Bánh mì Bảy Quang 60 năm không đổi vị, pa tê ăn ‘bao ghiền’
Bánh mì Bảy Quang níu chân thực khách bởi vị pa tê thơm dịu, mềm mịn, độ béo vừa ăn. Suốt 60 năm qua, vị bánh mì vẫn không đổi nên cứ chiều đến rất đông người xếp hàng chờ mua bánh mì “bao ghiền”.
Bánh mì Bảy Quang đã bán được 60 năm ở đường Huỳnh Khương Ninh
VŨ PHƯỢNG
Bánh mì là món ăn quen thuộc với người Sài Gòn. Dọc các tuyến đường lớn, trong hẻm, nội thành hay ngoại thành, người ta đều dễ dàng bắt gặp những xe bánh mì nằm gọn bên lề đường. Có lẽ vì không quá cầu kỳ, lại dễ ăn nên bánh mì được bán cả sáng, trưa, chiều, tối.
Theo thời gian, bánh mì cũng dần được biến tấu thành nhiều kiểu khác nhau để người ăn không bị ngán như: bánh mì khô bò, bánh mì thịt bò nướng, bánh mì phá lấu… Nhưng nhiều người vẫn giữ quan điểm truyền thống, bánh mì ngon nhất là phải ăn kèm với pa tê. Vậy bánh mì pa tê ở đâu ngon nhất?
Xếp hàng mua bánh mì pa tê
Chiều chiều, đi làm về ngang mấy tiệm bánh mì ở đường Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), lúc nào tôi cũng thắc mắc chỉ là bánh mì thôi mà sao người ta xếp hàng đông dữ vậy. Mà ngộ là chiều nào cũng như chiều nào. Cũng không tò mò nhưng tôi nghĩ chắc do tiện đường nên người ta mua nhiều.
Rồi một lần tình cờ, tôi nghe bạn kể có anh bạn Việt kiều Mỹ 10 năm về nước, vừa xuống sân bay thì đón ngay taxi đến đường Huỳnh Khương Ninh mua bánh mì Bảy Quang cho được, vì nhớ hương vị pa-tê ở đây quá. Hôm sau, tôi rủ anh bạn đồng nghiệp của mình đến thử.
Đường Huỳnh Khương Ninh có hai tiệm bánh mì là Bảy Hổ và Bảy Quang, hai tiệm nằm cách nhau chỉ chừng 30 m nhưng tiệm nào cũng đông, khách đến tầm 4 giờ chiều đều phải xếp hàng đợi tới lượt. Nhưng tiệm Bảy Hổ thì đông hơn một chút, lên Google tìm cũng thấy nhiều bài cảm nhận về tiệm này. Còn Bảy Quang thì chưa thấy ai nhận xét, nên hôm nay chúng tôi chỉ ghé tiệm này.
60 năm không đổi vị
Bà Trần Thị Chín (53 tuổi, chủ tiệm) có gương mặt phúc hậu, hiền lành, khách nào tới mua bà cũng cười niềm nở. Phụ bán với bà có chồng, con trai và em gái ruột.
Bà Chín cho biết tên Bảy Quang là tên ông chủ ngày xưa cũng là người trong gia đình bà. Ông là con thứ bảy, tên Quang, nên mở tiệm bánh mì gọi là Bảy Quang.
Bánh mì Bảy Quang mở bán từ 13 giờ chiều mỗi ngày, đến khoảng 17 giờ thì hết
VŨ PHƯỢNG
“Ông già tôi bán từ năm sáu mấy, tôi không nhớ chính xác. Còn vợ chồng tôi đứng bán tới nay là 22 năm. Tới nay là được gần 60 năm. Ban đầu bán ở khúc giao Đinh Tiên Hoàng với Huỳnh Khương Ninh, đối diện bánh cuốn Tây Hồ. Khoảng 3 năm trở lại thì dời vào trong này”, bà Chín kể về lịch sử quán.
Tiệm bánh mì của vợ chồng bà mở bán từ 13 giờ đến khoảng 17 giờ là hết sạch. Ngày nào ế lắm thì tới 19 giờ. Tôi hỏi vì sao lại mở giờ này, bà cười bảo, mở giờ này để cho những người công sở lỡ bữa trưa tiện ăn hoặc ai ăn lót dạ buổi chiều thì ghé. Cả buổi sáng gia đình phải chuẩn bị nguyên liệu nên muốn bán cũng không thể được.
Bà Trần Thị Chín, chủ tiệm rất hiền và mến khách
VŨ PHƯỢNG
Vợ chồng bà đặt ra nguyên tắc bất di bất dịch là tất cả nguyên liệu đều phải tự tay chuẩn bị, từ pa tê, thịt, chả lụa, đồ chua đến sốt bơ… và ngày nào phải bán hết ngày đó, không được để nguyên liệu qua ngày. Bí quyết để bánh mì không đổi vị sau bao nhiêu năm đó là làm theo công thức mà ông Bảy Quang hướng dẫn, không nêm nếm thêm bất kỳ phụ gia nào.
Video đang HOT
Có lẽ vậy mà tiếng lành đồn xa, người này giới thiệu người kia, càng ngày khách tới mua bánh mì của vợ chồng bà ngày càng đông.
Bí quyết pa tê ‘bao ghiền’
Bà Chín chia sẻ: “Bánh mì ngon hay không là ở pa tê. Do vậy, vợ chồng tôi chăm chút tỉ mỉ cho nguyên liệu này. Để 60 năm không đổi vị, chúng tôi nêm nếm đúng tỉ lệ mà người đời trước truyền lại. Ngày nay xuất hiện nhiều phụ gia nhưng chúng tôi không cho thêm bất cứ thứ gì, bột hay gì đó cũng không cho. Nếu ham lợi nhuận mà cho những thứ này vào pa tê đổi vị sẽ không còn thương hiệu gầy dựng bấy lâu nữa”.
Ổ bánh mì không quá to, vừa ăn và rất thơm ngon
VŨ PHƯỢNG
Thật vậy, chỉ với 15.000 đồng/ổ, bánh mì Bảy Quang níu chân thực khách bởi vị pa tê thơm dịu, mềm mịn, độ béo vừa ăn mà không bị ngấy. Khi cắn vào một miếng, lớp pa tê quyện trong ổ mì nóng, giòn rồi tan ở đầu lưỡi tạo nên hương vị tuyệt vời, khiến ai ăn một lần nhớ mãi…
Thú thật, dù là bánh mì 15.000 đồng nhưng hương vị pa tê theo tôi thơm ngon hơn hẳn so với những tiệm bánh mì có giá 35.000 – 40.000 đồng/ổ khác mà tôi cũng thường mua.
Tới đây thì tôi đã hiểu vì sao anh bạn Việt kiều của bạn tôi vừa xuống sân bay đã phải đón taxi đến mua ổ mì.
Sẽ không truyền nghề cho người ngoài!
Ngoài pa tê, miếng thịt thơm, đậm đà, miếng chả lụa thanh ngọt, sốt bơ béo vừa đủ, đồ chua giòn, không quá chua hay úng do mới làm buổi sáng,… tất cả đặt bên trong ổ mì kích thước vừa phải, luôn được hâm nóng làm thực khách vừa đủ no mà không bị ngán.
Nhiều tài xế taxi cũng thường ghé ủng hộ quán quen
VŨ PHƯỢNG
Anh Trần Hồng Đức (46 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) vừa đón con học mẫu giáo về ghé mua bánh mì cho biết: “Tôi ăn ở đây được 5 – 7 năm rồi. Giá bình dân, ngon, dễ ăn. Nhất là pa tê của cô đây làm ngon, không béo lắm, không ngán và lại rất thơm, vừa khẩu vị”. Anh mua cho mình 1 ổ đầy đủ và con trai 1 ổ không ớt.
Người bán đậu hũ ở đối diện đó cũng tâm sự: “Tôi đã bán ở đây được gần hai chục năm rồi. Hồi đó bánh mì Bảy Quang có 3.000 đồng. Tôi hay ăn 2 ổ một lần, hai ổ là 6.000 đồng đó, ăn xong khỏi ăn cơm. Giờ thì 15.000 đồng/ổ, bánh mì ngon lắm, pa tê rất ngon, khách mua cũng đông lắm”.
Chị Nguyễn Như Linh (39 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) thì cho biết do thợ của công ty nhà chị thích ăn bánh mì ở đây vì pa tê ngon mà giá lại rẻ nên chị hay tới mua về cho mọi người ăn xế.
Với công thức làm pa tê gia truyền, ông chủ tiệm bánh mì Bảy Quang cho biết chắc chắn sẽ không truyền nghề cho người ngoài, mà chỉ truyền cho con cái trong gia đình, “mà không biết nó có chịu không”.
Bánh mì Bảy Quang níu chân thực khách bởi vị pa-tê thơm dịu, ăn “bao ghiền”
VŨ PHƯỢNG
Tất cả nguyên liệu đều được làm theo công thức gia truyền
VŨ PHƯỢNG
Bánh mì pa tê Bảy Quang đã tồn tại được 60 năm và chủ hiện tại chỉ có ý định truyền nghề cho con cái trong gia đình
VŨ PHƯỢNG
Theo Thanh Niên
Hà Nội lạnh giá băng mà "triển" ngay loạt bánh nóng hổi vừa thổi vừa ăn này để ăn sáng là "hết sảy"
Có ai lại khước từ cơ hội được ngắm Hà Nội và cầm trong tay chiếc bánh bao, bánh mì hay thử một phần bánh chưng rán ngon lành trong một buổi sáng rét căm căm cơ chứ!
Tuy nói trời lạnh được ngủ nướng là thích nhất, nhưng đợi mãi mới có một đợt lạnh thế này, nếu không ra đường thì... phí quá. Thử nghĩ mà xem, được dậy sớm ra phố, quàng chiếc khăn đã lâu chưa dùng, đội mũ len vừa xinh vừa ấm và ngắm Hà Nội bàng bạc đầy sương cùng chút mưa mới thật hay ho làm sao. Nếu sợ không đủ động lực để "đạp tung chăn" thức dậy thì chỉ cần nghĩ tới bữa sáng với những món bánh ngon lành, nóng "hôi hổi dưới" đây là đủ rồi này!
Bánh bao sữa đậu nóng
Mùa đông năm nay thật hiếm những đợt lạnh buốt thế này, nên cuối tuần rảnh rang, đừng ngại rời khỏi chăn để dậy sớm, ra đường ngắm một Hà Nội thật khác. Loanh quanh thể dục thể thao một chút rồi ăn sáng bằng một phần bánh bao sữa đậu nóng mới thật "chuẩn bài". Bánh bao béo ú vừa bỏ ra khỏi nồi hấp, nóng phỏng tay thơm sực lên mùi bột mới. Véo lấy một miếng vỏ bánh mềm xốp thơm thơm, thấy bên trong lộ ra phần nhân thịt băm, miến mộc nhĩ và trứng bùi ngậy, đậm đà quyến rũ. Vừa ăn vừa hít hà, thêm từng ngụm từng ngụm sữa đậu nành nóng nữa thì ấm vào tận trong lòng.
Bánh bao số 146 Quán Thánh, chợ Ngô Sĩ Liên hay 74 Bát Sứ là những địa chỉ có bán bánh bao ngon cùng sữa đậu nóng hổi được nhiều người ưa thích ở Hà Nội.
Bánh chưng rán
Mùa hè nóng nực thì chỉ cần nghĩ đến bánh chưng rán thôi là đã đủ thấy ngán ngấy. Nhưng gió lạnh về buốt giá đôi bàn tay rồi đó, ngồi bên mâm bánh chưng rán nghe tiếng gạo nếp xèo xèo, lại nhìn thấy đủ thứ topping chả cốm, xúc xích hay giò bên mâm ăn kèm thì khó mà cầm lòng được. Lớp vỏ ngoài rán đến độ giòn rôm rốp, bên trong nóng dẻo, lẫn chút bùi bùi của đỗ và ngầy ngậy từ thịt, thêm đủ vị đậm đà từ topping thì... siêu ngon. Chưa kể, bánh chưng rán lại nhiều năng lượng, ăn một phần thôi là đủ no đến tận trưa.
Buổi sáng, bạn có thể ghé qua dọc quanh khu phố cổ để thưởng thức món này ngay trên mấy xe đẩy rong nhé!
Bánh giò
Bánh giò chẳng phải chỉ mùa lạnh mới có, nhưng trời càng lạnh ăn bánh giò lại càng ngon. Vỏ bánh mềm mướt, thơm mùi bột tẻ cũng chút mùi lá thoảng thoảng, đưa vào miệng là "trôi tuồn tuột". Ấy là còn chưa kể đến nhân mộc nhĩ thịt băm xào lên thật khéo, đậm đà ngầy ngậy sướng cái miệng. Nhưng thế là chưa đủ, người ta còn ăn bánh giò với đủ loại topping từ thịt xiên đến chả cốm, giò hay xúc xích, chỉ nghĩ tới thôi đã thấy muốn dậy để lao đi ăn "ngay tắp lự" rồi!
Buổi sáng Hà Nội có rất nhiều hàng bán bánh giò, chủ yếu là bánh nhân thịt không kèm topping để ăn "nhanh gọn". Nhưng nếu muốn thử bánh giò ăn kèm ú ụ nhân, hãy thử ghé qua chợ Vĩnh Tuy xem sao.
Bánh khúc nóng
Những chiếc bánh khúc tuy mộc mạc đơn giản nhưng lại ẩn chứa nét tinh tế đặc trưng, vẫn được coi là món ăn phải thử khi Hà Nội vào đông. Tuổi thơ chúng ta, ai chẳng từng ít nhất một lần nhại lại theo tiếng rao của những chiếc xe bán bánh khúc rong ruổi khắp phố phường. Với đứa trẻ hồi ấy, bánh khúc là thức quà ngon lành lắm, vừa nóng hổi thơm đặc trưng vị lá khúc, vừa xen chút ngậy béo của thịt mỡ cùng đỗ xanh bùi bùi, xôi deo dẻo. Gọi một phần bánh, cứ đảo qua đảo lại tay này tay kia cho bớt nóng, lại ấm tay rồi mới từ từ thưởng thức, bao nhiêu hương vị thơ bé cứ thế ùa về chẳng dứt.
Bánh khúc Quân số 35 Cầu Gỗ hay bánh khúc Cô Lan 255 Thụy Khuê là hai hàng bánh khúc nổi tiếng vẫn thường được nhắc đến trên các diễn đàn ăn uống.
Bánh mì pate nóng
Bánh mì pate vẫn là bữa sáng cổ điển chẳng bao giờ "thất sủng" ở thủ đô. Vào ngày nhiệt độ chỉ trên dưới 10 độ thế này, hãy tạm quên những chiếc bánh mì có phần pate đông lạnh cắt miếng đi nhé, thử một chút pate được ủ ấm nóng sốt sẽ hợp hơn nhiều đó! Chiếc bánh được nướng cho phần vỏ nóng giòn, quết lên pate mềm tan thơm phức, cắn một miếng thôi là thấy cả người khoan khoái vô cùng.
Hà Nội chỉ có vài ba hàng còn có pate được ủ ấm. Một vài cái tên có thể kể đến là bánh mì Lãn Ông - Chả Cá, bánh mì số 18 Lê Quý Đôn hay số 101 Hoàng Ngọc Phách.
Bánh đúc nóng
Bánh đúc nóng là thức quà chiều quen thuộc với người Hà Nội, nhất là vào những ngày trời lạnh. Nhưng nếu bạn muốn ăn bánh đúc vào buổi sáng thì cũng... chẳng sao. Bát bánh đúc tất nhiên là gồm phần bánh làm từ bột gạo trắng mịn, nhân thịt xào mộc nhĩ giòn giòn đậm đà cùng rau thơm, hành phi. Cuối cùng là thành phần "đỉnh" nhất khiến người ta luôn nhớ thương món ăn này chẳng dứt vào ngày rét mướt, ấy là phần nước hầm xương ngọt dịu bốc hơi nghi ngút, chỉ cần nhìn thôi cũng thấy ấm sực cả người.
Khác với đa số hàng bánh đúc nóng khác, bánh đúc trong chợ Gốc Đề vẫn thường mở sớm nên rất tiện cho các bạn dậy sớm thưởng thức đó nhé!
Theo Trí Thức Trẻ
Bánh mì dân tổ, bánh mì trứng đánh kem ở Hà Nội, bạn đã ăn thử? Khi những cơn gió lạnh tràn về Hà Nội, cũng là lúc những món ngon nóng hổi, cay cay lại lên ngôi. Bánh mì là một trong những thức quà được người dân và du khách săn lùng tìm kiếm. Bánh mì dân tổ: Xe bánh mì với cái tên độc đáo do thực khách đặt, có một không hai lại chỉ mở...