Bánh phu thê ở đất vua Đình Bảng
Bánh mang tên phu thê nên không đi lẻ một chiếc, mà đơn vị đếm là cặp. Ngoài lớp lá chuối đã luộc là lá chuối tươi, có sợi lạt cánh sen buộc chữ thập.
Khác hẳn các loại bánh khác như bánh chưng, bánh giò, bánh nếp, bánh khoai sọ…, một cái là bình thường. Bánh phu thê có vợ có chồng, cái duyên thắm thiết, nói như một câu trong lễ cưới: “Chỉ cái chết mới chia lìa được hai người”.
Bánh phu thê Đình Bảng – nơi phát tích của vương triều nhà Lý – được dùng trong những đám hỏi, đám sêu, đám cưới, những bữa cỗ trang trọng. Nó cũng từng được làm đồ tiến vua, vào tận kinh đô Huế.
Nhà vua Lý Công Uẩn – Lý Thái Tổ chính là một người con của làng Cổ Pháp, nay là Đình Bảng, chỉ cách Hà Nội về phía bắc nửa giờ xe chạy. Có lẽ vị vua ấy không ngờ rằng sau đó, quê hương mình còn nổi tiếng về một món ăn được đi vào nghi lễ, đó là bánh phu thê (xu xê), tức bánh vợ chồng.
Khác hẳn các loại bánh khác như bánh chưng, bánh giò, bánh nếp, bánh khoai sọ…, một cái là bình thường. Bánh phu thê có vợ có chồng, cái duyên thắm thiết, nói như một câu trong lễ cưới: “Chỉ cái chết mới chia lìa được hai người”.
Làng Đình Bảng nằm ngay cạnh đường số một từ Bắc Ninh về Hà Nội, thuộc đất Kinh Bắc xa xưa. Đất này cũng là cái nôi văn hoá, quê hương của quan họ trữ tình, có sông Cầu, sông Đường, có Tích Giang, Tiêu Tương, có chùa Tiêu Sơn, chùa Phật Tích, chùa Bách Môn… nổi tiếng. Đây cũng là quê hương của cô gái tựa vào cây lan bất chấp lệnh vua cấm, để rồi trở thành nguyên phi, hoàng hậu, hoàng thái hậu, chấp chính cả vương quyền…
Buổi sáng từ Hà Nội đi lên phía bắc, hay buổi chiều đi ngược hoàng hôn từ phía bắc về Hà Nội, du khách sẽ thấy dọc hai bên đường có những người phụ nữ ngồi bên chiếc bàn thấp, bày một thứ hàng nho nhỏ, từng chồng, cặp lá xanh mướt, lạt đỏ tươi, bên trên có khi còn phủ một miếng vải ướt để bánh khỏi khô, lá khỏi héo. Đấy chính là bánh phu thê Đình Bảng, ngay sát bến sông Tiêu Tương, ngay cạnh Đồi Lim, ngay bìa làng Nội Duệ, ngay phủ Từ Sơn… Xe qua, người bán hàng vẫy vẫy bàn tay như mời như gọi thân tình.
Bóc một chiếc bánh phu thê, bỏ đi màu lá chuối tươi, thứ lá chuối bãi sông cũng dùng để gói bánh cốm, ta gặp vuông bánh màu vàng tươi, óng ánh. Cứ tưởng như sau khi nằm mệt mê trong lá kín, bây giờ gặp ánh sáng, nó tươi lên với màu da được đón khí trời tươi mởn. Cũng chỉ là bột nếp thật mịn, đỗ xanh thổi chín, giã nhuyễn, ngào đường, nhưng bánh phu thê khác hẳn các loại bánh bột nếp khác. Nó không bao giờ là bánh mặn, mà ngọt thanh hay ngọt sắc tùy theo khách đặt, nhân thêm dừa hay chỉ đỗ không, nhiều hay ít hương dầu chuối cũng được theo yêu cầu… Chiếc bánh phu thê thường to hơn bánh cốm.
Video đang HOT
Bánh phu thê không lẫn với bất cứ thứ bánh nào bởi màu vàng của nó. Bánh gai màu đen, bánh gấc màu đỏ, bánh chưng màu xanh, bánh giò màu trắng…, còn bánh phu thê có màu vàng chanh tươi, màu của quả dành dành đã chín theo truyền thống. Theo truyền thuyết, từ thời nhà sư Vạn Hạnh, cha nuôi của vua Lý Thái Tổ, người Đình Bảng đã biết lấy màu dân dã làm ra màu bánh.
Đến nay, quả dành dành vẫn được thồ từng bao từng tạ từ khắp vùng về Đình Bảng, cung cấp cho hàng trăm nhà làm bánh. Không nhà nào dùng phẩm màu hoá chất thay thế cho thứ quả lành mọc hoang bên hàng rào, cạnh bờ ao, vốn đã quen thuộc với nhiều làng quê Việt Nam.
Ngồi dưới bóng hàng bạch đàn, bóng đa hay bóng muỗm đang lớn ở đền Đô, nơi thờ tám vị vua nhà Lý (riêng vua thứ chín là Lý Chiêu Hoàng được thờ riêng, vì bà bị cho là thủ phạm để nhà Lý dứt ngôi), khách sẽ thấy cả chục hàng bán bánh phu thê mời mọc. Bóc một chiếc ra ăn, nếu bánh mới, còn nóng, vừa luộc trong ngày thì hơi nát, khó nhai, nếu cứng thì đó là bánh đã vài ba ngày. Ngon nhất là bánh làm hôm trước, sau một ngày đêm, vừa dẻo vừa mềm, vừa giòn vừa không dính lá.
Bánh làm bằng bột nếp mà vẫn có độ giòn, không dính bởi được pha đu đủ xanh nạo thật nhỏ, vắt thật kiệt, kỹ càng hơn thứ đu đủ làm nộm ở thành phố. Tuỳ theo tay nghề mà thứ gia vị này được gia giảm ít hay nhiều, từ năm đến mười phần trăm hay hơn nữa.
Đường làng Đình Bảng vào dịp Tết chật cứng xe cộ vì người Hà Nội về lấy bánh đã thửa từ trước. Một trong những “thương hiệu” được tín nhiệm nhất hiện nay là nhà bà Lụa. Bà không làm nhiều vì ít người, con cái trưởng thành đi làm ăn xa, theo đuổi nghề khác. Đến bà là đã ba đời làm bánh, cô con gái út là đời thứ tư. Người ta hay gọi bà là bà Lụa Xuân, hay Lụa Nhượng, ghép tên bà với tên con gái hoặc tên chồng bà cho dễ nhớ.
Vườn nhà bà có cây nhót leo giàn, cây ổi cổ thụ, gian gác thượng mái bằng để phơi quả dành dành, có cả máy giặt, không phải để giặt mà để ép, vắt đu đủ cho vào bánh. Người con gái xuân sắc một thời của Đình Bảng nay đã 70 mùa làm bánh phu thê, tóc hoa râm nhưng nét cười tươi như bông hoa dành dành nở trắng. Bóc bánh mời khách, bà tiếc rằng nhà không còn nhiều bánh để bán đủ cho khách, xin khất đến Tết vậy. . .
Bánh phu thê đang là một đặc sản được ưa chuộng, ăn nó không bị ngán vì ngọt quá, cũng không cần ăn nhiều, chỉ một phần tám cặp, hay một phần tư chiếc sau bừa cỗ là đủ .Hà Nội cũng có nhiều nhà làm bánh phu thê, nhiều địa phương khác cũng có. Nhưng nổi bật lên là Đình Bảng, vì giữ được nét chân chất, mang được truyền thống tinh mà lành, ngon mà mát, đẹp mà không đắt, lại tiện đường du khách, gần thủ đô, xuôi nam ngược bắc cũng dễ dàng…
Nếu làm chuyến du hành một ngày lên Kinh Bắc, có thể đến Thổ Hà làm gốm, Vạn Vân nấu rượu, bến Quế Võ Phả Lại, huyện Thuận Thành quê hương Ỷ Lan… rồi ghé Đình Bảng mua ít cặp bánh phu thê mang về Hà Nội làm quà, thật đẹp, thật tiện… Một danh thắng của cả nước, ghi nghìn năm lịch sử với đền thờ tám vị vua nhà Lý, lại có thêm món bánh cổ truyền nổi tiếng. Đình Bảng nườm nượp khách hành hương có lẽ một phần vì thế chăng?
Bánh phu thê Đình Bảng thơm thảo tình nghĩa quê hương các vua Lý
Bánh Phu Thê được tạo nên bởi sự pha trộn tổng hợp giữa những nguyên liệu truyền thống hết sức quen thuộc đối với mỗi người dân đất Việt như: gạo nếp, đỗ xanh, quả dành dành, hạt vừng, hạt sen, đu đủ.
Trong quá trình làm bánh có nhiều công đoạn mà công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỷ mỉ, chu đáo. "Của một đồng công một gánh" cũng không ngoa.
Thuở nhỏ, từng nghe ông bà cha mẹ kể về món bánh độc đáo của làng cổ Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) - nơi sinh ra vương triều Lý hiển hách trong lịch sử dân tộc và nền văn hóa Đại Việt, nhưng lúc bấy giờ tôi đâu được biết hương vị đích thực của món đặc sản ấy thế nào.
Bởi chiến tranh, loạn lạc, đói khổ kéo dài bao nhiêu năm ai còn có điều kiện bày vẽ món bánh cao sang - dân dã.
Mãi đến năm 1995, Rằm tháng Ba (âm lịch) kỷ niệm 985 năm ngày lễ đăng quang vua Lý Thái Tổ (Công Uẩn) - người sáng lập kinh đô Thăng Long, tại đền Đô thờ 8 vị vua Lý lần đầu tiên tôi và các hậu duệ đời 26, 27 của Hoàng Thúc Lý Long Tường từ Hàn Quốc về thăm lại "cố hương" sau 8 thế kỷ đã được thưởng thức đặc sản Phu Thê truyền thống trong không khí tình nghĩa cội nguồn.
Bánh Phu Thê Đình Bảng có gì khác lạ so với các nơi khác trong nước ta? Xin thưa: Nó không gói thành hình tròn, nhỏ, bọc giấy bóng kính trong suốt như của Hà Nội, Huế hay TP Hồ Chí Minh mà có dạng hình vuông, to dẹt, được bao bọc bằng lá dong hoặc lá dừa xanh buộc sợi lạt điều tươi thắm. Bánh Phu Thê Đình Bảng được làm bằng bột nếp chứ không phải bột Hoàng tinh như những vùng quê khác.
Đã thành thói quen "thâm căn cố đế", dù nhiều hay ít ruộng, người Đình Bảng từ bao đời nay vẫn có ý thức dành riêng một vạt ruộng cấy nếp cái hoa vàng. Thứ nếp "Hoa hậu", "Liền chị" này được xay lọc kỹ thành loại bột trắng tinh, mịn mượt hảo hạng. Cứ 10 kg gạo nếp cái hoa vàng thì được 4 kg bột bánh. Thứ bột lọc "trong như ngọc, trắng như ngà" vẫn còn "tươi" không thể đem ra dùng ngay vì như thế bánh sẽ nát mà phải phơi thật khô trong 15 ngày thì làm bánh mới đảm bảo được độ dai, độ dẻo vốn là đặc trưng quan trọng của đặc sản này. Vì vậy, bột bánh phải làm vào mùa hanh khô trong điều kiện ngày nắng, đêm lạnh thì bột sẽ thơm ngon, không bị chua, không bị chảy bánh.
Trong quá trình làm bánh có nhiều công đoạn mà công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỷ mỉ, chu đáo. "Của một đồng công một gánh" cũng không ngoa.
Người ta lấy nước tinh khiết ngâm quả dành dành cho hừng lên màu vàng óng và chưng cất hoa bưởi thành tinh dầu ngát thơm rồi nhào trộn cùng đường kính, sợi đu đủ (đã ngâm phèn, rửa sạch vắt kiệt nước)... theo một tỷ lệ nhất định cho đến khi thật dẻo quánh để làm vỏ bánh.
Nhân bánh được làm bằng đỗ xanh đồ chín giã cho tơi mịn đem xào nhuyễn với đường kính, cùi dừa "bánh tẻ" nạo nhỏ và mứt hạt sen.
Sau khi tạo đủ phẩm lượng, hình thể bánh, người ta mặc cho nó hai lớp "áo lá": lá chuối bên trong, lá dong bên ngoài và điểm xuyết lên đó một sợi lạt đỏ mà dân gian gọi vui là "dây tơ hồng".
Có điều lớp "áo lá" gói bánh Phu Thê phải được lau rửa cho thật sạch và để ráo nước, tước bớt cọng để khi gói bánh được mềm mại. Lá lót trong phải là lá chuối tây luộc chín hong khô có mùi thơm dịu chứ không được dùng lá chuối tiêu. Người ta còn quét lên "áo lá trong" một lớp mỡ để khi bóc bánh không bị dính, lại làm cho bánh có độ ngậy đặc trưng. Với mong cầu hạnh phúc cho lứa đôi và sự sung túc trong gia đình, bánh Phu Thê Đình Bảng được buộc thành từng cặp (người ta kiêng không để lẻ bánh).
Chiếc bánh trông có vẻ đơn giản nhưng chứa đựng trong mình cả một triết lý Á Đông sâu sắc. Nhân bánh hình tròn nằm trong vỏ bánh hình vuông biểu tượng cho vũ trụ "trời tròn - đất vuông", cho quan niệm âm - dương, tình nghĩa vợ chồng gắn bó khăng khít với nhau.
Bánh gói lá xong cho vào nồi luộc. Người nội trợ khéo phải biết tùy cơ ứng biến điều chỉnh ngọn lửa khi nấu để bánh thơm ngon mỹ mãn. Trong vòng 40 phút canh chừng bên bếp lửa thấy bánh phồng căng lên là vừa chín tới thì nhanh tay vớt bánh ra. Sau lần "áo lá" kép tươi xanh dường như là sự hội tụ hài hòa những hương vị quen thuộc từ sản phẩm đồng quê được kết tinh từ tài nghệ chế biến của các "liền chị" trên quê hương Quan họ.
Bánh bóc ra trong suốt, mịn màng như hổ phách. Trên nền màu nắng lụa của vỏ bánh thấp thoáng những "vân mây" sợi đu đủ. Hương thơm như được lan tỏa từ hương bưởi mùa xuân, cánh đồng lúa nếp cái hoa vàng vừa độ tháng mười cộng với vị bùi của đậu xanh và hạt sen, vị béo của cùi dừa, độ giòn sần sật của đu đủ, vị ngọt của đường hòa quyện vào nhau làm thành hương vị rất riêng của bánh. Chỉ nhìn thôi đã thích, chưa nếm đã thèm, nếm rồi nhớ mãi không quên. Ăn miếng bánh người ta nghĩ đến một thú vui ẩm thực tao nhã mà không kém phần cầu kỳ của dân Đình Bảng.
Từ khi đất nước "mở cửa", nghề làm bánh Phu Thê Đình Bảng được khôi phục và có cơ hội phát triển. Nó không chỉ đem lại danh thơm cho làng quê ngàn năm văn hiến mà còn mang lại lợi nhuận thiết thực cho những gia đình kinh doanh đặc sản này.
Đến Đình Bảng thăm những di tích lịch sử của quê hương các vua Lý, nếu du khách muốn thưởng thức bánh Phu Thê hay mua làm quà cho người thân thì lúc nào cũng có thể tìm thấy ở chợ làng, trước cửa Đền Đô và các hàng quán dọc đường...
Món bánh Phu Thê vẫn quý nhưng không còn hiếm nữa vì nó được làm quanh năm.
Những người làm bánh Phu Thê gia truyền nổi tiếng của Đình Bảng cho biết: Su Sê là tiếng gọi chệch của từ Phu Thê (có nghĩa là vợ chồng) bởi bánh thường đi liền từng cặp và là một trong lễ vật không thể thiếu trong đám cưới hỏi của người Kinh Bắc, như một biểu tượng chung thủy của lứa đôi. Tương truyền, khi vua Lý đi đánh giặc, Hoàng hậu ở nhà thấy thương nhớ chồng đi đánh giặc ở phương xa gặp nhiều khó khăn về lương thực nên đã tự tay làm ra chiếc bánh từ loại nếp cái hoa vàng gửi cho chồng nơi chiến trường. Khi vua ăn thấy hương vị thơm ngon như thấm vào từng "chân tơ kẽ tóc" của các giác quan đã đặt tên là bánh phu thê để đề cao tình cảm vợ chồng sắt son.
Dần dần bánh Phu Thê trở thành nét văn hóa đặc trưng Đình Bảng và được dùng trong việc trọng đại của gia đình, họ hàng, làng xã vào những ngày lễ tết cúng tế trời - Phật - Tổ tiên và dịp hội hè đình đám khao đãi khách quý, bạn bè.
Cách làm bánh phu thê xứ Huế đơn giản ngon miệng ngay tại nhà Bánh phu thê là một trong những lễ vật không thể thiếu trong đám cưới của người Việt. Không giống như bánh phu thê miền Bắc và miền Nam, bánh phu thê người Huế đặc trưng bởi chiếc hộp lá dừa xanh bọc bên ngoài và mang một hương vị rất đặc biệt. Khi thưởng thức bánh phu thế xứ Huế, các vị...