Cách tính thời điểm hoàn hảo để đi ngủ và thức dậy
Ước tính mỗi người dành 1/3 cuộc đời để ngủ. Tuy nhiên hiện nay số lượng người mất ngủ, không ngủ đủ giấc ngày càng gia tăng.
Việc này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn cả vẻ ngoài của chúng ta. Vấn đề này có thể dễ dàng giải quyết nếu chúng ta chỉ đi ngủ và thức dậy điều độ. Tờ Bright Side đã phân tích cách tính thời điểm hoàn hảo để đi ngủ và thức dậy mỗi ngày.
1. Tính toán thời điểm thức dậy
Để biết nên đi ngủ tốt nhất vào mấy giờ thì mọi người nên tính toán thời gian mà mình muốn thức dậy. Tờ Bright Side chỉ ra rằng không có sự khác biệt giữa thức dậy vào sáng sớm hay ngủ cho đến chiều muộn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là nếu bạn muốn thức dậy sảng khoái và thư thái, bạn cần đặt báo thức vào cùng một thời điểm trong ngày (7 ngày trong tuần cùng thức dậy vào một giờ).
2. Tính toán thời gian ngủ phù hợp với độ tuổi
Thời lượng ngủ cần thiết sẽ thay đổi trong suốt cuộc đời của chúng ta. Khi còn bé, chúng ta phải ngủ đến 14 tiếng, nhưng ở độ tuổi 20 – 40 tuổi, chúng ta chỉ cần ngủ khoảng 7 đến 9 tiếng. Vì thế hãy tự tính toán xem mình thường ngủ bao nhiêu tiếng mà khi thức dậy thấy tràn đầy năng lượng. Từ đó, lắng nghe cơ thể để tìm ra thời lượng giấc ngủ phù hợp với bạn là bao nhiêu.
Video đang HOT
3. Tính toán giờ để đi ngủ
Một khi biết sẽ thức dậy lúc mấy giờ và ngủ bao nhiêu giờ là đủ, mọi người sẽ có công thức hoàn hảo cho thời điểm đi ngủ. Nếu tuân thủ lịch trình này, cơ thể sẽ tạo thành thói quen đi ngủ vào thời điểm cần thiết và sẽ có thể thức dậy một cách dễ dàng. Giả sử rằng, dựa trên độ tuổi và kinh nghiệm một người cần ngủ 7 giờ và quyết định rằng sẽ thức dậy lúc 6 giờ sáng mỗi ngày. Trong tình huống này, người đó sẽ phải đi ngủ đều đặn lúc 11 giờ đêm.
4. Đi ngủ sớm hơn chưa chắc đã tốt hơn
Mọi người thường tin rằng cần đi ngủ vào khoảng 10 giờ tối để có giấc ngủ chất lượng hơn. Nhưng nghiên cứu gần đây của Harvard đã chứng minh điều này sai. Các nhà khoa học nói rằng ngay cả những “cú đêm” cũng có thể có năng lượng tích cực và hoạt động tốt vào ban ngày, miễn là đi ngủ đều đặn theo giờ giấc cố định hàng ngày. Vì vậy, nếu bạn đi ngủ lúc 1 giờ sáng, ngủ đủ 7 tiếng và thức dậy lúc 8 giờ sáng, điều đó không hẳn là xấu nếu bạn thực hiện theo lịch trình chuẩn.
5. Giữ một lịch trình ngủ nhất quán là chìa khóa bảo vệ sức khoẻ và vẻ đẹp
Điều tốt nhất mọi người có thể làm để cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình là đi ngủ đúng lịch trình mỗi ngày. Nó không chỉ giúp bạn dễ ngủ hơn mà còn giúp bạn tỉnh táo hơn và tâm trạng tốt hơn. Mặt khác, nhiều người ngủ không đủ giấc vào các ngày trong tuần và ngủ nướng thêm vào cuối tuần sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường, béo phì và sức khỏe tim mạch kém.
6. Chăm sóc giấc ngủ của mình
Mọi người cần chú ý chăm sóc chất lượng giấc ngủ của mình như không đi ngủ khi đói hoặc không ngủ trong nơi quá sáng hoặc quá ồn ào. Thực hiện những việc đơn giản, chẳng hạn như tắt tiếng điện thoại, sử dụng rèm cản sáng trong phòng ngủ cũng có thể cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ.
Khoảng thời gian vàng cho giấc ngủ
Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch Mỹ (The Centers for Disease Control - CDC) cho biết có khoảng một phần ba người dân Mỹ không ngủ đủ giấc (định nghĩa là ngủ dưới 7 tiếng một đêm).
Ngủ quá ít hoặc quá nhiều liên quan đến tăng nguy cơ một số bệnh bao gồm bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh Alzheimer thậm chí tăng nguy cơ tử vong.
Ảnh minh họa
Các nghiên cứu quan sát trước đây cho thấy giấc ngủ kéo dài từ bảy đến tám tiếng có ảnh hưởng tích cực đến chức năng nhận thức, trong khi đó ngủ quá nhiều hoặc quá ít có thể gây suy giảm nhận thức lâu dài. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu này đều có quy mô nhỏ và không theo dõi trong một thời gian dài.
Một nghiên cứu gần đây kết hợp dữ liệu từ hai nghiên cứu quan sát lớn trên hai quần thể 9.254 người Anh và 10.811 người Trung Quốc. Khi những người này bắt đầu tham gia nghiên cứu, họ được hỏi ngủ khoảng trung bình bao nhiêu giờ một đêm. Sau đó 4-8 năm, những người này được đánh giá chức năng nhận thức chung, trí nhớ, chức năng điều hành và khả năng định hướng (nhận thức về bản thân, thời gian và không gian).
Tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu, những người ngủ ít hơn bốn giờ hoặc nhiều hơn tám giờ, chức năng nhận thức bị suy giảm nhiều hơn so với những người ngủ trung bình bảy đến tám tiếng. Những suy giảm quan sát thấy bao gồm chức năng nhận thức chung, trí nhớ, chức năng điều hành và khả năng định hướng.
Những người này được các nghiên cứu viên theo dõi trong vài năm sau đó, chức năng nhận thức chung giảm nhiều hơn ở những người ngủ ít hơn bốn giờ hoặc nhiều hơn mười giờ. Cùng với đó, nghiên cứu này cũng cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho giả thiết ngủ từ bảy đến tám giờ mang lại ảnh hưởng tích cực tối ưu cho chức năng nhận thức.
Giấc ngủ ảnh hưởng đến chức năng nhận thức trong dài hạn như thế nào? Đầu tiên, giấc ngủ rất quan trọng cho quá trình củng cố trí nhớ, ngủ quá ít hoặc quá nhiều có thể tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ. Thêm vào đó, ngủ quá nhiều hoặc quá ít có thể tăng quá trình teo ở một số vùng não và tăng phản ứng viêm. Cuối cùng, giấc ngủ quá dài hoặc quá ngắn có thể tăng mức độ cuộn gập sai các protein trong não thường có mối liên quan với bệnh Alzheimer và là nguyên nhân trực tiếp tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Vậy làm cách nào để cải thiện giấc ngủ?
Tập thói quen đi ngủ và thức dậy vào một giờ cố định mỗi ngày
Tránh ăn và tập thể dục vài giờ trước khi đi ngủ
Không sử dụng caffeine hoặc uống rượu trước khi đi ngủ
Thư giãn trước khi đi ngủ
Chỉ sử dụng giường của bạn cho việc ngủ và sinh hoạt tình dục
Giữ cho phòng ngủ tối và thoải mái suốt đêm
Bạn vẫn khó ngủ dù đã thử nhiều cách, nên gặp bác sĩ để được tư vấn. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra những vấn đề tiềm ẩn của sức khỏe có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn và có thể điều trị cho bạn nếu cần. Nếu bạn gặp những vấn đề dai dẳng liên quan đến giấc ngủ thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bạn, cần hỏi kỹ các thông tin về lợi ích và nguy cơ của thuốc ngủ, vốn là loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Một giấc ngủ tốt vào buổi tối là phương pháp quan trọng để giữ cơ thể và bộ não khỏe mạnh.
Tránh ung thư gan với quy tắc "3 nên - 3 không" vào buổi tối Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất của cơ thể thực hiện chức năng trao đổi chất cơ bản, dự trữ glycogen và sản xuất mật tiêu hóa. Gan bị tổn thương không chỉ gây ảnh hưởng đến các chức năng sinh học bình thường của cơ thể mà còn gây ra nhiều bệnh về gan, thậm chí ung thư...