Chạy đua tìm học sinh giỏi, liệu có “cấy điểm” làm đẹp học bạ?
Bồi dưỡng học sinh giỏi, tìm kiếm nhân tài cho quốc gia là việc cần thiết, nhưng không thể xa rời mục tiêu chung của nền giáo dục.
Phát huy năng lực của học trò khác với chạy đua lấy giải
Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia Trung học phổ thông là kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia dành cho học sinh cấp Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 1 hàng năm.
Những học sinh đạt giải cao nhất trong kỳ thi này được lựa chọn vào các đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi quốc tế.
Những học sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba được xét tuyển thẳng vào các trường đại học. Những học sinh đạt giải Khuyến khích được xét tuyển thẳng vào các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Kết quả của cuộc thi này được xem là “thước đo” để đánh giá chất lượng giáo dục tại các địa phương. Chính vì thế, những năm gần đây, việc bồi dưỡng học sinh giỏi được nhiều địa phương chú trọng, thậm chí trường chuyên được đầu tư trở thành những “lò luyện” học sinh giỏi, trở thành cuộc “chạy đua” thành tích khốc liệt.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Huy Đức – nguyên Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chia sẻ: “Học sinh giỏi Trung học phổ thông trước đây là cuộc thi rất hay, chất lượng. Thực tế, trước đây người ta không đầu tư nhiều hoặc có đầu tư mức vừa phải, chính vì thế những học sinh tham gia, đạt giải đều là những em có đủ tài, đức, trí tuệ.
Vừa học giỏi, tài năng thật sự và có sự chăm chỉ, cần cù, học tập một cách nghiêm túc. Chính vì thế, nhân tài tìm được sau những kỳ thi là nhân tài đúng thực lực, đúng người, đúng giải”.
Ông Phạm Huy Đức – nguyên Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An (Ảnh: Báo Nông nghiệp)
Cũng theo ông Phạm Huy Đức, hiện nay nhiều tỉnh coi kết quả của cuộc thi học sinh giỏi là thành tích trong hoạt động giáo dục địa phương, vì vậy đây là vấn đề chủ trương của từng tỉnh chứ không phải riêng từng sở giáo dục hay từng trường.
Thực tế thì khó mà phủ nhận được những kết quả, thành tích khi mà từng trường hay địa phương có học sinh giành được nhiều giải quốc gia, quốc tế. Từ những học sinh đoạt giải, nhiều em tiếp tục được bồi dưỡng và đã thành danh, trở thành nhà khoa học có uy tín.
Tuy nhiên, việc tập trung quá nhiều cho ôn luyện học sinh giỏi đã nảy sinh những bất cập trong hoạt động giáo dục đào tạo.
“Học trò vượt khó hoặc có những sáng kiến hay, có nghiên cứu khoa học chưa chẵc đã được ghi nhận xứng đáng, nhưng nếu đạt giải của kỳ thi học sinh giỏi thì chắc chắn được khen ngợi, được coi trọng. Như vậy là thiếu đi sự đánh giá công bằng.
Video đang HOT
Thầy cô cũng cùng hoàn cảnh như thế. Thầy cô giáo dạy có học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thì cũng được khen lớn, nhưng thầy giáo rèn luyện học sinh về mặt đạo đức, nhân cách hoặc rèn luyện cho học sinh về kỹ năng mềm thì không mấy ai chú ý”, ông Đức nói.
Việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi cần nhưng không thể tạo nên sự khác biệt lớn so với mục đích chính là giáo dục toàn diện. Nếu cứ mãi “ưu tiên”, “đặc cách” quá nhiều cho việc bồi dưỡng “gà nhà” cuộc thi học sinh giỏi để mang đi “sàn thi đấu” giật giải quốc tế, giải quốc gia rồi lấy đó làm “thước đo” về giáo dục của địa phương chưa hẳn đã tốt.
Sở làm theo chủ trương “ưu tiên” của tỉnh, phòng theo sở, các trường muốn có thành tích cũng ra sức để đào tạo bồi dưỡng. Cả hệ thống cuốn vào cuộc chạy đua để làm tròn “bộ mặt” giáo dục tỉnh nhà và người cuối cùng chịu áp lực là các em học sinh.
“Thế nhưng quan trọng nhất của giáo dục là chất lượng đại trà chứ không phải số học sinh giỏi. Bồi dưỡng học sinh giỏi cũng cần, bồi dưỡng năng khiếu cũng rất cần những bồi dưỡng để phát huy năng lực của học trò khác với chạy đua bầu giải.
Nếu chỉ “cày” vào đúng một môn để thi lấy thành tích, học sinh không còn thời gian cho các môn khác thì làm sao phát triển được.
Vì thế, đào tạo học sinh giỏi là phải tìm ra được số học sinh có năng khiếu thật sự để bồi dưỡng các em thành nhân tài cho đất nước chứ không phải là chỉ bồi dưỡng cho một số học sinh học lực khá, rồi nâng dần lên để đi giành các giải quốc gia, quốc tế, rồi khi các em vào đời không phát triển được vì thiếu quá nhiều kiến thức lĩnh vực khác”, ông Đức nhận định.
Điểm lại mỗi năm có khoảng 1500 học sinh giỏi quốc gia, thậm chí số đó còn hơn rất nhiều nữa, nhưng khi vào môi trường đại học thì bao nhiêu em thực sự phát huy hết năng lực?
Trong khi đó, thực tế có những em không phải học sinh giỏi quốc gia nhưng trở thành nhân tài cho đất nước, góp công cho sự phát triển của xã hội, đất nước.
Theo ông Đức, đừng chỉ đổ lỗi cho riêng ngành giáo dục, mà còn phải xem lại chủ trương lãnh đạo của các địa phương.
Nếu lãnh đạo các tỉnh có chủ trương chính là chăm lo cho giáo dục toàn diện, giáo dục đại trà kết hợp phát huy năng lực tìm kiếm nhân tài và có sự “công bằng” trong sàn đấu “sân nhà” trước khi đi “sân khách” thì chắc chắn các trường sẽ khách quan tìm ra, đánh giá và bồi dưỡng học sinh giỏi. Nếu chệch khỏi định hướng này thì ý nghĩa của việc tìm kiếm học sinh giỏi sẽ bị bóp méo.
Bồi dưỡng học sinh giỏi đừng “làm màu” qua giải
Học sinh giỏi không chỉ là một danh hiệu, một giải thưởng để các em học sinh cố gắng đơn thuần mà còn lại “sự chạy đua” của cả một hệ thống giáo dục từ trên xuống dưới, của trường chuyên, lớp chọn.
Học sinh dồn hết thời gian học tập cả trên lớp lẫn về nhà để tập trung cho cuộc thi học sinh giỏi, hoàn thành mục tiêu, kỳ vọng của bản thân, gia đình và nhà trường. Vì trở thành “đại diện” nên không thể không áp lực, thậm chí có nguy cơ bị trầm cảm nếu chịu áp lực kéo dài.
Cũng có ý kiến đặt ra là khi học sinh đoạt giải cao một môn nào đó thì liệu có chuyện cấy điểm những môn khác để làm đẹp học bạ cho học sinh ấy tuyển thẳng vào các trường phổ thông, đại học?
Thực tế, học trường chuyên, lớp chọn, chênh lệch giữa các môn học là chuyện hết sức dễ hiểu. Thế nhưng, để một môn học không chuyên, thậm chí học không tốt tổng kết bảng điểm đều 8,9 là rất khó. Liệu có sự gian dối nào để dẫn tới tình trạng “mưa” giấy khen, “mưa” thành tích, làm “đẹp hồ sơ” trong bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi?
Ông Phạm Huy Đức nêu: “Các hiện tượng chạy điểm, cấy điểm… làm hỏng cả nền giáo dục. Trước đây đã từng có trường chuyên của một tỉnh bị Sở giáo dục cắt thi đua, từ xuất sắc xuống còn tiên tiến vì lý do bỏ bớt tiết thể dục, lấy tiết thể dục để dạy môn khác. Khi Sở Giáo dục tỉnh phát hiện ra phải loại bỏ thi đua của trường ấy”.
Phát hiện nhân tài và bồi dưỡng phát triển năng lực đặc biệt là cần thiết nhưng khi các cuộc thi bị biến tướng những cuộc thi thành “lò luyện”, “sàn thi đấu”, “cuộc chạy đua” để phục vụ lợi ích của quá nhiều cá nhân, nhiều tập thể là chuyện nguy hại, cần phải ngăn chặn.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý bồi dưỡng học sinh giỏi về mặt tri thức phải cân bằng về mặt đạo đức. Không thể phát triển môn chuyên ngành, môn giỏi để làm những hành động gian dối như “cấy” điểm, tạo điểm vào học bạ các môn không chuyên, không giỏi. Bởi thực chất của cuộc thi học sinh giỏi là tìm kiếm nhân tài cho đất nước, mà người hiền tài thì cần có đủ hiền đức và trí tuệ.
Nếu ngay từ việc đào tạo những bước đi đầu tiên đã có manh nha của sự gian dối thì không thể trở thành hiền tài của đất nước. Đào tạo hiền tài cho quốc gia là một chặng đường dài, cần sự khách quan, nghiêm túc và chính trực.
Huyện Hoằng Hóa trao thưởng cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2020-2021
Sáng 15-1, UBND huyện Hoằng đã tổ chức lễ trao thưởng cho tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, năm học 2020-2021.
Đây là hoạt động thường niên nhằm ghi nhận, vinh danh những tập thể, cá nhân đã nỗ lực đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.
Đồng chí Lê Xuân Thu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hoằng Hóa trao thưởng cho các em học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh các môn văn hóa.
Dự buổi lễ có lãnh đạo huyện Hoằng Hóa, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Thanh Hóa cùng đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn.
Với truyền thống hiếu học và tinh thần khắc phục khó khăn của đội ngũ các thầy giáo, cô giáo, công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi trên địa bàn huyện năm học 2020-2021 tiếp tục đạt thành tích cao, góp phần tích cực trong việc khẳng định chất lượng giáo dục của huyện Hoằng Hóa trong toàn ngành.
Đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa trao thưởng cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Trong năm học, huyện có 219 học sinh đạt giải cấp tỉnh, trong đó có 10 giải nhất, 52 giải nhì, 82 giải ba và 75 giải khuyến khích. Đội tuyển học sinh giỏi cấp THCS xuất sắc xếp thứ nhất toàn tỉnh với 476 điểm.
Tiểu biểu cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là các Trường THCS: Nhữ Bá Sỹ, Nguyễn Văn Trỗi (xã Hoằng Quỳ), Hoằng Châu, Hoằng Hợp... Nhiều thầy, cô giáo, cán bộ quản lý các nhà trường luôn say sưa, trăn trở, trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của huyện nhà.
Trao thưởng cho các thầy, cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Các em Nguyễn Xuân Hồng Quân, Phan Thị Thúy (Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi), Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trường THCS Hoằng Hợp), Chu Thị Phương Anh (Trường THCS Hoằng Đông); Lê Quỳnh Anh (Trường THCS Nhữ Bá Sỹ); Lê Thị Bích Ngọc (Trường TH&THCS Hoằng Sơn 1); Nguyễn Minh Tú (Trường THPT Lương Đắc Bằng)... đã xuất sắc giành giải nhất trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Các học sinh đạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2020-2021 được khen thưởng.
Những thành tích xuất sắc trên là thành quả lao động được kết tinh từ ý thức, trách nhiệm với sự nghiệp trồng người của mỗi thầy giáo, cô giáo; từ ngọn lửa trí tuệ và đam mê cháy bỏng với khát vọng thành công của các em học sinh; biểu hiện sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và những nỗ lực phấn đấu của Ngành Giáo dục Hoằng Hóa.
Học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi năm học 2020-2021 được Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa khen thưởng.
Tại buổi lễ, huyện Hoằng Hóa đã trao thưởng cho 18 tập thể, 44 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi năm học 2020-2021.
Tặng giấy khen và tiền thưởng cho 187 học sinh đoạt giải cấp tỉnh các môn văn hóa; thưởng cho 187 giáo viên THCS, THPT và Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên có học sinh đoạt giải cấp tỉnh các môn thi văn hóa; thưởng cho 52 giáo viên THCS tạo nguồn học sinh đọat giải cấp tỉnh các môn thi văn hóa; tặng giấy khen và tiền thưởng cho 32 học sinh đoạt giải cấp tỉnh các môn đặc thù; thưởng cho 32 giáo viên THPT có học sinh đoạt giải cấp tỉnh các môn thi đặc thù.
Nhân dịp này gia đình Tiến Sỹ Lê Xuân Thảo (Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến) đã ủng hộ Quỹ Khuyến học Lê Xuân Lan 100 triệu đồng.
Hà Nội: Gặp mặt đội tuyển dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia Ngày 21-12, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức buổi gặp mặt đội tuyển học sinh thành phố Hà Nội tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021. Báo cáo về công tác chuẩn bị của đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia...