Câu hỏi lớn đặt ra cho hơn 1.000 binh sĩ Mỹ tại Niger sau vụ đảo chính?
Cuộc đảo chính mới đây ở Niger đã đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có tiếp tục duy trì lực lượng 1.100 binh sĩ được cho là chìa khóa để ngăn chặn các tay súng Hồi giáo ở khu vực Sahel tại quốc gia Tây Phi này hay không?
Người đứng đầu Hội đồng Bảo vệ Tổ quốc (CNSP), lực lượng đang nắm quyền lãnh đạo Niger, Tướng Abdourahamane Tiani (phải) đang gặp gỡ binh sĩ tại Niamey, Niger. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, trong thập kỷ qua, quân đội Mỹ đã huấn luyện lực lượng Niger chống khủng bố và điều hành hai căn cứ quân sự, trong đó có một căn cứ triển khai các nhiệm vụ bằng máy bay không người lái nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và một nhánh của khủng bố Al Qaeda trong khu vực.
Sau khi lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 26/7 và quản thúc ông tại gia, chính quyền quân sự đã thu hồi các thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp, quốc gia có từ 1.000 đến 1.500 quân tại nước này.
Theo hai quan chức quân sự Mỹ giấu tên, cho biết cho đến nay, Mỹ vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu rút quân nào và không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ bị buộc phải làm như vậy.
Nhưng với lời cảnh báo từ Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đe dọa can thiệp quân sự và thông tin chính quyền quân sự mới của Niger đã đề nghị lực lượng lính đánh thuê thuộc tập đoàn quân sự tư nhân Wagner giúp đỡ khi gần đến thời hạn phải trả tự do cho tổng thống bị lật đổ của nước này, cả hai đều có thể gây rủi ro an toàn cho binh sĩ Mỹ.
“Căn cứ máy bay không người lái của chúng tôi cực kỳ quan trọng trong chiến dịch chống khủng bố tại khu vực. Nếu như bị đóng cửa căn cứ, đó sẽ là một đòn giáng lớn”, một trong hai quan chức nhận định.
Video đang HOT
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến nay vẫn không chính thức coi việc quân đội tiếp quản quyền lực ở Niger là một cuộc đảo chính để từ đó hạn chế việc hỗ trợ quân sự cho nước này. Tuy nhiên, tuần trước, Mỹ đã tạm dừng một số chương trình hỗ trợ nước ngoài cho Niger, bao gồm tài trợ cho giáo dục và đào tạo quân sự quốc tế, các chương trình chống khủng bố của Niger.
Ngày 8/8, trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã từ chối bình luận sự hiện diện trong tương lai của quân đội nước này.
Căn cứ máy bay không người lái của Mỹ ngày càng trở nên quan trọng do thiếu các đối tác an ninh phương Tây trong khu vực.
Chính quyền quân sự đã lên nắm quyền thông qua các cuộc đảo chính ở Mali và Burkina Faso – cả hai nước láng giềng của Niger – trong những năm gần đây. Hơn 2.000 binh sĩ Pháp đã rời Mali vào năm ngoái và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc gồm 13.000 người sẽ chấm dứt hiện diện ở Mali vào cuối năm sau khi chính quyền đột ngột yêu cầu họ rời đi.
Căn cứ máy bay không người lái, hay còn được gọi là căn cứ không quân 201, được xây dựng gần Agadez ở miền Trung Niger với chi phí hơn 100 triệu USD. Kể từ năm 2018, căn cứ này đã được sử dụng để triển khai các nhiệm vụ nhắm mục tiêu IS và nhánh con của Al Qaeda là Jama’at Nusrat al-Islam wal Muslimeen (JNIM) ở Sahel.
Theo các quan chức Mỹ, kể từ khi cuộc đảo chính nổ ra, binh sĩ Mỹ chủ yếu ở trong căn cứ của họ. Các chuyến bay quân sự của Mỹ, bao gồm cả máy bay không người lái, đang được phê duyệt riêng lẻ.
Cameron Hudson, cựu quan chức Mỹ đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đánh giá có khả năng Washington sẽ cố gắng tiếp tục sử dụng căn cứ máy bay không người lái bất kể lực lượng nào tiếp quản Niger.
“Từ góc độ chính trị, việc phòng thủ chắc chắn là điều dễ dàng hơn”, ông Hudson giải thích với việc duy trì sự hiện diện tại Niger, Mỹ sẽ có thể thu thập thông tin tình báo về các mục tiêu tay súng trên toàn khu vực và điều này thì cũng sẽ không mang lại lợi ích trực tiếp cho chính quyền quân sự.
Trước việc các thành viên của ECOWAS có quyết định can thiệp quân sự trong cuộc họp 10/8 hay không, Mỹ cần phải xem xét lại sự hiện diện của mình.
Terence McCulley, người trước đây từng là đại sứ Mỹ tại Mali, Nigeria và Bờ Biển Ngà hiện làm việc tại Viện Hòa bình Mỹ, nói rằng quân đội Mỹ sẽ đưa ra “quyết định bảo vệ lực lượng” nếu xung đột nổ ra, đồng thời nói thêm rằng một sự can thiệp như vậy là lý thuyết vào thời điểm này và ông không mong đợi ECOWAS sẽ thực hiện hoạt động nhanh chóng như vậy.
Tổng thống Niger kêu gọi khôi phục chính phủ
Ngày 3/8, Tổng thống Niger Mohamed Bazoum kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế giúp Niger khôi phục trật tự hiến pháp sau khi lực lượng quân sự tuyên bố phế truất ông.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo Thế giới trong khuôn khổ COP26 ở Glasgow, Scotland. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong một bài đăng trên The Washington Post, Tổng thống Niger nêu rõ ông đưa ra lời kêu gọi này trong khi đang bị giữ làm "con tin", đồng thời viết: "Niger đang bị chính quyền quân sự tấn công. Tôi chỉ là một trong hàng trăm công dân bị giam giữ tùy tiện và bất hợp pháp". Ông Bazoum nhấn mạnh cuộc đảo chính này phải chấm dứt và chính quyền quân sự phải trả tự do cho tất cả những người bị bắt giữ trái phép.
Ông cảnh báo nếu các nỗ lực đảo chính nhằm phế truất ông thành công, sẽ gây ra những hậu quả "tàn khốc" đối với quốc gia Tây Phi này, cũng như khu vực và toàn thế giới. Ông cho rằng các nhóm khủng bố như Boko Haram sẽ lợi dụng tình hình bất ổn tại Niger để tấn công các nước láng giềng và tác động xấu đến nền hòa bình, sự an toàn và tự do trên thế giới.
Đây là tuyên bố dài đầu tiên của ông Bazoum kể từ khi lực lượng cận vệ bắt giữ ông ngày 26/7 vừa qua và kiểm soát Chính phủ Niger.
Trong khi đó, chính quyền quân sự tại Niger cho biết sẽ đáp trả ngay lập tức bất cứ "cuộc tấn công hay kế hoạch tấn công" nào nhằm vào Niger từ các nước Tây Phi. Tuyên bố trên của chính quyền quân sự Niger được công bố chỉ 3 ngày trước khi hết hạn tối hậu thư do ECOWAS đưa ra, trong đó cảnh báo có thể sử dụng vũ lực nếu chính quyền quân sự Niger không phục chức cho Tổng thống Bazoum trước ngày 6/8.
Trong một tuyên bố trên truyền hình quốc gia cùng ngày, chính quyền quân sự Niger thông báo sẽ chấm dứt nhiệm vụ của các đại sứ tại 4 nước Mỹ, Pháp, Nigeria và Togo.
Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Cận vệ của Tổng thống từ năm 2011, cũng nói rằng chính quyền quân sự Niger đã hủy 5 thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp ký từ năm 1977 - 2020. Một thông báo ngoại giao sẽ được gửi đến Chính phủ Pháp về quyết định này.
Niger từng là thuộc địa của Pháp trước khi tuyên bố độc lập năm 1960. Pháp duy trì khoảng 1.500 binh sĩ tại Niger nhằm hỗ trợ quân đội nước sở tại trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại khu vực Sahel.
Cùng ngày 3/8, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về tình hình tại Niger. Trong cuộc điện đàm, hai bên tái khẳng định ủng hộ Tổng thống bị phế truất Bazoum. Trên mạng xã hội X (Twitter), bà Colonna cho biết hai bên cam kết khôi phục nền dân chủ tại Niger và ủng hộ Tổng thống được bầu một cách dân chủ Bazoum.
Trong khi đó phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Mỹ vẫn coi ngoại giao là một công cụ khả thi được lựa chọn đầu tiên trong việc giải quyết cuộc đảo chính ở Niger.
Đảo chính tại Niger gây lo ngại về nguồn cung uranium cho châu Âu Cuộc đảo chính quân sự ở Niger thời gian qua đã làm dấy lên lo lắng về sự phụ thuộc của châu Âu vào uranium khai thác ở quốc gia Tây Phi này. Niger- nhà cung cấp uranium tự nhiên Công ty nhiên liệu hạt nhân Pháp Qrano vận hành một mỏ khai thác uranium tại miền Bắc Niger. Ảnh: AFP Cơ quan...