Bệnh viện công duy nhất mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc – Bài 1: Nơi ân tình sâu nặng
Là bệnh viện tuyến Trung ương nằm ở miền Trung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới ( Quảng Bình) đã có bước đi đột phá nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khi trở thành BV công duy nhất ở Việt Nam mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc.
Với sự có mặt của các giáo sư, bác sĩ đến từ Cu-ba, một trong những nền y tế hiện đại nhất thế giới, hàng trăm người bệnh đã được tái sinh trong những tình huống hiểm nghèo, giúp cho tỉ lệ chuyển tuyến, tỉ lệ tử vong giảm một cách ngoạn mục.
GS. Peter Martinez Benitez- Trưởng nhóm chuyên gia – trực tiếp thực hiện ca mổ
Sự thay đổi diệu kỳ
Chúng tôi có mặt ở Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới (VN – CB ĐH) vào một buổi sáng tháng 10 đầy nắng, cũng vào lúc ca phẫu thuật cắt u đại trực tràng cho bệnh nhân Lê Hữu H. (68 tuổi, thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bắt đầu.
Bên ngoài phòng mổ, chị Lê Thị H., con gái bệnh nhân chia sẻ: Dù BV Hữu Nghị VN – CB ĐH chỉ cách nhà chị hơn chục km, nhưng ban đầu, gia đình định đưa ông H. ra Huế, cách nhà gần 200km, để phẫu thuật. Nhưng, chứng kiến các chuyên gia Cu-ba trực tiếp khám và tư vấn chu đáo, nhất là biết chính các chuyên gia sẽ phẫu thuật, gia đình đã quyết định để bệnh nhân ở lại BV Hữu Nghị VN – CB ĐH điều trị.
“Được các giáo sư, bác sĩ hàng đầu của Cu-ba phẫu thuật, nên gia đình tôi hoàn toàn yên tâm. Đã vậy, chi phí lại rẻ hơn nhiều đi nước ngoài, vì được điều trị tại chỗ” – Chị Lê Thị H. cho biết.
Ca mổ do chuyên gia phẫu thuật ung bướu Alfredo Garcia Mirete – người đã có 29 năm kinh nghiệm – thực hiện, đã thành công mỹ mãn, góp phần đem lại nụ cười và niềm tin của người dân với BV.
Chuyên gia phẫu thuật u đại trực tràng cho bệnh nhân
Đó chỉ là một trong hàng trăm bệnh nhân quyết định điều trị tại BV Hữu Nghị VN – CB ĐH sau khi tìm hiểu và được các chuyên gia tư vấn. BS.CKII. Dương Thanh Bình – Giám đốc BV Hữu Nghị VN – CB ĐH còn “bật mí” cho chúng tôi nghe nhiều trường hợp nhờ có chuyên gia mà được “ cải tử hoàn sinh”.
Hôm đó, một phụ nữ còn trẻ bị nhồi máu cơ tim cấp được đưa vào cấp cứu. Các chuyên gia Cu-ba lập tức hội chẩn cùng các bác sĩ Việt Nam. Nhưng diễn biến bệnh rất nhanh và bệnh nhân đột ngột bị ngừng tim, khiến các bác sĩ của BV hết sức lo lắng và lúng túng. Câu hỏi đặt ra là tiếp tục cứu chữa hay chuyển viện?
Video đang HOT
Ngay lập tức, GS. Peter Martinez Benitez- Trưởng nhóm chuyên gia, người có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch, từng làm việc tại nhiều nước – quyết định phải tiếp tục cấp cứu bệnh nhân, nếu không sẽ tử vong, vì không thể di chuyển được. Rồi ông trực tiếp cấp cứu suốt hơn 1 giờ liền, cho đến khi bệnh nhân tỉnh lại.
“Chỉ có trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh cùng quyết tâm của một bác sĩ tài năng mới có thể đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về trong thời khắc mong manh ấy! Không chỉ gia đình người bệnh, mà các bác sĩ của BV cũng đều cảm phục và biết ơn GS. Peter rất nhiều!” – BSCKII. Dương Thanh Bình xúc động.
Một bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ rất nặng, mọi người khuyên ông nên đi Hà Nội hoặc Huế để phẫu thuật. Nhưng là một bác sĩ được đào tạo tại Cu-ba, bệnh nhân rất hiểu trình độ của các chuyên gia, nên quyết định điều trị tại BV Hữu Nghị VN – CB ĐH. Đúng như ông mong đợi, ca mổ dù rất khó khăn, phức tạp, nhưng các chuyên gia Cu-ba đã thành công.
Ân tình và tâm huyết
Những kết quả trên bắt nguồn từ tâm huyết và tư duy bứt phá của người đứng đầu BV Hữu Nghị VN – CB ĐH. Trao đổi với chúng tôi, BS. Dương Thanh Bình chia sẻ: Ông xác định xu hướng phát triển BV thành BV đa khoa hoàn chỉnh, với việc tập trung phát triển một số lĩnh vực: Chấn thương chỉnh hình để xử lý cấp cứu kịp thời; chú trọng phát triển lĩnh vực tim mạch, gồm can thiệp, tiến tới phẫu thuật tim vì bệnh không lây nhiễm đang gia tăng, đòi hỏi phải xử lý trong giờ vàng; đẩy mạnh điều trị phẫu thuật ung thư vì đây là căn bệnh nhiều người phải đối mặt, nên cần phát triển để giảm tải cho các BV tuyến trên. Sản, nhi khoa cũng là những lĩnh vực rất quan trọng.
GS.Jesús De Los Santos Renó Céspedes – chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật ung thư đang thực hiện ca mổ tại BV
Với mục tiêu trên, BV đã chủ động mở rộng cơ sở, trang bị máy móc hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh (KCB). Một bước đi quan trọng là BV quyết định mời các chuyên gia giỏi của Cu-ba sang làm việc, để nâng cao chất lượng KCB, đồng thời, để chuyển giao kỹ thuật hiện đại cho BV. Thẳm sâu của quyết định này, còn là để thắp sáng lại tình đoàn kết Việt Nam – Cu-ba, bởi BV chính là quà tặng của Chủ tịch Fidel Castro sau chuyến thăm “đất lửa” Quảng Bình năm 1973, khi ông chứng kiến những đau thương, mất mát vì chiến tranh của người dân nơi đây.
Theo BS. Dương Thanh Bình, hiện có 7 giáo sư, bác sĩ đang làm việc tại BV, là những chuyên gia về tim mạch, ngoại chấn thương, ngoại thần kinh, ung bướu, nhi, nội soi tiêu hóa, truyền nhiễm. Tới đây, BV sẽ mời thêm chuyên gia về hồi sức tích cực – chống độc sang làm việc. Các chuyên gia đều có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại nhiều nước.
Theo thỏa thuận giữa BV với Bộ Y tế Cu-ba, các chuyên gia sẽ làm việc 2 năm, vừa để KCB cho nhân dân, vừa đào tạo, nâng cao trình độ cho các bác sĩ của BV. Đây là một hướng đi hoàn toàn đúng, vì người dân sẽ được hưởng các kỹ thuật cao ngay tại địa phương, không phải ra Hà Nội hay nước ngoài chữa bệnh như trước, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian. Ủng hộ chủ trương của BV, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ 50% kinh phí trả lương cho các chuyên gia.
“Nhưng cái được lớn nhất với chúng tôi là sau chưa đầy 2 năm, các bác sĩ của BV đã được tiếp nhận nhiều kỹ thuật cao từ các chuyên gia nước ngoài, nhất là trong phẫu thuật thần kinh cột sống, ung bướu và tim mạch. Đặc biệt, bằng chính tấm gương của mình, các chuyên gia đã truyền cho các thầy thuốc ở BV không chỉ năng lực KCB, mà còn cả phong cách phục vụ, tinh thần thái độ hết lòng vì người bệnh.” – Giám đốc BV bày tỏ.
“ Tiếng lành đồn xa”, bệnh nhân đến với BV Hữu Nghị VN – CB ĐH ngày càng đông. So với năm 2016, lượng người đến khám tăng từ 136.000 lên ước 150.000 trong năm 2019. Số ca được phẫu thuật tăng từ 7.400 lên 10.400. Tỉ lệ chuyển tuyến giảm từ 2,5 xuống 1,4%. Năm 2015, BV chỉ có 600 giường bệnh, năm 2018 tăng lên 800 giường và hiện nay là 944 giường, nhưng do bệnh nhân đông nên số giường thực kê tới trên 1.000.
Theo viettimes
Bộ Y tế: Không thể so sánh giường bệnh dịch vụ 4 triệu đắt hơn phòng khách sạn hạng sang
Với mức giá cao nhất có thể lên tới 4 triệu/giường dịch vụ/ngày ở bệnh viện công, nhiều ý kiến cho rằng giá giường bệnh đắt hơn cả khách sạn hạng sang. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) lên tiếng lý giải vấn đề này.
Vì sao giá giường bệnh dịch vụ đắt hơn phòng khách sạn hạng sang?
Chiều 12/8, ông Nguyễn Nam Liên một lần nữa khẳng định, Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập Bộ Y tế đưa ra các hướng dẫn xây dựng mức giá, không phải ban hành mức giá. Đây là giá "khung" các bệnh viện xây dựng giá không vượt khung này.
Trước câu hỏi giá giường dịch vụ trong bệnh viện công có thể lên đến 4 triệu/ngày có quá đắt vì hơn giá khách sạn hạng sang, ông Liên cho biết, có rất nhiều mức giá giường dịch vụ được xây dựng, từ 300 nghìn, 1,2 triệu, đến 4 triệu để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) lý giải vì sao mức giá giường dịch vụ tại bệnh viện công có thể thu lên 4 triệu đồng.
"Với giường bệnh một mình một phòng, rồi có thêm giường nằm cho người nhà, có khu vực tiếp khách... không khác gì một phòng khách sạn hạng sang. Phòng khách sạn người ta chỉ về để nghỉ ngơi, ngủ rồi lại đi chơi, đi họp. Nhưng phòng bệnh rất đặc biệt, đó là có sự chăm sóc y tế 24/24. Chưa kể, có những gia đình sẽ có nhu cầu điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân toàn bộ từ ăn uống theo chế độ bệnh lý, tắm giặt, người nhà chỉ vào thăm nom mà không cần hỗ trợ chăm sóc nên giá giường phải khác và bệnh viện nên đáp ứng", ông Nam Liên nói.
Theo ông Nam Liên, ngay tại Việt Nam có nhiều bệnh viện tư với giá phòng từ vài ba triệu đến cả chục triệu/phòng. Bệnh nhân tuy nằm điều trị tại các viện này, nhưng khi khám, thực hiện dịch vụ kỹ thuật, phẫu thuật vẫn mời các giáo sư, chuyên gia của bệnh viện công đến. "Vậy tại sao ta không có cơ chế cho bệnh viện công thực hiện dịch vụ ngay tại bệnh viện?", ông Nam Liên đặt câu hỏi.
Giường 4 triệu chỉ áp dụng ở một số bệnh viện
Ông Nam Liên cho biết, loại giường dịch vụ lên đến 4 triệu/ngày đặc biệt chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện tổ chức, không áp dụng đại trà. Theo đó, trong phòng vừa phải có giường bệnh, có giường cho người nhà, có khu vực tiếp khách.
Ông Nam Liên cho rằng, phòng bệnh riêng có thêm giường cho người nhà, có khu vực tiếp khách, điều dưỡng chăm sóc y tế 24/24 giờ mức giá đương nhiên sẽ cao.
Bộ Y tế cũng nêu rõ, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại I.. giường điều trị nội khoa....
Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường....
Mặt khác, do là giường dịch vụ theo yêu cầu, trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các bệnh viện khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường, nếu giá cao, chất lượng chuyên môn, phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác.
Bộ Y tế cũng quy định rõ, chỉ những bệnh viện đủ điều kiện mới được xây dựng giá giường dịch vụ. Theo đó, Bệnh viện công chỉ được phép sử dụng cơ sở vật chất nhà nước đầu tư cho khám dịch vụ khi hoàn thành nhiệm vụ nhà nước giao về khám chữa bệnh cho nhân dân, không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép.
Bên cạnh đó, bệnh viện cần công khai minh bạch danh mục dịch vụ, theo đó, phải công khai giá giường, các mức giá phòng dịch vụ, số lượng phòng dịch vụ còn trống để người bệnh có nhiều lựa chọn khác nhau.
Không tận thu để tăng thu nhập
Đặc biệt, ông Nam Liên khẳng định, tất cả các bệnh viện dù chỉ dành vài trăm m2 cho khu vực dịch vụ vẫn phải làm đề án. "Theo đó, tài sản nhà nước đã đầu tư phải tính khấu hao, hoàn trả lại đơn vị để tái đầu tư các hoạt động khác. Tuyệt đối không có chuyện nhập nhèm, tận thu lấy dịch vụ để tăng thu nhập", ông Nam Liên nói.
Ngoài ra, theo Thông tư này, đơn vị y tế công lập có thể thuê cơ sở xung quanh mở rộng dịch vụ.
Theo ông Nam Liên, hiện nay có rất nhiều người Việt đi khám chữa bệnh nước ngoài. Nếu xây dựng được cơ chế tốt, người dân không còn phải ra nước ngoài khám bệnh sẽ vừa giảm được chi phí cho bệnh nhân, mang lại nguồn thu cho bệnh viện trong nước.
Đặc biệt, có nhiều chuyên gia, bác sĩ Việt Nam được mời đi Thái Lan, đi Singapore phẫu thuật. Trong khi đó, có cơ chế tốt, bệnh nhân sẽ được chính các chuyên gia này khám chữa trong nước, tiết kiệm được rất nhiều chi phí đi lại, sinh hoạt.
Bên cạnh đó còn thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam, góp phần phát triển mô hình du lịch gắn y tế, chữa bệnh ở nước ta.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Lần đầu tiên phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt thùy phổi một đường rạch được áp dụng tại Việt Nam Đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật này được triển khai ở Việt Nam mang lại hiệu quả điều trị cao cho người bệnh. Ngày 5/6, tại Hội thảo quốc tế phẫu thuật nội soi lồng ngực một đường rạch tại Bệnh viện Bạch Mai, với sự tham gia của bác sĩ Diego Gonzaler Rivas - chuyên gia hàng đầu thế giới...