Bác sĩ lý giải vì sao nhiều người trong một nhà cùng bị ung thư đại trực tràng
Nhiều người thắc mắc vì sao trong một gia đình lại có tới gần chục người bị ung thư đại trực tràng như vậy
Mới đây, một gia đình ở Hải Dương có 8 người trong một nhà cùng bị ung thư đại tràng trong đó có 2 người đã qua đời. Mỗi năm Bệnh viện K Trung ương cũng tiếp nhận 2-3 gia đình có nhiều người cùng bị ung thư đại trực tràng, đáng chú ý có gia đình có 9 anh chị em thì 7 người bị ung thư đại trực tràng. Nhiều người thắc mắc vì sao trong một gia đình lại có tới gần chục người bị ung thư đại trực tràng như vậy.
Một bệnh nhân trong gia đình có 7 người bị ung thư đại trực tràng đang điều trị tại bệnh viện
Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng Khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều (Hà Nội) cho biết, đến nay, các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân chính gây bệnh, tuy nhiên có một số nhóm yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh, trong đó có hội chứng di truyền.
Cũng theo tiến sĩ Bình, trong số ít bệnh ung thư có tính di truyền phải kể đến ung thư đại trực tràng. Khoảng 5% người mắc ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền về gene, với hai hội chứng chính hay gặp.
Cụ thể: Hội chứng Lync- ung thư đại trực tràng di truyền không phải đa polyp, thường gặp nhất trong các nhóm bệnh có di truyền ung thư đại trực tràng. Nó chiếm 2-4% tổng số tất cả các ca ung thư đại trực tràng, thường do di truyền sự khiếm khuyến ở một gene MNH1 hoặc MSH2… Tuy nhiên, có thể có sự đột biến ở những gene khác cũng gây hội chứng này.
Nhóm thứ 2 là hội chứng đa polyp có tính chất gia đình, nguyên nhân do đột biến gene APC, gene này có thể di truyền từ bố mẹ sang con. Gene này có vai trò ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến. Nó chiếm khoảng 1% trong tổng số các ca bệnh ung thư mang tính chất gia đình.
Video đang HOT
Tiến sĩ Phạm Văn Bình dẫn trường hợp một gia đình ở Hải Dương. Nhà có 9 anh chị em, 4 con trai và 5 con gái thì đã có tới 7 người mắc ung thư đại tràng; người anh cả đã mất từ lâu, những còn lại đang điều trị, tái khám định kỳ tại Bệnh viện K.
Nếu một người được chẩn đoán ung thư đại trực tràng thì những thành viên khác trong gia đình cũng nên đi kiểm tra, nội soi toàn bộ đại trực tràng.
Theo tiến sĩ Bình, nếu một người đã bị hội chứng đa polyp gia đình thì hầu hết các thành viên trong gia đình đều có khả năng bị.
Do đó, nếu một người được chẩn đoán ung thư đại trực tràng thì những thành viên khác trong gia đình cũng nên đi kiểm tra, nội soi toàn bộ đại trực tràng.
Chuyên gia cũng khuyến cáo, polyp được coi là yếu tố tiền ung thư, yếu tố nguy cơ cao nên khi phát hiện polyp nên nội soi ống mềm toàn bộ đại trực tràng và cắt polyp mục đích chẩn đoán xem polyp lành hay ác tính; nếu tiến triển thành ung thư thì cần có phương án điều trị.
Ngoài ra, nếu trong gia đình chưa có ai bị ung thư đại trực tràng thì từ 40 tuổi trở lên cũng nên nội soi đại trực tràng định kỳ để phát hiện sớm bệnh.
Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, theo chuyên gia phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh: Tăng cường vận động thế chất, hạn chế ăn mỡ, thịt động vật, giảm phần calo, chất béo từ 40% xuống còn 20 – 25%; Tăng cường ăn các chất xơ, hoa quả tươi hàng ngày, hạn chế ăn thức ăn muối, lên men, cá khô, xì dầu, thịt xông khói; Tránh những chất gây đột biến gen nhiễm trong thức ăn như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hạn chế lạm dụng bia rượu và các chất lên men khác.
Theo Danviet
Đi ngoài ra máu báo động ung thư đại trực tràng
Bị đau bụng kéo dài, chán ăn, khó tiêu nhưng do chủ quan nên đến khi thấy những dấu hiệu đi ngoài ra máu, đi lại khó khăn, sút cân, thể trạng ngày càng yếu thì anh Đỗ Xuân Kh. (64 tuổi) trú tại xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam mới đi khám, phát hiện ung thư đại trực tràng.
Tại thời điểm đến BV K, anh Kh. Vẫn bị đau hạ vị, cơ thể gầy yếu chỉ còn 45kg, da xanh, niêm mạc nhạt. Bệnh nhân ăn uống không ngon miệng, khó tiêu, sút 5 - 6kg chỉ trong thời gian rất ngắn. Với thể trạng quá yếu, bệnh nhân ngay lập tức được truyền máu, truyền đạm, kháng sinh nâng đỡ cơ thể.
Sau khi phục hồi, anh Kh. đã được thăm khám, chụp chiếu và làm các chỉ định, xét nghiệm cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư trực tràng thấp và đây là căn nguyên khiến bệnh nhân đi ngoài ra máu, ăn uống kém, gây thiếu máu, suy nhược cơ thể.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân chỉ qua một lỗ rốn, với kích thước 2cm.
Sau khi chăm sóc nâng đỡ thể trạng tốt lên, bệnh nhân được chỉ định điều trị hóa xạ trị tiền phẫu, rồi chuyển về khoa Ngoại Bụng 1 để hội chẩn phẫu thuật.
TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, bệnh viện K cho biết, sau liệu trình xạ trị, kích thước khối u đại tràng của bệnh nhân đã co nhỏ lại. Điều này cho phép các bác sĩ có thể can thiệp cắt bỏ khối u bằng nội soi. Đặc biệt, ứng dụng phẫu thuật nội soi 3D 1 lỗ Trocart giúp giảm đau cho người bệnh, rút ngắn thời gian nằm viện.
Theo đó, để phẫu thuật cho bệnh nhân các bác sĩ sẽ đi qua đường rốn, vì thế sau phẫu thuật bệnh nhân chỉ có 1 vết sẹo rất nhỏ ở vùng rốn, tính thẩm mỹ cao. Quan trọng hơn, phẫu thuật này giúp bệnh nhân không đau, bệnh nhân rút ngắn thời gian nằm viện, giảm đau sau mổ tốt mà vẫn đảm bảo về ung thư học.
Ngày 17/5 kíp phẫu thuật gồm có TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng 1, ThS.BS Hà Hải Nam, Phó trưởng khoa và BS Nguyễn Tiến Bình và kíp gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân Kh. bằng phương pháp phẫu thuật nội soi 3D 1 lỗ cắt cục trực tràng (phẫu thuật Miles).
Để phẫu thuật cho bệnh nhân, các phẫu thuật viên chỉ mở 1 lỗ duy nhất dài khoảng 2cm trên bụng bệnh nhân. Các dụng cụ nội soi được đưa vào trong bụng bệnh nhân chỉ qua 1 lỗ nên gặp khó khăn hơn rất nhiều so với các ca mổ nội soi khác. Tuy nhiên, với sự khéo léo, kinh nghiệm, các bác sĩ đã thực hiện phẫu tích trên bằng dao siêu âm hết sức cẩn trọng, khéo léo tách và cắt mạch máu của trực tràng. Ekip phẫu thuật tiến hành cắt toàn bộ mạch treo trực tràng cho tới sát vùng đáy chậu. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt. bệnh nhân không mất sức, tỉnh táo ngay sau phẫu thuật.
TS Bình cho biết, đây là ca đầu tiên tại BV K ứng dụng kỹ thuật này. Hi vọng kỹ thuật mới này sẽ được áp dụng nhân rộng hơn để nhiều bệnh nhân ung thư được thừa hưởng những ưu điểm vượt trội mà phẫu thuật nội soi trocart 1 lỗ mang lại mà vẫn đảm bảo về ung thư học.
"Bởi ứng dụng nội soi 3D 1 lỗ Trocart mang lại nhiều ưu điểm cho người bệnh, tuy nhiên nó đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải có kinh nghiệm, kỹ thuật tốt, phải sử dụng những dụng cụ phẫu thuật nội soi đặc biệt đi qua các kênh nhỏ của lỗ trocart đó đảm bảo thực hiện phẫu tích tỉ mỉ, chính xác", TS Bình nói.
Hồng Hải
Dân trí
Vì sao nhiều người trong một nhà cùng bị ung thư đại trực tràng Ung thư đại trực tràng là một trong số ít bệnh ung thư có tính di truyền, với hai hội chứng thường gặp là Lync và đa polyp. Tiến sĩ Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K trung ương cơ sở Tân Triều (Hà Nội) cho biết, trong số ít bệnh ung thư có tính di truyền phải kể...