Đảo chính tại Niger gây lo ngại về nguồn cung uranium cho châu Âu
Cuộc đảo chính quân sự ở Niger thời gian qua đã làm dấy lên lo lắng về sự phụ thuộc của châu Âu vào uranium khai thác ở quốc gia Tây Phi này.
Niger- nhà cung cấp uranium tự nhiên
Công ty nhiên liệu hạt nhân Pháp Qrano vận hành một mỏ khai thác uranium tại miền Bắc Niger. Ảnh: AFP
Cơ quan Cung ứng Euratom của EU (ESA), đơn vị đảm bảo nguồn cung nguyên liệu hạt nhân cho châu Âu, chia sẻ với hãng thông tấn AFP (Pháp) rằng trong năm 2022, Niger là nhà cung cấp uranium tự nhiên lớn thứ hai cho EU với 25,38%. Theo ESA, Kazakhstan, Niger và Canada là 3 quốc gia xuất khẩu uranium tự nhiên lớn nhất cho EU với tổng 74,19%.
Quan ngại về nguồn cung uranium từ Niger cũng hiện hữu tại Pháp bởi nước này vận hành 56 lò phản ứng cung cấp hơn 2/3 sản lượng điện quốc gia. Uranium là nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Công ty nhiên liệu hạt nhân Orano của Pháp hiện vận hành một mỏ uranium ở phía Bắc Niger với khoảng 900 nhân viên chủ yếu là người Niger.
Trong 10 năm qua, 88.200 tấn uranium tự nhiên Pháp nhập khẩu chủ yếu đến từ ba quốc gia: Kazakhstan (27%), Niger (20%) và Uzbekistan (19%).
Tờ Lemonde dẫn lời giảng viên Đại học Haute-Alsace (Pháp) Teva Meyer cho biết trên quy mô toàn cầu “Niger đã trở thành nhà sản xuất thứ cấp trong những năm qua”. Ông Meyer trích lẫn lý do từ chi phí sản xuất cao và giá uranium giảm cho đến năm 2016, sau sự cố hạt nhân tại Fukushima (Nhật Bản). Năm 2022, Niger chỉ chiếm 4% sản lượng toàn cầu, xếp sau Kazakhstan (43%), Canada (15%), Namibia (11%) và Australia (8%).
Video đang HOT
Pháp, EU tự tin không chịu ảnh hưởng
Một nhà máy điện hạt nhân của EDF tại Flamanville, miền Bắc nước Pháp. Ảnh: AFP/ TTXVN
Vào tháng 7, Orano cho biết đang theo dõi chặt chẽ tình hình tại Niger nhưng việc quân đội nắm quyền không ảnh hưởng đến việc cung cấp uranium vào lúc này. Ông Alain Antil tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) cho biết: “Đối với uranium, Niger không còn là đối tác chiến lược của Paris như những năm 1960 hay 1970″.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/8 cũng lên tiếng khẳng định khối này không có nguy cơ gặp vấn đề về nguồn cung do cuộc đảo chính tại Niger.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu – ông Adalbert Jahnz cho biết: “Các cơ sở của EU có đủ lượng uranium tự nhiên dự trữ để giảm thiểu mọi rủi ro về nguồn cung trong ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, có đủ tiền gửi trên thị trường thế giới để đáp ứng nhu cầu của EU”.
Bộ chuyển đổi năng lượng của Pháp cho biết tình hình ở Niger không gây ra bất kỳ rủi ro nào đối với nguồn cung cấp uranium tự nhiên vì EDF, nhà điều hành khu lò phản ứng hạt nhân của Pháp, đã nỗ lực đa dạng hóa các nhà cung cấp. EDF đã áp dụng chính sách dự trữ nguồn cung đủ sử dụng cho vài năm đồng thời phát triển tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Bộ Ngoại giao Pháp cũng cho biết các nhà cung cấp của nước này “cực kỳ đa dạng”.
Theo ông Teva Meyer, một chuyên gia về lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự tại Đại học Upper Alsace (Pháp), EDF đã nỗ lực đa dạng hóa các nhà cung cấp của mình trong thập niên qua, chuyển hướng sang Australia và các quốc gia Trung Á như Kazakhstan và Uzbekistan.
Ông Meyer nhận định từ thời điểm uranium tự nhiên được khai thác đến khi nó được đốt cháy trong lò phản ứng, có thể mất vài năm bởi có nhiều giai đoạn xử lý. Uranium tự nhiên cần được tinh chế, biến đổi và sau đó được làm giàu rồi mới đưa vào sử dụng trong các lò phản ứng hạt nahan. “Pháp, giống như châu Âu, có kho dự trữ uranium chiến lược ở tất cả các giai đoạn chuyển đổi tương đương với hai năm tiêu thụ”, ông Meyer nói.
Cơ quan Cung ứng Euratom của EU (ESA) từ lâu cũng khuyến khích đa dạng cơ sở cung cấp. Trong bản báo cáo thường niên của ESA vào năm ngoái, người đứng đầu cơ quan này, bà Agnieszka Ewa Kazmierczak nhấn mạnh: “Các sự kiện kinh tế và chính trị năm 2021 và đầu năm 2022 đã tác động nghiêm trọng đến thị trường hạt nhân toàn cầu và phản ánh sự phù hợp, cấp bách từ các khuyến nghị của ESA. Nhìn chung, việc cung cấp uranium tự nhiên cho các cơ sở của EU rất đa dạng, nhưng một số cơ sở chỉ mua uranium tự nhiên của họ từ một nhà cung cấp”.
Tổng thống Niger kêu gọi khôi phục chính phủ
Ngày 3/8, Tổng thống Niger Mohamed Bazoum kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế giúp Niger khôi phục trật tự hiến pháp sau khi lực lượng quân sự tuyên bố phế truất ông.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo Thế giới trong khuôn khổ COP26 ở Glasgow, Scotland. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong một bài đăng trên The Washington Post, Tổng thống Niger nêu rõ ông đưa ra lời kêu gọi này trong khi đang bị giữ làm "con tin", đồng thời viết: "Niger đang bị chính quyền quân sự tấn công. Tôi chỉ là một trong hàng trăm công dân bị giam giữ tùy tiện và bất hợp pháp". Ông Bazoum nhấn mạnh cuộc đảo chính này phải chấm dứt và chính quyền quân sự phải trả tự do cho tất cả những người bị bắt giữ trái phép.
Ông cảnh báo nếu các nỗ lực đảo chính nhằm phế truất ông thành công, sẽ gây ra những hậu quả "tàn khốc" đối với quốc gia Tây Phi này, cũng như khu vực và toàn thế giới. Ông cho rằng các nhóm khủng bố như Boko Haram sẽ lợi dụng tình hình bất ổn tại Niger để tấn công các nước láng giềng và tác động xấu đến nền hòa bình, sự an toàn và tự do trên thế giới.
Đây là tuyên bố dài đầu tiên của ông Bazoum kể từ khi lực lượng cận vệ bắt giữ ông ngày 26/7 vừa qua và kiểm soát Chính phủ Niger.
Trong khi đó, chính quyền quân sự tại Niger cho biết sẽ đáp trả ngay lập tức bất cứ "cuộc tấn công hay kế hoạch tấn công" nào nhằm vào Niger từ các nước Tây Phi. Tuyên bố trên của chính quyền quân sự Niger được công bố chỉ 3 ngày trước khi hết hạn tối hậu thư do ECOWAS đưa ra, trong đó cảnh báo có thể sử dụng vũ lực nếu chính quyền quân sự Niger không phục chức cho Tổng thống Bazoum trước ngày 6/8.
Trong một tuyên bố trên truyền hình quốc gia cùng ngày, chính quyền quân sự Niger thông báo sẽ chấm dứt nhiệm vụ của các đại sứ tại 4 nước Mỹ, Pháp, Nigeria và Togo.
Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Cận vệ của Tổng thống từ năm 2011, cũng nói rằng chính quyền quân sự Niger đã hủy 5 thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp ký từ năm 1977 - 2020. Một thông báo ngoại giao sẽ được gửi đến Chính phủ Pháp về quyết định này.
Niger từng là thuộc địa của Pháp trước khi tuyên bố độc lập năm 1960. Pháp duy trì khoảng 1.500 binh sĩ tại Niger nhằm hỗ trợ quân đội nước sở tại trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại khu vực Sahel.
Cùng ngày 3/8, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về tình hình tại Niger. Trong cuộc điện đàm, hai bên tái khẳng định ủng hộ Tổng thống bị phế truất Bazoum. Trên mạng xã hội X (Twitter), bà Colonna cho biết hai bên cam kết khôi phục nền dân chủ tại Niger và ủng hộ Tổng thống được bầu một cách dân chủ Bazoum.
Trong khi đó phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Mỹ vẫn coi ngoại giao là một công cụ khả thi được lựa chọn đầu tiên trong việc giải quyết cuộc đảo chính ở Niger.
Các nước nỗ lực tìm giải pháp cho tình hình ở Niger Sau vụ đảo chính tại Niger lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum hồi tuần trước, các nước đang thúc đẩy nỗ lực nhằm sớm khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia Tây Phi này. Tổng thống Niger Mohamed Bazoum. Ảnh: AFP/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 31/7, các đại diện của Chính phủ Italy, bao gồm Thủ tướng Giorgia...