Bà Trương Mỹ Lan thao túng Ngân hàng SCB như thế nào?
Lập hàng nghìn công ty “ma”, tạo ra các khoản vay khống, bà Trương Mỹ Lan đã rút của Ngân hàng SCB gần 200 nghìn tỷ đồng.
Thâu tóm toàn bộ Ngân hàng SCB
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) được thành lập cuối tháng 11/2011, trên cơ sở hợp nhất 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn lớn phục vụ hoạt động của hệ thống công ty cũng như việc liên tục đầu tư, mua các dự án bất động sản, bà Trương Mỹ Lan đã tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của Ngân hàng SCB, trong đó có hoạt động cho vay.
Từ trước thời điểm hợp nhất các ngân hàng trên, bà Lan đã sở hữu phần lớn cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất.
Sau khi hợp nhất, bà Lan nhờ 73 cổ đông đứng tên sở hữu hơn 85,6% cổ phần của Ngân hàng SCB, đồng thời tiếp tục mua và để cá nhân khác đứng tên cổ phần Ngân hàng SCB để tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng này lên hơn 91,5%.
Bà Trương Mỹ Lan cùng cháu gái là Trương Huệ Vân và các đồng phạm (từ trái qua phải)
Để nắm quyền chi phối, điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB, bà Lan đã tuyển chọn, đưa người thân tín, có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của Lan vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt như HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các chi nhánh lớn, Trưởng Ban kiểm soát và trả mức lương cao từ 200 – 500 triệu đồng/tháng, tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB.
Video đang HOT
Bằng thủ đoạn trên, bà Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB như một công cụ tài chính, huy động tiền gửi và vốn từ các nguồn khác, sau đó chỉ đạo rút tiền bằng cách tạo lập các khoản vay khống, phục vụ cho mục đích cá nhân.
Chiêu trò rút tiền ngân hàng
Để rút được tiền từ Ngân hàng SCB, bà Lan đã điều hành, chỉ đạo các cá nhân thân tín tổ chức thành lập nhiều bộ phận, đơn vị, công ty; thuê và sử dụng hàng nghìn cá nhân, câu kết chặt chẽ với nhau, thông đồng với các công ty thẩm định giá, triển khai rút tiền từ SCB.
Theo kết quả điều tra, có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp thuê hoặc nhờ người đứng tên.
Ngoài việc tạo lập các công ty “ma” đứng tên hồ sơ vay vốn, bà Lan còn câu kết và chỉ đạo các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật hoặc được giao quản lý các công ty thực tế có hoạt động kinh doanh như Công ty Lavifood, Công ty CP Đầu tư Times Square, Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty Tường Việt để các công ty này đứng tên vay vốn hoặc tạo lập thêm nhiều công ty “ma”, tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống, rút tiền của ngân hàng.
Mỗi khi cần rút tiền của Ngân hàng SCB, bà Lan chỉ đạo Trương Khánh Hoàng (quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) phối hợp, cấu kết với Nguyễn Phương Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula) và một số lãnh đạo của SCB và các công ty con của Vạn Thịnh Phát, tạo lập hồ sơ, phương án vay vốn khống để hợp thức; đưa các cá nhân được thuê ra đứng tên khoản vay, đứng tên tài sản, đại diện công ty “ma” đến ký vào hồ sơ vay vốn khống, hồ sơ thế chấp, hầu hết là ký vào các tờ giấy trắng đã được đánh dấu sẵn vị trí cần ký.
Các đại diện pháp nhân và cá nhân đứng tên khoản vay đều không được thụ hưởng và sử dụng tiền, không biết mình vay và nợ SCB số tiền đặc biệt lớn.
Hầu hết các khoản vay của bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau. Trên hồ sơ các khoản vay thể hiện thời điểm giải ngân cùng thời điểm ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, nhưng thực tế việc rút tiền tại Ngân hàng SCB đã được thực hiện trước khi hợp đồng tín dụng, thủ tục thế chấp tài sản được hoàn thiện, hợp thức.
Để hợp thức hồ sơ, rút được tiền tại Ngân hàng SCB, bà Lan và các đồng phạm đã dùng nhiều tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá để đưa vào làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay.
Khi cần rút các tài sản có pháp lý, có giá trị để bán hoặc sử dụng cho các mục đích khác, bà Lan chỉ đạo các đồng phạm thực hiện việc hoán đổi, rút các tài sản đảm bảo có giá trị
Hơn 1.000 công ty 'ma' trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát
Hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có hàng nghìn công ty "ma" được bà Trương Mỹ Lan thành lập để đứng tên các khoản vay khống, chuyển nhượng cổ phần, lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án.
Theo kết quả điều tra, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB gần 200 nghìn tỷ đồng.
Để phục vụ cho việc làm phi pháp của mình, bà Trương Mỹ Lan đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp ( gọi tắt là hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát đã thuê nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên đại diện pháp luật các công ty, được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.
Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam gồm: Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt, Công ty CP đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú (Công ty Việt Vĩnh Phú). Trong đó Ngân hàng SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Nhóm khác là các công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn... Đây đều là các công ty có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên như: Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula với vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông) với vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng...
Đặc biệt, kết quả điều tra xác định, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát còn có hàng nghìn công ty không hoạt động sản xuất kinh doanh (công ty "ma") được bà Trương Mỹ Lan thành lập để phục vụ đứng tên các khoản vay khống, chuyển nhượng cổ phần và lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án.
Ngoài ra, bà Trương Mỹ Lan còn xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "nhà đầu tư nước ngoài" để đứng tên cổ phần và quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà này tại nước ngoài.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được thành lập và hoạt động lần đầu vào ngày 19/6/1992. Tính đến tháng 8/2020, tập đoàn này đã trải qua 52 lần thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp, với vốn điều lệ là 13.000 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc là Trương Huệ Vân (cháu gái bà Trương Mỹ Lan).
Tập đoàn có 4 cổ đông chính là: Bà Trương Mỹ Lan với 60% vốn; 2 người con gái của bà Lan là Elizabeth Chu Yuet Han (Chu Duyệt Hằng) và Mary Chu Yuet Fan (Chu Duyệt Phấn), mỗi người sở hữu 10% vốn; Công ty Cổ phần Emerald, đại diện là Trương Huệ Vân sở hữu 20% vốn.
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sở hữu một loạt bất động sản nằm ở vị trí "vàng" tại TP.HCM như Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton, Union Square, khách sạn Thương mại An Đông - Windsor Plaza Hotel, khu căn hộ cao cấp Sherwood Residence.
Ngoài ra, Vạn Thịnh Phát còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: Khu dân cư Bonville Land, Khu dân cư cao cấp Sterling Residence, Khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza, nhà hàng cà phê Central Nguyễn Huệ, nhà hàng Hữu Nghị, nhà hàng Đức Bảo...
Truy tố Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 bị can Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo các đồng phạm hợp thức hóa nhiều hồ sơ để chiếm đoạt của Ngân hàng SCB số tiền hơn 304.096 tỷ đồng, phục vụ cho mục đích cá nhân. Trương Mỹ Lan Ngày 15/12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố Chủ...