xét kết quả cho thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào các trường ĐH.
Mặc dù 2 kỳ thi đều đánh giá 4 kỹ năng, nhưng các câu hỏi IELTS với nội dung phổ biến và kỹ năng đòi hỏi với tiêu chí cụ thể. Kỳ thi chọn HS giỏi, nội dung câu hỏi đều chuyên sâu, mức phân tích và tổng hợp cao. Các cấu trúc kiểm tra trong thi HS giỏi thường là đặc biệt, chứ không kiểm tra mức thông thường hay phổ biến gần gũi. Ngoài ra, người tham gia thi IELTS có thể thi nhiều lần. Nếu không đạt lần đầu, học sinh có thể đăng ký thi ở những lần tiếp theo cho đến khi đạt. Trong khi đó, thi HS giỏi, HS chỉ được thi một lần, xét đạt cũng có giới hạn vì thường theo số lượng nhất định và theo thứ tự từ trên xuống. - Cô Đinh Thị Ngọc Hân
91 học sinh Hà Tĩnh thành HSG cấp tỉnh vì có điểm IELTS cao
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, 91 học sinh có điểm thi chứng chỉ IELTS sẽ được đặc cách công nhận là học sinh giỏi tỉnh.
Theo thông báo ban hành ngày 13/12 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh này sẽ đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh năm học 2021-2022 cho 91 học sinh lớp 10 và 11 có chứng chỉ IELTS. Theo đó, những học sinh này được miễn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh năm học 2021-2022 nhưng được hưởng quyền lợi của học sinh giỏi tỉnh theo quy định hiện hành
Theo đó, nhóm lớp 10 có 14 em được công nhận học sinh giỏi tỉnh gồm: 7 giải nhất tương đương với điểm IELTS từ 7.0 - 8.0; 2 giải nhì tương đương với điểm IELTS 6.5; 5 giải ba tương đương với điểm IELTS 6.0.
Nhóm lớp 11 có 77 em được công nhận học sinh giỏi tỉnh gồm: 22 giải nhất tương đương với điểm IELTS 7.5 - 8.0; 23 giải nhì tương đương với điểm IELTS 7.0 và 32 giải ba tương đương với điểm IELTS 6.5.
Hà Tĩnh bắt đầu đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh đối với học sinh có chứng chỉ IELTS từ năm 2018. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.
Theo thông báo của Sở, việc đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh cho những học sinh có chứng chỉ quốc tế nhằm động viên, khuyến khích phong trào học tập và nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh trong các nhà trường.
Trước đó, năm học 2020-2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đặc cách công nhận học sinh giỏi tỉnh cho 70 học sinh có chứng chỉ IELTS. Trong đó, 6 em đạt 8.0 điểm IELTS, tương đương với giải Nhất học sinh giỏi tỉnh; 20 em đạt 7.0 điểm IELTS tương đương với giải Nhì; 44 em đạt 6.5 điểm IELTS, tương đương với giải Ba.
Cùng theo thông báo của Sở, chủ trương này được Hà Tĩnh thực hiện từ năm 2018 và đến nay đã có nhiều tỉnh, thành áp dụng.
Tuy nhiên, cho đến hiện tại, Hà Tĩnh là địa phương duy nhất đặc cách công nhận học sinh giỏi cho học sinh có chứng chỉ IELTS. Tại nhiều tỉnh thành khác, học sinh THCS chỉ cần đạt IELTS trên 4.0 là đã có thể được tuyển thẳng vào nhiều trường THPT, thậm chí là THPT chuyên tại địa phương. Theo các chuyên gia, điều này không hẳn tích cực.
"Điều này có thể làm biến tướng hoàn toàn bài thi IELTS. Giờ đây, rất nhiều người đang đánh đồng giữa điểm IELTS cao và tiếng Anh giỏi là một. Tôi cho rằng đây là vấn đề rất khó giải quyết", chuyên gia giáo dục Lê Đình Hiếu nhận định với Zing.
Bà Huyền Trang, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, cũng cho rằng việc sử dụng bất kể chứng chỉ ngoại ngữ nào để xét tuyển đại học là chưa phù hợp.
"Với học sinh THCS và THPT, để các em chạy đua ôn theo chứng chỉ rất nguy hiểm. Đây là hướng ôn thực dụng, chăm chỉ có thể đạt điểm cao, nhưng để chú trọng vào việc tăng niềm yêu thích, trình độ ngoại ngữ thì chưa", bà nói.
Nữ sinh trường y Hà Tĩnh ham học, say mê tình nguyện Quê ở Quảng Bình nhưng yêu mến mảnh đất Hà Tĩnh, bởi vậy, Đinh Thị Mỹ Linh (SN 2002) đã theo học tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh và cống hiến tuổi trẻ với những hoạt động thiện nguyện. Vừa qua, em cũng là gương mặt được vinh danh 'sinh viên 5 tốt' cấp tỉnh. Sinh ra ở huyện Tuyên Hóa...