Ăn cay có thật sự gây loét dạ dày?
Nhiều người cho rằng thức ăn cay nóng là thủ phạm gây ra loét dạ dày. Các chuyên gia y tế cho rằng điều này không chính xác.
Thức ăn cay có thể gây kích ứng vết loét dạ dày vốn có và làm trầm trọng tình trạng bệnh. Ảnh: quizly.com.
Theo trang MU Health Care, đồ ăn cay bị đổ lỗi là thủ phạm gây ra loét dạ dày. Những người bị đau dạ dày thường được khuyên nên hạn chế ăn đồ cay nóng. Tuy nhiên, vào những năm 1980, lý thuyết đó đã bị bác bỏ, tương tự quan niệm cho rằng stress gây loét dạ dày.
Bác sĩ Matthew Bechtold, chuyên gia tiêu hóa tại MU Health Care, cho biết nguyên nhân chính gây loét dạ dày là một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (H. pylori) và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID).
Thức ăn cay có liên quan loét dạ dày
Hiệp hội Tiêu hóa Mỹ (ACG) cũng nhấn mạnh rằng đồ ăn cay không gây loét dạ dày. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng một số loại thực phẩm nhất định có thể gây kích ứng cho vết loét đã có sẵn, theo Medical News Today.
Mặc dù quan niệm sai lầm về nguyên nhân gây loét dạ dày đã được bác bỏ hơn 30 năm trước, bác sĩ Bechtold cho biết cho đến ngày nay nhiều bệnh nhân vẫn không biết rằng đồ ăn cay không gây hại.
Ông ấy nói: “Họ có xu hướng đổ lỗi cho đồ ăn cay vì những vấn đề của họ.”
Video đang HOT
Một nghiên cứu về capsaicin – thành phần tạo ra vị cay trong ớt – thậm chí cho thấy nó có thể có lợi cho dạ dày. Bác sĩ Bechtold nói: “Capsaicin thực sự kích thích dạ dày sản sinh ra các cơ chế bảo vệ chống lại loét.”
Ông cũng chia sẻ thêm rằng không có bằng chứng nào cho thấy đồ ăn cay gây hại cho các vết loét đã hình thành. Tuy nhiên, nếu đồ ăn cay khiến bạn khó chịu ở vùng bụng, hãy giảm độ cay trong chế độ ăn uống của bạn.
Nguyên nhân gây loét dạ dày
Vi khuẩn H. pylori lây lan qua thực phẩm và nước bị nhiễm bẩn hoặc do điều kiện vệ sinh kém. Nó có thể gây loét dạ dày bằng cách phát triển trong lớp niêm mạc dạ dày, gây viêm và khiến lớp lót dạ dày và đường ruột dễ bị tổn thương bởi axit dạ dày hơn.
Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có thể dẫn đến loét dạ dày bao gồm các thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến như aspirin, ibuprofen và naproxen. Chúng có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và có thể can thiệp với các chất hóa học giúp điều chỉnh lớp màng bảo vệ.
Loét dạ dày do NSAID gây ra có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm hoặc ngừng sử dụng thuốc. Bác sĩ cũng có thể kê toa một loại thuốc uống hàng ngày, chẳng hạn như Prilosec, Pepcid hoặc Cytotec.
Bác sĩ Bechtold khuyên: “Nếu ăn một loại thức ăn nhất định, bất kể cay hay không, gây ra chứng khó tiêu, bạn nên tránh loại thức ăn đó.”
Những người có các triệu chứng bao gồm đau dạ dày dữ dội, sốt, phân có máu, buồn nôn và nôn mửa cần đến kiểm tra về tình trạng loét dạ dày.
Cả nước đã ghi nhận hơn 270.000 ca sốt xuất huyết, dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện khi mắc
Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 108 ca tử vong.
So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 87 trường hợp. Chuyên gia cảnh báo dấu hiệu cần nhập viện khi mắc sốt xuất huyết.
Số mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng
Theo thống kê, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 108 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 87 trường hợp. Riêng trong tuần 42, cả nước ghi nhận 9.677 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (11.260) số mắc giảm 14,1%.
Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Khu vực miền Bắc đã ghi nhận sự gia tăng số mắc và đã có trường hợp tử vong. Dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ nay đến tháng 11.
Tại Hà Nội, theo thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng, đỉnh điểm có thể là tháng 11-12. Các bác sĩ cảnh báo dịch chồng dịch khi thời tiết miền Bắc chuyển mùa, các bệnh dịch khác (COVID-19, virus Adeno, cúm, thủy đậu,...) cũng có nguy cơ bùng phát.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM (Ảnh: P.T)
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, nếu trong tháng 8 số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250.
Các bệnh nhân đến chủ yếu từ các huyện ngoại thành như Đan Phượng, Thường Tín, Hoài Đức, Long Biên,... sau đó lan vào các quận nội thành như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai...
Về tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội thông tin, trong tuần 42 (cập nhật đến ngày 21/10), Hà Nội ghi nhận 1.420 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận/huyện/thị xã. Cộng dồn năm 2022, Hà Nội có 8.199 ca mắc, 5 bệnh nhân tử vong. CDC Hà Nội đánh giá số mắc tăng gấp 3,3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (2.482 mắc, 0 tử vong). Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2, DENV4.
Tại các tỉnh phía Nam, riêng TP. HCM, tính từ đầu năm tới nay đã ghi nhận 66.699 ca bệnh. Chỉ trong tuần 42, TP. HCM ghi nhận gần 2.000 ca bệnh sốt xuất huyết. Dù số ca sốt xuất huyết đang có xu hướng giảm nhưng tính tới hiện nay, số ca mắc đã tăng gấp 7 lần, số ca nặng tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 và đã có 29 ca tử vong.
Sở Y tế TP. HCM đã yêu cầu các cơ sở trên địa bàn Thành phố triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue nặng, nguy kịch có nguy cơ tử vong để kịp thời cứu sống bệnh nhân.
Ngành y tế TP. HCM cũng đã thành lập Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết với 33 thành viên với nhiệm vụ hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; phân tích, rút kinh nghiệm từ các trường hợp nặng, tử vong; tham gia tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí bệnh nhân sốt xuất huyết nặng...
Dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện khi mắc sốt xuất huyết
Các chuyên gia cho hay, người mắc sốt xuất huyết dengue mức độ nhẹ có thể được theo dõi điều trị ngoại trú tại nhà.
Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu, không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo người bệnh phải hết sức chú ý theo dõi, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết, gồm: Vật vã, lừ đừ; đau bụng nhiều; nôn ói nhiều; gan to và đau; chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, nước tiểu ít; xét nghiệm máu thấy thể tích hồng cầu tăng nhưng tiểu cầu giảm nhanh...
Nếu có một trong các dấu hiệu này, người bệnh cần nhập viện để theo dõi điều trị nội trú vì có nguy cơ diễn tiến nặng (vào sốc, xuất huyết nặng, suy đa tạng), thậm chí tử vong nếu không được xử trí điều trị kịp thời. Các dấu hiệu cảnh báo nặng thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.
Không dùng thuốc Aspirin và Ibuprofen cho người bị sốt xuất huyết Tại gia đình, cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không dùng thuốc Aspirin và Ibuprofen hạ sốt với người mắc sốt xuất huyết. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 8 tháng vừa qua Hà Nội ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ...